Mang bản sắc Nhân văn Hà Nội đến với cuộc thi lớn
Nằm trong khuôn khổ Dự án Vườn ươm Tài năng Văn hóa Du lịch do Khu du lịch Tam Chúc tổ chức, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa Du lịch sinh viên năm 2024” đã thu hút sự tham gia của 1.000 sinh viên đến từ 60 trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành văn hóa, du lịch trong cả nước tham gia. Với chủ đề “Du lịch di sản”, vòng chung kết gồm 35 thí sinh chia thành 5 đội lần lượt trải qua 3 vòng thi: “Thông điệp Văn hóa Du lịch”, “Theo dòng Văn hóa Du lịch”, “Đại sứ Văn hóa Du lịch”. Các giải của cuộc thi đã được trao cho các sinh viên trẻ tài năng, nắm vững kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, cũng như có khả năng truyền tải thông điệp về du lịch bền vững và văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến với du khách. phần vào sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Qua 4 lần tổ chức, dự án đã thành công trong việc kết nối 60 trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo về chuyên ngành văn hoá và du lịch, xây dựng mạng lưới hơn 50 giảng viên, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế đào tạo các chuyên đề cho sinh viên; kết nối với Tedtalk để đưa tiếng nói của sinh viên lên diễn đàn quốc tế…
Vi Thị Thùy Trang - Sinh viên K66 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã cùng đội thi Nhã nhạc cung đình đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi với những thông điệp sâu sắc về văn hóa du lịch với màn thể hiện nghệ thuật ý nghĩa.
Đội thi Nhã nhạc cung đình thể hiện tài năng trong vòng Chung kết “Vườn ươm Tài năng văn hoá Du lịch 2024”
Thuỳ Trang và đội thi Nhã nhạc cung đình vinh dự đạt giải Nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa Du lịch sinh viên năm 2024
Chia sẻ cùng phóng viên USSH Media, Vi Thị Thùy Trang cho biết: “Em rất vinh dự và tự hào khi là thí sinh trong đội thi giành giải Nhất của cuộc thi Đại sứ Văn hoá du lịch. Là đại diện duy nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội lọt top 35 chung kết Vườn ươm năm nay, nên trước đó em khá áp lực, lo lắng. Tuy nhiên, sự ủng hộ, đồng hành trên từng chặng đường của gia đình, thầy cô và bạn bè là nguồn động lực lớn nhất để em vượt qua rào cản tâm lý và bước ra khỏi vùng an toàn của mình”.
Hành trình gần 5 tháng của cuộc thi, Thuỳ Trang và các bạn trong đội thi đã trau dồi tri thức thông qua các buổi học chuyên đề trên nền tảng zoom như: phát triển du lịch bền vững, biểu tượng văn hoá tôn giáo, di sản văn hoá Việt Nam với hoạt động du lịch... Cô sinh viên Du lịch học còn luôn cập nhật thông tin trên các trang mạng xã hội về văn hoá, lịch sử, những sự kiện mới đáng chú ý trong ngành Du lịch và rèn luyện thêm các kỹ năng khác như: kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện...
“Những kỹ năng và tri thức được giao lưu, học hỏi từ cuộc thi đã mở ra cho em thêm nhiều mối quan hệ tích cực. Đặc biệt em có thêm cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các thầy cô là các chuyên gia đầu ngành, giúp em mở mang thêm nhiều kiến thức, có thêm nhiều cơ hội học tập và tham gia các hoạt động ngoại khoá. Đây chính là hành trang quý báu giúp em vững vàng hơn khi ra trường” - Thuỳ Trang vui vẻ chia sẻ.
Trưởng thành từ những bài giảng và những chuyến đi
Với Thuỳ Trang, thành quả mà cô sinh viên năm thứ 3 đạt được vừa qua, là sự kết tinh của những kỹ năng và tri thức mà các bạn đã được trau dồi tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN.
Ban tổ chức cuộc thi đã hỗ trợ để gia đình, thầy cô và hơn 200 bạn sinh viên Khoa Du lịch học tới cổ vũ Thuỳ Trang và đội thi Nhã nhạc cung đình vào ngày diễn ra chung kết.
Cô sinh viên K66 Du lịch học chia sẻ: Trong suốt 3 năm học tập tại VNU-USSH, ngoài việc học tập kiến thức chung, lý thuyết chuyên ngành trên lớp, em đã được đi kiến tập, thực tập thực tế ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Không chỉ miệt mài trên giảng đường, sinh viên Du lịch học còn được trải nghiệm các bài học thông qua các chuyến đi thực tập, thực tế tại các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… để ánh xạ những lý thuyết cơ bản đã được học tại nhà trường. Những chuyến đi kiến tập tổng hợp với chủ đề Tìm về miền di sản tại các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Huế; thực tế của học phần Kinh doanh dịch vụ bổ sung tại Sa Pa - Lào Cai; thực tế học phần Nghiệp vụ Lữ hành tại Bình Liêu - Quảng Ninh; hoạt động thực tập tổng hợp với chủ đề Đuốc Lữ hành năm 2023 tại Trung Quốc... đã mang tới cho sinh viên Khoa Du lịch học những trải nghiệm thật đáng nhớ.
Những buổi học lý thuyết đầy tâm huyết của thầy cô và những trải nghiệm trên các vùng đất mới đã giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều và có tư duy sâu sắc hơn về việc định vị bản thân, nhận thức đúng về ngành, nghề mà mình đang theo đuổi. Chúng em luôn biết ơn và trân quý từng bài giảng, từng lời dạy của các thầy cô giáo trong suốt quá trình học tập và rèn luyện trước đó, thầy cô không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn đồng hành cùng chúng em trong quá trình rèn luyện các kỹ năng khác để hoàn thiện bản thân mình hơn.
“Em thấy mình rất may mắn và tự hào khi là sinh viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội!" – cô sinh viên Vi Thị Thuỳ Trang xúc động nói.
Thuỳ Trang và các bạn sinh viên K66 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch học tham gia chuyến đi thực tế của học phần Kinh doanh dịch vụ bổ sung 2023 tại Sa Pa - Lào Cai.
Sinh viên K66 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành thực tế học phần Nghiệp vụ Lữ hành 2023 tại Bình Liêu - Quảng Ninh
Hoạt động thực tập tổng hợp với chủ đề Đuốc Lữ hành năm 2023 tại Trung Quốc của sinh viên Du lịch học K66
Chuyến đi kiến tập tổng hợp với chủ đề Tìm về miền di sản năm 2022 tại các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Huế