Ngôn ngữ
Giáo sư Đỗ Quang Hưng đã có nhiều công lao trong xây dựng các môn học và ngành học ở Việt Nam. Ông tham gia giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam Cận đại cho sinh viên Khoa Lịch sử trong một thời gian khá dài. Khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, ông nhanh chóng xây dựng môn học Tiếp xúc văn hóa Đông Tây ở Việt Nam thời cận đại nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức văn hóa để chủ động hội nhập quốc tế. GS. Trần Quốc Vượng và một số thầy cô khác, trong đó có ông đã xây dựng nên Bộ môn Lịch sử văn hóa Việt Nam (nay là Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam), thuộc Khoa Lịch sử. Ông là một trong ba thầy sáng lập nên Khoa Báo chí và là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Báo chí trong 10 năm. Nhận thấy những vấn đề phức tạp của tôn giáo, ông đã tích cực xây dựng ngành Tôn giáo học Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập nên Viện Tôn giáo Việt Nam, và là Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam trong vòng 10 năm. Trong những năm gần đây ông đang góp công sức xây dựng ngành Chính trị học, và hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị. Sự linh động, sáng tạo và tiên phong trong việc xây dựng các môn học, ngành học, đơn vị đào tạo và nghiên cứu mới bắt nguồn từ sự mẫn cảm với cái mới trong ông và đặc biệt là từ những đòi hỏi thiết thực của đất nước. Ông luôn đề cao tư tưởng thực học, thực nghiệp trong giáo dục và đào tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng
Giáo sư Đỗ Quang Hưng không thể nhớ hết được đã hướng dẫn bao nhiêu sinh viên, học viên làm khóa luận và luận văn tốt nghiệp. Ông đã hướng dẫn được 23 nghiên cứu trong nước và quốc tế (trong đó 2/3 là hướng dẫn độc lập) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử văn hóa, Lịch sử báo chí, Tôn giáo học, Chính trị học… Điều đặc biệt là dù hướng dẫn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh tiếp cận ở hướng nghiên cứu nào, sắc thái sáng tạo nào, thì tư duy sử, chất sử của ông luôn đậm trội trong nội dung các khóa luận, luận văn và luận án của học trò.
Học trò trọng cách ứng xử lịch thiệp, tế nhị, cách ứng xử đậm đà cốt cách người Tràng An trong ông. Ông giảng bài với chất giọng nhẹ nhàng như tính cách và tâm hồn người Hà Nội. Ông không dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, lấy thuộc bài làm trọng, mà hướng học trò tiếp cận những vấn đề mới, khuynh hướng mới, lý thuyết mới, và cách thức thực hiện một nghiên cứu khoa học. Ông truyền được ngọn lửa đam mê khoa học, khơi lên những tiềm năng và sắc thái sáng tạo của học trò qua từng bài giảng. Nguồn kiến thức mà học trò tiếp nhận từ ông thật đa dạng và dồi dào như lịch sử kháng chiến, tư tưởng, chính trị, văn hóa, tôn giáo và xã hội.
Xuất thân từ nghề sử, nhưng những công trình nghiên cứu của GS. Đỗ Quang Hưng không chỉ dừng lại ở sử, mà từ sử ông dấn thân sang các lĩnh vực nghiên cứu khác. Ở lĩnh vực nào ông đều để lại những dấu ấn khoa học sâu đậm. Kiến thức lịch sử vững chắc trở thành bệ đỡ, nền tảng để ông phát huy và sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học khác. Người đọc nhận thấy chất sử và chiều sâu lịch sử trong mỗi công trình khoa học của ông. Từ dòng sông mẹ ông biết khơi nguồn cho những dòng sông tri thức khác tuôn chảy.
GS. Đỗ Quang Hưng nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhưng chuyên sâu về lịch sử Cận đại. Ông là một trong những người sớm nghiên cứu về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra ông còn quan tâm nghiên cứu đến các vấn đề lịch sử khác như tư tưởng, văn hóa, trí thức, công nhân... Ông là nhà sử học đầu tiên khai thác các tài liệu về Quốc tế cộng sản trong các kho lưu trữ ở Pháp và Liên Xô. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ lịch sử về đề tài Chiến lược, chiến thuật của Quốc tế cộng sản trong phong trào cách mạng Việt Nam 1919 - 1945 ở Liên Xô. Ngoài nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí khoa học trong và ngoài nước, ông xuất bản một loạt sách liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam như Công hội đỏ, Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và công đoàn (chủ biên), Lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, Lịch sử báo chí (chủ biên), Lịch sử xuất bản (chủ biên), Tính hiện đại và sự chuyển biến văn hóa Việt Nam hiện đại (chủ biên).
GS. Đỗ Quang Hưng đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu tôn giáo nổi bật. Ngoài nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, ông đã công bố nhiều sách về tôn giáo. Một trong những thành tựu nghiên cứu tôn giáo tiêu biểu của ông là bộ ba cuốn sách: 1. Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn; 2. Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền; 3. Nhà nước, tôn giáo và pháp luật. Bộ ba cuốn sách này có độ dày hơn 1.500 trang, tổng kết các vấn đề lý luận nhận thức tôn giáo và chính sách tôn giáo. Trong đó cuốn Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền mang đậm dấu ấn sử học, lịch sử tư tưởng và nhận thức luận về tôn giáo, quan điểm tôn giáo của các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Ngoài ra còn có một số cuốn sách tôn giáo rất có giá trị khác như Quan hệ Nhà nước, giáo hội và nhà nước pháp quyền; Nghiên cứu tôn giáo nhân vật và sự kiện; Nghiên cứu so sánh đời sống tôn giáo Pháp Việt (chủ biên, sách song ngữ); Hồ Chí Minh với vấn đề dân tộc và tôn giáo; Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ; Công giáo trong mắt tôi; Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Nguyễn về tôn giáo;…
Thần thái chung trong các nghiên cứu tôn giáo của GS. Đỗ Quang Hưng gồm ba vấn đề sau: Một là, nghiên cứu về lý thuyết cơ bản, trong chính là tôn giáo và chính trị (bộ ba sách). Hai là, những vấn đề tôn giáo hiện đại, lý thuyết về tôn giáo học. Ba là, một số vấn đề cụ thể về tôn giáo Việt Nam, đặc biệt là về Công giáo, Tin lành và Phật giáo.
GS. Đỗ Quang Hưng tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Ông là Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo); Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia; Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam… Thông qua các tổ chức này, ông đóng góp nhiều tiếng nói khoa học quan trọng trong việc xây dựng chính sách phát triển đất nước về chính trị, văn hóa, tư tưởng và tôn giáo. Ông tham gia xây dựng Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng năm 2004, Sắc lệnh về Tin lành (Chỉ thị 01 - 2005).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ông chủ động xây dựng các mối quan hệ hợp tác khoa học quốc tế. Chương trình Nhà nước, Tôn giáo và Pháp quyền do ông thiết kế và xây dựng trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Chương trình này được đưa vào một số trường đại học ở châu Âu và Mỹ. Ông là người đặt nền móng cho ngành luật pháp tôn giáo ở Việt Nam. Ông chủ động mời các học giả tôn giáo quốc tế có uy tín đến Việt Nam chia sẻ kiến thức tôn giáo học quốc tế, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn, khách quan hơn về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động giảng dạy, hội thảo khoa học, ông đã tạo lập được kênh thông tin tôn giáo giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới, với mục đích để thế giới hiểu đúng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.
Tiếp nối chương trình trao đổi nhận thức tôn giáo giữa Mỹ và Việt Nam được thiết lập từ năm 2013. Tháng 5/2015, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với trường BYU (Mỹ), Viện liên kết toàn cầu (IGE) tổ chức hội nghị Nhà nước pháp quyền và tôn giáo: Nghiên cứu so sánh luật pháp tôn giáo Việt Nam và Hoa Kỳ tại Washington DC. Tham dự hội nghị ngoài các nhà khoa học còn có đại diện của Quốc hội nước Việt Nam, Hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quan Việt Nam tại Mỹ… Thành công của hội nghị này gắn liền với vai trò kết nối và tổ chức của ông. Việc chủ động thiết lập kênh quan hệ tôn giáo với Mỹ góp phần tăng cường nhận thức chung của hai nước về thực trạng tôn giáo của hai bên. Ông kiên trì đấu tranh với phía Mỹ về tôn giáo nhân quyền, đấu tranh để Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC).
Một bài viết nhỏ không thể nói hết được những đóng góp của GS. Đỗ Quang Hưng về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sức sáng tạo trong ông thật mạnh mẽ. Bút lực của ông thật dồi dào. Khát khao cống hiến cho đất nước thật mãnh liệt. Ông muốn dành thời gian trao truyền lại kiến thức cho cán bộ trẻ; đào tạo, định hướng và nâng đỡ họ trên con đường sáng tạo khoa học. Ông cũng muốn dành thời gian để những ý tưởng khoa học mà ông đang ấp ủ trở thành những công trình khoa học để phục vụ xã hội. Từ mạch nguồn lịch sử dân tộc, ông đã khơi nguồn cho những sắc thái sáng tạo khoa học.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐỖ QUANG HƯNG
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử (1969-1997). Khoa Khoa học Chính trị (2008 đến nay). + Chức vụ quản lý: Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (1998-2007). Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Khoa Lịch sử (1988-1997). Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông 1985-1995. Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị (2008 đến nay).
Chính sách tôn giáo và Nhà nước Pháp quyền, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014. Nhà nước, Tôn giáo và Luật pháp, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014. Tính hiện đại và chuyển biến văn hoá ở Việt Nam thời cận đại, NXB Chính trị quốc gia, 2013. Tôn giáo Tín ngưỡng Thăng Long Hà Nội, NXB Hà Nội, 2012. Quan hệ Giáo hội - Nhà nước và Chính sách tôn giáo, NXB Công an Nhân dân, 2015. |
Tác giả: PGS.TS Trần Viết Nghĩa