Ngôn ngữ
GS. Yves Dénéchère bắt đầu bài thuyết trình với việc điểm qua một số quan điểm, định nghĩa về khái niệm “trẻ em”. Theo nhà nghiên cứu Philippe Ariès, trẻ em được coi là người lớn thu nhỏ, với tất cả trí tuệ và cá tính của người trưởng thành. Còn theo triết gia Dominique Bourg, trẻ em là một tác nhân góp phần vào sự phát triển của xã hội. Theo đó, có thể thấy khái niệm “trẻ em” là một sự kiến tạo mang tính văn hóa, xã hội; cũng là một chuẩn mực, lý tưởng. Trẻ em được quan niệm như một phần của chu kỳ phát triển của đời sống con người.
Trên thế giới, quyền trẻ em đã trở thành một phần của quyền con người, được ghi nhận trong các văn bản quốc tế mà nổi bật nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em năm 1989. Do đó, nghiên cứu về trẻ em là một lĩnh vực liên ngành, liên quan tới nhiều ngành khoa học từ lịch sử, xã hội học, triết học, tâm lý học tới nhân chủng học. Các nghiên cứu chuyên sâu về trẻ em được khởi xướng từ những năm 1970 ở Mỹ, sau đó lan rộng sang các nước khác.
Tiếp đó, GS. Yves Dénéchère trình bày về hiện tượng trẻ em lai Việt-Pháp. Trong lịch sử Việt-Pháp của thế kỷ 20, có nhiều trẻ em lai ra đời như kết quả của những mối quan hệ giữa các sĩ quan, binh lính viễn chinh Pháp với phụ nữ Việt Nam. Theo con số ước tính, từ năm 1947-79 có khoảng 5000 trẻ em lai Việt-Pháp ra đời, trong đó giai đoạn 1946-1954 là đợt cao điểm. Các trẻ em lai được chính phủ Pháp nhìn nhận không chỉ như những đứa trẻ bình thường, mà còn là một nguồn bổ sung vào nhân khẩu của nước Pháp. Do vậy, chính phủ Pháp đã chỉ thị cho Hiệp hội Thiện nguyện về trẻ em tại Đông Dương đưa những trẻ em này về mẫu quốc, giúp họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn khi Việt Nam bị chia cắt làm hai miền.
GS. Yves Dénéchère (giữa) trình bày bài thuyết trình
Những trẻ em lai được đưa về Pháp theo con đường biển hoặc hàng không. Sau khi tới Pháp, họ được Hiệp hội Thiện nguyện giúp tìm kiếm việc làm, kết hôn với người Pháp và được hỗ trợ phục hồi tâm lý. Tuy nhiên, sau năm 1954, việc đưa trẻ em lai từ Việt Nam sang Pháp chuyển dần từ mục đích cứu tế sang đồng hóa dân số. Sau thời gian hòa nhập vào xã hội và tiếp nhận nền giáo dục Pháp, các trẻ em lai mất dần sợi dây liên hệ với nơi chôn rau cắt rốn cũng như với những người mẹ Việt Nam. Một số người trở thành đối tượng của nạn phân biệt chủng tộc với người lai.
Trải qua thời gian, những người con lai vẫn cố tìm cách kết nối lại với người thân của mình ở Việt Nam. Họ cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về ý nghĩa của việc di cư sang Pháp, về những thuận lợi và khó khăn của một người con Việt sinh sống nơi đất khách. Sau năm 1975, nhiều người con lai đã tập hợp lại trong một nhà chung là Hội người Việt Nam tại Pháp. Đây là nơi giúp họ chia sẻ số phận chung với nhau, đồng thời cùng nhau vận động người Việt Nam ở Pháp đóng góp cho quê hương gốc gác.
Theo GS. Yves Dénéchère, hiện tượng con lai Việt-Pháp trong thế kỷ 20 cần được nhìn nhận không chỉ như một hiện tượng di cư thuần túy. Đằng sau nó là những hàm ý sâu xa về chính trị, xã hội, văn hóa, chủng tộc, quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Pháp. Do đó, để nghiên cứu một cách triệt để những hiện tượng như vậy, nhà nghiên cứu cần có một góc nhìn liên ngành. Theo đó, như đã nói, trẻ em được coi như một phần của sự lớn lên và trưởng thành của con người, một tác nhân của sự phát triển xã hội.
Sau phần thuyết trình, GS. Yves Dénéchère đã tiếp nhận các câu hỏi từ phía cử tọa về một số vấn đề như nguồn kinh phí và sự hỗ trợ của nhà nước Pháp dành cho Hiệp hội Thiện nguyện về trẻ em tại Đông Dương; sự phân biệt đối xử với các trẻ em lai so với trẻ em bản xứ; lý lịch của các trẻ em lai; tiêu chí tiếp nhận con lai của Hiệp hội Thiện nguyện về trẻ em tại Đông Dương; mức độ kết nối giữa trẻ em lai Việt-Pháp với cha mẹ mình ở Việt Nam.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn