Tọa đàm "Chảy đi phim ơi: Khơi nguồn điện ảnh từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp"

Thứ hai - 12/04/2021 03:42
Ngày 7/4/2021, CLB Điện Ảnh đã phối hợp cùng Khoa Văn học tổ chức buổi chiếu phim "Thương nhớ đồng quê" và tọa đàm "Chảy đi phim ơi: Khơi nguồn điện ảnh từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp".

Sự kiện nằm trong tuần phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đây là hoạt động nhằm tri ân Nguyễn Huy Thiệp và những đóng góp của nhà văn. Các tác phẩm của ông không chỉ dừng chân ở địa hạt văn chương, mà còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các đạo diễn sáng tạo ra tác phẩm điện ảnh của mình.

Trong khuôn khổ tuần phim, CLB Điện Ảnh đã lựa chọn trình chiếu các bộ phim "Thương nhớ đồng quê", "Những người thợ xẻ" và "Tâm hồn mẹ"

Cả ba bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi bộ phim kể về những câu chuyện khác nhau, trong những bối cảnh thời đại khác nhau. Thế nhưng, tất cả đều cùng khắc họa những nhân vật rất giàu nội lực sống. Họ không bỏ cuộc trước khó khăn của cuộc đời và luôn khát vọng về những giá trị tốt đẹp vượt lên trên những bi kịch ở hiện tại.

Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham gia của các đạo diễn phim: Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn NSƯT Vương Đức, đạo diễn NSNS. Phạm Nhuệ Giang; các nhà nghiên cứu phim: PGS.TS Phạm Xuân Thạch, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Hoàng Cẩm Giang. Tọa đàm còn có sự góp mặt của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

Chia sẻ về việc chuyển thể truyện của Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết việc đưa “Thương nhớ đồng quê” lên màn ảnh với ông là một cơ duyên: “Truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” đem lại cho tôi niềm say mê muốn chuyển nó thành phim và tôi cứ cắm cúi viết kịch bản”. Cũng theo đạo diễn, một trong những yếu tố tạo nên "chất điện ảnh" trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp là ở việc nhà văn không bao giờ để lộ ra thông điệp. Đây là một đặc điểm rất gần với điện ảnh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ tại sự kiện

Chia sẻ từ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, các truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ cho cô cảm hứng làm phim, mà nó còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đối với cá nhân đạo diễn. Các cuốn truyện từng một thời là sách "gối đầu giường" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. “Truyện của Nguyễn Huy Thiệp có những con người rất yêu thương đồng quê của mình, nhưng họ cũng bất lực trước cuộc sống đầy khó khăn. Tuy nhiên, họ vẫn gìn giữ ao ước được đi đến biển, hướng về những điều tốt đẹp. Đó cũng là khao khát của tất cả người Việt Nam” - đạo diễn chia sẻ.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhận xét: "Những vấn đề, câu chuyện trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ cũ, và sẽ luôn đi cùng với thời đại"

Với đạo diễn Vương Đức, một trong những điểm làm nên chất riêng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là những tầng nghĩa được xây dựng trong tác phẩm: "Anh Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có tư tưởng. Văn của anh đa tầng đa nghĩa, mà văn chương càng hay, lại càng khó chuyển thể."

Đạo  diễn Vương Đức chia sẻ tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu phim đã có những chia sẻ về khả năng gợi mở từ truyện của Nguyễn Huy Thiệp. PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng: "Trong số những nhà văn sau Đổi mới, thì Nguyễn Huy Thiệp là người có duyên với điện ảnh sâu sắc nhất. Truyện của ông gợi mở nhiều điều chạm được vào đồng cảm chung của chúng ta." Cũng theo thầy, chính những vấn đề và không khí riêng trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã thúc đẩy các đạo diễn sáng tạo.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ tại tọa đàm

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy với tư cách một nhà nghiên cứu về vấn đề chuyển thể nhận định: "Truyện của Nguyễn Huy Thiệp có khả năng tạo ra những chuỗi tạo sinh vô tận. Đời sống văn bản của Nguyễn Huy Thiệp đã có đời sống tiếp nối  trong các tác phẩm chuyển thể. Các bộ phim đã chạm được đến những thân phận tổn thương trong xã hội. Cả ba bộ phim đều tạo ra những đối thoại rất đẹp với văn bản gốc."

Tác phẩm văn học và điện ảnh luôn có mối quan hệ hai mặt và tác động qua lại lẫn nhau. "Ở mặt thứ nhất, chính sự hấp dẫn của các tác phẩm văn học đã thuyết phục nhà làm phim chuyển thể câu chuyện lên màn ảnh. Từ đó, bộ phim đã tạo nên đời sống mới cho các tác phẩm văn học và đời sống mới này lại dẫn lối văn bản nguồn đến với độc giả" - TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng nhận xét.

Đời sống của những tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở trong địa hạt văn chương hay trong thời đại mà chúng ta đang sống. Giống như nhan đề "Chảy đi sông ơi", những mạch ngầm tư tưởng của Nguyễn Huy Thiệp sẽ chảy mãi trong lòng chúng ta, một niềm tin, khát vọng về những điều tốt đẹp sẽ luôn luôn có đó với cuộc đời.

Tác giả: Phạm Đức Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây