Tuyển sinh ĐH chính quy và SĐH 2021: Một năm thành công

Thứ tư - 19/01/2022 22:03
Vừa qua, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học và sau đại học năm 2021 và phương hướng tuyển sinh năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo và các phòng chức năng của khối Hiệu bộ.
IMG 9833
PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chủ trì Hội nghị

Trong báo cáo tổng kết về hoạt động tuyển sinh đào tạo đại học chính quy và sau đại học của năm 2021, TS. Hoàng Văn Quynh - Phó trưởng phòng Đào tạo đã chia sẻ thông tin: Năm 2021, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT vào các ngành/chương trình đào tạo (CTĐT) của Trường tăng hơn 42% so với năm 2020 với 42.148 nguyện vọng đăng ký. Trong đó, riêng tỉ lệ nguyện vọng 1-2-3 chiếm trên 44% tổng số nguyện vọng đăng ký và không có ngành/CTĐT nào có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ít hơn chỉ tiêu đã công bố. Nguyện vọng thuộc các tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ chiếm trên 72%, tăng mạnh so với tỉ lệ hơn 60% của năm 2020. Có 1.577 hồ sơ đăng ký với hơn 2.800 nguyện vọng của các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển chứng chỉ quốc tế và kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQGHN tổ chức, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Như vậy, số lượng nguyện vọng đăng ký ở tất cả các phương thức xét tuyển đều tăng mạnh so với năm 2020, nhất là ở các phương thức như xét tuyển chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Công tác xét tuyển trên phần mềm tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT được thực hiện công khai, minh bạch, chính xác. Tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học toàn trường vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó tất cả các ngành/CTĐT đều đạt tỉ lệ trúng tuyển nhập học từ 100% trở lên. Quá trình xác nhận nhập học và nhập học năm 2021 được thực hiện bằng hình thức trực tuyến 100%. Công tác tư vấn tuyển sinh vẫn kịp thời triển khai nhiều hoạt động cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Công tác tuyển sinh chương trình đào tạo thứ 2 cũng được triển khai đúng kế hoạch và đạt chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, một số hạn chế trong công tác tuyển sinh cũng được chỉ ra như: Công tác truyền thông nói chung và quảng bá - tư vấn tuyển sinh nói riêng còn thiếu đồng bộ giữa các đơn vị trong trường; cơ cấu tổ hợp xét tuyển, điều kiện xét tuyển ở một số ngành/CTĐT còn chưa phù hợp; một số công việc trong quá trình triển khai công tác tuyển sinh vẫn thực hiện thủ công, chưa đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như việc thu hồ sơ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển…
 
IMG 9824
PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng Phòng Đào tạo) phát biểu tại Hội nghị
 
Trong mùa tuyển sinh 2022, để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một số phương hướng và hoạt động cụ thể trong hoạt động tuyển sinh đại học được đề xuất như: Tập trung xây dựng các sản phẩm và triển khai các hình thức quảng bá - tư vấn tuyển sinh trực tuyến thay cho các hoạt động tư vấn trực tiếp; Xây dựng hệ thống phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến cho các đối tượng xét tuyển đặc thù: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực và chứng chỉ quốc tế; Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, bổ sung điều kiện về kết quả học tập với hình thức xét tuyển theo kết quả thi THPT phù hợp với yêu cầu chất lượng đầu vào và nội dung đào tạo của từng ngành/CTĐT; Tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển cho các nhóm đối tượng xét tuyển đặc thù như học sinh giỏi quốc gia, học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên, học sinh có chứng chỉ quốc tế, học sinh có kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN…; Tổ chức chuỗi hoạt động quảng bá - tư vấn tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Hành trang Nhân văn – Road to USSH” với các hoạt động: livestream giới thiệu thông tin tuyển sinh, ngành/CTĐT, đơn vị đào tạo, môi trường học tập…; xây dựng các video, bài giảng điện tử giới thiệu nội dung học phần hoặc một số học phần tiêu biểu, đặc thù của từng ngành/CTĐT đưa lên fanpape, youtube, website,…để học sinh có thể tiếp cận và hiểu hơn về các ngành/CTĐT của Nhà trường; chỉnh sửa và hoàn thiện các tài liệu giới thiệu ngành – nghề đã có gồm “Cẩm nang các ngành khoa học xã hội và nhân văn”, “Infographic Nhân văn – Học gì? Làm gì?” và xuất bản dưới dạng sách điện tử; phối hợp với ĐHQGHN, các trường đại học, các cơ quan báo chí, truyền thông để tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến, đăng tải thông tin tuyển sinh của Nhà trường,…
 
IMG 9827
 
Về hoạt động tuyển sinh sau đại học, năm 2021, Nhà trường tổ chức 2 đợt tuyển sinh, tuyển 376 học viên cao học, 69 NCS, đều vượt trên 100% chỉ tiêu được giao. Năm nay, tuyển sinh SĐH có điểm mới là ĐHQGHN bổ sung phương thức xét tuyển thẳng thạc sỹ, linh hoạt thay đổi phương thức tuyển sinh từ trực tiếp sang trực tuyến phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp và khuyến khích thí sinh tự tin dự thi. Công tác tuyển sinh sau đại học cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp để khắc phục những hạn chế về: tình trạng khó tuyển ở một số ngành, chuyên ngành thạc sĩ và tiến sĩ đặc thù; việc giới hạn các nhóm ngành xa, nhóm ngành gần của các chuyên ngành ảnh hưởng không nhỏ tới các đối tượng đủ điều kiện dự thi đầu vào thạc sĩ; công tác Bổ sung kiến thức cần được quan tâm đúng hơn ở một số đơn vị; công tác truyền thông quảng bá cho tuyển sinh SĐH cần phải được đẩy mạnh…
Tại Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh đã khẳng định: Dù gặp không ít khó khăn nhưng Nhà trường đã có một kỳ tuyển sinh các hệ rất thành công với số lượng người học đăng ký trúng tuyển tăng, chất lượng thí sinh đầu vào được đánh giá là tốt hơn so với giai đoạn trước. Có được kết quả tích cực này do nhiều nguyên nhân: chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường vẫn được đảm bảo; Nhà trường vẫn giữ được sức hút về uy tín và thương hiệu trong xã hội; sự thích ứng và linh hoạt trong công tác tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế; sự phối hợp tốt giữa các đơn vị, sự tâm huyết của đội ngũ các thầy cô làm tuyển sinh…
 
IMG 9810
TS. Hoàng Văn Quynh (Phòng Đào tạo) trình bày Báo cáo Công tác tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2021 và phương hướng tuyển sinh năm 2022
 
Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh rằng, về lâu dài, để thu hút được người học quan tâm theo học các CTĐT của Nhà trường, thì việc quan trọng nhất mà Nhà trường và các đơn vị đào tạo cần làm liên quan đến cách thức xây dựng các CTĐT, chất lượng nội dung các CTĐT, khả năng liên thông giữa các CTĐT với nhau... Trước mắt, sẽ triển khai tái cấu trúc các CTĐT SĐH theo hướng gia tăng tính liên thông, liên ngành, liên lĩnh vực; tăng các học phần chung để đẩy mạnh liên thông về nhân lực, tạo sức hấp dẫn cho CTĐT;  gia tăng cơ hội học bằng kép cho sinh viên và mở rộng cơ hội đầu vào của SĐH… Năm 2022 cũng sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng ở các hệ, triển khai các điều kiện để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các CTĐT. Nhà trường cũng đề nghị các đơn vị sớm có đề xuất về điều chỉnh đối tượng tuyển sinh đầu vào nếu có, mở các lớp bổ túc kiến thức thi SĐH kịp thời và hiệu quả. Nhà trường cũng sẽ cân nhắc các phương án liên quan đến quan đến quy định mới của ĐHQGHN về việc không tổ chức ngoại ngữ như một môn thi đầu vào cho bậc cao học.        

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây