Ngôn ngữ
Trường học - trại giam
Bảo tàng chứng tích Toulsleng ở giữa trung tâm thành phố Pnongpenh. Kề sát đường là cuộc sống sôi động ngày đêm đổi mới, nhưng khi bước chân vào đây, một cảm giác rờn rợn, thời gian như ngưng lại. Trước khi có họa diệt chủng, nơi đây là trường học với ba khu nhà hình chữ U ôm lấy khoảng sân trường với những cây cổ thụ tỏa bóng xanh mát. Người ta liên tưởng đến những em nhỏ, mặc đồng phục, vai quàng cặp sách đến trường, vô tư nhảy múa, vô tư hát. Nhưng rồi, như trên trời ập xuống, tiếng hô khô lạnh, tiếng đạn lên nòng chát chúa, và những con người vô tội gục xuống.
Một góc Bảo tàng chứng tích Toulsleng ở giữa trung tâm thành phố Pnongpenh (Ảnh: me.zing)
Dãy nhà đầu tiên của khu bảo tàng chứng tích này là khu giam cầm cán bộ cách mạng Campuchia. Khi quân đội Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam tràn vào giải phóng nơi đây thì quân Polpot cũng vừa xử tử 14 cán bộ Campuchia bị chúng coi là những phần tử nguy hại. Mỗi gian phòng giam một người, có một giường sắt và chúng buộc người tù nằm trên đó rồi dùng khóa sắt khóa lại.
Dãy nhà tiếp theo là khu giam giữ những người mà Polpot nghi ngờ chống lại chúng. Khu này có lúc giam giữ đến hàng nghìn người. Lan can phía ngoài được đan kín bằng dây thép gai đến con gà cũng không chui lọt. Với chủ trương “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, cho nên bất kể già, trẻ, gái trai, hễ ai có biểu hiện nghi ngờ là bắt giam hoặc bắn hạ tại chỗ.
Ở dãy nhà cuối là nơi chúng tra tấn, hành hạ phạm nhân. Những hình ảnh mô phỏng lại cảnh tra tấn của chúng thật tàn độc. Chúng làm những gì có thể để gây sự đau đớn tột cùng, dai dẳng. Chúng bẻ quặt chân tay ra đằng sau, trói lại rồi gánh lên và đánh đập như đánh súc vật. Rồi cảnh tượng rùng mình, bắt người tù nhảy từ trên xuống dưới đúng vào thanh kiếm sắc nhọn phía dưới, v.v…Một cảnh tượng khác hết sức tàn độc và gây ám ảnh người xem là hình ảnh người vợ của ông Kuy Thuon - bộ trưởng thương mại thời đó, phải chịu cực hình khoan sắt vào đầu. Mũi khoan từ từ đi vào gây một sự ghê rợn, chỉ vì chúng cho rằng ông bộ trưởng theo chủ nghĩa tư bản, đối tượng mà chúng coi là kẻ thù phải tiêu diệt.
O Cun Việt Nam !
Hai anh em Norng Chan Phal và Norng Chan Li được bộ đội tình nguyện Việt Nam cứu thoát khỏi hoạ diệt chủng (Ảnh: tuoitre.vn)
Người Campuchia đầu tiên chúng tôi tiếp chuyện là anh Norng Chan Phal. Khi đoàn đang bắt đầu nghe hướng dẫn viên tên là Thạch Đa Ra giới thiệu thì có một người độ tuổi trung niên đi tới xin phép được nói một câu. Sau khi được sự đồng ý của trưởng đoàn, anh ta chắp tay trước ngực theo phong tục người Campuchia và nói: Cho tôi xin được cảm ơn nhân dân Việt Nam, cảm ơn quân tình nguyện Việt Nam đã cứu chúng tôi ra khỏi cái chết, ra khỏi họa diệt chủng. Anh chỉ tay vào một bức pano khổ to trên đó dán bức tranh có quân đội Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam cứu lấy những em nhỏ. Hai trong những em nhỏ trên người không còn một mảnh vải che thân chính là anh Norng Chan Phal và người em là Norng Chan Li. Đã ba mươi lăm năm đi qua, anh Norng Chan Phal không thể quên giây phút hiếm hoi đó, anh thoát khỏi cái chết và được sống. Và một điều may mắn đến với anh là người em Norng Chan Li cũng đã thoát khỏi họa diệt chủng nhờ vào sự che chở của quân tình nguyện Việt Nam. Anh Thạch Đa Ra cho biết, hiện anh Norng Chan Phal đã có gia đình, vợ và hai con. Anh làm nhân viên ở bảo tàng chứng tích này. Mỗi lần có đoàn từ Việt Nam sang tham quan, công tác là anh lại xin gặp bằng được để nói lên một câu chân tình đầy ân nghĩa: Cám ơn Việt Nam, cám ơn quân tình nguyện Việt Nam !
Campuchia ngày nay: đường phố thủ đô Phnom Penh về đêm/Ảnh: worldtravel-tour.com
Vĩ thanh
Chiến tranh là thế. Cái ác tột cùng giữa người với người, giữa đồng loại với nhau, cùng dòng máu, cùng họ tộc. Khi đã không còn yêu thương đồng loại, khi cái ác điên cuồng bất chấp tất cả, hành động còn hơn thú tính. Không biết đất nước hơn một trăm ngàn cây số vuông này có bao nhiêu cánh đồng chết, bao nhiêu trại giam như Toulsleng, bao nhiêu hố chôn người chật chỗ.
Campuchia đã được giải phóng, đã thoát khỏi họa diệt chủng. Bây giờ Campuchia đang trên đường đổi mới phát triển. Nụ cười của em tươi như hoa Ph’ca colap (hoa hồng), dịu dàng như điệu Apsara, đằm thắm lòng người. Họ muốn quên đi những gì mà cả dân tộc Campuchia đã đi qua, đã phải gánh chịu. Có một điều họ không quên, không bao giờ quên và thật giản dị: “O Cun Việt Nam, O Cun quân tình nguyện Việt Nam !” (Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn quân tình nguyện Việt Nam !).
Tác giả: Phạm Đình Lân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn