Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Đại học Aix Marseille tổ chức thành công Hội thảo khoa học: Các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam: triển vọng hợp tác và chia sẻ

Thứ ba - 25/10/2022 03:22
Ngày 24/10 vừa qua, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Đại học Aix Marseille, Pháp) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Các nguồn tài liệu lưu trữ về Việt Nam: triển vọng hợp tác và chia sẻ.
Tham dự Hội thảo có: PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc (Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Aix Marseille), đại diện ban lãnh đạo, giảng viên, sinh viên các Khoa: Khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Lịch sử, Quốc tế học,…, các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm lưu trữ quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các trường đại học, phòng Lưu trữ của Bộ Ngoại giao; đặc biệt có một số nhân chứng tham gia trong các cuộc di dân về Việt Nam những năm 1954-1975.
PGS.TS Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc: tài liệu lưu trữ có một vai trò rất lớn trong hoạt động nghiên cứu lịch sử Việt Nam dưới nhiều góc độ, vì vậy tôi đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức hội thảo này. Chúng tôi rất cảm ơn Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Aix Marseille (Pháp), đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đã đồng hành, hỗ trợ, phối hợp rất chặt chẽ để có thể triển khai hội thảo một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trường ĐHKHXH&NV mong rằng, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía trường Đại học Aux Marseille để có thể tổ chức được nhiều hoạt động khoa học hơn nữa giữa hai trường.
MG 3924 (1)
PGS.TS Đào Thanh Trường phát biểu tại Hội thảo
TS Cam Anh Tuấn trong phát biểu đề dẫn đã chia sẻ: “Chủ đề Tài liệu lưu trữ về lịch sử Việt Nam là một chủ đề có ý nghĩa lí luận và thực tiễn cao. Tuy nhiên đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào giới thiệu một cách hệ thống các nguồn tài liệu lưu trữ về lịch sử cận-hiện đại Việt Nam trong và ngoài nước. Vì vậy khi chúng tôi khởi động Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thể hiện qua 20 bài tham luận (17 bài tác giả trong nước, 3 bài viết của nhà khoa học Pháp) và sự có mặt đông đảo các nhà nghiên cứu trong buổi Tòa đàm ngày hôm nay. Tất cả các tham luận là kết quả của quá trình phân tích, chắt lọc, xử lí, so sánh đối chiếu hết sức kĩ lưỡng các dữ liệu thô chứa đựng trong tài liệu, kho lưu trữ để đưa ra những thông tin hết sức đáng tin cậy. Đây cũng là cơ hội tiềm năng trong hợp tác và chia sẻ giữa Lưu trữ Việt Nam và Lưu trữ các quốc gia trên thế giới".
MG 3946 (1)
TS Cam Anh Tuấn phát biểu đề dẫn Hội thảo
Trong 20 báo cáo gửi đến, các tham luận trình bày tại Tọa đàm tập trung giới thiệu các nguồn tài liệu lưu trữ liên quan đến vấn đề di cư của các thế hệ người Việt từ cuối thế kỉ XVII đến những năm 70 của thế kỉ XX: di cư từ Việt Nam sang Pháp, di cư trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
- Nguồn tài liệu của Lưu trữ quốc gia Việt Nam và Pháp về vấn đề di dân trong 2 cuộc chiến tranh thế giới của TS Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
- Phương pháp điền dã bổ trợ cho tài liệu lưu trữ – Nghiên cứu về người Việt đi lính sang Pháp thời Đại chiến I của PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc (Viện Nghiên cứu châu Á, trường Đại học Aix Marseille)
- Lính thợ Việt trong Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) qua tài liệu lưu trữ: Một góc nhìn về cuộc di dân Á – Âu) của TS Cao Việt Anh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
- Nghiên cứu về vấn đề hồi hương của Việt kiều về Thái Nguyên trong những năm 60 của thế kỉ XX qua tư liệu lưu trữ của TS Dương Thị Huyền (trường ĐH Thái Nguyên)
- Nguồn tài liệu về hồi hương Việt kiểu Tân Đảo và Tân Thế giới về miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975: Giá trị và khả năng tiếp cận của ThS Nguyễn Văn Ngọc (ĐHKHXH&NV).
MG 3958
PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
MG 3965
TS Cao Việt Anh trình bày tham luận về Lính thợ Việt trong Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) qua tài liệu lưu trữ
MG 3994 (1)
TS Dương Thị Huyền trình bày tham luận về vấn đề hồi hương của Việt kiều về Thái Nguyên
MG 3976 (1)
ThS Nguyễn Văn Ngọc trình bày tham luận tại Hội thảo
MG 3986 (1)
Ông Phạm văn Đức (Việt kiều Tân Thế giới, nhân chứng cung cấp nhưng thông tin và tài liệu quý trong nghiên cứu của ThS Nguyễn Văn Ngọc)
Các tham luận không chỉ đề cập thông tin về các cuộc di dân (thời điểm xẩy ra các cuộc di dân, thành phần cư dân tham gia, số lượng, đời sống của những người Việt di cư tại các nước sở tại,...) mà đặc biệt chỉ dẫn về nhiều nguồn tài liệu quý lần đầu tiên được khai thác. 
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, thống nhất khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của Hội thảo. Các  báo cáo trình bày trong buổi Hội thảo hôm nay chỉ ra rất nhiều nguồn tư liệu vô cùng phong phú đang được lưu trữ tại các cơ quan Lưu trữ trong và ngoài nước, việc khai thác triệt để các tư liệu này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về nhiều vấn đề lâu nay vẫn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, cũng có thể khai thác các tài liệu ở các địa phương, kết hợp phòng vấn các nhân chứng để có góc nhìn đa chiều về vấn đề di dân của người Việt trong thế kỉ XX.
Bà trần Thái Minh Tâm (Trưởng phòng Lưu trữ, Bộ Ngoại giao) đánh giá rất cao sự hợp tác của trường ĐHKHXH&NV và Đại học Aix Marseille trong việc phối hợp tổ chức những hoạt động khoa học vô cùng ý nghĩa này, đây là cơ hội để những nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ thành quả nghiên cứu, kinh nghiệm, nguồn tư liệu. Các báo cáo tham luận chỉ ra rằng các nguồn tư liệu về vấn đề di dân của người Việt trong thế kỉ XX rất phong phú, được lưu trữ ở rất nhiều nơi trong nước và một số trung tâm lưu trữ hải ngoại, vì vậy cần được chia sẻ, khai thác để đem đến thông tin khoa học hữu ích, nhiều chiều và đáng tin cậy. Về phía Bộ Ngoại giao, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các giảng viên, các em sinh viên của Trường có thể tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu đang lưu trữ mà chúng tôi quản lí.
MG 3990
Bà Trần Thái Minh Tâm (Trường phòng Lưu trữ, Bộ Ngoại giao) phát biểu đánh giá rất cao ý nghĩa của Hội thảo
MG 3940 (1)
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm

Tác giả: Hạnh Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây