Với tình yêu, ham thích tìm hiểu về lịch sử, cũng như cảm tình với ngôi trường có bề dày bậc nhất về đào tạo ngành Lịch sử tại Việt Nam, tôi đã chọn Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm nơi gắn bó suốt 4 năm đại học.
Tốt nghiệp K51 Khoa Lịch sử, tôi đã trúng tuyển vào làm cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long) – một công việc rất phù hợp với những kiến thức, kỹ năng đã được trau dồi tại Trường ĐH KHXH&NV. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi được chuyển thẳng vào bậc học thạc sĩ tại VNU-USSH, nhưng tôi đã tạm gác lại để ưu tiên cho việc đi làm.
Để nâng cao nghiệp vụ, thực hiện tốt công việc tại cơ quan, tôi đã tìm hiểu các ngành đào tạo thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực quản lý văn hóa. Thực tế, có nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi đã lựa chọn học thạc sĩ Quản lý văn hóa tại một số cơ sở đào tạo tại Hà Nội. Có nhiều anh chị cũng khuyên tôi học bên đó cho “dễ thở”. Một lần nữa, tôi đã tạm thời gác lại ý định đi học thạc sĩ và chờ đợi.
Thật may mắn, năm 2018 Trường ĐH KHXH&NV đã mở thêm mã ngành đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa. Tôi đã không chần chừ và đăng ký tham dự kỳ thi xét tuyển và trở thành học viên khóa thứ 3 của ngành Quản lý văn hóa.
Lí do có lẽ rất giản đơn là tôi trưởng thành từ khoa Lịch sử của VNU-USSH, đã hiểu chất lượng đào tạo, môi trường học tập tại Trường ĐHKHXH&NV nên trước sau gì vẫn chỉ muốn học tại trường. Mặc dù tôi hiểu quy chế tuyển sinh, điều kiện để có thể tốt nghiệp… của trường khắt khe hơn, khó khăn hơn. Nhưng tôi nghĩ, phải khắt khe như thế thì tấm bằng thạc sĩ mới thật sự có giá trị.
Nguyễn Thị Thuý: Thú thật là khi đăng ký tham gia xét tuyển và trúng tuyển vào ngành Quản lý văn hóa, bản thân tôi cũng như các bạn trong lớp còn khá mơ hồ về nội dung đào tạo.
Về học phần Văn hóa học, chúng tôi đã được học từ thời đại học nên cũng nắm được cơ bản, nhưng thêm nội dung về “quản lý” thì thực sự là một thách thức. Chúng tôi chưa thực sự hiểu về công tác quản lý là như nào, vì các thành viên trong lớp học, có người mới ra trường, có người đã đi làm nhưng cũng mới chỉ là những công chức bình thường, chưa được tiếp xúc nhiều với các công việc, vị trí của các nhà quản lý văn hóa.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo Quản lý văn hóa đã thực sự mang đến cho học viên các nội dung đào tạo mang giá trị lý luận và thực tiễn cao. Chúng tôi được học từ những kiến thức cơ bản như khoa học quản lý đến các chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực quản lý văn hóa trên nhiều phương diện như vật thể, phi vật thể, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc,… Mới mẻ hơn nữa là các kiến thức hiện đại như công nghiệp văn hóa, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên lĩnh vực văn hóa đương đại, gần gũi với công việc mà chúng tôi đang làm.
Có một điểm thực sự rất hay trong CTĐT Thạc sĩ ngành Quản lí văn hoá là chúng tôi không chỉ được học các kiến thức trên giảng đường mà được học trên thực địa rất nhiều. Một số chuyên đề như Công nghiệp văn hóa, Quản lý di sản kiến trúc, Quản lý văn hóa - lý thuyết và ứng dụng các thầy cô đều sắp xếp để chúng tôi đi thực tế tại các điểm di tích nổi tiếng tại các đình, đền ở Ba Vì, di tích đang khai quật tại Bắc Giang hay một cuộc triển lãm về sáng tạo văn hóa tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Việc học thực địa thực sự rất thú vị, đối với chúng tôi nếu không có những chuyến đi kết hợp như thế thì quả thật rất khó khăn để có thể tự đi được. Vừa được trực tiếp quan sát di tích, hiện vật, trực tiếp nghe các nhà quản lí văn hoá trao đổi vấn đề thực tiễn và cũng như các thầy cô giảng chi tiết gắn với trường hợp cụ thể, quả thật là cơ hội học tập rất tuyệt vời.
Lớp ThS Quản lí văn hoá đi thực địa tại Viện Bảo tồn di tích
Lớp ThS Quản lí văn hoá đi thực địa tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam
Lớp ThS Quản lí văn hoá đi thực địa tại một số ngôi đình cổ tại Ba Vì
Có một điều tôi cũng rất ấn tượng và xúc động là trong quá trình đi thực tế, các thầy cô rất thương học trò, tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí hết sức có thể cho học trò. Các thầy cô kết nối bằng những mối quan hệ của mình, thậm chí là bỏ cả tiền túi ra để hỗ trợ học viên vì thương học viên “nghèo”. Năm 2021, giữa lúc dịch bệnh Covid đang diễn biến rất phức tạp, thế nhưng các thầy cô vẫn sắp xếp dạy xong chương trình lí thuyết bằng các buổi học online hoặc offline. Và ngay khi dịch bệnh lắng xuống, các thầy cô vẫn sắp xếp cho lớp đầy đủ các tiết đi thực tế. Trong quá trình học các chuyên đề, các thầy cô cũng rất linh hoạt trong việc sắp xếp thời gian dạy và học, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên vừa hoàn thành việc học tập mà vẫn đảm bảo tốt công việc tại cơ quan và lo cho gia đình.
Trong quá trình chúng tôi học thạc sĩ ngoài các thầy cô giáo là cán bộ cơ hữu của Khoa lịch sử, Trường đã mời rất nhiều các thầy cô, chuyên gia ngoài trường, đang công tác trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, văn hóa, khoa học quản lí) về để giảng dạy. Các thầy cô đều là những người có rất nhiều công trình khoa học nổi tiếng, đồng thời có nhiều kinh nghiệm thực tế trên các lĩnh vực mà các thầy cô đang công tác. Bởi thế bài giảng của các thầy cô vô cùng chất lượng, dễ hiểu, dễ ngấm và cực kỳ thú vị.
Tôi thấy mình đã có sự lựa chọn đúng đắn khi quyết định theo học CTĐT Thạc sĩ Quản lý văn hóa tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
PV: Thời gian học tập khá ngắn, trong khi vẫn phải đảm bảo hoàn thành công việc cơ quan, gia đình, nhưng bạn vẫn hoàn thành xuất sắc với danh hiệu Thủ khoa ngành? Vậy bạn có “bí quyết” gì để có thể cân bằng và hoàn thành tốt mọi việc?
Nguyễn Thị Thuý: Học thạc sĩ đối với người đang đi làm quả thật không dễ dàng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh hết sức căng thẳng, mọi hoạt động bị gián đoạn.
Giai đoạn bắt đầu chương trình học, cứ sau 17h tan sở, tôi vội vàng ăn tạm chút gì đó rồi đi xe về trường để bắt đầu học từ 18h đến 21h. Những khi kết thúc một chuyên đề, tôi cũng cố gắng hoàn thành bài tập đúng hạn, không cho phép mình vì các thầy cô chưa yêu cầu nộp ngay mà mình không làm.
Căng thẳng nhất là giai đoạn làm Luận văn tốt nghiệp. Tôi làm luận văn trong khoảng những tháng cuối năm 2023, cũng là thời gian bận rộn nhất tại công sở khi phải hoàn thành các kế hoạch công việc của năm. Công việc vẫn phải hoàn thành đúng tiến độ, nhưng nếu làm chậm luận văn thì sẽ bị gia hạn thời gian học tập, đồng nghĩa sẽ chậm kế hoạch tốt nghiệp và sẽ “tốn tiền”. Tôi không có bí quyết gì to tát cả, chỉ luôn niệm chú “cố lên, cố lên” và cố gắng sắp xếp công việc thật hợp lý, có khoảng nghỉ là tập trung cho luận văn, ban ngày không thể làm thì tối về nhà tranh thủ làm.
PV: Có ý kiến cho rằng, vị trí việc làm đúng chuyên ngành đào tạo Văn hoá học, Quản lí văn hoá hiện nay khá hạn chế, vì vậy sinh viên, học viên tốt nghiệp khó tìm việc làm trong thị trường lao động hiện nay. Bạn thấy thế nào về ý kiến này?
Nguyễn Thị Thuý: Tôi là một người may mắn, tốt nghiệp Cử nhân, ra trường và được làm đúng nghề ở một cơ quan rất tốt về chuyên môn. Thời của tôi cách đây 14 năm hay như bây giờ, tìm việc làm với sinh viên vừa ra trường đều vẫn khá khó khăn, đặc biệt với những ngành xã hội thì còn có phần khó khăn hơn. Học văn hóa học hay quản lý văn hóa vừa dễ vừa khó để tìm việc. Dễ là vì chuyên ngành văn hóa học hay quản lý văn hóa bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống, vì thế các bạn sinh viên cũng dễ tìm được việc hơn, những công việc ít nhiều có liên quan đến chuyên môn mình học. Ví dụ như hiện nay có khá nhiều các kênh giải trí dành cho giới trẻ lấy cảm hứng từ các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, đó sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ tốt nghiệp ngành này ra.
Nhưng nếu các bạn tốt nghiệp ra lại chỉ muốn làm ở các đơn vị như các cơ sở văn hóa, các cơ sở quản lý văn hóa trong hệ thống nhà nước thì khó, vì biên chế ít, đòi hỏi kinh nghiệm nhiều.
Chính vì vậy, theo tôi học ngành Văn hoá hay bất kì ngành nào, trên cơ sở kiến thức chuyên ngành, bản thân mỗi người phải tự rèn luyện thêm các kĩ năng khác để mở rộng cơ hội việc làm.
Khi nói về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình học tập tại Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, Thuý xúc động chia sẻ: Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình học tập, nhưng có lẽ nhớ nhất là những buổi học online trong khoảng cuối năm 2021 đầu năm 2022. Lúc ấy dịch bệnh Covid đang diễn biến rất phức tạp, lớp tôi phải chuyển sang học một số chuyên đề online. Thay vì làm xong hối hả chạy vội về trường thì lúc đó là làm xong hối hả về nhà để kịp 20h bắt đầu ngồi trước màn hình máy tính để học online.
Tôi nhớ đang học chuyên đề của PGS.TS Vũ Văn Quân (khi đó Thầy là Trưởng khoa) thì tôi bị Covid, ngồi ở nhà học online nhưng ho không dứt. Thầy thương quá cho nghỉ, bảo khi nào em khỏe thì học tiếp. Đến khi tôi khỏi thì đến lượt Thầy bị Covid, khi lên lớp thầy vừa dạy vừa ho, giọng khàn đặc nhưng vẫn cố dậy hết buổi. Đến hôm sau thầy không thể cố được nên đã nhắn tin cho tôi (tôi là lớp trưởng) để cho lớp nghỉ. Thành ra thời gian học chuyên đề kéo dài hơn kế hoạch.
Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi dịch bệnh tan, không phải đeo khẩu trang nữa, thầy trò lần đầu tiên được “nhìn thấy nhau” mặc dù vẫn qua màn hình máy tính. Vì trước đó, những buổi lên lớp cả thầy cả trò đeo khẩu trang kín mít.
Nguyễn Thị Thuý (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn trong Lớp Thạc sĩ Quản lí văn hoá K3 chụp ảnh cùng PGS.TS Vũ Văn Quân
Chia sẻ về dự định tương lai, Thúy cho biết: Cách đây mấy hôm, khi tôi tham dự Lễ trao bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ năm 2024 ấm cúng và xúc động tại Hội trường tầng 8 Nhà E, nghe những chia sẻ từ thầy Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn, từ các anh chị Tân Tiến sĩ, lúc đó tôi cũng rất muốn có thể tiếp tục học để được đứng trên bục nhận bằng giống các anh chị ấy. Giây phút ngập tràn cảm xúc ấy, tôi lại nhớ về quyết định của mình khi theo học tại đây hơn 2 năm. Gian nan, vất vả nhưng cầm tấm bằng thấy thật giá trị.
Ở thời điểm hiện tại, tôi chưa có dự định sẽ học ngay Nghiên cứu sinh, nhưng nếu có kế hoạch học tập tiếp, chắc chắn tôi vẫn sẽ chọn Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN! Và trong tôi vẫn mãi mang theo niềm tự hào là sinh viên, thạc sĩ của Nhân văn Hà Nội.
Thông tin tuyển sinh Thạc sĩ ngành Quản lí văn hoá tại VNU-USSH xem chi tiết
tại đây