Tin tức

Hội thảo quốc gia 2024: Nâng tầm khoa học cơ bản trong phát triển bền vững

Thứ hai - 09/12/2024 21:30
Đó là chủ đề chính được các nhà khoa học trao đổi và thống nhất tại Hội thảo khoa học quốc gia: "Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức vào ngày 9/12/2024 tại Hà Nội. Đây là diễn dàn khoa học thường niên của mạng lưới bao gồm 6 cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản trong cả nước.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện cơ quan Trung ương: PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng LLTW, Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo 6 trường đại học hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản 3 miền Bắc-Trung-Nam: Trường ĐHKH Tự nhiên, Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHKH Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN), Trường ĐHKHXH&NV (thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Đà Lạt.
Hội thảo cũng quy tụ hơn 80 nhà nghiên cứu, nhà quản lí, giảng viên đến từ các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm đưa ra những phân tích chuyên sâu về vai trò của các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, hội nhập toàn cầu; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nhân lực trình độ cao trong ngành khoa học cơ bản.
MG 3213
Quang cảnh Hội thảo

Vai trò nền tảng của khoa học cơ bản trong sự phát triển quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) nhấn mạnh: “Khoa học cơ bản (KHCB) bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên: như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, địa chất và các ngành khoa học xã hội: lịch sử, văn học, triết học, tôn giáo học, nhân học, ngôn ngữ học,... Đây là các ngành học nghiên cứu sâu về lý thuyết, các quy luật của thế giới tự nhiên và xã hội, nhưng lại đóng vai trò then chốt, tiền đề cho sự phát triển các ngành khoa học ứng dụng. Ở Việt Nam, không ít lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung đã đạt trình độ quốc tế.
Tại thời điểm này cả nước đang sôi động về các chủ đề "Trách nhiệm quốc gia", "Kỳ nguyên mới/kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Hội thảo thường niên với chủ đề "Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia" đã ĐÚNG (thời điểm) và TRÚNG (vấn đề). Tham gia Hội thảo hôm nay chính là những đơn vị nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCB vào phục vụ đời sống xã hội. Với triết lí “Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng”, chúng tôi kì vọng hội thảo hôm nay là cơ hội để các nhà khoa học, các đơn vị cùng phát huy những kết quả hợp tác trước đây, đồng thời đề xuất những đường hướng, giải pháp liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi đơn vị, đóng góp chung vào sự phát triển của nền KHCB nước nhà”.
MG 3224
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng VNU-USSH)

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nêu bật vai trò của KHCB: “Đất nước sau 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới. Có được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử đó, khoa học cơ bản nước nhà đã có phần đóng góp quan trọng và xứng đáng được khẳng định.
Khoa học cơ bản, với tất cả các hoạt động rất đặc thù như: nghiên cứu cơ bản; đào tạo nhân lực khoa học cơ bản và tư vấn khoa học ở tầm đổi mới tư duy, hoạch định đường lối, chính sách quốc gia, đã có những đóng góp quan trọng và đầy trách nhiệm. Số liệu nghiên cứu khoa học của trường ĐHKHXH&NV Hà Nội cho thấy rõ vai trò đó: Từ 2020 đến nay, cán bộ Nhà trường đã và đang triển khai 131 đề tài cấp Trường, 53 đề tài cấp Bộ, 32 đề tài cấp Nhà nước; trường đã tổ chức: 41 Hội thảo trong nước và 82 Hội thảo quốc về các vấn đề lớn, vấn đề mới có tác động sâu sắc đến đất nước, xã hội và nhân sinh, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và các tư vấn chính sách cụ thể thiết thực”.
MG 3245


Khoa học cơ bản – Nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa

Phân tích vai trò của các ngành khoa học cơ bản, báo cáo của đại diện Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cho thấy sự đóng góp sâu sắc và đa dạng của những lĩnh vực này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn di sản văn hóa của đất nước. Các ngành Triết học, Văn học, Lịch sử đã tích cực tham gia vào việc tư vấn chính sách và đóng góp vào chiến lược phát triển địa phương thông qua nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó, các ngành Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Tôn giáo học, và Địa lý đã thể hiện thế mạnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Với những số liệu cụ thể về kết quả nghiên cứu, trường ĐHKHXH&NV Hồ Chí Minh đã thực hiện: 321 đề tài các cấp, 118 đề tài dự án, 19 tư vấn chính sách, 237 khoá đào tạo, 110 CLB/Đội/Nhóm hỗ trợ các vấn đề tại địa phương đã cho thấy sự ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vào việc giải quyết các vấn đề phát triển địa phương, như mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo và bảo tồn văn hóa.
MG 3266
Đại diện Trường ĐHKHXH&NV Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Những thành tựu của khoa học cơ bản là nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Khoa học cơ bản cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và xã hội, làm sáng tỏ các quy luật tự nhiên, là tiền đề để phát triển các công nghệ đột phá. Những phát hiện quan trọng từ khoa học cơ bản đã dẫn đến những ứng dụng mang tính cách mạng trong công nghiệp và đời sống.
MG 3290
Đại diện Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG-HCM khẳng định vai trò của KHCB trong thực hiện thành công chiến lược khoa học công nghệ quốc gia
 
MG 3280
Đại diện Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN trình bày báo cáo "Khoa học cơ bản với hội nhập quốc tế"
 
Nhất trí với những phân tích trên về vai trò của KHCB, PGS.TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh: “KHCB có một vai trò nền tảng, nếu không có thành tựu nghiên cứu của khoa học cơ bản, trong đó có khoa học lí luận thì không thể có nhiều ngành khoa học khác, đất nước không thể phát triển.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc, Hội đồng Lí luận Trung ương đánh giá rất cao vai trò tư vấn của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về các ngành khoa học cơ bản. Hội thảo hôm nay quy tụ các trường đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực KHTN, KHXH và KH giáo dục, với thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu trong thời gian qua chắc chắn sẽ có những đóng góp chất lượng tham gia xây dựng Nghị quyết văn kiện Đại hội XIV của Đảng”.
MG 3250

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao ý tưởng tổ chức thường niên giữa các trường hàng đầu đào tạo về KHCB để cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm trong đào tạo, xác định mục tiêu và giải pháp mới trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong muốn các ngành KHCB cần tập trung giải quyết vấn đề cấp bách: tăng năng suất lao động; già hoá dân số; chăm sóc sức khoẻ tâm thần của người dân và người lao động; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sánh ngang với các nước trong khu vực, có đầy đủ tri thức, kĩ năng, bản lĩnh sẵn sàng tham gia thị trường lao động toàn cầu.
MG 3264


Định hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khoa học cơ bản

Một trong những giải pháp để khoa học cơ bản đạt thành tựu vượt bậc trong thời gian tới và phát huy vai trò nền tảng trong chiến lược phát triển quốc gia chính là đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản.
Dựa trên phân tích cụ thể về vai trò và vị trí của việc đào tạo nguồn giáo viên và nhân lực khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, đại biểu ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Trong xu thế quốc tế biến động bất thường, công nghệ bùng nỗ, trí tuệ nhân tạo có xu hướng tác động đến tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội,… nhiều thứ sẽ bị đảo lộn và nguy cơ gây “sốc” cao, do đó hệ thống giáo dục cần đầu tư nghiên cứu để dẫn dắt xã hội, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, hệ thống các trường đại học nghiên cứu, trường sư phạm cần được đầu tư để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, nhà sư phạm hàng đầu, có tầm khu vực và thế giới trên các lĩnh vực”.
MG 3297

Theo GS.TS Võ Văn Sen (Chủ tịch HĐ Đào tạo và Khoa học, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV TP Hồ Chí Minh) những chiến lược và định hướng mà các trường đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản đã và đang triển khai là đúng đắn, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, bắt kịp xu hướng của quốc tế. Tuy nhiên, để tạo nên một sức mạnh tổng thể, các đơn vị cần tăng cường chia sẻ kết quả nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị, với các đối tác trong nước và quốc tế để tăng cường nguồn lực cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
MG 3307

 GS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) kiến nghị cần phải có một cơ chế đặc thù, đầu tư xứng đáng cho công tác đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở hiện nay đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản thì mới có thể tạo ra chuyên gia hàng đầu, những nghiên cứu có giá trị. Như thế KHCB mới thực hiện đúng vai trò nghiên cứu và sáng tạo tri thức mới có tính nền tảng và dẫn dắt sự phát triển của xã hội.
MG 3317

GS.TS Phùng Hữu Phú (nguyên UVTW Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch HĐ KH&ĐT trường ĐHKHHX&NV) đánh giá cao ý tưởng về diễn đàn khoa học của các trường nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu KHCB tại Việt Nam. Các trao đổi, thảo luận tại hội thảo cho thấy sự tìm tòi rất sáng tạo của các đơn vị, đưa khoa học cơ bản về với những vấn đề rất thực tiễn của xã hội, của địa phương, thể hiện tâm huyết, tính tiên phong của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, xã hội đang biến chuyển rất nhanh chóng, thậm chí sẽ có nhiều đảo lộn, đặt ra yêu cầu cần đổi mới căn bản tư duy khoa học, cách quản trị quốc gia hiện đại. Có những vẫn đề rất lớn cần tiếp tục trao đổi, bàn luận sâu hơn: vị thế của KHCB trong bối cảnh mới ra sao? Đào tạo KHCB như thế nào để duy trì ngành KHCB, thể hiện trách nhiệm quốc gia nhưng vẫn phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, ứng dụng được vào thực tiễn? Tìm ra nét đặc thù, đặc sắc trong đào tạo, nghiên cứu tại các trường KHCB so với các đơn vị đào tạo khác.
MG 3327

GS.TS Vũ Hoàng Linh (Hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN) chia sẻ thực trạng hiện nay người học, người dạy đặc biệt là người học giỏi, dạy giỏi không mặn mà với các ngành KHCB, vì vậy nhiều ngành của trường ĐHKH Tự nhiên rất khó tuyển sinh. Bên cạnh đó, để đào tạo nên các chuyên gia hàng đầu với những công trình khoa học đỉnh cao, có tính dẫn dắt trong các ngành khoa học cơ bản cần phải có sự đầu tư thích đáng về tài chính, thời gian, chính sách đãi ngộ,… cho cán bộ giảng viên, người học để họ toàn tâm toàn ý cống hiến và theo đuổi đam mê khoa học.  Đào tạo khoa học cơ bản là đào tạo tinh hoa không thể chạy theo số lượng chỉ để đáp ứng chỉ tiêu về tuyển sinh.
Xuất phát từ khó khăn chung ấy, các cơ sở đào tạo cần tập hợp thành một văn bản đề xuất chung để gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCB.
MG 3333

Nhất trí với đề xuất trên, PGS.TS Võ Văn Minh (Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh thêm: bên cạnh sự hỗ trợ từ chính phủ, nhà nước với các cơ chế đặc thù, các đơn vị cũng cần chủ động liên kết chặt chẽ hơn, xây dựng thống nhất chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo để có thể trao đổi sinh viên, công nhận tín chỉ, sử dụng tối đa nguồn lực chung về đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nền tảng công nghệ, dữ liệu số; kết nối thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh giữa 6 trường cùng thực hiện những đề tài mang tầm quốc gia.
MG 3344

TS Lưu Minh Chiến (Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt): Hiện nay các trường đào tạo ngành KHCB đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ và biến đổi không ngừng của khoa học công nghệ. Rất nhiều ngành hiện nay rất khó tuyển sinh, mỗi năm chỉ tuyển được vài sinh viên nhưng chúng tôi xác định khó vẫn phải làm, vì đó là trách nhiệm với ngành, với quốc gia trong đào tạo đội ngũ chuyên gia.
MG 3279

PGS.TS Lưu Trang (Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cũng cho rằng: Chính chúng ta, những nhà khoa học, nhà sư phạm đang tham gia đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực KHCB phải tích cực truyền thông để Chính phủ, bộ ban ngành, toàn xã hội hiểu rõ về giá trị, vai trò của KHCB, để có những đầu tư thích đáng. Bên cạnh đó, cũng cần đa dạng hoá nguồn lực bằng cách huy động sự chung tay của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu.
MG 3356

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS Nguyễn Phương Lan (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM) nhấn mạnh: các tham luận tại hội thảo của các trường cũng như ý kiến phát biểu của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định KHCB có vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng trong sự phát triển của khoa học, công nghệ, giáo dục của mỗi quốc gia, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tham gia vào việc phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá của các địa phương.
Các thành tựu, kinh nghiệm chia sẻ từ thực tiễn đào tạo, nghiên cứu khoa học của các đơn vị đã cho thấy một bức tranh sinh động, phản ánh các khía cạnh của khoa học cơ bản trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng. Các báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi đề xuất giải pháp để khẳng định vị thế của KHCB với trách nhiệm quốc gia, góp phần vào sự phát triển của các ngành khoa học thế giới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các đơn vị cần có tiếng nói chung đề xuất một cơ chế đầu tư xứng đáng để có thể thu hút người học, người dạy, nhà khoa học trình độ cao cho các ngành KHCB.
Các trường nòng cốt trong hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo ngành KHCB cũng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, xác định tầm nhìn, chương trình hành động chung vì sự phát triển của nền KHCB nước nhà.
MG 3362 copy
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM) tổng kết Hội thảo
 

Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học quốc gia: Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia

MG 3171
 
MG 3343
 
MG 3198
 
MG 3228
 
MG 3195
 
MG 3180
 
MG 3165
 
MG 3382 copy
 
MG 3378 copy
  
>>>> Báo chí đưa tin
- Báo điện tử Nhân dân: Hội thảo khoa học quốc gia về khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia
- Báo Giáo dục và Thời đại: Vai trò nền tảng của khoa học cơ bản trong kỷ nguyên vươn mình
- Báo Đại biểu Nhân dân: Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia: Cần phát huy vai trò trong kỷ nguyên mới 
- Truyền hình Nhân dân: https://nhandantv.vn/khoa-hoc-co-ban-voi-trach-nhiem-quoc-gia-n264073.htm
- VNU Media: Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia: Cần phát huy vai trò trong kỷ nguyên mới
- Tạp chí Giáo dục Việt Nam: Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của các CSGDĐH đào tạo ngành khoa học cơ bản
- VOV2: Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia
- Báo Đại biểu Nhân dân: Trường đại học chỉ “căng mình” với KPI thì không thể có khoa học cơ bản

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây