Tại hội nghị, Trưởng ban Kế hoạch Tài chính Phạm Xuân Hoan trình bày báo cáo tổng kết năm 2022 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, công tác tổ chức bộ máy và thực hiện phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ theo tinh thần Nghị quyết, Quy chế tổ chức và hoạt động mới về ĐHQG phù hợp với Luật Giáo dục đại học, các Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện. Một số đơn vị, tổ chức được thành lập mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn.
Về đào tạo, ĐHQGHN đã hoàn thiện mô hình, phương thức, phương pháp đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; Đổi mới cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tài năng và đào tạo tiến sĩ theo chuẩn mực quốc tế; Triển khai thủ tục hành chính một cửa, một hồ sơ trong hỗ trợ sinh viên.
Về khoa học & công nghệ (KH&CN), ĐHQGHN đã hoàn thiện cơ chế quản lý và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc biệt để gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên đầu tư các chính sách phát triển, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, tài năng; nhóm nghiên cứu mạnh; Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động hợp tác phát triển thông qua xây dựng, triển khai các chương trình, dự án lớn và chuyển giao khoa học và công nghệ.
Năm vừa qua, ĐHQGHN đã thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung số hóa học liệu, dữ liệu cán bộ, sinh viên; tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và triển khai đào tạo trực tuyến. ĐHQGHN đã ban hành “Kiến trúc đại học số của Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030 theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0”; ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Đại học số đến năm 2025 tại ĐHQGHN; xây dựng Hướng dẫn về bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu trên các nền tảng công nghệ thông tin của ĐHQGHN; xây dựng, đề xuất Khung ICT đô thị Đại học thông minh của ĐHQGHN tại Hòa Lạc…
ĐHQGHN cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Khu đô thị đại học tại Hòa Lạc, trong đó hình thành khu trung tâm, triển khai tốt các dự án theo kế hoạch, đưa vào sử dụng các hạng mục công trình đã hoàn thành, bước đầu hình thành không gian lõi của dự án đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Năm 2022 đánh dấu sự chuyển mình của Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc khi Cơ quan ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc chính thức làm việc, giảng dạy và học tập tại đây. ĐHQGHN đã thực hiện kế hoạch 300 ngày với nhiều hạng mục công trình được hoàn thành, đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy cho sinh viên, giảng viên.
Năm 2023, ĐHQGHN xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (1) Hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế tự chủ của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc gắn với quản trị đại học theo tiếp cận hiệu quả phù hợp với Nghị định, Quy chế mới về ĐHQG, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật khác có liên quan; tập trung phát triển đội ngũ giảng viên - nhà khoa học, cán bộ khoa học xuất sắc với quy mô, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển ĐHQGHN. (2) Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo. Triển khai các chương trình thu hút, đào tạo nhân tài; các mô hình đào tạo hiện đại theo hướng thúc đẩy liên thông và gắn kết giữa các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN; tổ chức đào tạo và triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ, phục vụ sinh viên, giảng viên tại Hòa Lạc. (3) Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển doanh nghiệp spin-off, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh; tiếp tục thúc đẩy công bố quốc tế; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án lớn và chuyển giao công nghệ, gắn kết với hoạt động hợp tác hướng tới xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hóa. (4) Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học của ĐHQGHN: OneVNU, MyVNU, VNUPortal. (5) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu đô thị đại học tại Hòa Lạc, trong đó tập trung hoàn thành không gian lõi của dự án đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phục vụ tốt hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học tại cơ sở Hòa Lạc; khởi công một số công trình của dự án World Bank. (6) Đa dạng hoá, thực chất hoá các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; xúc tiến hợp tác, phát triển đối tác, thúc đẩy triển khai và khai thác hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm tăng cường trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế và gia tăng nguồn lực phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao vị thế của ĐHQGHN.
Tại hội nghị, Trưởng ban KH&CN Vũ Văn Tích cho biết, ĐHQGHN luôn chú trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương nhằm nâng cao năng lực trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, gắn việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, gắn việc nghiên cứu khoa học với ứng dụng và chuyển giao kết quả vào đời sống phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo 4 nhóm lĩnh vực chính: (1) Khoa học xã hội và nhân văn; (2) Khoa học tự nhiên và y dược; (3) Khoa học công nghệ và kỹ thuật; (4) Khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức chia sẻ, ĐHQGHN liên tục đổi mới về phương thức đào tạo cũng như phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của ĐHQGHN, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động đào tạo trong năm qua phát triển cả về quy mô và chất lượng. Năm 2022 là năm đầu tiên ĐHQGHN xây dựng và ban hành cùng lúc quy chế đào tạo các bậc học của ĐHQGHN đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thắt chặt và nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập của ĐHQGHN với các chuẩn mực quốc tế. Năm học này cũng là lần đầu tiên ĐHQGHN thí điểm mô hình đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ bên cạnh việc mở mới các CTĐT liên ngành, xuyên ngành. Năm vừa qua, ĐHQGHN cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên và người học như: Quy chế làm việc của giảng viên tại ĐHQGHN, chương trình học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản, chương trình học bổng nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ…
Hội nghị cũng lắng nghe những chia sẻ của các đại diện lãnh đạo các trường thành viên, đơn vị trực thuộc về những giải pháp thực hiện thành công nhiệm vụ công tác năm 2023.
Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân biểu dương và chúc mừng các thành tựu của ĐHQGHN trong năm qua. Giám đốc Lê Quân cho rằng, có được những thành tích đó, bên cạnh nỗ lực của tập thể giảng viên, nhà khoa học, học sinh, sinh viên cũng như sự ủng hộ của đội ngũ cựu giáo chức, lãnh đạo, quản lý ĐHQGHN qua các thời kỳ chính là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, sự đồng hành của bạn bè quốc tế, doanh nghiệp và cựu sinh viên.
“Năm 2023, ĐHQGHN quyết tâm đổi mới và phát huy vị thế, vai trò tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng” - Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh.
Trên cơ sở định hướng của Đảng ủy, ĐHQGHN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới.
Thứ nhất là đổi mới công tác quản trị đại học. ĐHQGHN sẽ tổng kết, đánh giá 30 năm tổ chức và hoạt động để tiếp tục hoàn thiện mô hình; tăng cường phân cấp và triển khai cơ chế tự chủ kết hợp với quản trị theo mục tiêu và chuyển đổi số để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thứ hai là duy trì và từng bước nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo trong một số lĩnh vực, đặc biệt là khoa học cơ bản; định hướng tái cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới về tự chủ đại học; triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên chính quy tại Hòa Lạc, trong đó nhấn mạnh giáo dục đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ, nền tảng thể chất và sức khỏe gắn với năng lực hội nhập quốc tế nhằm đổi mới, tạo sự khác biệt và giá trị gia tăng cho sinh viên cũng như khẳng định vai trò, vị thế của ĐHQGHN.
Thứ ba là tập trung đầu tư, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế, làm hạt nhân tăng cường năng lực khoa học và công nghệ của ĐHQGHN; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đưa một số kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế vào đời sống, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư là huy động tổng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công tư và nguồn viện trợ, tài trợ để triển khai kế hoạch xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc xanh, thông minh và bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, lãnh đạo ĐHQGHN đã trao tặng Cờ thi đua cho các đơn vị đặt thành tích xuất sắc dẫn đầu trong năm học 2021 - 2022; Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2022” cho 10 cá nhân, trao Giải thưởng “Nhà giáo triển vọng ĐHQGHN năm 2022” cho 01 cá nhân, trao Giải thưởng “Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2022” cho 02 tập thể và 03 cá nhân. Cùng với đó, các nhà giáo đạt Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2022” được nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN.
Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được tặng Cờ thi đua Đạt thành tích xuất sắc dẫn đầu; TS. Nguyễn Đình Lâm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) vinh dự được nhận Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2022”.