Ngôn ngữ
- Phóng viên VOA: Thưa ông, tại sao ông tin rằng vùng lãnh thổ tranh chấp lại thuộc về Việt Nam ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Ít nhất, có 04 chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Thứ nhất, từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp cai trị Việt Nam và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động nhằm thực hiện chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và công khai tuyên bố về chủ quyền trên hai quần đảo này từ năm 1933. Pháp cũng giữ quyền kiểm soát đối với hai quần đảo đó cho đến tận khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc và chính thức chuyển giao quyền đó cho Quốc gia Việt Nam (the State of Vietnam) vào ngày 15/10/1950.
Thứ hai, một loạt các đàm phán và tuyên bố quốc tế bao gồm Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Postdam năm 1945, Hiệp ước San Francisco năm 1951 và cả Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nhật Bản năm 1972, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, không hề liệt kê hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào danh sách những lãnh thổ mà Nhật Bản phải trao trả lại cho Trung Quốc.
Thứ ba, tại Hội nghị San Francisco diễn ra vào tháng 9/1951, đề xuất của Liên Xô trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đại diện của 46 trên tổng số 51 quốc gia tham dự Hội nghị phản đối, bác bỏ. Cũng tham dự Hội nghị này, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc đó là ông Trần Văn Hữu, trong phiên họp thứ bảy của Hội nghị San Francisco, đã tuyên bố: “Để dập tắt mọi mầm mống tranh chấp có thể nảy sinh sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền từ lâu của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Lời tuyên bố này đã không gặp phải bất cứ một sự phản đối hay bác bỏ nào của tất cả các nước tham dự Hội nghị.
Thứ tư, trong Hội nghị Geneva đình chỉ chiến sự ở Đông Dương năm 1954, tất cả các quốc gia tham dự, trong đó có cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thừa nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mặc dù Việt Nam bị chia cắt tạm thời ở vĩ tuyến 17, nhưng Quốc gia Việt Nam lúc đó và Việt Nam Cộng hòa sau này được quyền quản lý và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1954 đến năm 1975. Khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ chấm dứt, nhà nước Việt Nam thống nhất - Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - đã ngay lập tức thừa hưởng và liên tục thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thực hiện bởi các đại diện của Việt Nam từ trước đó trong lịch sử.
Tóm lại, đó là những chứng cứ pháp lý quốc tế không thể chối cãi về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quang cảnh buổi phỏng vấn (Ảnh: Đình Hậu)
- Phóng viên VOA: Tại sao lãnh thổ này lại quan trọng đối với nước ông như vậy ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Lãnh thổ này rất quan trọng đối với Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau:
Thứ nhất, về mặt địa lý, Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài 3.260 km, có tới hơn 1 triệu km2 mặt biển và hơn 100 cảng biển sâu thuận tiện cho giao thông vận tải. Bờ biển này trải dài trên lãnh thổ của 29/63 tỉnh thành của đất nước, nơi có tới 20 triệu người Việt Nam sinh sống, chiếm hơn ¼ dân số Việt Nam.
Thứ hai, về mặt kinh tế, ước tính trữ lượng dầu lửa trong vùng biển của Việt Nam chiếm 25% tổng trữ lượng dầu lửa của Biển Đông. Hàng năm, Việt Nam khai thác được khoảng 20 triệu tấn dầu thô, đóng góp tới 24% GDP của đất nước. Ngoài ra, cũng ở Biển Đông, Việt Nam khai thác được khoảng từ 1,5-1,8 triệu tấn hải sản hàng năm. Việt Nam có hợp tác khai thác với hầu hết các tập đoàn dầu khí quốc tế lớn như Liên doanh dầu khí VietsoPetro, BP, Total, ExxonMobil, Conoco Phillips.
Thứ ba, về mặt địa chiến lược, Việt Nam nằm ở tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hơn 70% hàng hóa của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được vận chuyển hàng năm qua đây, hơn 50% số lượng tàu bè của thế giới hoạt động qua vùng biển này. Biển Đông cũng kết nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, tạo thành một thực thể thống nhất. Biển Đông liên quan chặt chẽ tới hoà bình và an ninh của toàn bộ khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.
- Phóng viên VOA: Tại sao hiện nay các tranh chấp này lại trở nên căng thẳng?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Vì sau hơn 3 thập kỷ cải cách và mở cửa, Trung Quốc đang trỗi dậy, trở thành một cường quốc, có tham vọng bá chủ toàn cầu, đe dọa vị trí số một của Mỹ. Biển Đông là một trong những địa bàn quan trọng trong chiến lược thực hiện giấc mơ Trung Quốc. Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5/2014 vừa qua, Trung Quốc muốn cùng một lúc làm phép thử đối với nhiều chủ thể khác nhau.
Thứ nhất đối với Mỹ: Trung Quốc thể hiện sự phản đối với chiến lược “xoay trục” (pivot) hướng về châu Á của chính quyền Mỹ, nhất là sau chuyến thăm tháng 4/2014 vừa rồi của Tổng thống Barack Obama đến 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Thứ hai đối với ASEAN: Trung Quốc muốn thử sự “đồng thuận” (consensus) của các nước ASEAN trước Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Myanmar. Sự thống nhất của ASEAN đã bị đe dọa vào năm 2012, khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN và sau Hội nghị thượng đỉnh, đã không có tuyên bố chung nào của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN được đưa ra.
Thứ ba đối với Việt Nam: Trung Quốc muốn thử phản ứng của “đối tác chiến lược” (strategic partner) Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia có vị trí đặc biệt về lịch sử (nghìn năm bắc thuộc), địa lý (núi liền núi, sông liền sông), chính trị (tương đồng hệ thống chính trị) và kinh tế (nhập siêu từ Trung Quốc).
Thứ tư đối với cộng đồng quốc tế: Thế giới đang bị bận tâm vào các vấn đề an ninh khác như Ucraine, Iraq, Bán đảo Triều Tiên… và do đó có thể không quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Tóm lại, đó là thời điểm thích hợp cho Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình.
- Phóng viên VOA: Liệu có thể giải quyết các tranh chấp trên một cách hoà bình ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Tôi tin là có thể được, nhưng phải với các điều kiện là Trung Quốc phải từ bỏ các hành động có tính chất đe dọa, cam kết không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ với các nước, phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước nhỏ và yếu, đồng thời phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và nhất là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Trung Quốc là một bên tham gia.
- Phóng viên VOA: Hoa Kỳ nên đóng vai trò gì trong xung đột ở Biển Đông ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Hoa Kỳ nên đóng một vai trò xây dựng và tích cực hơn. Với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích cốt lõi trong khu vực, có các đồng minh chiến lược ở đây. Điều quan trọng là Hoa Kỳ cần làm cho tất cả các bên tranh chấp xây dựng được lòng tin, không hiểu lầm nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ phải làm cho các nước hiểu rõ chiến lược của mình ở khu vực, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng UNCLOS 1982, DOC, hợp tác với ASEAN để tiến tới một Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt. Hoa Kỳ có thể đóng vai trò là người trung gian trong quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN, không cho phép Trung Quốc “bắt nạt” các nước nhỏ. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường hợp tác với ASEAN, giúp các thành viên ASEAN củng cố, xây dựng năng lực và nội lực của họ.
- Phóng viên VOA: ASEAN có vai trò quan trọng như thế nào trong giải quyết xung đột ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: ASEAN là một tổ chức khu vực bao gồm 10 quốc gia. Kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN đã chứng tỏ là một tổ chức thành công trong các vấn đề an ninh của khu vực. Đã không có chiến tranh xảy ra giữa các thành viên. Trong những năm 1980, ASEAN đã đóng vai trò tích cực trong quá trình hòa giải ở Campuchia. ASEAN cũng là người đã tạo ra các chuẩn mực (norms) và quy tắc (rules) trong quan hệ giữa các quốc gia được tất cả các nước lớn thừa nhận. Năm 1994, ASEAN đã thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN, một cơ chế an ninh đa phương thành công đầu tiên của khu vực với sự tham gia của tất cả các nước lớn. Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải thừa nhận ASEAN với tư cách là một bên đàm phán, khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Điều mà Trung Quốc không muốn là trì hoãn đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và chỉ muốn đàm phán trên cơ sở song phương với từng nước ASEAN có tranh chấp. Vấn đề của ASEAN là phải có sự đồng thuận, phải coi xung đột ở Biển Đông là của toàn khu vực, có ảnh hưởng đến cả Hiệp hội, chứ không chỉ của các nước có tranh chấp. ASEAN cần phải nhận thức rằng, nếu Trung Quốc đặt được giàn khoan ở thềm lục địa của Việt Nam, họ có thể làm điều tương tự với các nước khác trong tương lai.
- Phóng viên VOA: Cuối cùng, ông có muốn nói thêm gì không ?
PGS.TS Phạm Quang Minh: Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều hy sinh, mất mát. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình. Chính phủ và nhân dân Việt Nam không mong muốn chiến tranh với bất cứ ai. Vì thế, Việt Nam mong muốn giải quyết hòa bình các xung đột ở Biển Đông trên cơ sở đàm phán, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, dựa vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.
- Phóng viên VOA: Xin cảm ơn ông về phần trả lời.
Tác giả: Thanh Hà-Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn