Trung tâm Thông tin - Thư viện (ĐHQGHN): Sẵn sàng chào đón tân sinh viên

Thứ năm - 15/10/2020 01:42
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN vừa đón khoảng 2.000 tân sinh viên nhập học. Là nơi cung cấp nguồn tài liệu và kiến thức phong phú phục vụ tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên đang học tập, công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Thư viện (LIC) đã có sự chuẩn bị như nào để chào đón các tân sinh viên của USSH? Trang thông tin điện tử USSH đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Vũ Thị Kim Anh xoay quanh nội dung này.
Trung tâm Thông tin - Thư viện (ĐHQGHN): Sẵn sàng chào đón tân sinh viên
Trung tâm Thông tin - Thư viện (ĐHQGHN): Sẵn sàng chào đón tân sinh viên

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Vũ Thị Kim Anh

Lượt truy cập của sinh viên USSH vào thư viện số của LIC cao nhất VNU

Xin bà giới thiệu đôi nét về Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN cùng hệ thống tài liệu liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Trung tâm?

Thành lập từ tháng 2/1997, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Thông tin - Thư viện (Trung tâm) đã trở thành thư viện hàng đầu cả nước. Trung tâm có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ, sản phẩm thông tin - thư viện và tư liệu cho toàn thể cán bộ, giảng viên và người học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trung tâm có hệ thống phòng Dịch vụ Thông tin gồm 4 phòng đặt tại các cơ sở đào tạo, kí túc xá thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: Dịch vụ Thông tin Tổng hợp (số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy); Dịch vụ Thông tin Ngoại ngữ (số 2 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy); Dịch vụ Thông tin Khoa học Tự nhiên và Xã hội nhân văn (số 334 - 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân); Dịch vụ Thông tin Mễ Trì (số182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân).

Sinh viên tra cứu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện

Trung tâm hiện đang quản lý hơn 7.000 m2, trong đó hơn 4.800 m2 là diện tích dành cho khu vực phục vụ bạn đọc và kho tài liệu với hàng ngàn giá sách, hơn 1.200 chỗ ngồi. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ của Trung tâm gồm cụm 15 máy chủ cấu hình cao, hiện đại, hiệu năng lớn; 250 máy trạm cùng hệ thống mạng thông minh với tốc độ kết nối 100/1000 Mbs và 02 hệ thống máy số hóa  Scanrobot 2.0 MDS Treventus; hệ thống thiết bị thư viện thông minh gồm cổng từ, máy nhận trả sách 24/7, máy tự mượn trả sách (self check)...

Về tài liệu in, toàn Trung tâm hiện có 114.000 tên sách (400.000 cuốn), 400 tên tạp chí. Riêng tài liệu số, Trung tâm có 55.000 học liệu số (giáo trình và sách điện tử), 31.000 luận văn, luận án, 2.000 đề tài nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Trung tâm còn có tài liệu số ngoại sinh với 53.000 sách điện tử, 4.100 tạp chí điện tử từ các cơ sở dữ liệu Springer, ScienceDriect, Bookboon, Mgraw-Hill; 10 tài khoản từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (có thể truy cập đến các cơ sở dữ liệu khác).

Riêng tài liệu về các ngành Khoa học Xã hội, Trung tâm có 7.788 file tài liệu số nội sinh (luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học...);  4120  giáo trình, 9.274 tài liệu tham khảo trong cơ sở dữ liệu môn học.

Xét xếp hạng thư viện số tài liệu nội sinh các trường đại học Việt Nam thì Trung tâm đứng thứ nhất (năm 2019), đứng thứ 75 thế giới (tháng 5/2020).

Phòng đọc sách tổng hợp tại Trung tâm Thông tin - Thư viện

Được biết, năm vừa qua, Trung tâm đã có nhiều hoạt động đổi mới như số hóa học liệu, bổ sung sách, tư liệu học tập. Vậy bà có thể cho biết rõ hơn về sự đổi mới này?

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đầu năm 2019, Trung tâm đã tăng cường mạnh mẽ việc phát triển và phục vụ thư viện số. Cụ thể là đẩy mạnh số hóa tài liệu hiện có trong kho sách của Trung tâm và tài liệu thu thập từ các đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu học liệu số (giáo trình, sách tham khảo) cho tất cả các ngành học của 12 đơn vị đào tạo. Nhờ đó, cán bộ, người học Đại học Quốc gia Hà Nội dễ dàng khai thác tài liệu theo từng ngành học, môn học trên máy tính, điện thoại tại bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 để đông đảo cán bộ, giảng viên, người học Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp cận được nguồn học liệu số phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, Trung tâm tích cực giới thiệu, hướng dẫn cán bộ, giảng viên, người học Đại học Quốc gia Hà Nội cài đặt và sử dụng phần mềm đọc sách điện tử bằng app VNU LIC trên thiết bị di động như laptop, điện thoại, máy tính bảng.

Hiệu quả của những hoạt động chính nêu trên là số lượng truy cập thư viện số tăng cao ấn tượng trong năm 2019, đạt 5.524.735 lượt (năm 2018 đạt  2.991.784 lượt), đặc biệt trong đó số lượt truy cập của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cao nhất hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng số là 242.388 lượt, tăng 11.576% so với năm 2018 (2.076 lượt).

Bà đánh giá thế nào về mức độ hài lòng của bạn đọc đối với chất lượng các hoạt động của Trung tâm Thông tin - Thư viện thời gian gần đây?

Cuối năm 2019, Trung tâm đã thực hiện một cuộc khảo sát về lượng tri thức của học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của gần 4.000 người. Kết quả là, 49% tri thức học sinh, sinh viên có được từ thư viện; 40% tri thức tiếp nhận từ giảng viên và 11% là từ các nguồn khác. Về mức độ hài lòng, hơn 90% bạn đọc tham gia khảo sát hài lòng về chất lượng của thư viện.

Hệ thống trả sách tự động tại Trung tâm Thông tin - Thư viện

Tạo điều kiện tốt nhất cho tân sinh viên                                           

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa đón tiếp hơn 2.000 tân sinh viên, Trung tâm Thông tin - Thư viện đã chuẩn bị những gì để đón các em sinh viên này?

Để đón sinh viên khóa QH-2020-X, toàn Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, Trung tâm đã tích cực triển khai các việc sau: Gửi công văn đến tất cả các đơn vị đào tạo từ đầu tháng 7/2020 về việc đề nghị phối hợp thực hiện công tác phục vụ thư viện năm học 2020-2021; chủ động đề xuất làm việc với lãnh đạo tất cả các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội để trao đổi, thống nhất nội dung và quy trình phối hợp thực hiện các hoạt động phục vụ thông tin thư viện, đặc biệt là việc phát triển, quảng bá và phục vụ học liệu số. Trung tâm cũng liên hệ các bộ phận quản lý sinh viên của các trường để thống nhất kế hoạch tổ chức hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất sử dụng thư viện, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy móc thiết bị, mạng internet, chỉnh trang kho tài liệu, cập nhật các nội dung cần thiết đối với học sinh, sinh viên khóa mới lên website đồng thời in 12.000 tờ rơi để phát cho sinh viên năm thứ nhất. Riêng đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trung tâm đã gửi file mềm nội dung này để tích hợp vào Sổ tay sinh viên của nhà trường.

Phòng học nhóm tại Trung tâm Thông tin - Thư viện

Bà có thể nói cụ thể hơn về những ưu đãi dành cho sinh viên mới nhập trường?

Trung tâm dành mọi nguồn lực và tạo mọi điều kiện để cung cấp tài liệu và dịch vụ cho sinh viên. Cụ thể với tài liệu số, sinh viên được cấp tài khoản và có quyền khai thác mọi lúc, mọi nơi tất cả nguồn tài liệu này. Với tài liệu in, mỗi lần sinh viên được mượn 8 cuốn giáo trình (150 ngày/cuốn), 3 cuốn sách tham khảo (10 ngày/cuốn) tại tất cả 4 phòng Dịch vụ Thông tin của Trung tâm.

Sinh viên được sử dụng app VNU LIC cài đặt trên điện thoại thay thế thẻ nhựa để check-in thư viện, thậm chí mượn tài liệu in nếu Trung tâm đã nhận được dữ liệu sinh viên từ đơn vị đào tạo. Và tất nhiên là các em được sử dụng miễn phí không gian thư viện của Trung tâm.

Phòng mượn giáo trình tại Trung tâm Thông tin - Thư viện

Với sự đổi mới và chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, bà kỳ vọng Trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của các em sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như thế nào?

Trung tâm đã rất nỗ lực để đổi mới, tuy nhiên để hiệu quả của những sự đổi mới đó đạt được như mong muốn thì Trung tâm rất cần sự hỗ trợ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác nhiệt tình của trường, trong thời gian tới, số lượt sử dụng thư viện số năm 2020 không chỉ dừng lại ở con số 243.388 lượt như năm 2019. Theo tôi, đồng nghĩa với sự gia tăng này chính là sự đón nhận, sự hài lòng về khả năng đáp ứng nhu cầu của sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng của Trung tâm Thông tin Thư viện. Và điều này chính là niềm vui của chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tham khảo các thông tin về các dịch vụ tại LIC

Tác giả: Đông Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây