Ngôn ngữ
TS Nguyễn Quang Liệu. (Ảnh: Thành Long/USSH)
- TS. có thể chia sẻ cảm nhận về đề thi môn Lịch sử năm nay ?
Đề thi ĐH môn Lịch sử năm nay bám rất sát chương trình sách giáo khoa PTTH, ở cả phần lịch sử Việt Nam và phần lịch sử thế giới. Kiến thức được hỏi trong đề trải dài suốt các giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, từ thời kỳ cách mạng tháng Tám 1930-1945 đến thắng lợi của kháng chiến chống Pháp năm 1954, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ 1975 cho đến cả giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Nội dung kiến thức được đề cập đến rộng như vậy rất tốt vì tránh được hiện tượng thí sinh học "tủ".
Đề thi ĐH Lịch sử năm nay đặc biệt rất hay, có tính mới mẻ và sáng tạo, không đặt nặng về học thuộc kiến thức mà thiên về phân tích, tư duy trên cơ sở nắm được bài.
Ví dụ: Câu 1 hỏi về những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến nào in đậm dấu ấn Việt Nam trong thế kỷ XX ? Học sinh có thể điểm lại những thắng lợi vĩ đại của dân tộc như Cách mạng tháng Tám 1945, thắng lợi của kháng chiến chống Pháp năm 1954, kháng chiến chống Mỹ năm 1975 ... Nhưng vế thứ hai của Câu 1 hỏi về vai trò của quần chúng nhân dân như là một trong những ngyên nhân quan trọng trong các chiến thắng vĩ đại ấy. Đây là câu hỏi hay, học sinh phải có kiến thức rộng, hiểu bài mới trình bày được ý này.
Câu 4 hỏi về những thay đổi phản ánh sự lớn mạnh của các quốc gia ASEAN, nhưng không đi theo lối mòn hỏi kiểu cũ: quá trình hình thành, ra đời, vai trò, chức năng của ASEAN...; mà liệt kê các sự kiện tiêu biểu để cho thấy quá trình phát triển, biến đổi của các nước khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và yêu cầu thí sinh có những nhận định khái quát, đúc rút theo từng giai đoạn cụ thể.
Đặc biệt là câu liên hệ: “ASEAN cần phải làm gì để đảm bảo hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực” là câu hỏi rất hay vì tính thời sự của vấn đề. Câu hỏi có tính liên hệ với thực tế vấn đề đấu tranh giữ vững chủ quyền trên biển Đông vốn đang rất phức tạp cũng như vấn đề an ninh khu vực đang rất nóng bỏng hiện nay. Câu hỏi này nếu chỉ học trong sách vở thì khó trả lời đúng và hay, mà buộc học sinh phải thu thập thêm thông tin ở ngoài sách vở, nắm bắt được các vấn đề thời sự để đưa vào phân tích, bình luận trong bài. Đây là dạng câu hỏi giúp người học không chỉ nắm được các kiến thức trong sách vở mà còn biết liên hệ, ứng dụng những điều đã học vào các vấn đề thực tiễn của xã hội, của thời cuộc.
Thí sinh tranh thủ ôn thi trước giờ vào phòng thi môn Lịch sử chiều ngày 09/7/2014. (Ảnh: Thành Long/USSH)
- Đề môn Lịch sử năm nay khác biệt so với mọi năm là chỉ có một đề chung cho tất cả các thí sinh, TS. nghĩ sao về thay đổi này ?
Đề Sử có điểm khác biệt so với các năm trước là đề gồm 4 câu cho tất cả đối tượng thí sinh, không có câu tự chọn, cũng không phân biệt thí sinh phân ban hay không. Kể từ khi tổ chức thi ĐH 3 chung cho đến nay thì năm nay là năm đề thi Lịch sử có sự khác biệt rõ nhất. Cách ra đề như thế này cũng có tính hai mặt của nó. Một mặt, với một đề chung, các thí sinh được đối xử bình đẳng, đề ra rõ ràng, tránh nhầm lẫn đáng tiếc trong quá trình làm. Bởi vì thực tế các năm thi trước đã có những thí sinh bị nhầm lẫn nên đã làm cả hai câu trong phần tự chọn, dẫn đến điểm không cao. Nhưng mặt khác, cách ra đề như thế này khiến thí sinh ít có cơ hội lựa chọn nội dung kiến thức mà mình học kỹ nhất, hoặc yêu thích nhất.
- TS. nhận xét thế nào về khả năng đánh giá năng lực thí sinh của đề thi năm nay ?
Đề thi ra như năm nay hay, nội dung hỏi rõ ràng, không đánh đố và đặc biệt là giúp người làm bài có cơ hội thể hiện được sự sáng tạo và nét riêng trong tư duy. Đề này phù hợp với các học sinh khá, vì các em có cơ hội thể hiện kiến thức, sự hiểu biết rộng của mình đề lấy điểm cao. Đề ra vừa và đủ, dung hòa được kiến thức cùng khả năng tư duy, hiểu bài. Dạng đề này giúp kích thích sự sáng tạo, điều này vô cùng quan trọng trong việc học hiện nay.
- Cách ra đề như thế này có nên được khuyến khích trong những năm sau không ?
Đề thi Sử lần nay cũng đặt ra cho chúng ta một yêu cầu: học Lịch sử ở bậc THPT hiện nay cần phải thay đổi, không chỉ học kiến thức khô cứng, sáo rỗng mà phải lồng ghép, gắn với các vấn đề thực tiễn. Các bài học lịch sử, các vấn đề lịch sử được nhắc lại, được thể hiện tươi mới và dưới góc nhìn có tính thời đại hơn. Làm được điều ấy thì dạy và học Lịch sử ở THPT mới sinh động, hấp dẫn, theo kịp dòng chảy thời sự của cuộc sống, giúp định hướng và giáo dục ý thức cho giới trẻ.
Hướng ra đề như thế này cần được khuyến khích trong những năm tới, để góp phẩn cải thiện cách học và dạy môn Lịch sử hiện nay, để môn Lịch sử thật sự phát huy được đúng vai trò và giá trị của nó trong việc giáo dục kiến thức nền tảng, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, đúc rút và áp dụng các bài học lịch sử vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng giúp cải thiện cách dạy và học nói chung sao cho hiệu quả và thực chất hơn.
- TS có thể dự đoán về phổ điểm môn Sử năm nay ?
Với đề thi này điểm 0 sẽ rất ít. Nhưng nếu chỉ học trong sách vở thì thí sinh khó có điểm cao. Tôi cho rằng phổ điểm chủ yếu rơi vào điểm 5,6 và 7. Điểm 10 sẽ rất khó và điểm 9 sẽ ít hơn mọi năm.
- Xin cảm ơn TS. về những nhận định trên.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn