Ngôn ngữ
Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristote từng nói: “Chính nhờ sự ngạc nhiên mà con người, từ thuở ban sơ cũng như bây giờ, đã bắt đầu tư duy triết học”. Sự ngạc nhiên, tò mò, ham hiểu biết sẽ tất yếu đưa con người tới triết học. Và triết học, với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu, là sự kết tinh của những băn khoăn căn bản nhất, những chiêm nghiệm sâu sắc nhất về bản chất của thế giới, xã hội và con người.
Từ tầng sâu bản chất đó, tri thức triết học có thể soi rọi, vận dụng và nghiệm chứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học và đời sống, cung cấp cho người học năng lực phát hiện, đặt câu hỏi, lý giải và trả lời nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội.
Ra đời từ năm 1976, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở hàng đầu cả nước về đào tạo những nhà triết học, nhà lý luận, nhà quản lý, những người có tri thức về bản chất, tầm nhìn chiến lược và tư duy phản biện, có năng lực đặt vấn đề, bắt kịp và dự báo những biến đổi của nhận thức và đời sống xã hội, phục vụ trong các tổ chức chính quyền cũng như các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội khác.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà báo Đỗ Minh Hà - Phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam, cựu sinh viên ngành Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:
Triết học là dạng tri thức lý luận xuất hiện sớm nhất trong lịch sử các loại hình lý luận của nhân loại, tồn tại ở cả nền văn minh phương Đông và phương Tây. Triết học đòi hỏi năng lực tư duy trừu tượng và một phông kiến thức sâu rộng từ cổ đại đến hiện đại, do vậy, nhiều sinh viên khi bắt đầu theo học ngành này cảm thấy e ngại và khó tiếp thu. Kinh nghiệm thực tế học tập và nghiên cứu triết học cho thấy, khối tri thức triết học đồ sộ và trừu tượng đó thực ra có những logic nhất định, kết nối và chồng chất lên nhau.
Nhà báo Đỗ Minh Hà - Phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam, cựu sinh viên ngành Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Vì vậy, thay vì đơn thuần “học gạo”, ôm đồm hay “tầm chương trích cú”, các bạn trẻ cần hướng tới việc xây dựng một nền tảng kiến thức cốt lõi và sự thông hiểu những mối liên hệ cơ bản giữa các tri thức và lĩnh vực triết học. Khi đó, các vấn đề triết học sẽ hiện ra sáng tỏ và đơn giản hơn nhiều, sự phối hợp tri thức triết học với các lĩnh vực kiến thức khác và việc vận dụng triết học vào trong đời sống hiện thực mới thực sự tự nhiên và hiệu quả.
Cụ thể trong trường hợp của chị Minh Hà chia sẻ, để làm một nhà báo tốt phải có kiến thức tổng hợp tốt, tính năng động, khả năng phát hiện vấn đề và nguồn tin, sự chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ và không ngừng học hỏi, kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề. Là nhà báo nữ chuyên viết mảng “nóng” về chống buôn lậu, chị rất cần khả năng lập luận chặt chẽ và xử lý tình huống nhanh nhạy trong mọi hoàn cảnh.
Tất cả những điều kiện để trở thành nhà báo tốt thật ra đều có thể tìm thấy hoặc rèn luyện thông qua triết học, mặc dù từ bề ngoài ngành học này có vẻ rất tĩnh trong khi nghề báo lại rất động, trái ngược với nhau. Từ đó, có thể thấy, khái niệm “trái ngành” sẽ không thực sự tồn tại khi học triết học, vì bất kỳ ngành nghề nào cũng cần tư duy triết học, khả năng phát hiện bản chất, xử lý vấn đề.
Mọi ngành học đều giúp người học phát triển tư duy, nhưng chỉ duy triết học coi năng lực tư duy là mục tiêu đào tạo chính của mình. Chính triết học đã giúp chị Minh Hà có nền tảng về tư duy biện chứng và tư duy logic một cách bài bản nhất. Tư duy triết học giúp chị có thể tham gia nghiên cứu trong ngành Báo chí và ngồi hội đồng phản biện cho nhiều dự án truyền thông cấp Bộ.
“Chính vì vậy, tôi mới nói một số bạn sợ triết học quả thực là lãng phí. Đa số các nhà chính trị, nhà kinh tế lớn đều là những người tìm hiểu rất kỹ về triết học, đặc biệt là Triết học Mác - Lênin. Nhiều cựu sinh viên Khoa Triết học sau khi ra trường hiện giờ rất thành công khi làm việc ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau như Ban Tuyên giáo, quản lý cơ quan nhà nước, kinh doanh, tập đoàn kinh tế lớn, giảng viên, nghiên cứu,...
Còn đối với tôi, làm nhà báo nhiều năm nay, bản thân thấy rằng kỹ năng viết báo, lập luận tình huống, sự nhạy cảm phát hiện vấn đề từ nguồn tin là nhờ tư duy biện chứng đã được học từ ngành Triết học. Đây là kỹ năng quan trọng nhằm vận dụng lý thuyết đã được học vào quy chiếu với vấn đề hiện tại để đưa ra quyết định”, chị Minh Hà chia sẻ.
Hội thảo Khoa học quốc tế "Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại" tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: USSH Media
Thế giới càng biến đổi nhanh chóng thì năng lực tìm kiếm cái bản chất ổn định, gần như là bất biến, xuyên suốt trong từng vấn đề càng trở nên cần thiết. Ngành Triết học ngày càng khẳng định được ý nghĩa của nó. Triết học là một nguồn tài nguyên tinh hoa kiến thức, là nền móng tư duy cho sự lựa chọn công việc sau này của người học.
Vì vậy, ngoài những lý thuyết triết học, người học cần tìm tòi và học hỏi thêm nhiều kiến thức về khoa học, về đời sống xã hội. Sự ứng dụng triết học không phải ở những gì xa xôi hay to tát mà trước hết là trong chính cuộc sống của mình, như chính ông tổ của triết học phương Tây Socrates đã nói: “Một cuộc đời không được suy xét thì không đáng sống".
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang - Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Để người học cảm thấy hứng thú hơn và bớt e dè với ngành Triết học, thứ nhất, từ phía người dạy, các giảng viên của Khoa Triết học nói riêng và ngành Triết học nói chung luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá học phần.
Nếu chúng ta chỉ kiểm tra theo hình thức thuộc lòng kiến thức thì người học sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và thiếu hấp dẫn. Thay vào đó, giảng viên nên khơi gợi, đi sâu hơn vào những vấn đề thực tiễn, nội dung gần gũi với vốn hiểu biết của các bạn sinh viên hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ vào bài giảng cũng là một cách thức giúp tạo ấn tượng hơn trong quá trình truyền đạt kiến thức giảng dạy của mình.
Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang - Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Thứ hai, về phía người học, do đặc thù của ngành học lý luận, sinh viên mong muốn bớt sợ môn này thì cần có ý thức trau dồi thêm kiến thức và sự hiểu biết xã hội. Sở dĩ người học cảm thấy chán nản là bởi chưa biết cách vận dụng vấn đề thực tiễn vào bài học như các hoạt động chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội,... vẫn luôn tồn tại và vận động xung quanh chúng ta. Triết học cung cấp cách nhìn, cung cấp phương pháp tư duy giải quyết vấn đề chứ không trực tiếp đưa ra lời giải cho các vấn đề hiện thực.
Vì lẽ đó, nếu người học không chịu quan sát, không tập tư duy mà chỉ trông chờ vào việc áp dụng công thức cho sẵn để giải quyết vấn đề ngay lập tức thì sẽ chẳng thu được kết quả gì, thậm chí phản tác dụng và nhanh chóng chán chường. Triết học cần có thời gian rèn tập, thẩm thấu. Vì vậy, người học triết học thật sự cần có năng lực tự học, cầu thị và kiên trì.
Về vấn đề đầu ra, Tiến sĩ Cao Nguyên – Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1 cho hay: Các cơ sở giáo dục hiện nay tuyển dụng rất nhiều cựu sinh viên ngành Triết học trên cả nước, đặc biệt là người học tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về làm việc ở cả công tác giảng dạy (trợ giảng, giảng viên) cũng như công tác hành chính (Văn phòng Đảng ủy, phòng Quản lý và đào tạo, phòng Tổ chức cán bộ,...).
Xét trên mặt bằng chung khi so sánh tương quan, Khoa Triết học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một đơn vị uy tín, yên tâm về chất lượng. Sinh viên trưởng thành từ Khoa Triết học có ưu điểm là trình độ chuyên môn vừa rộng vừa sâu, kiến thức nền tảng tốt, tính kỷ luật cao. Đồng thời, trong thời đại ngày càng phát triển, các em còn được trau dồi những kỹ năng mềm phục vụ cho công việc, vì thế có thể nhanh chóng tiếp cận, thích ứng linh hoạt với công việc.
Hội thảo quốc tế "Trần Đức Thảo - Một số vấn đề triết học và lịch sử" tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC
Tiến sĩ Nguyên cũng cho rằng, Triết học là một ngành khoa học cơ bản, thiên về lý thuyết nên khả năng tư duy và nghiên cứu sẵn có của người học là tương đối tốt. Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới tham gia vào công tác giảng dạy, các em cũng cần rèn luyện thêm ở những lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, để phát huy tốt những lợi thế của mình.
“Với góc nhìn của một người có nhiều năm giảng dạy ngành Triết học, tôi cho rằng sinh viên học ngành này ra trường có thể làm được đa dạng ngành nghề. Nhờ những kiến thức nền tảng, tư duy triết học đem lại, các em có thể ứng dụng vào công việc và cuộc sống, đạt nhiều thành công, không chỉ là làm đúng ngành, mà làm cả những ngành gần, ngành có liên quan”, Tiến sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Chia sẻ về những yêu cầu cần có để đáp ứng được công việc, thầy Nguyên cho hay: Thứ nhất, trong những năm trên trường học, các em sinh viên phải dành thời gian nghiên cứu về những kiến thức chuyên môn. Việc đào sâu suy nghĩ và chịu khó đọc, rèn luyện và nghiên cứu sẽ giúp chúng ta có một phông nền kiến thức cơ bản, rộng mở và sâu sắc.
Thứ hai, các đơn vị đào tạo nên khảo sát về mong muốn nghề nghiệp cho người học, xem sinh viên mong muốn làm việc ở lĩnh vực, đơn vị nào. Từ đó, nhà trường đi sâu vào nguyện vọng của các em để có những định hướng đúng đắn, hỗ trợ sinh viên kết nối với đơn vị tuyển dụng lao động để các em được tham quan, thực tập, làm thêm, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra.
Bên cạnh những hoạt động chung ở các buổi tư vấn, hướng nghiệp, tuyển dụng của toàn trường, cơ sở đào tạo nên hỗ trợ kết nối việc làm cho các em sinh viên ngay từ cấp bộ môn và khoa. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho tất cả các đối tượng sinh viên, thay vì chỉ thu hẹp dựa vào mối liên hệ riêng của mỗi cá nhân người học với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tuyển dụng.
Lễ bảo vệ Khoá luận tốt nghiệp của Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang, đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ngành Triết học rất đa dạng. Nhiều năm trở lại đây, cựu sinh viên tham gia trong các công tác giảng dạy từ khối phổ thông đến đại học, trong công tác nghiên cứu, ở cả khu vực tư và công như Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan thông tấn báo chí,...
Chẳng hạn, trong quá trình làm việc và trao đổi với Tập đoàn FPT, thầy Phạm Hoàng Giang cho biết tổ chức này có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có năng lực xử lý, giải quyết vấn đề trong công việc, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm. Vì vậy, người học tốt nghiệp ngành Triết học mang thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ có thể ứng tuyển ở các vị trí như cố vấn, thư ký, tổ chức kế hoạch,...
Quan trọng là người học phải biết vận dụng những kiến thức trừu tượng từ ngành Triết học vào các công việc cụ thể bằng khả năng quan sát, khái quát vấn đề, nhìn ra bản chất cốt lõi, tư duy phản biện, thuyết trình hùng biện trước vô vàn những hiện tượng cuộc sống. Có được năng lực ấy thì khối kiến thức khổng lồ và bao quát đông tây kim cổ của triết học sẽ là kho tàng tri thức quý báu mà người học có thể dần trải nghiệm, tiếp thu và chuyển hóa thành những kinh nghiệm trong đời sống, công việc của mình.
Từ năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản. Thực hiện chính sách đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ban hành quy định về tiêu chí xét học bổng “Thu hút tài năng cho ngành khoa học cơ bản”, trong đó có ngành Triết học.Theo đó, sinh viên có thể nhận học bổng ngay từ học kỳ đầu tiên vào Khoa Triết học nếu đáp ứng các tiêu chí về kết quả xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào trường thuộc tất cả các phương thức, có hạnh kiểm tốt và có kết quả học tập loại Khá trở lên trong suốt 3 năm trung học phổ thông. Đối với sinh viên từ học kỳ 2 năm thứ nhất trở đi, học bổng được xét căn cứ trên kết quả học tập của kỳ trước đó với điều kiện sinh viên phải hoàn thành số tín chỉ tối thiểu theo quy định.
Các giảng viên và sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia hoạt động ngoại khoá. Ảnh: NVCC.
Cụ thể mức học bổng như sau: Ngoài việc được nhận một khoản học bổng bằng mức học phí quy định theo từng năm học, sinh viên còn được hỗ trợ sinh hoạt phí 2.000.000 đồng/tháng và được ưu tiên bố trí chỗ ở miễn phí trong ký túc xá. Bên cạnh đó, sinh viên đã nhận học bổng “Thu hút tài năng” còn được ưu tiên xét và nhận các học bổng khác, có mức hỗ trợ cao hơn nếu đáp ứng đúng yêu cầu, được phân công nhà khoa học đỡ đầu, tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động trải nghiệm trong suốt khóa học.
Về chỉ tiêu, mỗi ngành học được trao ít nhất 5 suất/khóa/ngành. Như vậy, với lộ trình đào tạo 4 năm, sinh viên Khoa Triết học có tối thiểu 20 suất học bổng “Thu hút tài năng”. Con số này có thể nhiều hơn tùy thuộc vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển trong toàn trường do hiệu trưởng cân đối và quyết định.
Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang đánh giá, học bổng “Thu hút tài năng” là cơ hội “ươm mầm”, tạo điều kiện khuyến khích cho các em sinh viên nỗ lực phấn đấu trong quá trình học tập. Đây vừa là động lực thúc đẩy người học cố gắng phát triển, hoàn thiện bản thân hơn; vừa là tiêu chí để thầy cô sàng lọc, đánh giá năng lực, trình độ của các em thể hiện qua những kết quả học tập và rèn luyện của mình.
Thêm vào đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên ngành Triết học ở năm thứ tư sẽ lựa chọn vào các chuyên ngành, trong đó có hai chuyên ngành Triết học Mác - Lênin và Chủ nghĩa Xã hội Khoa học được sự hỗ trợ dưới hình thức miễn 100% học phí ở năm thứ tư mà không cần tiêu chí phụ nào khác.
Sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ “bí kíp” săn học bổng, thầy Phạm Hoàng Giang cũng cho biết, các em sinh viên cần cân đối hợp lý giữa việc học tập lý thuyết và kỹ năng thực hành nhằm đạt được kết quả như mong muốn nhất. Người học nên chủ động tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức chính thống trên thư viện, sách báo, mạng Internet. Tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động đoàn - hội là những tiêu chí phụ, đối với một số trường hợp là tiêu chí bắt buộc, để giành được những học bổng tốt cả trong và ngoài ngân sách.
Khi học sinh rời khỏi ghế nhà trường ở bậc trung học phổ thông để chuyển sang môi trường đại học với những môn học mới, các em sẽ phải làm quen với những cách tiếp cận tri thức mới, phương pháp học tập và nghiên cứu khác hoàn toàn so với trước đây nên sẽ gặp một số thách thức. Để trở thành sinh viên giỏi hay xuất sắc, các em cần duy trì được sự chăm chỉ, kỷ luật, bền bỉ từ thời phổ thông, đồng thời tích cực tự tìm tòi nghiên cứu, thích ứng với môi trường đại học.
Đối với các em sinh viên có đam mê và định hướng theo đuổi ngành Triết học, từ lãnh đạo Khoa cho đến tất cả các giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn nỗ lực quan tâm, tận tình hỗ trợ và chú ý bồi dưỡng người học trong suốt quá trình học tập và rèn luyện.
Đồng thời, các thầy cô cũng luôn đồng hành cùng sinh viên tìm kiếm những suất học bổng ở nước ngoài cho bậc thạc sĩ như Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc,... Khoa Triết học và nhà trường luôn nỗ lực “mở rộng vòng tay” để đón chào các bạn trẻ đến với Khoa Triết học, vì một tương lai phát triển ngành học đặc biệt thú vị và quan trọng này.
Tác giả: Lưu Diễm (Giaoduc.net.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn