Tin tức

Tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam

Thứ sáu - 18/12/2015 05:24
Sáng nay (18/12/2015) Khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) tổ chức chương trình "Tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam".
Tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam
Tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam

Tham dự buổi tọa đàm có bà MoniQue Lamouveux, Tham tán Chính trị và Văn hóa Thông tin, Đại sứ quán Canada; bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Vụ Trưởng vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư Pháp; TS. Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường vụ, Ủy Ban Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội; TS. Lê Văn Viết, Nguyên Phó Giám đốc, Viện Quốc gia Việt Nam; bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ; PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao nội dung chủ đề buổi tọa đàm. Đây là một chủ đề nóng hổi, gây được sự chú ý và quan tâm của xã hội.

Ngày nay, thông tin là quyền lực, thông tin là sức mạnh, thông tin là tri thức. Nếu chúng ta có tri thức, có sức mạnh này, chúng ta có thể làm chủ được tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đánh giá việc sử dụng thông tin đó như thế nào? những quy định về việc được tiếp cận? tiếp cận như thế nào? sử dụng thông tin đó? vì mục đích gì?

Hiện nay Quốc hội nước ta đang bàn bạc để đưa ra dự luật về quyền tiếp cận thông tin. Những ý kiến của buổi tọa đàm hôm nay sẽ có những giá trị quan trọng, tư vấn, góp ý cho các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện dự luật. Thúc đẩy quá trình minh bạch hóa vấn đề tiếp cận thông tin và khai thác thông tin tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ.

Bà MoniQue Lamouveux, Tham tán Chính trị và Văn hóa Thông tin, Đại sứ quán Canada chia sẻ tại buổi tọa đàm

Đồng quan điểm trên, bà MoniQue Lamouveux, Tham tán Chính trị và Văn hóa Thông tin, Đại sứ quán Canada chia sẻ, buổi tọa đàm được tổ chức trong thời điểm Chính phủ Việt Nam đang dành nhiều mối quan tâm lớn đến quyền con người và quyền tiếp cận thông tin.  

Bà hi vọng buổi tọa đàm sẽ đưa ra những thảo luận quan trọng về quyền tiếp cận thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và tiếp cận thông tin một cách an toàn. Đây là một trong những vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai.

Với tham luận "Giới thiệu chuẩn mực về quyền tiếp cận thông tin trong luật pháp quốc tế và Hiến pháp 2013 và chia sẻ tiến trình xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luậ hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết:  xuất phát từ tư duy nhà nước nắm nhiều thông tin quan trọng, sao lại không chia sẻ thông tin cho người dân - đối tượng đang cần, nên nhiều nước đã ban hành luật tiếp cận thông tin, (hay luật tự do thông tin hoặc luật cung cấp các thông tin công, luật cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước…).

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luậ hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp trình bày tham luận tại tọa đàm

Tất nhiên, thông tin được cung cấp ở mỗi nước đều khác nhau, nó phụ thuộc vào hệ thống pháp luật và quan niệm về các loại thông tin.

Những thông tin cơ bản, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, đến nghiên cứu khoa học thì người dân đều được tiếp cận.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, quốc gia nào có những vùng tối trong việc cung cấp thông tin. Đó là những thông tin thuộc dạng bí mật, ví dụ như bí mật liên quan đến đời tư, sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng...

Vùng tối này cũng có sự cân nhắc về thông tin, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, trong vùng tối cũng có những vùng nửa tối nửa sáng - vùng cân đối nếu lợi ích cộng đồng cao hơn thì sẽ cung cấp.

Bà lấy ví dụ về về trường hợp sản xuất kinh doanh, nếu bí mật kinh doanh đó ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng thì bí mật sản xuất kinh doanh sẽ là thứ yếu so với sức khỏe cộng đồng.

Hay việc cân nhắc thông tin để an lòng dân với bí mật quốc phòng của Slovakia. Khi người dân dấy lên thông tin tham nhũng trong vụ việc quốc gia này mua 2 máy bay quân sự. Cuối cùng chính phủ đã quyết định người dân được cung cấp tất cả liên quan đến hồ sơ, khoản chi phí và hợp đồng mua bán.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung trình bày tham luận với chủ đề "Luật tự do thông tin của Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam"

Chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu luật tự do thông tin của Ấn Độ, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng việc thông qua luật thông tin đã khó nhưng thực thi thì càng khó hơn.

Kinh nghiệm cho rút ra cho Việt Nam là luât tự do thông tin hay luật tiếp cận thông tin phải viết dưới dạng quyền con người. Quyền cho tất cả mọi người một cách phổ biến. Vì vậy, dự thảo cần chú ý đến những người có tầng lớp yếu thế khi thưc hiện quyền này.

Việc thông qua và thực hiện luật là một cuộc đấu tranh gian khổ giữa người dân và chính quyền hành pháp. Không một chính quyền nào muốn thực hiện các quyền này của người dân. Muốn thành công thì các tổ chức xã hội dân sự cần phải liên kế và kiên trì yêu cầu chính phủ thông qua và nghiêm chỉnh thực hiện luật, GS.TS Nguyễn Đăng Dung chia sẻ.

Tọa đàm còn lắng nghe và trao đổi về các chủ đề: Chia sẻ kết quả tham vấn ý kiến công chúng về Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam, của ThS. Ngô Thị Thu Hà, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ CEPEW trình bày; tham luận kinh nghiệm quốc tế về cơ chế bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, của ThS. Nguyễn Thanh Phương, Trung tâm hỗ trợk các chương trình phát triển xã hội;…

Tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam là hoạt động mở đầu cho dự án "Nâng cao hiểu biết về sự tham gia của thanh niên vào thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam". Dự án do Khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) thực hiện.

Dự kiến, dự án sẽ kéo dài từ nay cho đến hết tháng 2/2016 với một số các hoạt động hướng đến các mục tiêu: Nâng cao hiểu biết về quyền tiếp cận thông tin cho các cán bộ giảng viên, sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Thành lập một nhóm thanh niên nòng cốt có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy việc học tập và áp dụng việc tiếp cận thông tin cho các thanh niên, sinh viên trên địa bàn Hà Nội; Thành lập một mô hình cung cấp thông tin dựa trên quyền con người cho Khoa TTTV nhằm cung cấp thông tin liên quan đến sinh viên của Khoa và lan tỏa sang các khoa khác trong toàn trường.

Tác giả: Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây