Tin tức

Nơi chiến tranh còn đọng lại

Thứ ba - 29/07/2014 05:54
Nơi chiến tranh còn đọng lại
Nơi chiến tranh còn đọng lại

 Những người ở lại.

Con đường tỉnh lộ từ thành phố Thanh Hóa đi Sầm Sơn vào những ngày nghỉ xe cộ, người ngược xuôi náo nhiệt. Mùa hè nóng rát biển là địa chỉ mà nhiều người, nhiều cơ quan tổ chức đi tắm biển, thưởng thức làn gió trong lành và nước biển mát rượi xua đi những tháng ngày nóng nực, để tái tạo năng lượng cho những ngày tiếp theo. Cách bãi biển Sầm Sơn chừng 4km có một "dấu lặng" khiêm nhường khuất lấp dưới những tán lá cây xanh rì rào theo gió. Đó là “Trung tâm nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa”. Ở đây chăm sóc nuôi dưỡng các thương bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ không nơi nương tựa, những người bị bệnh tâm thần và di chứng chiến tranh chất độc màu da cam… Họ, một thời là chiến sĩ đi qua chiến tranh, mang theo một tinh thần nhiệt huyết Cách mạng chiến đấu vì sự nghiệp Cách mạng. Họ, cũng là những người phải gánh chịu những mất mát hi sinh, những đau đớn về thể xác và tinh thần góp xương máu cho cuộc chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước.

Trong buổi gặp gỡ các thương bệnh binh của đoàn công tác Công đoàn, Hôi Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chúng tôi được gặp người cựu chiến binh Lê Văn Thành, thương binh ¼ cho biết: Anh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở mặt trận phía nam, trong lúc cả đơn vị đang xông lên chiếm lĩnh trận địa thì đơn vị anh bị địch phục kích nhằm hủy diệt cả đơn vị. Trận đánh đó, đơn vị bị thương vong nhiều. Riêng anh bị thương hai lần và hai cánh tay anh vĩnh viễn ở lại chiến trường; bị thương ở đầu và mù cả hai mắt.

Mất mát đó chỉ cách ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam hơn hai ngày. Trở về hậu phương với thương tật đầy mình tưởng chừng không đứng vững, nhưng rồi có người con gái thôn quê vì đã cảm phục anh đã yêu anh và cùng chung xây dựng hạnh phúc. Hạnh phúc đó đã đơm hoa kết trái. Ba đứa con ra đời là kết quả của nghị lực sống, vượt lên mọi khó khăn, không quản ngại để viết nên những trang viết tình yêu cuộc đời. Hiện gia đình anh ở xã Tân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Anh thuộc diện thương binh nặng nên điều trị và nuôi dưỡng tại trung tâm, thỉnh thoảng được trung tâm tạo điều kiện về thăm gia đình.

Một điều dưỡng viên dẫn chúng tôi đến phòng ở của thương binh Mai Trọng Bái và cho hay mọi người ở trung tâm gọi anh Bái là liệt sĩ sống. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Chàng trai trẻ Mai Trọng Bái nhập ngũ năm 1966 tham gia chiến trường Quảng Trị. Năm 1971 tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào, không may anh bị pháo địch tập kích, đơn vị bị thương vong, riêng anh bị cụt chân phải đến quá đầu gối, hai mắt mù dần và tai bị thủng, mảnh đạn còn găm vào tay bả vai. Nhưng bom đạn, bệnh tật không khuất phục được anh, bởi anh có một nội lực nào đó quyết tâm giành lấy sự sống. Không những thế, từ chiến trường trở về anh xây dựng gia đình. Một tai họa ập đến, vợ anh mất sớm. Thế là người thương binh ấy một mình chiến đấu với bệnh tật và cái nghèo để nuôi ba đứa con khôn lớn.

Có lẽ, khu nhà ở và sinh hoạt của các thương binh tâm thần và những người bị chất độc màu da cam đã để lại một cảm xúc đớn đau trong lòng mỗi người. Các thương binh tâm thần - họ như những người hoang dại, hùng hục đi, hùng hục ăn, hùng hùng hút những chiếc bánh, những điếu thuốc lá của khách thăm. Nhiều người đã bước sang tuổi sáu mươi, sức vóc năng lượng vẫn còn, thế nhưng họ như những người của thế giới khác. Chiến tranh đã biến họ từ những người bình thường trở thành ngây dại, với những hành vi vô thức, không kiểm soát. Nỗi đau đó họ phải mang theo suốt cuộc đời còn lại.

Tại dãy nhà của các nạn nhân chất độc màu da cam, những khuôn mặt trẻ trong trạng thái vu vơ, là nạn nhân của sự điên cuồng hủy diệt của kẻ xâm lược tàn ác đến tận cùng. Sáu mươi chín khuôn mặt, là sáu mươi chín sự khốn khổ, trong đó có cựu binh nữ Phạm Thị Lan 62 tuổi, tham gia chiến trường Quảng Trị ở những nơi khốc liệt nhất. Những trận mưa dioxit không những làm chết cỏ, cây, làm cháy sạm cả đá sỏi mà còn làm lụi tàn cả một đời người và hơn thế nữa. Cô gái Lan hơn sáu mươi năm về trước, vô tư hồn nhiên và đầy nhiệt huyết, bây giờ là một bà già ngây dại, hai lần lên bàn mổ não, giành giật lấy sự sống từ tay thần chết ác quỷ.

Những lời tri ân

Đã thành lệ, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ 27/7 Công đoàn, Hội cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại lên đường đi thăm và tặng quà cho các thương bệnh binh, người có công với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Điểm đến năm nay là Trung tâm nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. PGS.TS Đặng Xuân Kháng, Chủ tịch Công đoàn trường cho hay: “Năm nay công đoàn, cựu chiến binh trường thăm hỏi, tặng 200 gói quà và hơn 10 triệu đồng trích từ quỹ công đoàn và phong trào đóng góp của ban nữ công trong chuyến đi công tác này. Món quà không lớn, nhưng biểu thị tấm lòng, sự sẻ chia vơi bớt nỗi đau mà các thương bệnh binh đang gánh chịu”.

Công đoàn Nhà trường trao những phần quà tri ân đến Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa (ảnh: Đình Hậu)

Trong lời phát biểu của mình GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng nhà trường xúc động: “Hoạt động thăm hỏi, tặng quà của Công đoàn, Hội cựu chiến binh Trường là biểu hiện tinh thần ăn quả nhớ người trồng cây. Người bình thường đôi khi vướng hạt sỏi trong giày, dép đã thấy khó chịu rồi huống hồ các thương bệnh binh ở đây đang mang trong mình thương tật, di chứng chiến tranh và mất mát, hi sinh một phần xương máu. Mong các mẹ, các anh chị nhận lấy lời tri ân, chúc sức khỏe, luôn giữ lấy truyền thống Cách mạng và vượt lên mất mát đau thương để sống và tiếp tục cống hiến”.

Cô Bích Nga, giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng việt đang hát để cho các thương bệnh binh và các nạn nhân chất độc da cam nghe (ảnh: Đình Hậu)

Cô giáo Bích Nga, giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt miệng cứ lầm rầm trong đôi môi: "Khổ chưa! Khổ chưa !" khi thấy người mất chân, người mất tay, mất cả trí nhớ. Và thế rồi cô đứng lên hát. Cô hát những bài hát về người lính, về Hà Nội như một sự sẻ chia từ trái tim, sự giãi bày từ tấm lòng thương cảm và kính phục các anh, chị thương bệnh binh. Rồi cũng từ tấm lòng, cô đã cùng các thành viên trong đoàn, chủ yếu là chị em trong Ban Nữ công đóng góp được năm triệu đồng ủng hộ Trung tâm. Nhận chút tình nghĩa của đoàn, ông Lương Thế Tập - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người có công - cho biết: Trung tâm cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm của các ban ngành, của tỉnh và cộng đồng bằng những lời thăm hỏi động viên, tặng quà, không những cho thương bệnh binh mà cả những người phục vụ. Riêng với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cuộc thăm hỏi này còn thể hiện tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, là bài học trải nghiệm về lịch sử và hiện tại của những người con của Tổ Quốc đã hi sinh xương máu của minh, bây giờ họ tiếp tục gánh chịu hậu quả mà chiến tranh đã gây ra. Chúng tôi, từ cán bộ đến nhân viên thấu hiểu tấm lòng của các thầy, xin hứa sẽ làm hết sức mình để vơi đi những nỗi đau mà các thương bệnh binh đang gánh chịu.

Ngoảnh lại lần cuối tạm biệt Trung tâm, tôi lại tự hỏi: không biết trên mảnh đất kiên gan hình chữ S, chiến tranh đã đi qua gần bốn mươi năm rồi, bây giờ còn bao nhiêu nơi còn đọng lại chiến tranh, còn bao nhiêu nơi còn những con người khốn khổ vì chiến tranh đã gây ra, như ở nơi này. 

Tác giả: Phạm Đình Lân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây