Tin tức

Ngôn ngữ học – không chỉ là ngành học mà còn là tình yêu và niềm say mê

Thứ ba - 09/07/2024 21:00
Đó là lời tâm sự chân thành của Thuỳ Linh – một người em đồng môn Nhân văn Hà Nội khi hai chị em tôi có dịp trò chuyện về chuyện chọn ngành, chuyện nghề.
image 20240709225747 1
Khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, cử chỉ ân cần, tác phong làm việc chuyên nghiệp là những từ khoá quen thuộc mà đồng nghiệp, bệnh nhân tại Khoa Tai Mũi Họng – BV Nhi TW chia sẻ về Thuỳ Linh
Mỗi năm hè đến, mùa tuyển sinh bắt đầu, cũng là lúc cha mẹ và các em học sinh đứng trước băn khoăn, lo lắng khi phải lựa chọn ngành học nào phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng tài chính của gia đình, đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Hi vọng những chia sẻ về trải nghiệm của Thuỳ Linh sau đây sẽ có thể giúp các em học sinh hiểu thêm về ngành Ngôn ngữ học tại VNU-USSH và tự tin lựa chọn ngành học mà mình yêu thích.

Vũ Thuỳ Linh là cựu sinh viên K52CLC khoa Ngôn Ngữ học, trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN. Em hiện là một nhà âm ngữ trị liệu, công tác tại Đơn nguyên Thính học và Trị liệu ngôn ngữ trẻ em, Khoa Tai Mũi Họng – BV Nhi TW, đồng thời cũng là người đồng sáng lập Trung tâm âm ngữ trị liệu Happy Link. Công việc chính mà Thuỳ Linh đảm nhận là lượng giá, trị liệu ngôn ngữ - lời nói cho trẻ có khó khăn, rối loạn về ngôn ngữ - lời nói; tư vấn đào tạo giáo viên và phụ huynh về điều trị rối loạn ngôn ngữ - lời nói cho trẻ em.


Cơ duyên nào khiến em lựa chọn ngành Ngôn ngữ học?
Thùy Linh: Ban đầu, khi vào trường, ngành học của em là ngành Du lịch học. Khi vào trường, em bắt đầu biết đến các lớp Chất lượng cao (CLC) trong đó có lớp CLC Ngôn ngữ. Vì có cơ hội được chuyển ngành, thi lên lớp CLC, nên em đã chọn CLC Ngôn ngữ. Sự thật, ban đầu em chưa có nhiều hiểu biết về ngành học này cũng như các cơ hội việc làm sẽ có sau này. Em chọn học ngành này phần vì tò mò, phần vì nghĩ học ngôn ngữ có lẽ sẽ giúp mình ăn nói tốt hơn trong tương lai.
Nhưng càng học, càng tìm hiểu, trải nghiệm em mới thấy đây chính là ngành học thực sự thú vị và giúp em phát huy được những năng lực, sở trường của bản thân.
Khi vào học khoa Ngôn ngữ học, tất cả các môn học về ngôn ngữ đều thật sự ấn tượng. Bởi vì nói đến ngôn ngữ mọi người tưởng chừng là học cái mà ai cũng biết, cũng sử dụng hàng ngày. Vậy thì học ngôn ngữ là học cái gì, có gì mới mà học? Nhưng thực sự đấy là những môn học hàn lâm và khó. Vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy và là phương tiện của giao tiếp. Ngôn ngữ học là một trong những môn học, có thể nói là quan trọng nhất trong các môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn, là môn học nền tảng, có liên quan và chi phối nhiều môn học khác.
Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) và một người bạn chụp ảnh cùng GS.TS Đinh Văn Đức nhân dịp về dự Hội thảo khoa học tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV

Trong CTĐT cũng có nhiều môn học khá thú vị, mới mẻ và kích thích trí tò mò của người học như môn ngữ âm học, ngữ dụng học, ngôn ngữ liên văn hóa, ngữ nghĩa học, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ báo chí và truyền thông…. Nhưng các môn học cũng là sự thử thách người học rất lớn bởi đó là những lĩnh vực khoa học về ngôn ngữ, đòi hỏi người học phải nghiên cứu, tìm tòi và hiểu biết về nhiều kiến thức có liên đến đến ngôn ngữ như y học, lịch sử, địa lí, xã hội,..
Sự dìu dắt tận tình của các thầy cô giáo, sự sẻ chia, yêu thương của bạn bè trong lớp, trong khoa đã giúp em không ngừng trưởng thành và trải nghiệm tuyệt vời trong suốt 4 năm học đại học tại Nhân văn Hà Nội.

Nhiều người cho rằng học ngành Ngôn ngữ học hàn lâm và khó tìm việc, em thấy sao về ý kiến này?
Thùy Linh: Em đồng quan điểm khi cho rằng Ngôn ngữ học là bộ môn khoa học hàn lâm (Như em đã nói ở trên). Còn nói về cơ hội xin việc, thì em thấy cơ hội cho các ngành học xã hội là tương đương nhau. Người học Ngôn ngữ học có cơ hội việc làm trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề như liên quan như nghiên cứu, giảng dạy về ngôn ngữ (từ cấp tiểu học đến sau đại học); biên tập viên, phát thanh viên trong các tòa báo, phát triển nội dung, truyền thông đa phương tiện trong các công ty truyền thông; dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và đặc biệt gần đây là việc làm trong lĩnh vực âm ngữ trị liệu – một công việc có nhu cầu ngày càng cao trong xã hội. Sinh viên Ngôn ngữ có cơ hội tìm việc trong nhiều bệnh viện lớn, các phòng khám, các Viện tâm lí – giáo dục, các trung tâm can thiệp, trị liệu… Có thể nói cơ hội tìm việc khá đa dạng. Điều quan trọng là sinh viên cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn cả các kiến thức chung, khả năng ngoại ngữ và các kĩ năng mềm khác.
Thuỳ Linh (đứng ngoài cùng bên trái) chụp cùng các bạn K52 Ngôn ngữ học trong Lễ trao bằng tốt nghiệp đại học

Những kiến thức và kĩ năng được học tại Khoa Ngôn ngữ học có ý nghĩa như nào trong công việc của em hiện tại? Và từ trải nghiệm của bản thân để có cơ hội việc làm tốt theo em sinh viên cần trau dồi những gì khi ngồi trên ghế nhà trường?
Thùy Linh: Thật may công việc hiện tại của em đều liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ, nên những kiến thức chuyên sâu được trang bị khi em học tập tại Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được học giúp ích em khá nhiều và thường xuyên trong công việc. Đặc biệt là những môn học điển hình như ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học, ngữ nghĩa học, ngữ dụng học, ngôn ngữ học xã hội có trong CTĐT ngành Ngôn ngữ học tại Trường ĐHKHXH&NV.
Điều này giúp em có những thành công nhất định và riêng biệt trong công việc trị liệu ngôn ngữ - lời nói so với những người cùng làm trị liệu mà tốt nghiệp chuyên ngành tâm lí, xã hội học.
“Bác sĩ Linh” là cách gọi gần gũi, trìu mến mà các bệnh nhân nhi dành cho Thuỳ Linh mỗi lần đến thăm khám

Ngôn ngữ học là một môn khoa học về xã hội, nên nó vừa khô vừa khó. Chính vì vậy để học tốt các môn ngôn ngữ, người học đã chọn ngành học này thì hãy "yêu" nó, chăm chỉ và có tư duy khoa học khi học. Các môn ngôn ngữ đều có mối liên hệ tương quan khá chặt chẽ vì vậy ngay từ đầu, chúng ta cần nắm được bản chất cốt lõi chung của ngôn ngữ và khoa học về ngôn ngữ học.
Hơn nữa, muốn có cơ hội việc làm tốt liên quan đến chuyên ngành ngôn ngữ, sinh viên cần xác định mục tiêu nghề nghiệp cho mình từ khi kết thúc năm học thứ nhất. Từ năm học thứ 2, các môn chuyên đề sẽ nhiều và cụ thể hơn đến nhiều lĩnh vực. Việc xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp sinh viên lựa chọn, sắp xếp và ưu tiên các môn học phù hợp, cũng như giúp các bạn có mục tiêu để tìm hiểu, nghiên cứu kĩ hơn các môn chuyên ngành của mình. Ví dụ, nếu bạn mong muốn trở thành một người làm âm ngữ trị liệu thì chắc chắn khi là sinh viên, bạn cần nghiên cứu, trau dồi thật tốt các môn học như ngữ âm học, từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngữ pháp học,…Vì chắc chắn những kiến thức bạn học được sẽ giúp ích thiết thực cho công việc sau này của bạn,
Bên cạnh đó, một kĩ năng chung và rất quan trọng, người học cần trau dồi tốt kĩ năng ngoại ngữ để giúp tiếp cận với kho kiến thức khoa học ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ bệnh học trên thế giới, và có cơ hội giao lưu với bạn bè, thầy cô và các chuyên gia trên thế giới.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thuỳ Linh cởi mở chia sẻ: “Trong tương lại, em vẫn mong muốn phát triển hơn nữa việc học tập và công việc chuyên môn của mình. Nếu có cơ hội em vẫn mong được đồng hành cùng Khoa Ngôn ngữ học trường ĐHKXHH&NV, tiếp đón và hỗ trợ các em thực tập sinh đến thực tập và nghiên cứu. Đồng thời cũng sẽ cố gắng tổ chức và tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng, đặc biệt những hoạt động hướng đến trẻ em cần trị liệu về vấn đề ngôn ngữ - lời nói”.
Xin cảm ơn Linh đã chia sẻ thông tin bổ ích về chương trình đào tạo, cũng như cơ hội nghề nghiệp của ngành Ngôn ngữ học - ngành học mà hiện nay nhiều bạn học sinh và phụ huynh đang quan tâm. Chúc Thuỳ Linh ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mà em đã lựa chọn. Ngôi nhà Nhân văn Hà Nội luôn chào đón em và các cựu sinh viên trở về với tư cách là anh chị đi trước, tiếp tục dìu dắt, truyền lửa đam mê với ngành, nghề cho các em sinh viên thế hệ tiếp theo. Và cùng đồng hành với Nhà trường trong rất nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng.  

 

Thông tin tuyển sinh ngành Ngôn ngữ học năm 2024

Tên ngành: Cử nhân Ngôn ngữ học
Mã ngành: QHX10
Chỉ tiêu năm 2024: 80
Tổ hợp xét tuyển: C00, D01, D04, D78
Đơn vị đào tạo: Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV


>>>>> Tin liên quan:
Thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2024
Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 trường ĐHKHXH&NV
- Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội: 
- Ngôn ngữ học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát triển mạnh theo hướng ứng dụng
- Du lịch học tại VNU-USSH: Đào tạo gắn với thực tiễn trong nước và quốc tế
Trường ĐH có chiến lược khi đào tạo ngành Lịch sử để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên
- Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng – Ngành học mới, hiện đại, triển vọng và thiết thực của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức tuyển sinh từ năm 2024
- Sinh viên ngành Ngôn ngữ học: vị trí việc làm đa dạng và cơ hội thăng tiến rộng mở
Sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản tại VNU-USSH nhận học bổng Thu hút tài năng: 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây