Ngôn ngữ
Vừa qua, báo cáo tại giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thực hiện cùng một đợt.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các trường đại học rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển.
Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc xét tuyển sớm đã trở thành thông lệ, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tạo điều kiện để các trường được xét tuyển sớm (sau này tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ là điều kiện cần bổ sung) với cam kết thực hiện rõ ràng, công khai, minh bạch.
Việc xét tuyển sớm vừa có ý nghĩa với cả thí sinh, vừa tạo nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Những học sinh ưu tú sẽ có thời gian để cân nhắc và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất, tốt nhất cho bản thân mình.
Trong khi đó, trường đại học sẽ xem xét thật kỹ được hồ sơ của từng thí sinh, có những bài thi tuyển, đánh giá năng lực riêng, như vậy khâu tuyển sinh được triển khai kỹ càng và hiệu quả hơn.
Vì việc xét tuyển sớm chủ yếu là xét tuyển những học sinh giỏi, thực hiện một cách minh bạch và khách quan, giúp các trường chọn và "giữ chân" được những thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.
Đại học Quốc gia Hà Nội luôn thể hiện trách nhiệm cao trong công tác tuyển sinh, phương thức tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên luôn được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Phương thức xét tuyển sớm sẽ là một trong những phương án rất cần để tạo nguồn đầu vào tốt cho các ngành khoa học cơ bản.
“Và xét tuyển sớm cũng là xu hướng chung của nhiều trường đại học trên thế giới, nhằm không gây quá tải cho hệ thống tuyển sinh của các trường. Ngoài kết quả học bạ, cơ sở đào tạo chủ động kết hợp tổ chức phỏng vấn, tổ chức các bài thi đánh giá năng lực, năng khiếu,… để lựa chọn được thí sinh phù hợp, triển khai tuyển sinh theo hướng này là rất tốt, và phù hợp với Luật Giáo dục đại học.
Nếu yêu cầu không xét tuyển sớm với mọi phương thức tuyển sinh là gây áp lực không cần thiết đối với cơ sở đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên quản lý hành chính một cách cứng nhắc và cần đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định.
Đối với đề xuất loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến chất lượng tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý.
Hiện nay có nhiều phương thức tuyển sinh không chất lượng, không đánh giá được đúng năng lực thí sinh. Bên cạnh đó còn xuất hiện quá nhiều tổ hợp tuyển sinh không cần thiết. Trong khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông một số môn học cũng không thực chất.
Các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh và quá nhiều tổ hợp xét tuyển giống như “vợt” đủ thí sinh, và như vậy không còn học sinh nào trượt đại học.
“Thay vì quản lý hành chính hoạt động tuyển sinh của trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên “cầm trịch” về chất lượng, giảm bớt một số phương thức tuyển sinh không hiệu quả, chỉ đạo trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong thời gian qua để quay lại với những phương thức tuyển sinh cơ bản.Bộ nên sát sao trong vấn đề này, tổ hợp xét tuyển nào tương ứng với ngành học nào cần được Bộ quy định rõ để hoạt động tuyển sinh đạt được chất lượng cao nhất, thay vì “thả nổi” như hiện nay”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.
Tác giả: Phạm Minh (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn