Bàn luận các vấn đề lịch sử Việt Nam và Nhân văn số dưới góc nhìn khoa học của hai giáo sư Pháp tại Trường ĐH KHXNH&NV, ĐHQGHN

Thứ hai - 29/05/2023 22:03
Trong khuôn khổ dự án Vietnammica, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã được tiếp đón GS.Marc Bui và PGS.TS Pascal Bourdeaux thuộc Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE) tới làm việc và có chuỗi thuyết trình với chủ đề “Lịch sử Việt Nam và Nhân văn số: Xem xét lại và sử dụng các nguồn sử liệu”.
Tham dự buổi làm việc có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, lãnh đạo các khoa/bộ môn trực thuộc trường/phòng chức năng, như Khoa Lịch sử, Khoa Thông tin - Thư viện, bộ môn Tôn giáo học, phòng Hợp tác và Phát triển.
Buổi thuyết trình đã thu hút sự tham dự của các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ Khoa Lịch sử, Khoa Thông tin - Thư viện, bộ môn Tôn giáo học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao giá trị khoa học của các nội dung trong chuỗi thuyết trình cũng như tâm huyết của hai giáo sư đối với hoạt động trao đổi khoa học cùng với giảng viên, sinh viên của nhà trường.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, số hóa trong lĩnh vực khoa học Xã hội và Nhân văn là một chủ trương lớn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên của nhà trường, đặc biệt là sự hợp tác của các tổ chức, các nhà khoa học quốc tế, trong đó có dự án Vietnamica do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu tài trợ mà VNU-USSH là một trong ba thành viên chiến lược của dự án.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá cao các giá trị khoa học trong chuỗi thuyết trình của hai nhà khoa học đến từ Viện Khảo cứu cao cấp Pháp
Chuỗi bài thuyết trình của hai giáo sư tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ ngày 29/5/2023 đến ngày 02/6/2023 xoay quanh các chủ đề như: nguồn và tài liệu lưu trữ về lịch sử, phương pháp cổ điển và công cụ hiện đại; cứ liệu và phương pháp điện toán nhân văn số, nguồn tư liệu tôn giáo xưa và nay ở châu Á và châu Âu; phiên mã tư liệu lịch sử với sự hỗ trợ của máy tính; nghiên cứu những tư liệu liên quan đến Việt Nam: thư từ của Auberet, Tập san của Hội nghiên cứu Đông Dương (BSEI).
Các nội dung thuyết trình đã nhận được sự thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, học viên, nghiên cứu sinh, sinh viên tham dự.
 
 
 
 
Chuỗi thuyết trình nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên của VNU-USSH cũng như nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học khác
Vietnamica là dự án nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) tài trợ; Giáo sư Philippe Papin (Chuyên gia Việt Nam học tại Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp - EPHE) làm chủ nhiệm Dự án. Cơ quan chủ quản điều hành dự án là Viện Khảo cứu cao cấp Pháp và cơ quan tham gia quản lý dự án ở Việt Nam là Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).
Dự án kéo dài 5 năm (từ năm 2019 đến năm 2024), quy tụ nhiều chuyên gia nghiên cứu và học viên thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp (EPHE) và Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) trên địa bàn rộng lớn gồm Việt Nam, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác.
Vietnamica nhằm nghiên cứu lịch sử cung tiến Việt Nam qua văn bia, số hóa tư liệu KHXH Việt Nam lưu trữ ở châu Âu và Việt Nam; tham gia đào tạo học viên cao học và nghiên cứu sinh Tiến sỹ; thiết lập thư viện điện tử, dịch thuật - xuất bản các chuyên khảo và nghiên cứu tổng hợp về lịch sử cung tiến Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là phân tích và xử lý thác bản được in rập từ hàng ngàn văn bia cung tiến khắc dựng ở các làng xã Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Các văn bia được khắc bằng chữ Hán có xen lẫn chữ Nôm này đã mở ra những triển vọng mới nhằm phác hoạ lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế và cơ cấu xã hội ở nông thôn Việt Nam.
Ngoài những nghiên cứu lịch sử chuyên sâu, bao gồm các chuyên khảo về cung tiến liên quan đến các điểm thờ tự của làng xã, Dự án Vietnamica còn chú trọng xử lý toàn bộ thác bản văn bia bằng cách sử dụng kỹ thuật công nghệ liên quan đến nhân văn số. Trong những năm qua, nhiều chương trình nghiên cứu, tọa đàm, xuất bản, đào tạo sau đại học…đã được triển khai đồng bộ, với nhiều kết quả ấn tượng.

Tin bài liên quan:
Tiếp cận “chuyển đổi số” dưới góc nhìn khoa học xã hội và nhân văn
“Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng”: định hướng phát triển các ngành khoa học cơ bản trong giai đoạn hiện nay
Các chuyên gia hàng đầu bàn các vấn đề cấp thiết về chính sách và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Tác giả: Thùy Dzung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây