Ngôn ngữ
Lễ khai giảng năm học 2013-2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Một trong những thành tích nổi bật của Trường năm học vừa qua là đã hoàn thành Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014-2020 theo sự hướng dẫn của ĐHQGHN. Theo đó, đến năm 2020, Trường sẽ có 38 chuyên ngành ĐT thạc sĩ và 32 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Dựa trên khảo sát cụ thể về nhu cầu xã hội và năng lực đào tạo của từng đơn vị, Đề án đặt ra lộ trình xây dựng các ngành, chuyên ngành đào tạo mới nhằm đảm bảo sự phát triển với quy mô hợp lí và bền vững.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng) trao bằng thạc sĩ cho học viên, đợt 1 năm 2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Bên cạnh đó, nhiều CTĐT mới được xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của người học như: mở ngành Quản trị văn phòng và tuyển sinh ĐH lần đầu tiên trong năm 2014; lần đầu tiên xây dựng CTĐT CLC ngành Tâm lí học, nâng tổng số CTĐT CLC của Trường lên 5 CT; 02 chương trình đào tạo SĐH lần đầu tiên được đưa vào đào tạo là Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học. Trên nền tảng các ngành khoa học cơ bản mạnh, Trường đã và đang tiếp tục tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới phục vụ nhu cầu xã hội cũng như sự phát triển tự thân của các ngành khoa học và đào tạo. Trong thời gian tới, Trường sẽ hoàn thành xây dựng thêm 02 CTĐT trình độ TS các chuyên ngành Tôn giáo học, Khoa học Thông tin – Thư viện và 06 CTĐT trình độ thạc sĩ các chuyên ngành: Lịch sử văn hoá Việt Nam, Việt Nam học, Chính sách Công, Quản trị Nhân lực, Quản trị văn phòng, Tâm lí học lâm sàng.
Trong lĩnh vực kiểm định chất lượng, bên cạnh việc hoạt động kiểm định đã đi vào nề nếp và văn hoá chất lượng đã trở thành thành tiêu chí thì thành tích tiêu biểu trong năm học này là hoàn thành việc đánh giá chương trình cử nhân ngành Ngôn ngữ học theo chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN) với những đánh giá khả quan. Với sự kiện này, Trường ĐHKHXH&NV đã tiến một bước hội nhập vào hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.
Trong đào tạo SĐH, quy mô tuyển sinh bậc tiến sĩ tăng 236%. Với chủ trương giữ vững quy mô đào tạo ĐH và mở rộng quy mô đào tạo SĐH, Nhà trường đang trên đường tiệm cận dần các tiêu chí của một ĐH định hướng nghiên cứu, nâng dần hàm lượng nghiên cứu trong các hoạt động, đẩy mạnh sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo, đặc biệt là ĐT SĐH.
Tiếp nối những thành tích từ các năm học trước, năm nay, số lượng đề tài NCKH tăng mạnh về số lượng, với 14 đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài Quỹ Nafosted, 03 đề tài cấp TP Hà Nội cùng hàng chục đề tài cấp Trường và ĐHQGHN. Trường không chỉ tiếp tục giữ vị trí trụ cột trong chương trình nghiên cứu trọng điểm về phát triển bền vững vùng Tây Bắc mà còn bước đầu triển khai Chương trình khoa học trọng điểm ĐHQGHN về “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển KHXHNV đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH”.
Hội thảo khoa học quốc tế “Từ Điện Biên Phủ tới Hiệp định Giơ ne vơ: Nhìn từ khía cạnh quốc tế” được tổ chức ngày 06/5/2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Thực hiện lộ trình xây dựng ĐH định hướng nghiên cứu theo bộ tiêu chí ĐHQGHN ban hành, Nhà trường đã có những chủ trương và giải pháp khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong cán bộ, đặc biệt là khuyến khích các công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV. Số lượng bài báo công bố quốc tế tăng gần gấp đôi so với năm học trước với 42 bài báo, trong đó có 06 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus. Có 03 công trình của cán bộ được tặng thưởng công trình khoa học tiêu biểu cấp ĐHQGHN, 01 công trình đạt giải thưởng khoa học trẻ ĐHQGHN, 05 công trình xuất bản được tặng Giải thưởng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam, 02 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm NC mạnh cấp ĐHQGHN. Điều này không chỉ khẳng đinh tiềm lực khoa học mạnh của Trường mà còn cho thấy đội ngũ cán bộ ngày càng linh hoạt, chủ động trong việc xây dựng, đấu thầu các đề tài nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn tài trợ hỗ trợ NCKH. Bên cạnh đó, những kết quả này còn cho thấy các chính sách khuyến khích, động viên hoạt động NCKH và công bố quốc tế của Trường đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Hội nghị cán bộ khoa học trẻ và học viên SĐH năm học 2013-2014 được tổ chức thành công với hơn 70 báo cáo cũng là một điểm sáng trong hoạt động NCKH của Trường. Hội nghị là nơi công bố những kết quả nghiên cứu mới của cán bộ trẻ, trao đổi học thuật và kinh nghiệm nghiên cứu, tạo mạng lưới liên kết giữa các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài trường. Đây là hoạt động thường niên, là sân chơi khoa học mới được kì vọng sẽ thổi luồng gió mới vào phong trào nghiên cứu khoa học dành cho cán bộ trẻ và học viên SĐH.
Hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường bằng việc kí mới và gia hạn 20 văn bản hợp tác với các đối tác có uy tín ở nước ngoài như ĐH Inha (Hàn Quốc), ĐH Quốc lập Đài Loan, ĐH Glasgow (Anh), Viện Nghiên cứu lập pháp Hàn Quốc, ĐH Adelaide,… nâng tổng số văn bản hợp tác quốc tế lên con số 200. Trên cơ sở này, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu quốc tế với các ĐH lớn đã và đang được triển khai hiệu quả, giúp tăng nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Nhà trường.
Lễ trao bằng thạc sĩ Xã hội học về Quản lí chính sách công và doanh nghiệp (MAPE), ngày 26/6/2014. Đây là chương trình liên kết với ĐH Toulouse 2 Jean Jaurès (Cộng hoà Pháp). (Ảnh: Thành Long/USSH)
Các CT liên kết đào tạo quốc tế các ngành Tâm lí học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, Quản lí Chính sách công và doanh nghiệp được duy trì về chất lượng đào tạo và ngày càng thu hút người học. Đây là những CT đào tạo có bản sắc và thương hiệu riêng của Trường ĐHKHXH&NV, được đánh giá là những CT hiệu quả nhất trong các CT đào tạo liên kết của ĐHQGHN cũng như của khối ĐH Pháp ngữ.
Trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Giáo dục Đài Loan do Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Văn Tảo (Đài Loan) được thành lập với các chức năng: đào tạo tiếng Hoa, tổ chức thi năng lực Hoa ngữ, các hội thảo chuyên đề và các hoạt động ngôn ngữ văn hoá Việt – Đài… Sự kiện này càng khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Trường cũng như nỗ lực đa dạng hoá các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu KH.
Lễ khai trương Trung tâm Giáo dục Đài Loan tại Trường ĐHKHXH&NV ngày 05/8/2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Năm học 2013-2014, Trường có 17 cán bộ bảo về thành công luận án tiến sĩ, 01 giảng viên được bổ nhiệm GS, 07 giảng viên được bổ nhiệm chức danh PGS. Số giảng viên đạt trình độ SĐH là 329/365 (chiếm hơn 90%), trong đó có 181 TS (chiếm 50%), 06 GS và 84 PGS (chiếm 25%). Đây là tỉ lệ cao so với các ĐH khác và so với tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lí trình độ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng được hoàn thành, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong tương lai.
Năm học vừa qua, bộ máy lãnh đạo nhiều đơn vị được kiện toàn như bổ nhiệm lãnh đạo Khoa Du lịch học, Khoa Lịch sử, Khoa LTH&QTVP, Khoa Ngôn ngữ học, Khoa TT-TV, Bảo tàng Nhân học, TTNVBCTT, Phòng QLNCKH, Phòng Thanh tra Pháp chế nghiệm kì 2014-2019. Trường hoàn thành việc tiếp nhận về tổ chức và nhân sự Trung tâm Đào tạo giảng viên LLCT và TT NC Phụ nữ trực thuộc ĐHQGHN; thành lập Bộ môn Lưu trữ Tài liệu chuyên ngành thuộc Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng; thành lập Bộ môn Lịch sử Đô thị thuộc Khoa Lịch sử; hoàn thành đề án thành lập Viện Văn hoá – Nghệ thuật. Những hoạt động trên giúp củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường tiềm lực đội ngũ cán bộ phục vụ các mục tiêu phát triển trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng) trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn cho TS Nguyễn Thị Liên Hương tại lễ công bố thành lập Bộ môn Lưu trữ tài liệu chuyên ngành, ngày 20/5/2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Quỹ Hỗ trợ cán bộ, viên chức Trường ĐHKHXH&NV, gọi tắt là Quỹ Nhân văn lần đầu tiên được thành lập với mục đích hỗ trợ cán bộ, viên chức Nhà trường gặp hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Hoạt động tiêu biểu này của Công đoàn Trường đã thiết thực thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái, kịp thời động viên cán bộ viên chức vượt qua khó khăn để tiếp tục vui sống và cống hiến.
Bước sang năm học 2014-2015, với chủ đề “Tiếp tục đổi mới – Tiên phong – Chất lượng – Kỉ cương”, Trường ĐHKHXH&NV sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh xây dựng Trường thành ĐH nghiên cứu theo bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN, trong đó chú trọng các giải pháp thúc đẩy công bố quốc tế, quốc tế hoá các chương trình ĐT…; giữ vững vai trò tiên phong và nòng cột trong hệ thống các trường ĐH khoa học cơ bản và xã hội nhân văn bằng chất lượng các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn