Công bố Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hoá”

Thứ sáu - 16/04/2021 04:36
Sáng 15/4, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cùng Đại học Justus-Liebig Gießen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation Vietnam đã tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa”.

Nghiên cứu mới nhất do Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN, Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation và sự hợp tác của Nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan khác nhau của Việt Nam, đã khẳng định sự dịch chuyển nhân khẩu học toàn cầu đã đến Việt Nam và nước ta đang phải đối mặt với một thách thức mới – già hóa dân số. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 11,4 triệu người trên 60 tuổi (xấp xỉ gần 12% dân số). Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như vậy, kể từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10% đồng thời Việt Nam cũng sẽ chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007, bước vào thời kỳ dân số già đáng lo ngại. Nghiên cứu này kêu gọi các bên liên quan có những phương thức tiếp cận mới và lồng ghép các vấn đề về già hóa vào các vấn đề rộng hơn của sự phát triển xã hội. 

country report vietnam 2020 vietnam as an ageing society pdf

Bìa trước Báo cáo Quốc gia "Việt Nam: Một xã hội đang già hóa"

Với mục đích tạo ra một nguồn thông tin chất lượng, đáng tin cậy cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation đã khởi động dự án xuất bản Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam. Dự án sẽ đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin độc lập cập nhật về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện đại.

MG 5640

Báo cáo Quốc gia – "Việt Nam: Một xã hội đang già hóa" bao gồm 9 bài viết, được trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, với các chủ đề: Chính sách xã hội cho một dân số đang già hóa tại Việt Nam, Biến đổi nhân khẩu học ở Việt Nam, Người cao tuổi và lương hưu ở Việt Nam, Già hóa và sức khỏe, Tổng quan về chăm sóc xã hội ở Việt Nam, Vai trò của tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Việt Nam, Sự thay đổi hình ảnh người cao tuổi ở Việt Nam, Các dân tộc thiểu số và chính sách xã hội ở Việt Nam, Chính sách dân số trong quá trình chuyển đổi và một phần cung cấp các thông tin chung, các ấn phẩm và sự kiện có liên quan. Các bài viết trong Báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xã hội học, nhân học, giới và gia đình.

MG 5392

PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Tọa đàm công bố Báo cáo, PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhận định, tuy được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn 4 tháng, “Báo cáo Quốc gia – Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” là một nguồn thông tin chất lượng cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các nhà hoạch định chính sách đến đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu. Báo cáo có sự tham gia thực hiện của Trường ĐHKHXH&NV, một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu về KHXH&NV, có sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu từ các đơn vị trong trường (Khoa Xã hội học, Khoa Quốc tế học, Khoa Khoa học Chính trị, Khoa Nhân học) và ngoài trường (Viện Xã hội học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Giới và Gia đình, Viện Dân tộc học, Bộ Giáo duc và Đào tạo).

PGS.TS Đào Thanh Trường hy vọng Dự án hợp tác giữa Nhà trường với Tổ chức Hanns Seidel Foundation Vietnam không chỉ nhân rộng hiểu biết về chủ đề già hóa dân số trong cộng đồng, mà còn cung cấp các luận cứ quý báu cho quá trình hoạch định chính sách, vận động các khuyến nghị chính sách cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam trong tương lai. Nhà trường cũng mong muốn tiếp tục hợp tác với Hanns Seidel Foundation Vietnam cũng như các tổ chức của Đức trong thực hiện nghiên cứu về các vấn đề chính sách xã hội ở Việt Nam.

MG 5492

Ông Michael Siegner (Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Namphát biểu khai mạc

Thay mặt Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam, ông Michael Siegner (Trưởng đại diện) chia sẻ, những tiến bộ về y tế, xã hội và kinh tế đã dẫn đến tuổi thọ tăng lên và mức sinh giảm đi, làm dịch chuyển sự phân bố dân số theo hướng già hóa trên toàn thế giới. Việt Nam không phải là một ngoại lệ, thậm chí nước ta có tỷ lệ già hóa dân số là cao nhất tại Đông Nam Á. Đối với Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi, quá trình này lại có một ý nghĩa và các tác động riêng. Đây thực sự là một câu hỏi lớn, cần được các bên liên quan quan tâm, chú ý.

MG 5611

GS.TS Phạm Quang Minh (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) trình bày tóm tắt Báo cáo Quốc gia "Việt Nam: Một xã hội đang già hóa"

Tiếp đó, GS.TS Phạm Quang Minh đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo Quốc gia "Việt Nam: Một xã hội đang già hóa". Báo cáo chỉ ra ba vấn đề chính mà Việt Nam gặp phải: sự dịch chuyển nhân khẩu học ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn các nước khác khiến cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam chưa phát triển mạnh thì đã diễn ra tình trạng già hóa dân số; người dân Việt Nam "chưa giàu đã già", đồng thời không có lương hưu, nguồn lực tài chính ít ỏi chuẩn bị cho tương lai khi về già; mức độ đáp ứng của các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi như các trại dưỡng lão còn khá hạn chế, và không phải người cao tuổi nào cũng tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc xã hội.

MG 5696

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết vấn đề: tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số; thực hiện một chính sách xã hội quốc gia từ "trợ giúp khẩn cấp" sang giúp đỡ người dân sao cho họ có thể "tự giúp chính mình", "tự bảo vệ mình trước các rủi ro"; thử nghiệm và phát triển các mô hình mới, phối hợp nỗ lực giữa các tổ chức xã hội với gia đình và thiết chế thị trường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh mới.

Tại phần thảo luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu xã hội học từ các các trường đại học và viện nghiên cứu đã đưa ra các ý kiến bình luận, đóng góp đối với các nội dung chính của Báo cáo, đồng thời thảo luận chuyên sâu về vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, các vấn đề về giới trong một xã hội đang già hóa, bài học kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây