Đến dự Hội thảo có Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của Tỉnh: Ban Tuyên giáo, Sở Văn hoá và Thể thao, lãnh đạo huyện Yên Mô, huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, có GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, PGS.TS Đặng Hồng Sơn (Giám đốc Bảo tàng Nhân học), cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia về lịch sử, văn hoá, khảo cổ học, dân tộc học,…
Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm, tham gia viết bài và tham dự của hơn 100 nhà khoa học đến từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN), Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và các viện nghiên cứu, trường đại học khác trong cả nước.
Quang cảnh Hội thảo “Nghề gốm cổ Ninh Bình – Truyền thống và hiện đại”. Ảnh: Hồng Sơn
Chủ trì hội thảo: PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam); GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV); TS Nguyễn Mạnh Cường (Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Đài PT-TH Ninh Bình
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) đã nhấn mạnh: Đồ gốm là phát minh quan trọng trong lịch sử nhân loại. Gốm Ninh Bình cũng là một trong những đồ gốm có niên đại thuộc loại sớm nhất trong khu vực và trên thế giới. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như là một trung tâm gốm Việt Nam. Vì vậy, hội thảo hôm nay được tổ chức với mong muốn quy tụ các nhà khoa học với những nghiên cứu chuyên sâu nhằm làm rõ hơn những giá trị di sản gốm Ninh Bình trong lịch sử, cũng như đề xuất phương hướng bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.
PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV) trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Hồng Sơn)
Tại Hội thảo đã có 10 báo cáo (trong 32 báo cáo in trong Kỷ yếu Hội thảo) trình bày trực tiếp các kết quả nghiên cứu, xoay quanh hai chủ đề chính
Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và
Nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị. Trong đó, đáng chú ý có các báo cáo trình bày về kết quả khai quật di tích khảo cổ học Mán Bạc (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, phát hiện năm 1998 và liên tục khai quật với quy mô lớn trong nhiều năm) cho thấy di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động thực vật, di tích mộ táng có niên đại gần 4 000 năm cách ngày nay, phản ánh thông tin rất giá trị về đời sống vật chất tinh thần của người Việt cổ thời kì Tiền Đông Sơn.
Bên cạnh đó, nhiều báo cáo tập trung nghiên cứu và khẳng định vai trò của gốm Ninh Bình - một trung tâm gốm đỉnh cao ở miền Bắc Việt Nam. Đồng thời nhiều nghiên cứu đã cho thấy bức tranh về quá trình hồi phục và phát triển sản xuất gốm ở làng gốm Bồ Bát, Gia Thuỷ. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều mô hình bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản nghề gốm cổ, vừa giá tăng giá trị cho nghề truyền thống, vừa phát triển du lịch một cách bền vững tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày một số báo cáo tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tống Quang Thìn đã đánh giá rất cao ý nghĩa của Hội thảo được tổ chức hôm nay. Hội thảo là kết quả sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự tham gia đóng góp hết sức nhiệt tình của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ học, văn hoá học, lịch sử đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Trên cơ sở nghiên cứu hết sức công phu, các nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp không chỉ bảo tồn giá trị văn hoá, lịch sử của Gốm Ninh Bình mà còn phát huy những giá trị ấy trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hội thảo thành công chính là sự khởi đầu cho một loại hình di sản mới tham dự vào miền di sản Ninh Bình giàu có và tươi đẹp trong tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đài PT-TH Ninh Bình)
Kết luận Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn một lần nữa khẳng định: Những phát hiện mới của giới nghiên cứu khảo cổ học gần đây đã xác định Ninh Bình là quê hương của đồ gốm Việt Nam từ thời tiền sử, 8.000-9.000 năm cách ngày nay. Và từ đó đến nay, đồ gốm sành sứ vẫn luôn hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân Ninh Bình. Hội thảo hôm nay thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà khoa học, với 32 báo cáo chuyên đề đã tập trung làm rõ vai trò, vị thế của gốm Ninh Bình trong lịch sử Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của di sản đặc biệt này. Với vị thế là trung tâm đào tạo – nghiên cứu – tư vấn trọng điểm về lĩnh vực lịch sử - văn hóa – di sản – bảo tồn và đặc biệt là sự hài hòa giữa nghiên cứu – bảo tồn với khai thác - phát huy di sản, Trường ĐHKHXH&NV trong thời gian tới sẽ đề xuất hướng hợp tác sâu – rộng hơn nữa, triển khai một số hoạt động khoa học phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Ninh Bình.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn kết luận Hội thảo. (Ảnh: Đài PT-TH Ninh Bình)
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu tham gia Hội thảo