Tin tức

Tiên phong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh

Thứ hai - 07/10/2024 10:48
Hôm nay 07/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo.
Ngày 7/10/2024, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ.
 
Tham dự chương trình có GS. Hilde Schwab - Phu nhân GS. Klaus Schwab và cũng là người đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ doanh nhân xã hội Schwab. Các đại biểu quốc tế có ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy sĩ tại Việt Nam; ông Joo-Ok Lee - Trưởng ban Chương trình Nghị sự châu Á – Thái Bình Dương; bà Clara Chung - Trưởng ban Hợp tác Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương; ông Piyamit Bing Chomprasob - Phó Trưởng ban Chương trình Nghị sự châu Á – Thái Bình Dương.
Về phía Bộ, Ban, Ngành Trung ương của Việt Nam có ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đỗ Ngọc Huỳnh – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;  bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông  Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH.
Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân chủ trì cuộc tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới GS. Klaus Schwab.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab cùng lãnh đạo và sinh viên ĐHQGHN
Đây là một sự kiện thú vị, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam sau 15 năm của GS. Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của WEF, nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó của sinh viên, thanh niên Việt Nam. Theo đó, cuộc trao đổi tập trung vào những xu thế định hình kỷ nguyên thông minh của nhân loại; cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới; yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ để nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho phát triển đất nước.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Lê Quân bày tỏ vinh dự và tự hào khi ĐHQGHN một lần nữa được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương đến thăm và làm việc. Đặc biệt, ĐHQGHN rất hân hạnh được chào đón Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã có những đóng góp to lớn trong việc định hình các xu hướng kinh tế toàn cầu, cùng Phu nhân.
ĐHQGHN luôn tự hào là một trong những cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của đất nước, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ĐHQGHN đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng tôi không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tiên phong trong việc phát triển các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, đồng thời triển khai các dự án nghiên cứu liên ngành, hướng đến giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu về phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường”, theo GS. Lê Quân.
Nhắn nhủ tới các em sinh viên – thế hệ nắm giữ tương lai của đất nước, những người tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và định hình vị thế của Việt Nam trong Kỷ nguyên thông minh, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân mong rằng các em hãy trang bị cho mình không chỉ kiến thức mà còn tinh thần học hỏi không ngừng, sáng tạo và khát khao vượt qua mọi khó khăn. Ông tin rằng chia sẻ của GS. Klaus Schwab về những xu hướng phát triển kinh tế và công nghệ sẽ mở ra cho các em sinh viên một tầm nhìn mới về vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước và thế giới. Đồng thời, Giám đốc Lê Quân cũng mong các em sinh viên hãy biến cơ hội quý báu này thành động lực để các em trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai, những người tiên phong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh.
Cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam trong đóng góp, định hình xây dựng tương lai đất nước

Trong chương trình, GS. Klaus Schwab chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Có thể kể đến đó là: sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội. Chủ tịch WEF nhấn mạnh, các bạn trẻ là tương lai của Việt Nam và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng; đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.
GS. Klaus Schwab cũng đưa ra những gợi ý để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội phía trước để tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, WEF đang nỗ lực cung cấp các nguồn lực và kết nối cần thiết để các quốc gia như Việt Nam phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng số và chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với những thách thức phía trước.
GS. Klaus Schwab chia sẻ, các yếu tố cần trong một kỷ nguyên thông minh, đó là: cơ sở hạ tầng số, tài nguyên về nguồn nhân lực, hệ sinh thái kinh doanh, hợp tác công tư, hội nhập và hợp tác toàn cầu. Ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người. Theo Giáo sư, lợi thế thực sự của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào xây dựng được nền kinh tế tri thức, không chỉ bao gồm các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị - tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển bao trùm.
GS. Klaus Schwab cũng đánh giá cao kế hoạch, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bao trùm, không có ai bị bỏ lại phía sau; cũng như bày tỏ lạc quan về cơ hội rất lớn của thế hệ trẻ Việt Nam trong đóng góp, định hình xây dựng tương lai đất nước.
Kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cuộc đối thoại là một minh chứng thể hiện kết quả của mối quan hệ ngày càng gắn bó, chặt chẽ và đầy sức sống giữa Việt Nam và WEF; gần đây nhất, WEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM, trung tâm thứ hai trong mạng lưới của WEF tại Đông Nam Á.

Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn những chia sẻ rất sâu sắc, ý nghĩa, những tình cảm dành cho Việt Nam và định hướng cho thế hệ trẻ Việt Nam của GS. Klaus Schwab tại cuộc đối thoại, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Thủ tướng rằng, tầm nhìn chiến lược của Giáo sư và của WEF được thế giới khẳng định trong hơn 50 năm phát triển của WEF và ngày càng được khẳng định trong nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu và đề xuất những giải pháp cho tương lai.
Trên cương vị Chủ tịch WEF liên tục trong hơn 50 năm qua, Giáo sư đã dẫn dắt WEF theo đuổi cách tiếp cận đa phương, đa chiều, hợp tác công - tư, hợp tác nhiều bên, góp phần giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu trên nhiều phương diện. Về tính đại diện, WEF đã trở thành diễn đàn quy tụ nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà sáng tạo-khởi nghiệp trong tất cả lĩnh vực. Về tính kết nối, các hội nghị WEF là cơ hội để cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác. WEF cũng phát huy tính tiên phong, tạo nên sự chuyển đổi (như mạng lưới Trung tâm về Cách mạng công nghiệp 4.0; các sáng kiến hợp tác công - tư trong các lĩnh vực…).
Nói về chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ là "Định hình kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng đánh giá đây là nội dung mang tầm thời đại, là vấn đề thế giới phải nghiên cứu, thích ứng và làm chủ; nhất trí với Giáo sư về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập "kỷ nguyên thông minh".
Theo Thủ tướng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác. Từ khía cạnh kinh tế, thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, cũng như phát huy hiệu quả trong khâu phân phối. Từ khía cạnh xã hội, thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ khía cạnh môi trường, thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các nền kinh tế. Từ khía cạnh địa chính trị, thông minh phải thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển, phải ngăn ngừa xung đột, đối đầu, chia rẽ, gác lại quá khứ, khai thác điểm đồng, hướng tới tương lai.
"Tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể", Thủ tướng nói.
Phân tích về thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh này, Thủ tướng cho rằng phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại.
Thủ tướng chỉ ra 3 thách thức lớn với Việt Nam: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.
Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.
Lựa chọn những lĩnh vực, công đoạn mà Việt Nam có lợi thế nhất

Chia sẻ về những thành tựu của Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vươn lên từ một nền kinh tế kém phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.
Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Là một đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực đóng góp vào quá trình giải quyết các thách thức chung của thế giới và khu vực.
Về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng cho rằng trước hết chúng ta phải tự tin, bản lĩnh và chúng ta có cơ sở để tự tin, bản lĩnh để tham gia kỷ nguyên thông minh.
"Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab về bản lĩnh Việt Nam. Với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", truyền thống văn hóa – lịch sử hào hùng, chúng ta có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về mục tiêu của Việt Nam tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng cả dân tộc phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử, con người), đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng nêu rõ, cần hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, huy động tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị trong kỷ nguyên thông minh. Cùng với đó, lựa chọn những lĩnh vực, những công đoạn mà Việt Nam có lợi thế nhất trong chuỗi cung ứng, sản xuất của kỷ nguyên thông minh, phát huy hết sở trường của con người Việt Nam, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam trong bối cảnh thế giới.
Thủ tướng lưu ý, ngoài các chính sách chung, tạo cơ hội bình đẳng cho tất mọi người, thì phải có chính sách đặc thù, đặc biệt cho các đối tượng yếu thế, những vùng có điều kiện khó khăn, bảo đảm không để thiếu điện, không có vùng lõm sóng, phát huy tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa các đối tượng, các vùng miền, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên thông minh.
Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội".
Thủ tướng mong muốn, tin tưởng thế hệ trẻ phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, dám đương đầu khó khăn, thách thức, vượt qua khó khăn, thách thức, có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề đặt ra, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh, đóng góp cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

"Sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa Xuân của tuổi trẻ, với khát vọng, ước mơ, hoài bão, chính các bạn sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng nói và đề nghị các bạn trẻ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành như chip bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Thủ tướng đề nghị GS. Klaus Schwab và WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam tiên phong trong kỷ nguyên thông minh mà thế hệ trẻ là nòng cốt.
Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và lắng nghe những ý kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn trẻ thanh niên và sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, về đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo thuận lợi cho thế hệ trẻ để vững bước tiến vào kỷ nguyên thông minh.
 
 
 
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã ban hành chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo; đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN và các đơn vị; đã triển khai đồng bộ ứng dụng KPI trong quản lý vận hành; đang triển khai kế hoạch quốc tế hóa ĐHQGHN; đã chuyển đổi các ngành nghề đào tạo theo hướng đẩy mạnh các ngành kỹ thuật công nghệ; cho tới nay, ĐHQGHN đã có tỷ trọng các ngành kỹ thuật công nghệ y dược… chiếm tới 35%.
ĐHQGHN đã hợp tác triển khai đào tạo bậc cử nhân và sau đại học với các ngành AI, bán dẫn, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, fintech, innovation… ĐHQGHN đã ký kết hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới để phát triển các ngành nghề mới. ĐHQGHN đã phát triển các kênh kết nối và hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước; chỉ số hài lòng của doanh nghiệp với ĐHQGHN tăng rất nhanh trong thời gian qua. Cùng với đó, ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển đội ngũ và chất lượng. Trong 3 năm qua, ĐHQGHN đã thu hút được thêm gần 300 nhà khoa học; số lượng công bố quốc tế của ĐHQGHN đã tăng gấp 2 lần sau 3 năm; nguồn thu ngoài ngân sách của ĐHQGHN tăng nhanh qua các năm; trong đó nguồn thu không phải là học phí đang tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn.
Thực hiện vai trò dẫn dắt của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục quốc dân, ĐHQGHN được lãnh dạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giao xây dựng đề án phát triển trở thành đại học trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030; tịch cực tham gia vào Đề án phát triển 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn của Chính phủ.
Hiện nay, ĐHQGHN đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Khu đô thị Đại học tại Hòa Lạc, với mục tiêu biến nơi đây thành một khu vực đào tạo và nghiên cứu hiện đại, tiên tiến, mang tầm quốc tế, là trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, trung tâm chuyển giao công nghệ. Cuối tháng 9 vừa qua, ĐHQGHN đã khởi công được các công trình đến từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, là đơn vị đầu tiên trong 3 đại học đã giải ngân được nguồn vốn vay này.
 
Thông tin về GS. Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới:
GS. Klaus Schwab, sinh năm 1938 tại Ravensburg, Đức, là một nhà kinh tế học và kỹ sư nổi tiếng toàn cầu, được biết đến với vai trò là người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF).
Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Fribourg và Tiến sĩ Kỹ thuật tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich). Sau đó, ông tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị Công tại Trường Chính phủ John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Năm 1971, ông thành lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, ban đầu chỉ là một cuộc họp nhỏ dành cho lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu. Dưới sự dẫn dắt của ông, WEF đã trở thành một diễn đàn toàn cầu, quy tụ các nhà lãnh đạo để thảo luận về các vấn đề cấp bách như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Năm 1998, ông đồng sáng lập Quỹ Schwab cho doanh nghiệp xã hội cùng với vợ ông (Hilde Schwab). Quỹ tìm kiếm, nhận diện và triển khai các sáng kiến khởi nghiệp xã hội để cải thiện mức sống của người dân. Quỹ hỗ trợ hơn 350 doanh nhân xã hội trên toàn thế giới.
GS. Klaus Schwab đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tích hợp kinh tế toàn cầu. Ông đã khởi xướng nhiều sáng kiến và dự án quan trọng, bao gồm Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu, Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leaders), và các sáng kiến về công nghiệp 4.0.
WEF dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Klaus Schwab đã trở thành một diễn đàn có ảnh hưởng lớn đến các chính sách và quyết định của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trên toàn cầu. Diễn đàn đã đóng góp vào việc định hình các cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, và tương lai của việc làm.
 

Tác giả: Theo VNU Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây