Tin tức

Ngành Quản lý thông tin tại VNU-USSH - ngành học đón đầu tương lai trong nền kinh tế số

Chủ nhật - 21/07/2024 21:30
Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên mới: kỉ nguyên số và công nghệ thông tin. Vậy một Cử nhân ngành Quản lí thông tin sẽ có những lợi thế gì trong việc đón đầu xu thế nghề nghiệp trong tương lai? Hãy cũng USSH Media gặp gỡ PGS.TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin-Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) để cùng tìm hiểu về ngành học thú vị này.
Trong bối cảnh của nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, thì nhu cầu về quản trị thông tin và dữ liệu của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang nổi lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ai làm chủ dữ liệu và thông tin người đó có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Điều này đặt ra thách thức đối với các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực quản trị thông tin đáp ứng được nhu cầu xã hội đang đặt ra.
QLTT 6
Theo Ngân hàng thế giới, chúng ta đang bước vào nền kinh tế số mà ở đó dữ liệu, thông tin và tri thức và thông tin được sử dụng như một nguồn lực để phát triển kinh tế và xã hội. Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – APEC khẳng định: quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Có thể thấy rằng thông tin đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Có một thực tế là, trong quá trình chuyển đổi số, tại các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay, những dữ liệu và thông tin về khách hàng, sản phẩm, đối tác, đối thủ cạnh tranh, tài chính, nhân lực... hiện chưa được tổ chức một cách tốt nhất; việc thu thập dữ liệu thường xuyên chưa được thực hiện. Do đó, việc đào tạo ra một đội ngũ những nhà quản trị thông tin chuyên nghiệp và chất lượng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Quản lý thông tin là một ngành khoa học liên ngành về tổ chức và khai thác thông tin và dữ liệu bao gồm: thu thập thông tin, xử lý thông tin, tổ chức thông tin, phân tích đánh giá và phân phối thông tin tới người dùng sao cho đạt hiệu quả cao nhất, nghĩa là cung cấp thông tin đúng nhu cầu, đúng đối tượng, đúng thời điểm và với giá cả phù hợp.
Ngành quản lý thông tin đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị thông tin nhằm phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi số. Cụ thể là đào tạo ra những chuyên gia thông tin có tư duy logic và hệ thống, có khả năng hoạch định chiến lược trong việc quản trị thông tin cho các doanh nghiệp và các tổ chức hay các cơ quan chính phủ; qua đó biến thông tin thành một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chuyên gia thông tin có năng lực tư vấn xây dựng hệ thống thông tin; biết cách thu thập, đánh giá, phân loại và xử lý, tổng hợp và phân tích, phân phối và quản lý thông tin; đồng thời tư vấn việc khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Tóm lại, chương trình hướng tới đào tạo những chuyên gia thông tin trong kỷ nguyên số. Có hình dung thế này trong bối cảnh bùng nổ thông tin thì Google có thể cung cấp cho bạn 1000 kết quả, nhưng chuyên gia thông tin chỉ đưa cho bạn duy nhất một câu trả lời đúng.
32ac917e98023d5c6413
Điều gì là khó khăn nhất nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi sống còn đối với con người trong cuộc sống hiện đại, đến mức thậm chí nếu không hoàn thành nó càng sớm càng tốt, ta có thể bị đào thải khỏi thế giới này? Đó chính là đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác. Chúng ta không những phải ra quyết định trong cuộc sống cá nhân mà còn phải làm điều đó với tư cách một nhà quản lý, một chính trị gia, một thương nhân hay là một nhân viên.
QLTT 3
“Chúng ta chết đuối trong thông tin trong khi lại chết đói về tri thức (E. O. Wilson)”. Ảnh minh họa.
 
Ngày nay, việc ra quyết định khó khăn ở chỗ nguyên liệu của nó - thông tin - đang bùng nổ với khối lượng lớn. Mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đều cần một năng lực đặc biệt: năng lực quản trị thông tin, để có thể tìm kiếm, thu thập, tổ chức, xử lý và sử dụng thông tin, nhằm phục vụ một cách hiệu quả cho các quyết định trong quản lý, tuyển dụng, đầu tư, phát triển sản phẩm hay quan hệ công chúng…
QLTT 4
Anh Phạm Đức Tiến (bên trái) – Giám đốc Công ty cổ phần Hệ sinh thái Đấu Thầu đã kêu gọi đầu tư thành công từ Shark Hùng Anh trong Shark Tank Việt Nam mùa 5
 
Anh Phạm Đức Tiến - Cựu sinh viên K62 ngành Quản lý thông tin, trường ĐHKHXH&NV chia sẻ: tôi đã được học các kiến thức cũng như kỹ năng quan trọng về quản trị thông tin, điều đó giúp ích cho công việc của tôi khi dẫn dắt Hệ sinh thái Đấu Thầu - một nền tảng lấy dữ liệu (chính xác, minh bạch và cập nhật) làm trung tâm. Đến thời điểm hiện tại Hệ sinh thái Đấu Thầu chính là nền tảng đi tiên phong, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia gia thị trường đấu thầu mua sắm công, mua sắm tư và đấu giá. Anh khẳng định: học về quản trị thông tin là một ngành học hiện đại và có nhiều cơ hội, đất diễn cho người học trong bối cảnh chuyển đổi
Học về quản lý thông tin là học để làm chủ biển thông tin rộng lớn, biến chúng thành công cụ phục vụ cho mọi hoạt động khác của con người. Vì thế, một người học quản trị thông tin có cơ hội thích nghi với nhiều ngành nghề khác nhau, tiếp cận công việc ở nhiều vị trí, từ chuyên viên tới nhà quản lý, từ văn thư tới truyền thông. Trong tương lai, mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đều sẽ cần đến các chuyên gia quản trị thông tin, đó là công việc đòi hỏi khả năng bao quát và kết nối, hỗ trợ toàn bộ hệ thống vận hành thông qua việc cung cấp nguyên liệu phù hợp cho các quyết định.
7c3c6fc96db5c8eb91a4
Mục tiêu của ngành Quản lý thông tin là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy hệ thống, có kiến thức và kĩ năng chuyên môn thực tế vững chắc trong lĩnh vực quản trị thông tin; có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn; có năng lực xử lý thông tin và phân tích dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, lên kế hoạch triển khai hoạt động quản trị thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp; có khả năng thích nghi với môi trường làm việc, tuân thủ chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
b0a1599d2fe18abfd3f0
Các lĩnh vực tri thức cơ bản của ngành quản lý thông tin
Ngoài kiến thức chung về khối Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên ngành quản lý thông tin được học các nhóm kiến thức chuyên ngành, trong đó bao gồm: (1) công nghệ thông tin: các công cụ nền tảng để triển khai việc quản trị thông tin; (2) khoa học quản lý: tư duy và chiến lược của nhà quản lý trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, (3) Quản trị kinh doanh: tư duy kinh tế nhạy bén, hiểu được hoạt động của doanh nghiệp, và (4) Khoa học thông tin: tư duy về khoa học tổ chức và khai thác thông tin.
Các môn học cốt lõi của ngành quản lý thông tin bao gồm:
  • Các hệ thống hỗ trợ ra quyết định
  • Các phương pháp nghiên cứu khoa học
  • Hệ thống thông tin doanh nghiệp
  • Hệ thống thông tin quản lý
  • Khai phá dữ liệu và phân tích mạng xã hội
  • Khởi nghiệp
  • Lý thuyết hệ thống
  • Marketing trong môi trường số
  • Nhập môn khoa học dữ liệu
  • Nhập môn lập trình cơ bản
  • Nhập môn năng lực thông tin
  • Nhập môn quản trị dự án
  • Nhập môn quản trị kinh doanh
  • Nhập môn quản trị thông tin
  • Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin
  • Quản trị thông tin khách hàng
  • Quyền Sở hữu trí tuệ trong môi trường số
  • Thiết kế theo hướng người dùng
  • Thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu
  • Thiết kế và quản trị nội dung website
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm
  • Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng
  • Xử lý thông tin
Khoa Thông tin – Thư viện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đơn vị có là bề dày thành tích và uy tín trong đào tạo ngành Thông tin - Thư viện ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa, hoạt động hợp tác được Khoa tập trung thúc đẩy, trong đó tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các cá nhân, tổ chức và chính phủ trên thế giới. Khoa có hệ thống đối tác quốc tế rộng lớn: Các trường đại học hàng đầu trên thế giới về đào tạo ngành thông tin - thư viện và quản trị thông tin (Victoria University of Wellington (New Zealand), South of Australia University (Úc), Queensland University of Technology (Úc), Simmons College (Mỹ)…); Các tổ chức quốc tế: IFLA, UNESCO, Open Development Mekong, wikiHow, Land Portal, Ischool; Các tập đoàn lớn: Meta, Google;… Đồng thời có quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu  quả với nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam: Bảo Ninh, Nam Hoàng, CMC, Hiện đại, Icando, VINADES, VTVlive, iCOMM Media & Teach, FPT, D&L, IDT,… các hội nghề nghiệp: Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Các liên hiệp thư viện. Vì vậy sinh viên học tập tại Khoa Thông tin – Thư viện có điều kiện học tập với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thông tin trong và ngoài nước, được thực tập thực tế tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan để trau dồi kĩ năng và cơ hội tìm kiếm việc làm ngay từ khi chưa ra trường. 
Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số trong giáo dục đại học trong đó Khoa Thông tin – Thư viện là một trong những đơn vị nòng cốt. Từ năm 2020 đến nay Khoa đã phối hợp với nhiều đối tác triển khai thành công nhiều Dự án:
  • “Nâng cao năng lực số cho SV Trường ĐHKHXH&NV”; Dự án “Ứng dụng AI tạo sinh trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên” (phối hợp với tập đoàn Meta;
  • “Nâng cao năng lực của người trẻ về quyền tiếp cận thông tin” (phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) dưới sự tài trợ của Chính phủ Canada);
  • “Nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (Nhà tài trợ: Chính phủ Úc);
  • “Thúc đẩy phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam” hướng tới việc chia sẻ tri thức khoa học miễn phí và truy cập mở đến các nguồn tài nguyên này (phối hợp với các hội nghề nghiệp, các cơ quan chính phủ, các thư viện và các trường đại học với sự tài trợ: Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO)).
Sinh viên ngành Quản lý thông tin cũng như sinh viên của VNU-USSH là những người đầu tiên, trực tiếp thừa hưởng thành tựu từ những dự án này, không những được tiếp cận với kiến thức, công cụ, phương pháp hiện đại, cập nhật trong lĩnh vực quản trị thông tin mà còn nắm bắt các xu hướng nghề nghiệp mới trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và nhiều cơ hội việc làm thú vị.
 
Thị trường lao động của các chuyên gia được đào tạo về quản trị thông tin sẽ là các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực tư nhân. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Quản lý thông tin người học có thể làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp với các vị trí như chuyên viên quản trị thông tin và hỗ trợ kinh doanh, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, phân tích thông tin và số liệu, phân tích SEO và quản trị nội dung website, quản lý hồ sơ và thông tin, nhân viên văn phòng, hỗ trợ truyền thông, phân tích kinh doanh, quản trị hạ tầng công nghệ thông tin,... Có thể trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.
Quản lý thông tin là con đường để đón đầu tương lai, đồng thời mang lại cơ hội rộng mở cho người học trong hiện tại.

Thông tin liên hệ:

Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để biết thêm chi tiết về chương trình tuyển sinh và đào tạo.
Địa chỉ: Nhà A, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Website: http://sim.ussh.vnu.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/flis.ussh.vnu
Điện thoại: (024) 38583903
Email: flis@vnu.edu.vn
 

Tác giả: Đỗ Hùng - Hạnh Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây