Tin tức

Cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, VNU-USSH với hành trình giữ gìn, tôn vinh tiếng Việt

Thứ tư - 11/09/2024 04:34
Tối ngày 8/9/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tại Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương, Bộ Ngoại giao đã vinh danh 5 kiều bào ở Nhật Bản, Đức, Australia và Algeria là các Sứ giả tiếng Việt năm 2024. Anh Nguyễn Thế Dương (hiện đang sinh sống tại Australia) là một trong 5 sứ giả được vinh danh.
anh 2 1725839672565 jpg
Anh Nguyễn Thế Dương (ngoài cùng bên trái) và các “Sứ giả tiếng Việt” được vinh danh trong Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 (Ảnh: Bộ Ngoại giao)


Từ đam mê nghiên cứu về tiếng Việt

Anh Nguyễn Thế Dương là sinh viên K44 Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp anh công tác tại Viện Ngôn ngữ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và giảng dạy về Ngôn ngữ học tại Học viện Khoa học Xã hội. Năm 2011, anh nhận học bổng đi học NCS tại Đại học Queensland (Úc).
Anh chia sẻ: Kiến thức cũng như tình yêu và niềm đam mê với nghiên cứu, tìm hiểu về ngôn ngữ nói chung, về tiếng Việt nói riêng của tôi đã được vun đắp ngay từ khi tôi học tại Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐHKHXH&NV. Và trong quá trình học tập, nghiên cứu, làm việc và sinh sống tại Úc, tôi nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài. Tiếng Việt không chỉ là sợi dây để nối kết các bạn nhỏ với quê hương với gia đình mà còn là hành trang hết sức cần thiết của các em trong cuộc sống tương lai sau này trong một xã hội đa văn hóa. Giữ tiếng Việt chính là giữ bản sắc của riêng mình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tình trạng mai một tiếng mẹ đẻ đối với các trẻ em vẫn đang xảy ra, trong đó có cả trường hợp của chính con trai tôi. Thậm chí, trong nhiều gia đình, nếu bố mẹ và ông bà không nói được tiếng Anh thì không thể giao tiếp với con cháu. Từ đó, trong tôi luôn đau đáu một suy nghĩ: các em có thể học các ngoại ngữ khác nhau thì tại sao lại không thể thông thạo tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của các em. Tôi nhận thấy rõ rằng các em nhỏ người Việt còn thiếu một bộ giáo trình hoàn chỉnh, cập nhật, đúng phương pháp để học tiếng Việt tại nước ngoài. Điều này thôi thúc tôi sớm bắt tay vào triển khai biên soạn một giáo trình để các em có tư liệu học tập.
"Cuối năm 2016, tôi đã bắt tay cùng hai đồng nghiệp trong Viện Ngôn ngữ học là Ths Trần Hương Thục và TS Phạm Thị Hương Quỳnh biên soạn bộ sách “Tiếng Việt của em”. Ths Trần Hương Thục cũng là cựu sinh viên K44 Ngôn ngữ học. Sau hai năm, bộ sách đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia ấn hành."
Năm 2021, bộ sách này của chúng tôi đã giành được giải Nhì (giải cao nhất) trong cuộc thi “Biên soạn sách, giáo trình dạy học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Hiện tại, “Tiếng Việt của em” đang được dạy trong chương trình “Tiếng Việt” trên kênh VTC10 của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Kĩ thuật số VTC.
332750562 878830590065338 3939224492848102266 n
Bộ sách "Tiếng Việt của em" do TS Nguyễn Thế Dương và các đồng nghiệp đồng chủ biên
Song song với biên soạn giáo trình “Tiếng Việt của em”, tôi cũng tiếp tục tập trung nghiên cứu và công bố nhiều công trình về tiếng mẹ đẻ và giáo dục ngôn ngữ trong bối cảnh các nước khác nhau.
428606778 892225019314726 927163513032804518 n


… Đến mở trường dạy tiếng Việt cho trẻ em và kiều bào

Ngay sau khi bộ sách “Tiếng Việt của em” được ra mắt, tôi đã đem bộ sách sang Úc.
"Với mong muốn có thể giữ gìn tiếng mẹ đẻ và lan toả tình yêu với tiếng Việt, văn hoá Việt Nam đến đông đảo kiều bào, tôi đã cùng Ths Hoàng Thị Thu Thủy, cũng là cựu sinh viên K44 Ngôn ngữ học của trường ĐHKHXH&NV, mở trường Yêu Tiếng Việt chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài.
Tôi hiện là Giám đốc điều hành của Trường. Hiện tại, Yêu Tiếng Việt đã có hàng ngàn học sinh đăng kí và theo học từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản đến các nước có tương đối ít người Việt sinh sống như Guyane, Cameroun hay Saudi Arabia.
Bên cạnh niềm đam mê với công việc dạy tiếng Việt, anh Nguyễn Thế Dương còn tích cực tổ chức và tham gia rất nhiều hoạt động nhằm tiếp tục lan tỏa tình yêu Tiếng Việt đến các cộng đồng người Việt khắp năm châu, như: “Ngày hội tiếng Việt” năm 2019 tại Brisbane, Chương trình văn nghệ “Yêu Tết” do trường Yêu Tiếng Việt tổ chức thường niên vào dịp đầu năm kể từ năm 2021, Chương trình tham quan “Một vòng Hà Nội” và Chương trình gặp mặt giao lưu, gây quỹ trao tặng học bổng và sách cho trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Phòn (Mai Châu – Hòa Bình) năm 2022, Chương trình giới thiệu nghệ thuật đọc sách Kamishibai (phối hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng) năm 2024,… tham gia làm giám khảo trong cuộc thi “Em siêu tiếng Việt” do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney tổ chức. Đồng thời anh cũng tích cực tham gia vào việc vận động thành lập Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Anh quan niệm: “Việc có một ngày tôn vinh tiếng Việt là rất cần thiết. Đây sẽ là một dịp để nhắc nhở mọi người mang trong mình dòng máu Việt, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, về việc gìn giữ và phát huy giá trị của tiếng Việt trong thời đại hội nhập. Ngày Tiếng Việt sẽ giúp người Việt xích lại gần nhau hơn, củng cố sự đoàn kết của các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, đồng thời cũng giúp nâng cao vị thế của tiếng Việt tại các quốc gia”.

Điều tâm huyết nhất trong hành trình giữ gìn và lan toả vẻ đẹp của tiếng Việt trên khắp toàn cầu

Nhớ về những ngày đầu tiên Hành trình gìn giữ tiếng Việt cùng Trường Yêu Tiếng Việt suốt nhiều năm qua đã trải qua biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc và cũng không ít khó khăn. Đến với những lớp dạy tiếng Việt đầu tiên của chúng tôi có những em đã biết một chút nhưng đa phần là những em nói được một câu tiếng Việt nào. Rồi dần dần, các em cất ra được những lời đầu tiên bằng tiếng Việt trong sự vui sướng của ông bà và bố mẹ. Có nhiều em đang học tiếng Việt thì anh chị em ngồi học ké rồi thích quá tham gia cùng. Đặc biệt hơn có những phụ huynh không phải người Việt, khi thấy con học cũng tham gia học cùng luôn. Đó là những giá trị lan tỏa của tiếng Việt trong cộng đồng khiến tôi rất cảm động và tâm đắc.
445220977 949367416933819 6552157546362303528 n
Bức thư gửi mẹ được viết bằng tiếng Việt của một em nhỏ sau khi đã tham gia lớp học tiếng Việt tại trường Yêu Tiếng Việt của TS Nguyễn Thế Dương
Tôi tâm niệm rằng: “Cứ đi, cứ tìm tòi, cứ sáng tạo, dần trải nghiệm, rồi mới thấy hành trình này thú vị, độc đáo và đáng yêu vô cùng. Rất nhiều thầy cô và gia đình trên khắp thế giới đang nỗ lực từng ngày để tiếng Việt còn chảy mãi nơi xa xứ. Trường Yêu Tiếng Việt của chúng tôi rất vui và tự hào được góp một phần nhỏ bé của mình vào hành trình ấy - hành trình gìn giữ và bảo tồn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ em Việt ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để đem tình yêu tiếng Việt đến khắp mọi nơi để các thế hệ trẻ emgốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài sẽ thêm hiểu và tự hào là mình là người Việt Nam và gắn bó với gia đình và cội nguồn Việt Nam hơn, đồng thời nâng cao vị thế của tiếng Việt, người Việt và đất nước Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới.

>>>> Báo chí đưa tin:
- Báo Dân trí:  Vinh danh 5 kiều bào là Sứ giả tiếng Việt năm 2024
- Báo Lao động: Hé lộ về 5 Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024
- Báo Tuổi trẻ: Lần đầu tiên tôn vinh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài
 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây