Một cá nhân được xem là có năng lực số tốt cần phải thông thạo và nhanh nhạy trong việc sử dụng các công cụ số như máy tính cá nhân, smartphone, mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng, phần mềm đa dạng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Bên cạnh đó, họ cũng cần có khả năng tư duy phản biện để đánh giá một khối lượng thông tin khổng lồ và nắm bắt được cách thức phù hợp để sử dụng các công cụ kể trên. Họ còn cần biết cách duy trì những tương tác an toàn và tích cực khi tham gia các cộng đồng số, hướng đến sự cân bằng cho cá nhân và toàn xã hội dựa trên nền tảng của cái nhìn đa chiều và năng lực thấu cảm, tôn trọng sự khác biệt. Quan trọng hơn hết, họ cần có sự sẵn sàng trong việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số, phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp trọn đời của mình.
Chúng ta hiện đang có một dân số trẻ, giàu tiềm năng, đã hội tụ nhiều điều kiện phù hợp để tập trung phát triển năng lực số. Lúc này, việc cần làm là khẳng định tầm quan trọng của năng lực số đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh, xem xét tác động của các chính sách ở tầm vĩ mô đối với sự phát triển năng lực số của công dân, nhất là thanh thiếu niên, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các nhóm nghiên cứu. Năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau, và thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số của công dân dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể.
Thực hiện sứ mệnh quốc gia, cũng như đồng hành với các bạn sinh viên trong việc tăng cường trau dồi kĩ năng để có thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế số, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Tập đoàn Meta được triển khai Dự án “Nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên”. Dự án đã được triển khai từ năm 2020 đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Ngày 10/11/2022, tiếp nối những thành công của dự án, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và Tập đoàn Meta sẽ cùng hợp tác tổ chức Hội thảo
“Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học” tại Hà Nội.
📅 Thời gian: Thứ Năm, ngày 10/11/2022
⏰ Buổi sáng (8:30-11:30): Phiên toàn thể
⏰ Buổi chiều (14:00-16:00): Phiên họp nhóm chuyên gia
🌎 Địa điểm: Phòng hội nghị Victoria, Khách sạn Fortuna, số 6B, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
🌎 Trực tuyến qua Zoom meetings.
📋 Chương trình chi tiết:
https://rebrand.ly/ChuongtrinhHTNanglucsoUSSH
🔗 Link đăng ký:
https://rebrand.ly/hoithaoUSSH
Đại biểu tham dự Hội thảo Online sẽ được nhận link tải bộ 3 tài liệu:
• Khung năng lực số
• Cẩm nang hướng dẫn phát triển năng lực số
• Sách chuyên khảo Năng lực số
Hội thảo cung cấp thông tin về thực trạng, tầm quan trọng của năng lực số đối với công dân thế kỷ XXI. Hội thảo cũng tạo cơ hội để thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và các chiến lược tiềm năng để thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học nâng cao năng lực số cho sinh viên, từ đó giúp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục có những giải pháp phù hợp để phát triển năng lực số cho sinh viên Việt Nam. Nhiều tài liệu hữu ích về năng lực số sẽ được chia sẻ trong hội thảo.
Bên cạnh đó, với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin và giáo dục đại học và đại diện các trường Đại học, Cao đẳng, Hội thảo mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của năng lực số với công dân nói chung và sinh viên nói riêng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Qua phiên làm việc toàn thể và tọa đàm chuyên sâu, hội thảo sẽ phân tích xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu về nguồn nhân lực được trang bị năng lực số tại Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ của Hội thảo, 03 tài liệu phát triển năng lực số sẽ được chính thức công bố, bao gồm:
Khung năng lực số cho sinh viên, Cẩm nang phát triển năng lực số và Sách chuyên khảo Năng lực số.