Tin tức

Tri thức là nền tảng hàng đầu của người làm báo

Thứ hai - 17/06/2024 22:01
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Cách mạng Báo chí Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024), VNU Media đã có cuộc phỏng vấn với TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN về chương trình đào tạo ngành Báo chí, truyền thông của Viện và những đổi mới của lĩnh vực này trong thời gian qua.
TS Phan Kiền
Viện Trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, TS.Phan Văn Kiền
Được biết, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đang là địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông của đất nước. Vậy Viện trưởng có thể chia sẻ đôi chút về lợi thế đào tạo của Viện?
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, tiền thân là Khoa Báo chí thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nơi đây được coi là cái nôi đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của cả nước. Với nền tảng khoa học cơ bản hàng đầu, cùng đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm và bằng cấp, học viên sẽ được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức toàn diện, nâng cao, hiện đại và đồng bộ về báo chí truyền thông. Theo tôi, tri thức nền tảng là yếu tố quan trọng nhất để một người làm báo có thể đi xa, đi sâu trong các lĩnh vực nghề nghiệp của mình chứ không phải là kỹ năng nghề nghiệp.
Thời gian qua, Viện cũng nhận được các gói đầu tư lớn từ ĐHQGHN cũng như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hệ thống máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành nghề nghiệp của học viên. Bên cạnh đó, Viện cũng liên kết cùng nhiều tập đoàn, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, tòa soạn, … trong việc tuyển dụng nhân sự, từ đó cập nhật thường xuyên các xu hướng công nghệ của ngành báo chí, truyền thông nói chung, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho học viên tại Viện.
Bởi lẽ đó, hai yếu tố trên là lợi thế hàng đầu của Viện trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông của đất nước.

Xin Viện trưởng chia sẻ về vài trò của báo chí hiện nay trong sự nghiệp phát triển đất nước, những đóng góp của hoạt động đào tạo, nghiên cứu báo chí, tạo nguồn lực báo chí chuyên nghiệp ở Viện cho đất nước?
Trong bối cảnh xã hội thông tin, truyền thông trở thành một thiết chế kiến tạo và chi phối dòng chảy thông tin trong xã hội. Chưa bao giờ chúng ta thấy rõ sự phụ thuộc của đời sống con người vào các phương tiện truyền thông như hiện nay. Giữa sự ngổn ngang và phức tạp của các nền tảng truyền thông vừa mới vừa truyền thống, báo chí hơn bất kỳ phương tiện nào khác, trở thành nơi đặt niềm tin của công chúng. Giữa các nguồn thông tin đa chiều, thậm chí trái chiều, công chúng sẽ coi báo chí như một nơi để kiểm chứng sự thật. Vì vậy, có thể nói, báo chí hiện nay là công cụ quan trọng nhất để hướng dẫn dư luận xã hội giữa bối cảnh công nghệ truyền thông phát triển theo nhiều chiều hướng phức tạp.
Nói như vậy để thấy vai trò của các cơ sở đào tạo người làm báo hiện nay. Khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nguồn tin và tung lên mạng một thông tin nào đó, thì việc đào tạo người làm báo đủ năng lực, phẩm chất để kiến tạo, định hướng dòng chảy thông tin trong xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, người học được trang bị hệ thống tri thức nền tảng rất vững chắc. Kế thừa truyền thống lâu đời của Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thể nói Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN hiện nay đang có những ngành đào tạo hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây là nền tảng quan trọng tạo ra sự khác biệt của người học báo chí, truyền thông ở trường so với các cơ sở khác trong toàn quốc. Khi có nền tảng tri thức tốt, các phương tiện, công cụ, phương pháp tác nghiệp sẽ chỉ đơn thuần là kỹ năng. Bản lĩnh, vốn sống, đạo đức của một nhà báo được hun đúc bởi kiến thức nền tảng chứ không phải từ các kỹ năng sử dụng phương tiện.

Bên cạnh truyền đạt tri thức với đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, chứng tôi cũng chú trọng cập nhật tri thức hiện đại của truyền thông thế giới, từ đó đổi mới phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, giúp người học cập nhật và tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng, kịp thời. Trong lần cập nhật chương trình mới nhất năm 2023, chương trình đào tạo đại học ngành Báo chí của Viện chúng tôi đã kịp thời đưa môn học "Công nghệ truyền thông số" vào chương trình đào tạo. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới nhất của báo chí truyền thông vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...
Với truyền thống gần 35 năm giảng dạy và nghiên cứu, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hiện có hệ thống cựu sinh viên, cựu học viên cao học, nghiên cứu sinh ở hầu khắp các cơ quan báo chí lớn nhỏ trên toàn quốc. Hàng trăm cựu người học của Viện đang giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan báo chí này.
Nhiều năm trước, việc đào tạo báo chí vẫn nghiêng về dạy lý thuyết, thầy cô giỏi về lý thuyết nhưng lại ít người có kinh nghiệm thực tế tại các cơ quan báo chí. Những năm gần đây, việc này đã thay đổi thế nào tại Viện, thưa Viện trưởng?
Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Chúng ta lưu ý là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là cơ sở đào tạo bậc đại học chứ không phải là trường nghề. Chỉ có trường nghề mới chỉ chú trọng vào kỹ năng thực tế cho người học để ra trường họ trở thành những người thợ thành thục các kỹ năng nghề nghiệp đơn thuần. Còn đối với trường đại học, lý thuyết mới là yếu tố cốt lõi để đào tạo một người làm nghề bậc cao trong lĩnh vực của mình. Vì vậy, vẻ đẹp của trường đại học là vẻ đẹp của hàn lâm, kinh điển chứ không phải là các kinh nghiệm nghề nghiệp được đúc rút từ thực tiễn, mặc dù, các kinh nghiệm thực tế tại các cơ quan báo chí là điều không thể thiếu trong kỹ năng hoàn chỉnh của một người làm báo.

Bên cạnh đó, đối với ngành báo chí truyền thông, rất khó để có thể có một thứ kinh nghiệm nào đó làm hình mẫu cho một dạng sản phẩm hay loại hình báo chí nào đó. Mỗi sản phẩm, mỗi lần tác nghiệp sẽ cần những kinh nghiệm rất khác nhau và điều này thì không thể giảng dạy được. Vì vậy, trong quan điểm của chúng tôi, yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo người học báo chí truyền thông ở bậc đại học không phải là đào tạo kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp mà là đào tạo ra người có tư duy và sáng tạo trong nghề nghiệp.
Hiển nhiên, tôi không có ý phủ nhận vai trò của các kỹ năng nghề nghiệp trong hoạt động học tập của sinh viên một ngành khoa học có tính ứng dụng cao như ngành báo chí truyền thông. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đào tạo các kiến thức cơ bản sâu và rộng thì các xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại luôn được cập nhật liên tục trong chương trình đào tạo của Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông. Các học phần liên quan đến truyền thông xã hội, truyền thông đa phương tiện, ... đã được cập nhật từ lâu trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của chúng tôi luôn có sự hiện diện của các nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí truyền thông, các chuyên viên, lãnh đạo truyền thông tại các công ty truyền thông lớn. Các thầy cô này phụ trách các học phần liên quan tới kỹ năng nghề nghiệp để người học không chỉ được trang bị lý thuyết, tư duy về nghề nghiệp mà còn được chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp trong thực tế.

Việc đào tạo báo chí, truyền thông là đào tạo bản lĩnh chính trị và đạo đức báo chí trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội, Viện trưởng có đánh giá thế nào về vấn đề này?
Dù có nhiều yếu tố chi phối như các vấn đề về đạo đức, pháp luật, trách nhiệm của nhà báo với công chúng và thời đại vẫn là vấn đề cần được trau dồi cho nhà báo tương lai ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bởi, các kiến thức, kỹ năng làm báo là các yếu tố giúp người làm báo có thể sáng tạo ra tác phẩm phục vụ công chúng. Nhưng yếu tố hun đúc nên bản lĩnh, phẩm chất của một nhà báo chân chính lại là đạo đức nghề nghiệp, sự thấm nhuần vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh truyền thông xã hội đang diễn biến phức tạp, đa chiều như hiện nay.
Vì lẽ đó, bên cạnh kiến thức sâu rộng, bên cạnh kỹ năng tiên tiến thì vấn đề đào tạo pháp luật, đạo đức báo chí cho sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả các cơ sở đào tạo ngành báo chí truyền thông.


Hiện nay có xu hướng “nở rộ” các ngành báo chí, truyền thông ở các cơ sở đào tạo đại học trong cả nước. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành học cao. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi chưa có sự phân biệt rạch ròi trong định hướng nghề nghiệp đối với người học ngành báo chí và người học ngành truyền thông.
Trong khi các ngành báo chí chỉ được phép mở ở các trường công lập, bởi đây là ngành đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, thì các ngành truyền thông nói chung hiện không có giới hạn. Trong khi đó, hiện chưa có sự đồng bộ trong năng lực, kinh nghiệm, quy mô và giảng viên giữa các trường đào tạo ngành báo chí, truyền thông nói chung trong nước.
Đào tạo báo chí, truyền thông là mô hình đào tạo chuyên ngành, liên ngành và xuyên ngành, vậy ở Viện đã thực hiện nó như thế nào, thưa Viện trưởng?
Xu hướng liên ngành, xuyên ngành, đa ngành là xu hướng chung của các ngành khoa học công nghệ hiện nay chứ không chỉ với riêng ngành khoa học nào. Nhưng với ngành báo chí, truyền thông, xu hướng ấy có ảnh hưởng và chi phối rất mạnh mẽ bởi hai nguyên nhân.

Thứ nhất, ngành báo chí truyền thông lệ thuộc rất lớn vào sự phát triển khoa học, công nghệ, trong khi, công nghệ truyền thông lại là sự phức hợp của nhiều ngành khoa học và đang biến đổi từng ngày.
Thứ hai, ở khía cạnh nội dung, ngành báo chí, truyền thông chứa trong nó tính liên ngành, đa ngành rất cao bởi nó gắn với mọi biến động đa chiều của đời sống xã hội. Một người làm báo chuyên nghiệp, thạo nghề không thể chỉ thành thạo các kỹ năng, tri thức nghề nghiệp của ngành báo chí hoặc một ngành riêng lẻ nào. Vì vậy, như đã nói ở trên, tri thức tổng hợp, nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong con đường sự nghiệp của một người làm báo. Và ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, điều này đã được chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập và duy trì cho đến hôm nay.
Trân trọng cảm ơn Viện trưởng Phan Văn Kiền về những chia sẻ này.

Tác giả: VNU Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây