Hội thảo quốc tế “Văn hóa, Văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số” thu hút hàng chục nhà khoa học uy tín

Thứ hai - 03/04/2023 21:23
Quy tụ các nhà khoa học uy tín của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) với những kết quả nghiên cứu giá trị, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa, Văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 01 - 02/4/2023 vừa qua.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; GS.TS. Chen, Yi-Yuan - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa, Văn học Trung Quốc của Đài Loan (Trung Quốc) cùng hàng chục nhà khoa học đến từ các trường đại học, hiệp hội trong nước và quốc tế (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN; Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM; Viện Triết học - Viện Hàn lâm KHXHVN; Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Hiệp hội Văn hóa, Văn học Trung Quốc của Đài Loan (Trung Quốc); Đại học Quốc lập Thành Công; Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan – Trung Quốc); Đại học quốc tế Kị Nam; Đại học Quốc lập Chính trị; ĐH Quốc lập Sư phạm Đài Loan (Trung Quốc); Đại học Quốc lập Đông Hoa; Đại học Quốc lập Thanh Hoa, Đại học Quốc lập Trung Sơn …).
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là vấn đề được Việt Nam nhận thức ở tầm quốc gia, trở thành một định hướng phát triển đến năm 2030, thể hiện xu hướng phát triển hiện đại và hội nhập.
Bối cảnh xã hội và thời đại số hóa đã có những tác động mạnh mẽ đến sự sinh tồn của các thực thể văn hóa, văn học cũng như các hoạt động nghiên cứu văn hóa, văn học. Văn hóa số, văn học số tạo ra những thách thức cho các sinh thể văn hóa, văn học tồn tại theo dạng thức truyền thống, khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống, các phương thức tồn tại truyền thống của văn học ngày một trở nên ngoại biên hóa trong đời sống xã hội.
Nếu không có sự chuyển mình phù hợp, các giá trị văn hóa, văn học cốt lõi sẽ phải nhường chỗ cho sự phát triển ồ ạt, liên tục của các trào lưu văn hóa, văn học mang màu sắc đại chúng, thiên hướng giải trí, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tầng văn hóa, văn học truyền thống có ý nghĩa nền tảng cho nội lực của đất nước, dân tộc.”
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, với vai trò là trường đại học tiên phong trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa, Văn học Trung Quốc của Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế với mong muốn thảo luận về mối quan hệ giữa văn hóa, văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số, trong đó nhấn mạnh hệ giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia và sức mạnh nội sinh của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
 
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo trong việc bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia và sức mạnh nội sinh của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
 
GS.TS. Chen, Yi-Yuan - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa, Văn học Trung Quốc của Đài Loan (Trung Quốc) phát biểu tại Hội thảo
 
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN điều hành phiên khai mạc Hội thảo
Theo các nhà khoa học, khi bàn về văn hóa, văn học trong bối cảnh thời đại số, người ta mới nghĩ nhiều đến sự kết hợp cơ học giữa công nghệ số với các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trên thực tế, trong những năm gần đây “nhân văn số” đã và đang trở thành một khuynh hướng nghiên cứu được quan tâm ở Việt Nam. Nhưng sâu xa hơn, một phương diện quan trọng hơn trong mối quan hệ giữa văn hóa, văn học với bối cảnh thời đại số đó là việc hình thành văn hóa số phải gắn với việc xây dựng, bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Khi việc phát huy giá trị văn hóa, con người văn hóa Việt Nam được coi là sức mạnh nội sinh, nguồn lực nội sinh để đưa đất nước phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa đã trở thành một chủ trương và định hướng quan trọng của Nhà nước thì việc đặt ra vấn đề nghiên cứu văn hóa, văn học trong bối cảnh xã hội thay đổi và chuyển mình thành một thời đại số hóa cần phải được đặc biệt lưu tâm đến. Nhất là khi nó được đặt trong sự tham chiếu với một quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam thì kết quả của những thảo luận khoa học sẽ được đúc kết thành các nội dung mang tính lý luận và thực tiễn quan trọng, có giá trị tham khảo về tư vấn chính sách văn hóa, văn học cho Việt Nam.
 
 

Hội thảo là cơ hội để tăng cường giao lưu học thuật trong nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển đổi, cụ thể là xã hội chuyển đổi số và thời đại toàn cầu hóa; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Tại Hội thảo, các vấn đề được quan tâm hiện nay đã được thảo luận, như sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn học tinh hoa và văn hóa, văn học đại chúng của Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh số hóa; mối quan hệ giữa văn hóa, văn học tinh hoa và đại chúng trong bối cảnh số hóa (xung đột văn hóa, dung hòa văn hóa...). Các nhà khoa học cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu so sánh các xu hướng phát triển, đặc điểm của văn hóa, văn học Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như sự thích ứng và chuyển hướng của các hoạt động nghiên cứu văn hóa, văn học trong bối cảnh số hóa ở Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Hội thảo còn là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận  về vấn đề tiếp nhận văn hóa, văn học Việt Nam - Trung Quốc ở từng quốc gia, vùng lãnh thổ trong môi trường số hóa, những vấn đề dịch thuật tác phẩm văn học ở Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Các kết quả nghiên cứu dự kiến được công bố tại Hội thảo quốc tế “Văn hóa, Văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số” sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo công bố ở Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
(*) Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Center for Chinese Studies - CCS) thành lập ngày 20/2/2002, là đơn vị nghiên cứu, đào tạo và ứng dựng trong lĩnh vực Trung Quốc học, trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sứ mệnh của Trung tâm là tận dụng ưu thế của nguồn nhân lực khoa học cơ bản của Trường ĐHKHXH&NV, tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện về Trung Quốc, cung cấp những cứ liệu khoa học, những tri thức mang tính thời sự và tính hàn lâm cho việc tư vấn chính sách, cho việc nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu Việt Nam. Trung tâm có trách nhiệm hỗ trợ cho nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực có liên quan tới Trung Quốc tại Trường, từng bước dần xây dựng thành một trung tâm nghiên cứu mạnh về Trung Quốc, xác lập các nhóm nghiên cứu mạnh và theo định hướng trung tâm nghiên cứu xuất sắc, phát triển thành viện nghiên cứu khi các điều kiện cho phép, phù hợp với sứ mệnh của Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN.
Định hướng nghiên cứu chính của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc:
-   Nghiên cứu các động thái của Trung Quốc trong KHXH&NV, đặc biệt là các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, giáo dục.
-   Nghiên cứu các vấn đề Nho giáo và văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Á.
-   Nghiên cứu lịch sử Hán học/Trung Quốc học Việt Nam.
-  Thực hiện các nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của Trung Quốc, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chính sách và nghiên cứu dự báo, cung cấp các luận cứ khoa học nhằm tăng cường sự hiểu biết về Trung Quốc, từ đó nâng cao chất lượng ra quyết định cũng như giải quyết những thách thức nảy sinh trong thực tiễn mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghiên cứu Trung Quốc mang tính ứng dụng cao.
-  Góp phần xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu Trung Quốc có năng lực cao, thúc đẩy việc kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp… trong việc giải quyết các thách thức đến từ Trung Quốc, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và ổn định của Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa, Văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số” tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 01 - 02/4/2023:
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Bài: Thùy Dung, Ảnh: Phạm Thành Long

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây