1. Bối cảnh, lý do tổ chức
Vấn đề tộc người được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí có tính chiến lược trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc. Những năm gần đây, trong xu thế toàn cầu về chuyển đổi số, Nhà nước bắt đầu thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể từ Trung ương tới địa phương. Công cuộc chuyển đổi số hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống các tộc người, tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, v.v., đồng thời cũng chứa đựng không ít thách thức trong quản lý xã hội, giao dịch thương mại, thực hiện pháp luật… trong cộng đồng các tộc người ở Việt Nam, các tộc người ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, và một bộ phận người Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Thực tiễn cho thấy vấn đề tộc người trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra rất năng động ở Việt Nam cần được các nhà khoa học và những người làm chính sách bàn luận thỏa đáng, qua đó đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển bền vững cộng đồng tộc người ở Việt Nam hiện nay, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ‘Nhân học và tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số’ (Anthropology and ethnicity in Vietnam in the context of digital transformation).
2. Mục đích và các chủ đề
Từ quan điểm nhân học, hội thảo là diễn đàn khoa học quốc tế quy tụ các nhà khoa học và những người làm chính sách chia sẻ kết quả nghiên cứu mới và thảo luận các vấn đề chính sách liên quan đến các chiều cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội và phát triển bền vững các tộc người ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Hội thảo hứa hẹn một hệ thống các báo cáo khoa học và tư vấn chính sách có chất lượng khoa học, có ý nghĩa thực tiễn, góp phần phân tích, đánh giá, lý giải thấu đáo hơn các vấn đề tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số, nhất là các chủ đề sau:
- Các vấn đề nội lực tộc người (quan hệ tộc người, văn hoá và ngôn ngữ tộc người, …) và các vấn đề ngoại lực tộc người (các cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài) ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Các vấn đề thị trường, nghèo đa chiều, di dân, sinh kế, đất sản xuất, công nghệ sản xuất, tín dụng, chất lượng lao động … ở vùng dân tộc thiểu số, nông thôn đồng bằng và đô thị trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Các vấn đề quan hệ xã hội, phân hoá xã hội, các thách thức về y tế, giáo dục, môi trường, biến đổi khí hậu ở vùng dân tộc thiểu số, nông thôn đồng bằng và đô thị trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tộc người vùng dân tộc thiểu số, nông thôn đồng bằng và đô thị ở Việt Nam hiện nay, tầm nhìn 2030;
3. Thời gian và địa điểm
- Thời gian: Thứ Tư, ngày 06/12/2023
- Địa điểm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, 336 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
4. Hình thức tổ chức hội thảo
- Các đại biểu Việt Nam và các đại biểu quốc tế đang ở Việt Nam có thể tham gia hội thảo ở hội trường tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hoặc trực tuyến
- Các đại biểu quốc tế ở nước ngoài tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp
- Ngôn ngữ hội thảo: Tiếng Việt và tiếng Anh
5. Thời gian nộp báo cáo
- Hạn nộp tóm tắt (250-300 từ): 30/6/2023
- Thư mời nộp báo cáo toàn văn: 10/7/2023
- Hạn nộp báo cáo toàn văn (khoảng 7.000 – 9.000 từ): 15/11/2023
- Giấy mời tham gia Hội thảo: 20/11/2022
- Hội thảo: Thứ Tư, ngày 06/12/2023
6. Địa chỉ liên hệ
Tóm tắt, báo cáo toàn văn và các vấn đề liên quan xin gửi về Ban Tổ chức:
Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Phòng 312 nhà A, 336 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Email:
digital.anth.ussh@gmail.com | Hotline: 039.616.7619