Tin tức

Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng – Ngành học mới, hiện đại, triển vọng và thiết thực của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức tuyển sinh từ năm 2024

Thứ năm - 09/05/2024 10:14
Chương trình đạo tạo cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã chính thức được Đại học Quốc gia phê duyệt ban hành và sẽ tiến hành tuyển sinh trong năm 2024.
Để giúp các em học sinh và các quý phụ huynh hiểu hơn về ngành học mới mẻ và thú vị này, USSH Media đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng) và các thầy cô đang công tác, giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV – đơn vị xây dựng đề án mở ngành và trực tiếp đào tạo ngành học này.
Xin PGS chia sẻ khái quát vì sao Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV có ý tưởng xây dựng CTĐT thú vị và mới mẻ này?
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Trường ĐHKHXH&NV có kinh nghiệm và kế thừa kết quả từ Dự án đào tạo chứng chỉ Biên kịch, Lý luận phê bình điện ảnh (Quỹ Ford, 2005-2012). Việc triển khai thực hiện đề án xây dựng ngành đào tạo bậc cử nhân Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng cũng dựa trên những nghiên cứu và khảo sát thực tiễn rất cẩn trọng về xu hướng vận động của đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đương đại, bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền công nghiệp văn hóa cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng hiện nay.
Việc xây dựng một ngành học mới được trường ĐHKHXH&NV lên ý tưởng và chuẩn bị rất kĩ lưỡng, trải qua quy trình thẩm định, nghiệm thu hết sức nghiêm ngặt. Ngay từ năm 2020, Trường ĐHKHXH&NV đã đưa ngành học mới này vào Quy hoạch ngành, chuyên ngành giai đoạn 2021 – 2025 và đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. Ngay sau đó, Khoa Văn học với vai trò là đầu mối chuyên môn đã tích cực tiến hành xây dựng khung CTĐT; chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật, văn học, giáo dục,... trong và ngoài nước.
PGS.TS.Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM đánh giá cao tính khả thi của CTĐT Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng của VNU-USSH
 
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chương trình Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến tham góp từ các chuyên gia
Điểm mới và khác biệt của CT cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng tại VNU-USSH là hướng đến mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng nghiên cứu, nắm bắt, định hình nền điện ảnh và nghệ thuật đại chúng dân tộc, thúc đẩy những trào lưu điện ảnh/nghệ thuật đại chúng lớn trên thế giới vào Việt Nam và giới thiệu điện ảnh/nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời, có thể tham gia trực tiếp vào đời sống và sự vận động của nền văn hoá đại chúng đương đại, nắm bắt được các hình thái
công chúng và quy luật vận động của thị hiếu nghệ thuật, hoà nhập vào bối cảnh toàn
cầu hoá văn hoá. Đồng thời, trong quá trình học, người học cũng sẽ được trang bị kiến thức, rèn luyện các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng bổ trợ cần thiết liên quan trực tiếp nghề nghiệp thuộc lĩnh vực điện ảnh: đạo diễn, biên kịch, sản xuất, lưu trữ,… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện đại.

Nội dung CTĐT của ngành chú trọng trang bị cho sinh viên những khối kiến thức trọng tâm nào?
TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Phó Trưởng khoa Văn học) cho biết: Trên cở sở tham khảo từ các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới (điển hình là Trường Đại học Truyền thông (College of Media) thuộc Đại học Illinois Urbana - Champgain, Hoa Kì) và thực tiễn đào tạo trong nước, đồng thời bám sát nhu cầu và đòi hỏi về nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật tại Việt Nam, nội dung của CTĐT cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng của VNU-USSH bao gồm khối kiến thức chung, khối kiến thức theo lĩnh vực, khối kiến thức theo khối ngành, theo nhóm ngành và ngành.
Trong đó khối kiến thức theo nhóm ngành và khối kiến thức ngành sẽ bao gồm những học phần trang bị kiến thức trực tiếp liên quan đến lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng đương đại như: Nghệ thuật đại chúng trong thời đại số hóa; Đại cương các thể loại điện ảnh – truyền hình; Đại cương lịch sử điện ảnh thế giới; Văn hóa đại chúng của các quốc gia trên thế giới; Tự sự, thực tế ảo và công nghệ kỹ thuật số; Âm nhạc đại chúng; Nghệ thuật thị giác đương đại; Sân khấu và nghệ thuật trình diễn đương đại; Kịch học điện ảnh trong sáng tạo tác phẩm đa phương tiện; Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh thế giới; Giám tuyển phim và giám tuyển nghệ thuật; Biên kịch điện ảnh; Đạo diễn điện ảnh, dựng phim, quay phim, về Sitcom, phim truyền hình dài tập và truyền hình thực tế; Nghiên cứu, phê bình điện ảnh; Truyền thông nghệ thuật; Quản lý dự án điện ảnh và quỹ điện ảnh; Tổ chức sản xuất và lưu trữ phim;…
Bên cạnh những học phần bắt buộc, sinh viên có thể lựa chọn những học phần rất thú vị theo sở thích, sở trường và thiên hướng nghề nghiệp của mình.
PGS.TS Hoàng Cẩm Giang (giảng viên Khoa Văn học trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ thêm: Khác với mô hình đào tạo truyền thống của những trường chuyên ngành đã có bề dày hoạt động nhiều năm ở Việt Nam với những lĩnh vực mang tính hướng nghiệp chuyên sâu như đạo diễn, quay phim, diễn viên…, chương trình Cử nhân Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng hướng đến việc đào tạo những người lao động có nền tảng kĩ năng viết, có vốn kiến thức nhân văn và liên ngành tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng ở những vị trí như biên kịch, giám tuyển, phê bình, nghiên cứu, lí luận, sáng tạo nội dung số, quản trị dự án điện ảnh và nghệ thuật đại chúng, lưu trữ và khai thác di sản điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Có thể nói, chương trình không lặp lại những chương trình đào tạo đã có mà mở ra một hướng mới trong đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho khoảng trống của thị trường lao động do sự phát triển của điện ảnh gắn với nghệ thuật đại chúng tạo nên. Đó cũng là một cách thiết thực để đóng góp vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hoá mà Đảng và Nhà nước đang có chủ trương thúc đẩy.
Hiện nay xu hướng chung các ngành đào tạo tại Trường ĐHKHXH&NV là tăng cường tính thực hành, vậy xu hướng đó thể hiện như nào trong CTĐT ngành học mới này thưa TS Nguyễn Thị Năm Hoàng?
Một nét nổi bật của CTĐT ngành Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng của Trường ĐHKHXH&NV, ngoài trang bị cho sinh viên những kiến thức bài bản, chuyên sâu về lịch sử, quá trình phát triển, đặc điểm, các trào lưu điện ảnh/nghệ thuật đại chúng lớn trên thế giới và Việt Nam, chúng tôi đặc biệt chú trọng mục tiêu rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng bổ trợ cần thiết liên quan trực tiếp đến điện ảnh và nghệ thuật.
Trong quá trình học tập tại Trường, ngoài các học phần lí thuyết, sinh viên được học những học phần mang tính thực hành cao như: Dựng phim; lý thuyết và thực hành; Chuyển thể kịch bản trong nghệ thuật điện ảnh; Thực hành biên kịch điện ảnh - truyền hình; Quản lý dự án điện ảnh và quỹ điện ảnh; Tổ chức sản xuất, phân phối và lưu trữ phim.
Với hệ thống đối tác rộng lớn của Khoa Văn học và của Trường, sinh viên ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng tại Trường ĐHKHXH&NV có nhiều cơ hội thực hành, thực tập, thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, truyền thông, truyền hình; được trực tiếp tham gia vào các dự án sản xuất các sản phẩm điện ảnh, cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các đạo diễn, biên kịch gạo cội, những nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào đời sống nghệ thuật, công nghiệp văn hóa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV đã quen thuộc với những buổi công chiếu và tọa đàm về phim, về nghệ thuật ngay tại khuôn viên của trường do CLB Điện ảnh, Bộ môn Nghệ thuật học (Trường ĐHKHXH&NV) tổ chức; được gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng như Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang,  Doãn Hoàng Kiên, Việt Vũ và Dương Diệu Linh, Đặng Thái Huyền, nhiều ekip sản xuất của những bộ phim truyền hình nổi tiếng.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ tại buổi công chiếu phim “Tháng Năm, những gương mặt” và “Bao giờ cho đến tháng Mười” giao lưu trực tiếp với sinh viên VNU-USSH
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/news/2021_12/image-20211224091749-1.png
Chuỗi sự kiện “Coming home – ‘Về nhà’ cùng điện ảnh Việt Nam: Những lịch sử nhỏ, những ký ức cá nhân” do CLB Điện ảnh, Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học tổ chức từ 11-22/12/2021 thu hút sự tham gia đông đảo các đạo diễn, nhà làm phim cùng gặp gỡ và chia sẻ với sinh viên Nhà trường
Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức chắc chắn, chuyên sâu mà còn có kĩ năng nghề nghiệp vững vàng để tham gia ngay vào thị trường lao động, đồng thời bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của nền điện ảnh trong nước và thế giới, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Vậy, sinh viên tốt nghiệp từ ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng có thể tìm kiếm việc làm trong những lĩnh vực nào và cơ hội học tập, nâng cao trình độ ra sao?
Với kiến thức và kĩ năng được đào tạo tại Trường ĐHKHXH&NV, cơ hội việc làm người học sau khi tốt nghiệp là rất rộng mở:
- Trở thành các nhà nghiên cứu, phê bình lí luận văn học, điện ảnh, nghệ thuật trong các viện nghiên cứu; cơ quan quản lí văn hoá, nghệ thuật;
- Giảng viên giảng dạy về điện ảnh và nghệ thuật trong các trường đại học, cao đẳng;
- Phóng viên, biên tập viên về văn hoá, nghệ thuật trong các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông;
- Nhà biên kịch điện ảnh – truyền hình, sáng tạo nội dung mang tính chất đại chúng và số hóa (đặc biệt trên trên các nền tảng Internet);
- Nhà sản xuất, phân phối, phát hành, giám tuyển, lưu trữ, theo dõi và quản lí hoạt động văn hóa, điện ảnh và nghệ thuật đại chúng.
Về khả năng học tập nâng cao trình độ, PGS.TS Hoàng Cẩm Giang nhấn mạnh: Với khung chương trình đào tạo vừa mang tính chuyên sâu, vừa hiện đại, cập nhật và có tính liên ngành cao, sau khi tốt nghiệp, người học có thể đăng ký dự thi hoặc xét tuyển vào các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội (chuyên ngành Lý luận và lịch sử điện ảnh, truyền hình; Văn học; Báo chí học; Quan hệ công chúng; Quản trị báo chí truyền thông; Ngôn ngữ học; Việt Nam học; Quốc tế học; Nhân học; Văn hoá học; Quản lý văn hóa) cũng như tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước (về ngành Điện ảnh; Nghệ thuật học và văn hoá đại chúng) theo quy chế tuyển sinh, đào tạo sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, người học cũng có thể đăng ký học tiếp các khoá trung và ngắn hạn về điện ảnh và nghệ thuật đại chúng ngay tại trường ĐHKHXH&NV.
Nhân văn Hà Nội nồng nhiệt chào đón những bạn học sinh đam mê, khám phá những điều mới mẻ và thú vị của lĩnh vực Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng!

Mọi thông tin liên hệ:
- Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, Tầng 3 nhà B, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, ĐT: 02438581165.
- Phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, Phòng 105, Nhà E, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 0862.155.299/0243.858.3957
Email: tuyensinh@ussh.edu.vn
Website: http://tuyensinh.ussh.edu.vn
 
Ngành: Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng
Đơn vị đào tạo: Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tổ hợp xét tuyển: C00, D01, D04, D78
Chỉ tiêu năm 2024: 50

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây