Chủ trì Hội nghị: GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng), PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng), PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo)
PGS.TS. Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo) trình bày công tác đào tạo năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trong đó nêu bật những kết quả đạt được trong công tác đào tạo các bậc từ cử nhân đến tiến sĩ; Điểm mới trong 3 Quy chế đào tạo. Đồng thời báo cáo cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại và giải pháp khắc phục. Trên cở sở kết quả đạt được, báo cáo nêu lên phương hướng và các chỉ tiêu cụ thể công tác đào tạo năm học 2023, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh các hệ, nâng cao vai trò tư vấn tuyển sinh, công tác truyền thông; Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy; Tăng cường công tác quản lý đào tạo sau đại học bằng việc mở rộng sử dụng hệ thống công nghệ thông tin;...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương (phụ trách công tác đào tạo) nhấn mạnh: Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt, với nhiều thử thách từ tình hình dịch bệnh và những thay đổi trong quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN. Trong bối cảnh khó khăn chung đó của toàn ngành, của ĐHQG HN, trường ĐH KHXH&NV vẫn giữ được nhịp hoạt động ổn định và có nhiều thành tựu đáng ghi nhận từ tuyển sinh, đến đào tạo ở tất cả các bậc, các hệ, các ngành. Tuy nhiên trước yêu cầu của tình hình mới, cạnh tranh ngày một gay gắt trong đào tạo và nghiên cứu các ngành KHXH và NV, đặc biệt quy chế đào tạo của ĐHQG HN vừa ban hành với rất nhiều điểm mới, đòi hỏi trường ĐHKHXH&NV cần có những giải pháp đột phá trong công tác đào tạo.
Các ý kiến của đại diện các đơn vị đào tạo trao đổi tại Hội nghị đều nhất trí với những kết quả, điểm mạnh và điểm tồn tại về công tác đào tạo mà Báo cáo nêu ra, đồng thời đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của công tác đào tạo trong thời gian tới. Trong có, tập trung vào một số vấn đề sau:
- Về thể chế, quy trình, chính sách: tính đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, quy trình giám sát chất lượng người học cần chặt chẽ hơn.
- Về CTĐT: Cấu trúc khung chương trình tương ứng chuẩn đầu ra phù hợp với từng ngành; cần tăng tính hội nhập quốc tế, có sự so sánh, có tính khái quát, thể hiện tư duy, theo kịp chuẩn quốc tế.
- Cần có giải pháp để tăng cường đội ngũ nhân sự đủ tiêu chuẩn học hàm, học vị đáp ứng yêu cầu khắt khe khi mở các ngành mới ở bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
- Rà soát sắp xếp lại các ngành và chuyên ngành đào tạo để tận dụng các nguồn lực hiện có.
Đại diện Ban lãnh đạo ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo) đã đánh giá rất cao sáng kiến của trường Nhân văn trong việc tổ chức hội nghị về công tác đào tạo để lắng nghe ý kiến rất xác đáng, thiết thực và tâm huyết của các khoa/bộ môn. Công tác đào tạo là hoạt động then chốt, gắn liền với nghiên cứu, đào tạo phát triển thì tổ chức cán bộ mới phát triển được, có công bố quốc tế. Chính vì vậy Nhà trường cần có định hướng, chiến lược và giải pháp cụ thể về đào tạo trước mắt và lâu dài, trên cơ sở bám sát chiến lược của ĐHQGHN, cập nhật trình độ quốc tế nhưng phải phù hợp với thực tiễn, nhu cầu xã hội và đảm bảo nguyên tắc "chất lượng là then chốt, cốt lõi".
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đào tạo của Nhà trường trong năm 2022
Kết luận Hội nghị, Hiệu trưởng GS.TS.Hoàng Anh Tuấn cảm ơn sự quan tâm và ý kiến chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo ĐHQGHN. Trong thời gian tới, công tác đào tạo của Nhà trường vừa chú trọng phát triển về quy mô nhưng vẫn phải giữ gìn giá trị cốt lõi, chú trọng phát triển chất lượng, khẳng định thương hiệu. Trong đó cần tập trung đầu tư vào con người, phát triển đội ngũ cán bộ trên cả hai lĩnh vực: đa dạng nguồn thu để thu nhập cho cán bộ tăng lên, cán bộ yên tâm công tác; đầu tư, hỗ trợ cán bộ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa học hàm PGS, GS.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn kết luận Hội nghị