Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả uy tín ở trong nước và nước ngoài (như Pháp, Trung Quốc, Nga,Đức, Úc, Canada,…), các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam, đại diện mộtsố cơ quan khoa học và quản lý trong lĩnh vực du lịch và văn hóa, đông đảo học viên, sinh viên tham dự trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua phần mềm zoom.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 báo cáo toàn văn của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, tập trung vào một số chủ đề: Khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu liên ngành về di sản và du lịch; Diễn ngôn và thương thảo trong cộng đồng để phát triển du lịch; Những thiết chế nhà nước và cộng đồng nhằm trao truyền văn hoá; Di sản sống và động năng phát triển du lịch từ đô thị đến các cộng đồng dân tộc thiểu số; Di sản tín ngưỡng, sáng tạo truyền thống trong quảng bá di sản và du lịch bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh (Phó hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh: Điều 88 trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua 10 ngày trước (ngày 23/11, đúng vào Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam) đã nêu rõ: việc “sử dụng, khai thác di sản văn hóa cần bảo đảm các yêu cầu là phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế; góp phần phát triển bền vững; và tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”. Như vậy những cơ hội và thách thức đặt ra bởi công tác bảo tồn và phát huy di sản trong mối tương quan với phát triển du lịch nói riêng và phát triển bền vững nói chung của Việt Nam là những vấn đề thực tiễn cần có sự tham vấn của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế với các góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận đa ngành để giải quyết các vấn đề mang tính học thuật làm nền tảng cho hoạch định và thực thi chính sách như mối quan hệ giữa các bên liên quan (quản lý nhà nước, du lịch và cộng đồng di sản), kinh tế di sản và du lịch, pháp lý, truyền thông.
Trong bối cảnh đó, hội thảo khoa học quốc tế “Di sản và Du lịch từ tiếp cận Nhân học và liên ngành” lần này sẽ không chỉ là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ tri thức, mà còn góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch bền vững”.
GS.TS Lại Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế: “Di sản và Du lịch từ tiếp cận Nhân học và liên ngành”
Qua những trường hợp nghiên cứu cụ thể, phân tích thực tiễn sinh động và đa dạng của các tiến trình biến văn hoá thành di sản, biến di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch, các báo cáo sử dụng một số khái niệm then chốt, như diễn ngôn và thương thảo thương lượng, hàng hoá hoá, sáng tạo truyền thống, trải nghiệm, di sản sống,.., không chỉ soi sáng những gì đang diễn ra mà còn cho thấy sự đa dạng trong cách giải thích của Nhân học và khoa học xã hội về di sản văn hoá và phát triển du lịch dựa trên những tư liệu mới thu được từ các nghiên cứu điền dã, trong đó có những nghiên cứu điền dã dân tộc quy chuẩn và dài hạn. Dưới cách tiếp cận đó, các học giả cho rằng di sản không chỉ gắn với các giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống mà còn bao gồm các yếu tố đời thường, đương đại. Du lịch, trong quan hệ với di sản, cũng cần được nhìn nhận từ cả góc độ kinh tế, văn hóa và xã hội.
PGS. TS. Quảng Đại Tuyên – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với báo cáo
TS. Emmanuel Pannier – Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), Pháp
GS. Vương Bách Trung – Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc
Trên cơ sở nghiên cứu các mối quan hệ đa chiều giữa bảo tồn di sản, phát triển du lịch và cộng đồng địa phương, các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp để góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong mối mối quan hệ giữa di sản và du lịch, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển bền vững. Trong đó các báo cáo nhấn mạnh cách tiếp cận nhân học và liên ngành: Kết hợp nhân học, lịch sử, kinh tế, quản lý du lịch và các ngành liên quan nhằm phát triển bền vững, bảo tồn giá trị di sản trước các thách thức như thương mại hóa, biến đổi khí hậu, và xung đột lợi ích.
GS. David Anderson - University of British Columbia, Canada
TS. Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa – Du lịch
PGS.TS. Đinh Hồng Hải - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
TS. Nguyễn Vũ Hoàng - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: “Hội thảo diễn ra trong 4 tiểu ban, 14 tham luận được trình bày trực tiếp và hơn 30 ý kiến bình luận, trao đổi rất cởi mở về những kết quả nghiên cứu xoay quanh chủ đề của hội thảo. Sự thành công của Hội thảo không chỉ nằm ở việc chia sẻ những kết quả nghiên cứu có tính mới của các nhà nhân học Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế, mà còn gợi mở nhiều vấn đề rất lí thú cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo, chuyên sâu hơn.
Với tiếp cận nhân học và liên ngành, nhiều báo cáo đã đề xuất tư vấn chính sách có chất lượng khoa học, có ý nghĩa thực tiễn trong việc bảo tồn, phát huy di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ”.
Thay mặt đơn vị tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu một lần nữa cảm ơn sự tham gia của các nhà khoa học, sự đồng hành của Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinGroup, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp đã góp phần làm nên thành công của hội thảo.