PGS.TS. NGƯT Dương Văn Thịnh và những đóng góp cho Khoa Triết học

Thứ ba - 27/10/2015 22:45
Nhiều lần, trong những buổi giao lưu với đông đảo sinh viên ngành Triết học, thầy nói: “Nếu như cuộc đời này được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn nghề giảng dạy Triết học”. Thế đấy, một ngành khoa học khó, khô khan, trừu tượng, song một khi đã bước chân vào thì đam mê khó có thể dứt ra. Với tư cách là những người đi sau, là thế hệ học trò của PGS.TS.NGƯT Dương Văn Thịnh, tôi tin và đồng cảm với những điều thầy nói. Danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú mà Nhà nước trao tặng cho thầy đã tôn vinh, ghi nhận xứng đáng công lao, sự đóng góp quý báu và nhân cách sống của một người thầy theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của nó.
PGS.TS. NGƯT Dương Văn Thịnh và những đóng góp cho Khoa Triết học
PGS.TS. NGƯT Dương Văn Thịnh và những đóng góp cho Khoa Triết học

Sinh ra và lớn lên tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, PGS.TS, NGƯT Dương Văn Thịnh tốt nghiệp Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội ngành Toán học năm 1976. Do yêu cầu của việc đào tạo một ngành khoa học mới – ngành Triết học khi đó, một số cán bộ tốt nghiệp các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã được cử đi học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc để sau này về giảng dạy và đào tạo sinh viên ngành Triết học. Nhà giáo Dương Văn Thịnh là một trong số đó. Thầy được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu 5 và nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1979.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, thầy được cử về công tác tại Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) từ năm 1979 đến nay. Lúc ấy, Khoa Triết học mới thành lập được 3 năm. Thầy là một trong những trụ cột đầu tiên của Khoa, tham gia giảng dạy những lứa sinh viên đầu đàn của ngành Triết học còn non trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Dương Văn Thịnh

PGS.TS Dương Văn Thịnh luôn say mê, tâm huyết với nghề. Tình yêu Triết học đến với thầy lúc nào không hay. Lúc ấy, ngành khoa học mới mẻ, trừu tượng này đã làm cho không ít sinh viên nản lòng. Để cho Khoa Triết còn tồn tại được, giữ được sinh viên ở lại, thầy đã cùng các thế hệ thầy giáo đầu tiên của khoa như PGS.TS.Nguyễn Chí Hiếu, GS.Nguyễn Hữu Vui, GS.Bùi Thanh Quất…hết lòng động viên, khích lệ sinh viên, truyền cho họ ngọn lửa tình yêu Triết học. Năm 1985, thầy được cử đi học nghiên cứu sinh tại Liên xô và đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Triết học tại Liên Xô năm 1990.

Về nước, trở lại ngôi nhà Khoa Triết học, thầy lại dồn hết tâm trí của mình cho sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, truyền đạt những kiến thức quý báu được trang bị từ nước ngoài cho sinh viên. Được học tập chủ nghĩa Mác – Lênin từ những nguyên tác, tiếp thu tri thức khoa học một cách có hệ thống từ một nền giáo dục hiện đại, khi trở về phục vụ đất nước, thầy luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình với ngành, với nghề, với sinh viên, với nền Triết học của nước nhà.  Biết bao thế hệ sinh viên đã được nghe thầy giảng, được tiếp nhận từ thầy một tri thức về chủ nghĩa Mác - Lênin thuần khiết và có hệ thống. Dù cho “vật đổi sao dời”, ở thầy, người ta vẫn thấy lấp lánh một niềm tin về những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác- Lênin khi hướng đến con người và vì hạnh phúc đích thực của con  người.

Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng và sụp đổ, thách thức lớn nhất đã đến với ngành Triết học nói riêng và các môn lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung. Thầy là một trong số những người kiên trung vẫn vững vàng tay lái giúp cho ngành khoa học này trụ vững trước những biến đổi của thời cuộc. Thầy luôn động viên đồng nghiệp sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn để giúp sinh viên hiểu sâu sắc, thấu đáo các vấn đề lý luận, cảm thấy Triết học gần gũi với cuộc sống. Giá trị khoa học và tinh thần nhân đạo của chủ nghĩa Mác- Lênin vẫn luôn là đông cơ, là mục tiêu thôi thúc thầy phấn đấu và dành trọn đam mê cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Triết học của mình.

Trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, PGS. Dương Văn Thịnh là người đã góp phần xây dựng Bộ môn Triết học Mác – Lênin. Đồng thời, sự lớn mạnh, trưởng thành của Khoa Triết học như ngày hôm nay có sự đóng góp công lao không nhỏ của thầy. Triết học là môn khoa học đặc thù, luôn gắn trực tiếp với các vấn đề của thực tiễn, theo sát thực tiễn và chỉ đạo thực tiễn. Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã thấy rõ vai trò của tư duy lý luận trong đời sống xã hội, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.  Khoa Triết học cũng tiến hành đổi mới với sự tiên phong của các thầy, các GS, PGS đầu ngành. Nhiều bộ môn mới được thành lập, rồi sau này tách ra khỏi Khoa Triết học thành những ngành học riêng phát triển mạnh mẽ như Xã hội học, Tâm lý học, Quản lý xã hội… Với những việc làm cụ thể và đầy ý nghĩa, thầy đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển chung của nhà trường.

