Tin tức

8 tuổi đã ước mơ trở thành sinh viên ĐHKHXH&NV

Thứ tư - 30/07/2014 01:37
Thủ khoa tốt nghiệp của khoá QH-2010-X của Trường ĐHKHXH&NV là Nguyễn Anh Tuấn - sinh viên ngành Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương học với điểm tổng kết 3,81.
8 tuổi đã ước mơ trở thành sinh viên ĐHKHXH&NV
8 tuổi đã ước mơ trở thành sinh viên ĐHKHXH&NV

Nguyễn Anh Tuấn là một chàng trai đặc biệt. Bởi ẩn sau vẻ ngoài thư sinh và mảnh mai là một tính cách bền bỉ và kiên định với những lựa chọn của chính mình.

Tình yêu với Lịch sử

Sinh ra trong một gia đình làm kinh doanh nhưng ngay từ những năm tiểu học, Tuấn đã tỏ rõ sự yêu thích đặc biệt với môn Lịch sử. Trong lúc đa phần các bạn còn mải mê với những trò chơi mà ít quan tâm đến đọc sách thì niềm say mê của Tuấn lúc đó lại là cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”- một cuốn sách mà thậm chí nhiều sinh viên chuyên ngành Lịch sử lên ĐH mới có cơ hội cầm đọc. Đó cũng là món quà tặng đáng nhớ mà những người bố, mẹ tâm lý tuyệt vời của bạn vì chiều sở thích của con mà mua cho. Đó là năm Tuấn lên lớp 3.  

Lúc đó, VTV2 với chương trình “Theo dòng lịch sử” đã bắt đầu cuốn hút cậu bé yêu Sử. Những sự kiện lịch sử với kiến giải độc đáo, cùng những ý nghĩa tầng lớp về văn hoá, về cuộc sống ẩn sâu bên trong đã càng khiến Tuấn bị thu hút. Lịch sử đâu có khô khan ! Lịch sử mang vẻ đẹp đầy màu sắc với những mối liên hệ nhân - quả logic, với những dòng chảy tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại cho đến tương lai. Lịch sử còn là những bài học và những giá trị được tích luỹ. Yêu chương trình, Tuấn yêu luôn cả những người nhà giáo, nhà khoa học uyên bác xuất hiện trên truyền thông để nói và truyền tình yêu về Lịch sử đến công chúng. Những chuyên gia hàng đầu ấy đa phần đến từ Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Vậy là Tuấn lại tự mày mò tìm hiểu về Trường. Một trường ĐH hàng đầu về KHXHNV - nổi tiếng với đội ngũ thầy cô tên tuổi và bề dày thành tích sáng chói. Vậy là quá đủ cho một quyết định chắc chắn của một cậu bé 8 tuổi: sẽ học về Sử và sẽ trở thành sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV trong tương lai.     

Thủ khoa Nguyễn Anh Tuấn/Ảnh: Thành Long

Điều thú vị là cấp II, Tuấn học lớp chuyên Toán Trường Ngô Sỹ Liên, lên cấp III lại học chuyên ban D. Trong khi các bạn cùng lớp cắm cúi ôn khối A hoặc D thì một mình Tuấn quyết định sẽ thi khối C chỉ vì thích môn Lịch sử. Điểm 9 thi ĐH môn Lịch sử là một kết quả không mấy ngạc nhiên đối với một bạn trẻ vốn thích Sử theo chiều sâu chứ không hời hợt như Nguyễn Anh Tuấn. Tuy nhiên, theo thời gian khi đã có thêm những kiến thức nhất định về các môn khoa học xã hội, Tuấn có một chút điều chỉnh về định hướng chọn ngành. Bạn chọn ngành Trung Quốc học, vì cho rằng nắm vững kiến thức về một trong những nền văn hoá cội nguồn của khu vực sẽ là bàn đạp vững chắc để tiến đến nghiên cứu rộng hơn về văn hoá lịch sử các nước Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Chủ động trong học tập

Nếu có ai hỏi Tuấn bí quyết để học tập tốt và đạt điểm cao, bạn sẽ ngơ ngác … vài giây. Bởi với Tuấn, không có bí quyết nào cho việc học cả. Học bởi yêu thích, muốn đi đến cùng vấn đề mình muốn tìm hiểu. Học không vì điểm hay bất kỳ danh hiệu gì. Và bởi ngoài học ra, bạn sẽ chẳng ... biết làm gì nữa.

Tuấn có may mắn là nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của bố mẹ từ khi còn nhỏ trong những quyết định về hướng đi của mình sau này. Bên cạnh đó, suốt từ những năm cấp dưới, được theo học các lớp chọn và trường chuyên nên Tuấn sớm hình thành thói quen tự lên kế hoạch học tập, tự thực hiện những đề án nghiên cứu nho nhỏ về một vấn đề mà mình quan tâm. Chính vì vậy, ngay từ những năm cấp dưới, Tuấn đã sớm ấp ủ theo con đường nghiên cứu khoa học. Có nền tảng như vậy, Tuấn khá dễ dàng hoà nhịp với phương pháp học chủ động ở đại học. Với các điều kiện thuận lợi là các thầy cô giáo giỏi chuyên môn, lại nhiệt tình, gần gũi với sinh viên, luôn khuyến khích sinh viên theo đuổi đam mê riêng; môi trường học tập tự do, cởi mở trong tư duy… đã càng thúc đẩy bạn tiến được những bước xa hơn trong đam mê tìm tòi kiến thức cũng như khai thác sâu hơn những khả năng khác của bản thân.

Giảng viên Trần Trúc Ly (Bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông phương học) nhận xét về học trò của mình: trong 03 môn dạy cho lớp của Tuấn, Tuấn chưa nghỉ một buổi học nào, thường xuyên chuẩn bị trước nội dung của buổi học sau, luôn chủ động phát hiện các các câu hỏi nghiên cứu liên quan đến nội dung môn học. Ngoài ra, Tuấn là một người mà các thày cô giáo có thể hoàn toàn yên tâm khi giao cho bạn các công việc quản lý chung của lớp như photo tài liệu, quản lý việc chia nhóm thảo luận, điểm danh... Bình thường giáo viên vẫn thường phải tự điểm danh vì nếu giao cho lớp trưởng làm sẽ rất dễ có trường hợp nể nang, bao che. Nhưng với Tuấn, bạn điểm danh rất đầy đủ và không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, do bạn luôn công tâm và bản thân vốn cũng nghiêm khắc như thế với chính mình nên các bạn trong lớp vẫn phải “tâm phục khẩu phục”.

Kỷ niệm vượt qua chính mình

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Tuấn trong 4 năm đại học chính là quãng thời gian làm khoá luận tốt nghiệp “Bước đầu tìm hiểu về thơ ca nữ tính thời Đường (Khảo sát các nữ tác gia trong “Toàn Đường thi” và các tác phẩm của họ)”. Đây là một đề tài khó và lại không phải sở trường của mình nhưng Tuấn vẫn rất quyết tâm vì muốn được thử thách khả năng của bản thân. Nhờ khoá luận này, bạn đã thu nhận được khối lượng kiến thức “mới toanh” về Lý luận văn học, về thơ Đường. Và quan trọng hơn, ý chí và những kinh nghiệm vượt qua khó khăn để đạt được điều mình muốn là bài học lớn nhất mà Tuấn có được sau những nỗ lực hết mình. Khoá luận đã nhận được điểm 10 từ Hội đồng với những lời khen rất tích cực.

Giảng viên Trần Trúc Ly chia sẻ kỷ niệm hướng dẫn khoá luận cho cậu sinh viên học giỏi này: “Tuấn chọn làm khóa luận tốt nghiệp về Văn học Trung Quốc khiến mình rất bất ngờ, vì tuy luôn đạt thành tích xuất sắc trong mọi môn học, nhưng Tuấn đã có lần chia sẻ lĩnh vực mà bạn ấy muốn theo đuổi sâu trong các bậc học tiếp theo là Địa lý kinh tế. Hơn nữa trong chương trình học của bộ môn Trung Quốc, Văn học Trung Quốc chỉ là một môn học tự chọn, và nội dung môn học mang tính tổng quan chứ không đi vào các nội dung chuyên sâu như chương trình bên khoa Văn học. Như vậy, chọn làm khóa luận về văn học Trung Quốc sẽ là thách thức khá lớn đối với sinh viên ngành Trung Quốc học”.

Chính vì thế, trong môn học chuyên đề Văn học Trung Quốc, biểu hiện ban đầu trong buổi thảo luận trên lớp của Tuấn còn có phần ngô nghê về mặt phương pháp luận, song đến tiểu luận cuối kỳ, Tuấn đã thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc trong việc chọn đề tài, chọn phương pháp tiếp cận đối tượng nghiên cứu, sưu tầm và xử lý tài liệu.

Trong quá trình phát triển từ một báo cáo cuối kỳ môn Văn học Trung Quốc thành một báo cáo khoa học (giành giải Nhì cấp khoa và cấp trường), rồi lại tiếp tục phát triển thành khóa luận tốt nghiệp, Tuấn đã thể hiện sự quyết tâm, kiên trì và bản lĩnh khi dám đi đến cùng với lựa chọn của mình.

Đề tài Tuấn chọn là một đề tài hoàn toàn mới, đòi hỏi thực hiện một lượng công việc vô cùng lớn và tỉ mỉ, đòi hỏi bổ sung những kiến thức chuyên ngành về Lý luận văn học vốn chưa được trang bị trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên bậc đại học của Khoa Đông phương, nhưng Tuấn đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy bằng một kế hoạch nghiên cứu cụ thể đến từng ngày.

Lần đầu tiên mình gặp một sinh viên mỗi tuần đều nộp cho giáo viên hướng dẫn một kế hoạch thực hiện luận văn chi tiết đến từng ngày, thậm chí mỗi ngày đều nêu rõ sáng làm phần việc nào, chiều làm phần việc nào. Và kế hoạch đó đã được thực hiện nghiêm túc với những kết quả rõ ràng” - chị Trúc Ly kể lại ấn tượng về cậu sinh viên.

Có một kỉ niệm vui là đúng ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng vương, Tuấn cũng gọi điện đề nghị vào trường gặp giáo viên hướng dẫn để báo cáo tiến độ và trao đổi về luận văn. Hoá ra suốt cả tuần đó, bạn đã lên thư viện làm việc từ sáng đến tối nên quên cả ngày tháng.

“Hướng dẫn khóa luận cho Tuấn rất mất thời gian và khá “căng thẳng” do lượng công việc quá lớn, đặc biệt là thời điểm gần cuối kỳ, bản thân mình có rất nhiều việc bận, tiến độ đọc và sửa luận văn của mình đôi khi không kịp với tiến độ viết của Tuấn. Nhưng nó cũng đem lại niềm vui và niềm tự hào rất lớn cho giáo viên, thậm chí mình cũng cảm thấy có những điểm có thể học hỏi thêm được từ phương pháp làm việc và quyết tâm của bạn ấy” - chị Trúc Ly chia sẻ thêm.

Sau tất cả những gì đã đạt được, Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận cuộc đời đầy giản dị và yêu thương: “Có tình yêu là có tất cả chị ạ. Đó là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Chính tình yêu và sự ủng hộ của bố mẹ, thầy cô, bạn bè đã cho em cơ hội làm được những điều mình muốn. Và tình yêu với việc học tập, nghiên cứu giúp em thực sự có được những niềm vui”.

Năm nay, Bộ môn Trung Quốc học có nhiều suất học bổng cho sinh viên sắp tốt nghiệp đi học tiếp thạc sĩ ở các trường đại học của Trung Quốc và Đài Loan. Với thành tích học tập xuất sắc, Tuấn luôn đứng đầu các danh sách được chọn. Tuy nhiên, bạn đã chủ động và kiên quyết xin rút lui, và chỉ tiêu được dành cho các bạn khác. Lý do được Tuấn chia sẻ là bạn đã lên kế hoạch cụ thể và chi tiết cho việc học tiếp NCS ở Khoa (Tuấn nằm trong diện chuyển tiếp thẳng NCS). Điều này có thể khiến không ít người cảm thấy suy nghĩ của Tuấn hơi "lạ". Nhưng có lẽ đây là quyết định đã được suy nghĩ kỹ, xuất phát từ những cân nhắc thực tế và từ việc hoạch định con đường học tập khá rõ ràng của Tuấn. Một lần nữa Tuấn lại lựa chọn đi con đường riêng với một thái độ kiên quyết và chủ động. Và dù là đi theo con đường nào thì tin chắc rằng, với tính cách bền bỉ cùng sự đam mê nghiên cứu và tìm tòi của bạn thì thành công chắc không phải là một điều khó dự đoán.

Một số thành tích của thủ khoa Nguyễn Anh Tuấn:

- 3 năm liền là Gương mặt trẻ cấp Trường (2011-2013).

- 2 năm liền là Gương mặt trẻ cấp ĐHQGHN năm 2012-2013.

- Giấy khen của Hiệu trưởng các năm học 2010-2011, 2011-2012, 2013-2014.

- Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN trong phong trào thi đua trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2012.

- Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN vì có thành tích xuất sắc trong học tập 4 năm ĐH (2010-2014).

- Giải Ba NCKHSV cấp Trường 2013; Giải Nhì NCKHSV 2014.

- Học bổng POSCO, học bổng ngân sách Nhà nước trong 4 năm liền.

- Tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên và Hội sinh viên của Trường; tham gia Tuyên truyền văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội nghị quốc tế của Liên hiệp các bảo tàng châu Á (ANMA) lần thứ IV tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2013; là ủy viên CLB tình nguyện của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tham gia tuyên truyền các hoạt động của Bảo tàng.

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây