Tin tức

Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều nhân 100 năm tranh luận Truyện Kiều

Thứ hai - 16/12/2024 00:57
Đây là nội dung của tọa đàm khoa học quốc tế do Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức sáng nay 16/12/2024.
Những tranh luận khẳng định sức sống bền bỉ của Truyện Kiều qua thời gian
Đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm, GS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Nguyễn Du và Truyện Kiều có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Để đánh giá được những giá trị đó, cần có sự nghiên cứu, thảo luận khoa học.
Cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh và nhà Nho Ngô Đức Kế cách đây 100 năm diễn ra ngắn, nhưng giá trị của nó còn nhiều dư âm. Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề: “Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều nhân 100 năm tranh luận Truyện Kiều” do Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm nhìn nhận lại cuộc tranh luận này cũng như nhìn lại chính Truyện Kiều trong tư cách một di sản văn chương, nghệ thuật với các nghiên cứu mới, góc nhìn mới.
GS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, những vấn đề khoa học xoay quanh Truyện Kiều đã được tranh luận trong nhiều diễn đàn và chưa chấm dứt, cho thấy Truyện Kiều dù là tác phẩm kinh điển nhưng vẫn nẩy ra nhiều vấn đề khoa học cần giải đáp.
Cách đây đúng 100 năm, có một sự kiện văn chương quan trọng đã diễn ra ở Việt Nam khi đó đang là thuộc địa của Pháp: cuộc tranh luận Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh và nhà Nho Ngô Đức Kế vào dịp cuối năm năm 1924. Cuộc tranh luận diễn ra sau khi chủ bút Nam phong tạp chí là Phạm Quỳnh đã có một bài diễn thuyết tán dương Truyện Kiều với những lời xưng tụng đã trở nên nổi tiếng “truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”.
Có thể nói tranh luận Truyện Kiều năm 1924 là một sự kiện văn chương nhiều ý nghĩa, hé lộ cho chúng ta thấy những động lực ý thức hệ khác nhau vào đầu thế kỷ 20 tham gia vào việc bình giá, nhìn nhận một hiện tượng văn chương quá khứ của người Việt.
PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tọa đàm thu hút sự tham dự của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các giảng viên và sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Kansai (Nhật Bản); ĐH Aix Marseille (Cộng hòa Pháp); Viện Khoa học Xã hội Việt Nam…
GS.TS. Trần Nho Thìn - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
GS.TS. Trần Nho Thìn - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mang đến bức tranh tổng thể về nhất thể hóa văn hóa và văn học nhìn từ vai trò của Truyện Kiều ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Diễn giả cho biết, qua việc nghiên cứu tiếp nhận Truyện Kiều ở Nam Bộ trên nhiều phương diện trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, có thể nói, Truyện Kiều có ý nghĩa nhiều mặt trên tầm mức toàn dân tộc, không chỉ góp phần tạo nên một không gian văn hóa chung dân tộc mà còn có ý nghĩa khích lệ việc xây dựng một nền văn hóa và văn học hiện đại của cả nước. Có thể đây là ngữ cảnh cho những diễn ngôn về nền văn học quốc ngữ, về vai trò của Truyện Kiều đối với văn học quốc ngữ và văn hóa dân tộc nói chung.
TS. Đoàn Ánh Dương - Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
TS. Đoàn Ánh Dương trong tham luận “Di sản văn hóa dân tộc với các nhà dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại” cho biết, đầu thế kỷ 20, Truyện Kiều của Nguyễn Du được các trí thức dân tộc chủ nghĩa trưng dụng vào các diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc. Ở bộ phận những trí thức theo chủ trương cải cách ôn hòa, Truyện Kiều được xem như là tác phẩm kinh điển của nền quốc văn An Nam, giá trị được mang ra cầm bằng để khẳng định truyền thống văn hóa văn hiến với người Pháp xâm lược. Trong khi đó, ở phía những trí thức chủ trương bạo lực cách mạng giải phóng dân tộc, Truyện Kiều chỉ được xem như là “dâm thư”, và vì thế họ cực lực lên án những hành vi tôn vinh Truyện Kiều. Tác phẩm này, theo đó, trở thành dấu chỉ cho những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa khác nhau ở Việt Nam vào thời điểm thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình khai thác và khai hóa thuộc địa. Bài tham luận của TS. Đoàn Ánh Dương đã xem xét các tranh luận xung quanh Truyện Kiều, từ đó chỉ ra tâm thái trí thức bản địa và cách thức mà họ dịch chuyển văn hóa cổ truyền vào trong tiến trình khai sinh các mô hình nhà nước hiện đại ở Việt Nam trong tình cảnh thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20.
Cuộc tranh luận về Truyện Kiều trong sự câu thúc của tình cảnh thuộc địa, vì vậy, đối tượng tranh luận bị chìm khuất đi để chỉ nổi bật lên những lựa chọn khác biệt của những đường hướng chính trị, xã hội và văn hóa. Dù được đặc biệt chú ý và tôn vinh, Truyện Kiều vẫn phải chờ đến những thập kỷ sau đó, khi trường văn học được xác lập bởi sự xuất hiện thế hệ các trí thức Tây học trẻ và một cộng đồng đọc mới mẻ và rộng mở hơn, mới được nhìn nhận như là một tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn hóa văn học Việt Nam.
ThS. Nguyễn Đào Nguyên trình bày tham luận về cuộc tán dương Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và sự trỗi dậy của các diễn ngôn về văn hóa và tinh thần dân tộc
ThS. Quách Thị Thu Hiền trao đổi về chủ đề “Mại dâm đầu thế kỷ XX: Cái nhìn phóng chiếu từ thái độ của các nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX đối với “nàng Kiều”
Truyện Kiều và sức lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều quốc gia
TS. Junko Nimura - giáo sư Khoa kinh tế, Đại học Kansai, Nhật Bản với tham luận về chủ đề “Phóng tác và minh họa cho tiểu thuyết Kim Vân Kiều ở Nhật Bản” đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về tác phẩm chuyển thể của tác phẩm gốc Kim Vân Kiều Truyện của Trung Quốc tại Nhật Bản. Diễn giả nhấn mạnh, Truyện Kiều của Việt Nam và Nhật là hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng bởi tác phẩm gốc của Trung Quốc, tuy nhiên ở mỗi đất nước, các tác phẩm đã được chuyển thể bằng những hình thức văn học khác nhau, màu sắc văn hóa khác nhau.
TS. Junko Nimura - giáo sư Khoa kinh tế, Đại học Kansai, Nhật Bản trình bày tham luận tại tọa đàm
TS. Junko Nimura đánh giá cao tính sáng tạo chủ quan của các tác phẩm chuyển thể. Theo đó, ở Việt Nam, tiểu thuyết được chuyển thể một cách sáng tạo thành thể thơ, rồi chuyển thể thành hội họa. Tại Nhật Bản, cuốn tiểu thuyết này được bộ đôi Bakin - Kuniyasu chuyển thể dưới hình thức khác, thích ứng với môi trường văn hóa mới. Nhờ những sự thích nghi này, tác phẩm được truyền tải xuyên thời gian và không gian bằng cách thay đổi hình thức. Các tác phẩm ấy đã vượt qua thời gian, không gian với giá trị văn học, văn hóa mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
TS. Trương Hồng Quang - dịch giả, nhà nghiên cứu về Truyện Kiều tại CHLB Đức
TS. Trương Hồng Quang - dịch giả, nhà nghiên cứu về Truyện Kiều tại CHLB Đức mang đến tạo đàm thông tin mới về những bản dịch Truyện Kiều qua các thời kỳ tại Đức, từ đó cho thấy, Truyền Kiều đã chinh phục độc giả ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phương tây với những giá trị xuyên thời đại của tác phẩm kinh điển này.
Tọa đàm khép lại với nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học, các giảng viên tham dự, mang tới những góc nhìn mới về Truyện Kiều và sức sống, ảnh hưởng của Truyện Kiều không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài; không chỉ thu hút sự say mê nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước mà còn có sức hấp dẫn đặc biệt với học giả quốc tế.

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây