Khi được hỏi cảm nhận về ngành học mà Kim Dung đã lựa chọn và “ăn ngủ, nghiền ngẫm” suốt bốn năm học đại học, cô thủ khoa chia sẻ: “
Nói tới Chính trị học, hẳn ai cũng sẽ nghĩ đây là một ngành học, một môi trường khô khan, áp lực và yêu cầu phải hội tụ được nhiều yếu tố. Tuy nhiên khi đi vào học thực tế, nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, sâu sát từ các thầy cô giàu kinh nghiệm thực tế và giỏi chuyên môn của khoa Khoa học Chính trị, ngành Chính trị học đối với những người trẻ như em lại trở nên hấp dẫn và thực tế”.
Chính trị học đã rèn luyện cho sinh viên trở thành những người có tri thức về thực tế chính trị, các kỹ năng về tư duy, thu thập và xử lý các thông tin và tình huống chính trị, các kỹ năng về nghiên cứu, viết, thuyết trình các vấn đề. Bên cạnh đó ngành Chính trị học giúp sinh viên tích lũy kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý cũng như các kỹ năng về giao tiếp trong quan hệ công việc nói riêng cũng như giao tiếp xã hội nói chung.
“Đây là các kỹ năng cần thiết để các bạn sinh viên có thể phục vụ công việc học tập cũng như đón đầu các các cơ hội việc làm” - Kim Dung nhấn mạnh.
Kim Dung cũng cho biết: “
Học phần “Chính trị và chính sách” là học phần chuyên ngành mang đến cho em sự tâm đắc nhất về ngành Chính trị học”.
Thông qua học phần, sinh viên được cung cấp những hiểu biết cơ bản về chính sách, mối quan hệ giữa chính trị và chính sách; nắm bắt được những yếu tố cấu thành chính sách, các hình thức biểu hiện của chính sách, tiêu chí của chính sách tốt, quy trình hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách. Từ đó sinh viên có khả năng nhận biết, phân tích chính sách bằng nhãn quan chính trị, cùng tham gia hoạch định chính sách và trình bày tính khả thi của chính sách.
Theo
Báo cáo Ba công khai năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm ra trường (khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2022) của ngành Chính trị học là 85.42%.
Sau khi ra trường, sinh viên ngành Chính trị học đã tham gia công tác tư vấn, tham mưu trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm công tác tư vấn, tham mưu trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội.
Nhiều cựu sinh viên hiện đang làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan lí luận chính trị hoặc là phóng viên, biên tập viên bình luận thời sự, chính trị tại các báo, đài trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, sinh viên sau khi sở hữu tâm bằng Chính trị học có thể làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong hệ thống trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.
Kim Dung cho biết, khi vừa tốt nghiệp đại học, em đã tham gia công tác thanh niên ở địa phương và tiếp tục đăng ký học tiếp chương trình Thạc sĩ ngành Chính trị học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với cử nhân ngành Chính trị học, các em có thể tiếp tục học tập ở bậc sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) hai chuyên ngành Chính trị học và Hồ Chí Minh học (và một số chuyên ngành khoa học chính trị khác sẽ được xây dựng: Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế…); có thể học thêm để lấy bằng đại học thứ hai ở một số ngành có liên quan: Khoa học chính sách, Báo chí - Truyền thông, Quan hệ quốc tế...tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Trong quá trình học tập, Kim Dung và các bạn đồng môn được tham gia nhiều chuyến đi thăm quan, thực tế, thực tập tại một số địa phương, doanh nghiệp do khoa Khoa học Chính trị tổ chức, như thăm quan nhà Quốc hội, tổ chức thực tập thực tế tại 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Tại đây, sinh viên được nghe trình bày về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định tại trường Chính trị Trường Chinh (tỉnh Nam Định), thực tế mô hình nông thôn mới tại xã Hải Lý (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), tìm hiểu về công tác nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình, tham quan các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên thuộc ba tỉnh.
Kim Dung chia sẻ, quá trình tham quan, thực tập, thực tế, đã mang đến cho cô bạn những kiến thức thực tế về môi trường chính trị cơ sở, cách làm việc, vận hành bộ máy chính trị ở địa phương sao cho hiệu quả, cách thức tổ chức triển khai, chỉ đạo, phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước ở các cấp cơ sở.
“Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu mà em và các bạn cần trang bị trước khi làm việc trong các cơ quan nhà nước sau khi tốt nghiệp” - Kim Dung cho hay.
Thủ khoa ngành Chính trị học chia sẻ với các bạn sinh viên:
“Sau khi bước chân vào giảng đường đại học, các bạn phải có kế hoạch và mục tiêu cho bản thân mình cần đạt được trong 04 năm học tập, từ đó có sự phân bổ thời gian khoa học, cân bằng.
Trong hai năm đầu tiên không nên có tư tưởng “đỗ rồi phải xả hơi” bởi đây là khoảng thời gian học các môn đại cương, là nền tảng để đi vào những kiến thức chuyên ngành.
Đối với các môn chuyên ngành, các bạn lưu ý nghe giảng trên lớp, nghiên cứu thêm các tư liệu liên quan đến chuyên ngành, có sự trao đổi học thuật với bạn bè hoặc giảng viên”.
Kim Dung cũng chia sẻ, các bạn sinh viên nên tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, tham gia các câu lạc bộ, cũng như nghiên cứu khoa học để mở rộng giao tiếp và tạo dựng cơ hội học hỏi, hợp tác. Đặc biệt, cô thủ khoa ngành Chính trị học nhắn nhủ:
“Các bạn cố gắng trau dồi vốn ngoại ngữ, bởi đây không chỉ là công cụ giao tiếp với bạn bè quốc tế mà còn tạo thêm các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Một lần nữa xin chúc mừng tân thủ khoa Trần Thị Kim Dung và chúc em tiếp tục thành công trên những chặng đường tiếp theo!
Tin bài liên quan:
Thông báo tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2024