PGS.TS.NGƯT Dương Văn Thịnh là Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học (1998-2008).

Các thế hệ sinh viên luôn nhớ đến PGS.TS Dương Văn Thịnh như một người thầy mẫu mực, luôn tận tụy, hết lòng. Các bài giảng của thầy bao giờ cũng mang tính chất mô phạm, với những kiến thức phong phú và lôgic chặt chẽ. Những năm tháng học tập tại Liên Xô đã giúp thầy hình thành một tư duy triết học, thu hái được những kiến thức phong phú, bài bản từ một nền giáo dục hiện đại. Trong những bài giảng của mình, thầy truyền cho các thế hệ sinh viên không chỉ kiến thức mà còn là niềm tin, thế giới quan duy vật khoa học và nhân sinh quan cách mạng, giúp hình thành ở họ một quan niệm, lý tưởng sống tích cực. Thầy luôn thể hiện tâm huyết với nghề, luôn trăn trở, sáng tạo trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Dương Văn Thịnh đã nhiều năm tham gia công tác quản lý, đảm nhận cương vị Phó chủ nhiệm Khoa Triết học. Hiện nay thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Triết học Mác – Lênin, một bộ môn lớn và quan trọng của Khoa Triết học.

Các hướng nghiên cứu chính mà thầy đang tiếp tục theo đuổi vẫn là những vấn đề của Triết học Mác – Lênin trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn: những vấn đề trong kinh điển, phép biện chứng mác xít, triết học trong khoa học tự nhiên, những vấn đề chính trị - xã hội của thời đại ngày nay v.v…Đó thực sự là những vấn đề hóc búa mà sự luận giải nó không những cần có tư duy triết học mà còn cần có một phương pháp luận thật sự khoa học, cách mạng và sáng tạo.

Với tất cả niềm đam mê, coi đây là cái “nghiệp” của mình, thầy luôn trăn trở làm sao để có những bài giảng, những giáo trình Triết học có chất lượng tốt nhất cho sinh viên. Thầy đã tích cực viết giáo trình, bài giảng phục vụ cho công tác giảng dạy, trong đó có một số giáo trình quan trọng được sử dụng rộng rãi trong chương trình đào tạo ngành Triết học hệ đại học và sau đại học trong hệ thống giáo dục quốc gia. Ngoài ra, thầy còn có nhiều bài viết, báo cáo khoa học với tư duy triết học sâu sắc, có hệ thống đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, các Kỷ yếu Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

PGS.TS Dương Văn Thịnh là người có uy tín trong chuyên môn, trong tập thể. Thầy luôn quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong bộ môn, trong khoa, đoàn kết giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Thầy còn luôn thận trọng trong cách phát ngôn, trong ứng xử. Thầy tâm sự: dù sao, Triết học vẫn là một môn khoa học rất đặc thù, sự giao thoa, gắn bó chặt chẽ của nó với chính trị là điều hiển nhiên. Người thầy Triết học, không chỉ là người thầy giảng giải về khoa học mà còn có trách nhiệm định hướng cho sinh viên giữ vững niềm tin, sự lạc quan và thái độ sống tích cực. Thầy đã làm tròn bổn phận đó bằng tấm giương, bằng niềm tin, bằng nhân cách sống của chính mình.

Nhiều lần, trong những buổi giao lưu với đông đảo sinh viên ngành Triết học, thầy nói: “Nếu như cuộc đời này được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn nghề giảng dạy Triết học”. Thế đấy, một ngành khoa học khó, khô khan, trừu tượng, song một khi đã bước chân vào thì đam mê khó có thể dứt ra. Với tư cách là những người đi sau, là thế hệ học trò của PGS.TS.NGƯT Dương Văn Thịnh, tôi tin và đồng cảm với những điều thầy nói. Danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú mà Nhà nước trao tặng cho thầy đã tôn vinh, ghi nhận xứng đáng công lao, sự đóng góp quý báu và nhân cách sống của một người thầy theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của nó.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ DƯƠNG VĂN THỊNH

  • Năm sinh: 1950.
  • Quê quán: Đông Anh, Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Toán học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1976.
  • Tốt nghiệp Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc năm 1979.
  • Nhận bằng Tiến sỹ Triết học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia nước Cộng hòa Gruzia (Liên bang Nga) năm 1990.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2007.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.
  • Thời gian công tác tại Trường: từ năm 1979 đến nay.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Triết học.

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Triết học Mác - Lênin (1994-1998; 2008 đến nay).

Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học (1998-2008).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lịch sử phép biện chứng; Kinh điển triết học Mác-Lê nin; Triết học trong khoa học tự nhiên; Công bằng và tiến bộ xã hội; Những vấn đề xã hội trong thời đại ngày nay.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Đề cương bài giảng Triết học Mác – Lênin, phần I (đồng tác giả, chủ biên), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997.

Giáo trình Lịch sử Triết học (viết chung), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

Giáo trình triết học Mác – Lênin (viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

Học thuyết Mác với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam (viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.

Tác giả: PGS.TS. Đặng Thị Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây