Tin tức

Báo chí kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội

Thứ tư - 19/06/2024 00:27
Cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào, công việc của những người làm báo đã tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tác nghiệp tại trường quay của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
Nghề báo luôn nằm trong sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ mỗi mùa tuyển sinh đại học. Hình ảnh những biên tập viên thời sự dẫn chương trình trực tiếp trên sóng truyền hình; những phóng viên hiện trường liên tục đưa các bản tin thời sự nóng hổi về các sự kiện lớn trong và ngoài nước; những chùm bài viết online theo xu hướng multimedia, e-magazine, longform, megastory, ...
… Chất liệu làm nên một nhà báo giỏi
Nghề báo không chỉ chuyển tải sâu sắc các vấn đề xã hội nổi cộm mà còn bắt mắt người xem mà phần nào phản ánh sức hấp dẫn của một nghề nghiệp năng động, giàu sức sáng tạo và giàu tinh thần dấn thân để tạo nên dòng chảy thông tin cuồn cuộn trong đời sống xã hội. Liên tục nhiều năm liền, ngành Báo chí được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN luôn nằm trong top 05 ngành có số lượng hồ sơ đăng ký cao nhất trường.
Trong lòng cái nôi hàng đầu cả nước về các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã đem đến những lợi thế đặc biệt cho sinh viên ngành Báo chí. Những tri thức nền tảng về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, tâm lý, quốc tế... được truyền thụ bài bản.
Điều này tạo nên phông nền kiến thức xã hội chắc và thực hành, chương trình đào tạo cũng chú ý nhiều hơn đến khía cạnh mới của công nghệ truyền thông và đặc điểm công chúng truyền thông hiện đại để xây dựng những môn học mới, cập nhật thực tiễn báo chí như Báo chí dữ liệu (Data Journalism), Mobile Journalism, Multimedia (truyền thông đa phương tiện), …
Báo chí sáng tạo nhiều học phần kiến thức khác như báo chí kinh tế, kỹ năng quản lý báo chí, quản trị truyền thông, báo chí và pháp luật, đạo đức nghề báo, văn hóa báo chí, đặc điểm công chúng truyền thông hiện đại,... được đưa vào chương trình để tạo nên khối kiến thức tổng thể phong phú và toàn diện cho nghề báo.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHGQHN PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (áo xanh)
"Người làm báo có sứ mệnh đặc biệt là kiến tạo nên dòng chảy thông tin trong xã hội, nói lên tiếng nói của sự thật, mang tinh thần phản biện xã hội cao và định hướng dư luận xã hội. Với sứ mệnh ấy, đào tạo báo chí tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hướng tới cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa có đạo đức nghề nghiệp, vừa có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng tác nghiệp báo chí truyền thông đa phương tiện, kỹ năng quản lý báo chí và quản trị truyền thông, để có thể đáp ứng yêu cầu ngày một cao của các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà tuyển dụng" - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết.
PGS.TS.NGƯT Đinh Văn Hường - nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (2001-2011), Giảng viên cao cấp Viện Đào tạo Báo chí - Truyền thông
Một nhà báo có trách nhiệm với xã hội trước hết phải là người có trách nhiệm đối với mỗi câu từ mình viết ra. Những câu từ đó không thể đi ngược lại với các quan điểm, pháp luật hiện hành, không thể gây tổn thương cho cộng đồng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tôn chỉ, mục đích của tòa soạn. Nhiều nhà báo đã không ngại thay đổi, tích cực, say mê học hỏi để trau dồi thêm kiến thức lý luận, kĩ năng nghiệp vụ và đặc biệt là tiếp cận với các công nghệ mới, xu hướng mới của báo chí hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Bởi vậy, trước rất nhiều sự thay đổi của thời đại, cũng như của đời sống báo chí, người làm báo cần thay đổi mình để thích nghi, nhưng vẫn cần giữ vững được "đam mê", “bản lĩnh” và "trách nhiệm" của mình để nuôi dưỡng tình yêu với nghề nghiệp và tự hào về công việc mà mình đã lựa chọn, đóng góp một phần nhỏ bé, có ích cho xã hội – PGS.TS.NGUT Đinh Văn Hường - nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (2001-2011), Giảng viên cao cấp Viện Đào tạo Báo chí - Truyền thông chia sẻ.
Những yếu tố không thể thiếu của nghề Báo trong bối cảnh chuyển đổi số…
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của lĩnh vực báo chí truyền thông, đòi hỏi sự thay đổi trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên ngành báo chí truyền thông để thích ứng với những thách thức và cơ hội mới.
Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐHQGHN - TS. Phan Kiền
Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông TS. Phan Kiền nhấn mạnh: Trong bối cảnh xã hội thông tin, truyền thông trở thành một thiết chế kiến tạo và chi phối dòng chảy thông tin trong xã hội. Chưa bao giờ chúng ta thấy rõ sự phụ thuộc của đời sống con người vào các phương tiện truyền thông như hiện nay. Giữa sự ngổn ngang và phức tạp của các nền tảng truyền thông, báo chí hơn bất kỳ phương tiện nào khác, trở thành nơi đặt niềm tin của công chúng. Giữa các nguồn thông tin đa chiều, thậm chí trái chiều, công chúng sẽ coi báo chí như một nơi để kiểm chứng sự thật. Vì vậy, có thể nói, báo chí hiện nay là công cụ quan trọng nhất để định hướng dư luận xã hội giữa bối cảnh công nghệ truyền thông phát triển theo nhiều chiều hướng phức tạp.
Nói như vậy để thấy vai trò của các cơ sở đào tạo người làm báo hiện nay. Khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nguồn tin và tung lên mạng một thông tin nào đó, thì việc đào tạo người làm báo đủ năng lực, phẩm chất để kiến tạo, định hướng dòng chảy thông tin trong xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, người học được trang bị hệ thống tri thức nền tảng rất vững chắc. Kế thừa truyền thống lâu đời của Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thể nói Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN hiện nay đang có những ngành đào tạo hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây là nền tảng quan trọng tạo ra sự khác biệt của người học báo chí, truyền thông ở trường so với các cơ sở khác trong toàn quốc. Khi có nền tảng tri thức tốt, các phương tiện, công cụ, phương pháp tác nghiệp sẽ chỉ đơn thuần là kỹ năng. Bản lĩnh, vốn sống, đạo đức của một nhà báo được hun đúc bởi kiến thức nền tảng chứ không phải từ các kỹ năng sử dụng phương tiện.
Bên cạnh truyền đạt tri thức với đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, chứng tôi cũng chú trọng cập nhật tri thức hiện đại của truyền thông thế giới, từ đó đổi mới phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, giúp người học cập nhật và tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng, kịp thời. Trong lần cập nhật chương trình mới nhất năm 2023, chương trình đào tạo đại học ngành Báo chí của Viện chúng tôi đã kịp thời đưa môn học "Công nghệ truyền thông số" vào chương trình đào tạo. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới nhất của báo chí truyền thông vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, ...
 TS. Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV
Chia sẻ về dòng chảy báo chí trong thời đại số, TS. Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết thêm: Là người truyền lửa cho những thế hệ nhà báo tương lai, người thầy cần chú ý tới những nội dung quan trọng như: Xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, cung cấp cho người học những kiến thức đa dạng, đa lĩnh vực, đặc biệt là các kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật mới ví dụ như trí tuệ nhân tạo hay học máy. Cần tập trung nhiều hơn vào rèn luyện kỹ năng thực hành nghề bên cạnh những kiến thức lý thuyết hàn lâm nền tảng. Sinh viên cần được đào tạo về sáng tạo nội dung, quản lý dự án và sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại. Đối với giảng viên, cần cập nhật thường xuyên kiến thức về công nghệ và xu hướng báo chí truyền thông mới, để phục vụ công tác giảng dạy.
Giảng viên phải là người đi đầu trong việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để truyền đạt cho sinh viên. Đối với các cơ sở đào tạo, cần thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thông tấn và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để đảm bảo chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo phải phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo cũng cần được quan tâm và đầu tư vào cơ sở vật chất, hệ thống phòng thực hành, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án phát triển chương trình đào tạo để thích ứng với sự phát triển của môi trường truyền thông hiện đại.
Hà Tuấn Minh - sinh viên lớp K67 Báo chí tham gia Festival Báo chí Nhân Văn - sự kiện cắm trại thường niên của sinh viên Viện Đào tạo BC&TT
Chia sẻ về thời gian học tập tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Hà Tuấn Minh - sinh viên lớp K67 Báo chí chia sẻ: quá trình học tập tại Trường ĐH Khoa học Xã hội &Nhân văn nói chung và Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông nói riêng đã cho Minh những tri thức nền tảng không chỉ về kỹ năng nghiệp vụ báo chí mà còn cả kỹ năng học tập, nghiên cứu khoa học - hoạt động thế mạnh của Nhà trường, đồng thời cũng là kỹ năng không thể thiếu khi công tác trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là báo chí, truyền thông. Nhưng, điều đặc biệt nhất mà sinh viên học được khi theo học hệ cử nhân Báo chí không phải nằm ở kiến thức học thuật hay kỹ năng nghề nghiệp mà là một thái độ sống với ngành nghề của mình: một nhà báo, một người làm truyền thông trước tiên phải là một con người chân chính. Trong thời đại quyền lực thông tin lên ngôi thì những người làm công tác báo chí, truyền thông cần lòng nhân ái và tinh thần tự phản biện hơn bất kỳ ai khác để quyền lực trong tay mình có thể giúp đỡ cho cộng đồng một cách thiết thực. Đó là điều tuyệt vời nhất mà cá nhân em và các sinh viên khác học được khi là sinh viên ngành Báo chí của của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
Bày tỏ những cảm xúc khi là học viên thạc sĩ tại Viện Báo, cũng là một phóng viên đang công tác tại tòa soạn báo điện tử tại Hà Nội, bạn Phan Lê Huy cho biết, trong quá trình học đại học tại Viện em đã học được nhiều kiến thức, vậy nên ra trường em vừa đi làm vừa học tiếp thạc sĩ Báo chí. Lê Huy nói, học viên khi học các chương trình thạc sĩ đều được tiếp cận với những tri thức đã học tại bậc cử nhân nhưng ở mức độ sâu hơn, chú trọng hơn vào năng lực phân tích và phản biện. Vẫn những môn học thoạt đầu nghe có nhiều điểm tương đồng với chương trình cử nhân nhưng cách học tập, giảng dạy và tiếp cận vấn đề ở bậc thạc sĩ rất khác, em được bước vào một thế giới học thuật mới mẻ và hấp dẫn.
Thông tin tuyển sinh của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐHQGHN năm 2024:
• Tên ngành: Báo chí
• Mã ngành/CTĐT: QHX01 (chương trình đào tạo chuẩn)
- QHX40 (chương trình đào tạo chất lượng cao)
• Đơn vị đào tạo: Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông
• Tổ hợp xét tuyển:
- QHX01: A01, COO, D01, D04, D78, D83
- QHX40: A01, COO, D01, D78

 

Tác giả: Thùy Dung, Thùy Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây