Ngôn ngữ
Nhiều cán bộ CCB trong trường đã và đang từng ngày thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, với tư cách là những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý và những người thày mẫu mực, kính yêu. Các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, các học hàm, chức danh, học vị của cán bộ CCB đã một phần ghi nhận chiến công của những “anh lính cụ Hồ” trên mặt trận mới.
Hội CCB Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập ngày 22-12-2001. 15 năm qua, Hội đã được Hội CCB thành phố Hà Nội và Hội CCB Việt Nam đánh giá như một trong những Hội CCB tiêu biểu trong khối hội Cựu chiến binh các trường đại học trên toàn quốc. Những huy hiệu, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen cho các nhân và tập thể mà Hội CCB Thành phố Hà Nội trao tặng liên tục nhiều năm qua đã phần nào khẳng định điều đó.
Tổng số hội viên của Hội CCB Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang từng năm giảm dần. Sự giảm thiểu quân số như vậy là dễ cắt nghĩa, là tín hiệu đáng mừng, vì đó là tín hiệu song hành cùng lịch sử “quốc thái dân an”. Để kịp thời lưu lại những câu chuyện chiến trường và những gương mặt chiến sỹ trên mặt trận giáo dục và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn, Đảng ủy và Ban giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã động viên, giúp đỡ Hội CCB Nhà trường tổ chức xuất bản cuốn kỷ yếu này dưới tên gọi: Trang sách cuộc đời.
Trang sách cuộc đời trước hết là trang sổ tay liên lạc nội bộ, có ý nghĩa gắn kết anh chị em cựu chiến binh trong trường, bao gồm thông tin tiểu sử, thành tích, chiến công và ảnh chân dung. Thứ nữa, Trang sách cuộc đời còn là nơi chia sẻ những kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm quân nhân cùng những tâm sự vui buồn nghề nghiệp, hạnh phúc riêng tư… Cuốn sách là ấn phẩm của một tập thể tác giả bao gồm những cựu chiến binh đang công tác trong Trường. Nhưng để làm tăng tính truyền thống của Hội và tạo mối liên kết nghĩa tình, Ban biên tập đã cố gắng khai thác tài liệu và liên hệ tìm gặp một số CCB cũ thuộc Hội Cựu giáo chức Nhà trường. Nhiệt tình tổ chức bản thảo của Ban biên tập đã giúp cho cuốn sách phong phú qua nhiều trang kỷ yếu cá nhân. Tuy vậy Trang sách cuộc đời này không in đủ lý lịch của tất cả hội viên đương chức vì có một số Hội viên chủ động đề nghị. Ban biên tập và Ban chấp hành Hội tôn trọng sự khiêm nhường và quyền bí mật thông tin cá nhân của hội viên. Đây là cuốn sách được tổ chức trên tinh thần tự nguyện.
Cũng giống như hai tập Còn lại với thời gian đã xuất bản trước đây, Ban biên tập tiếp tục vinh danh Anh hùng LLVT – Liệt sỹ Chu Cẩm Phong (Tràn tiến), Anh hùng LLVT, Liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) cùng 26 Liệt sỹ khác, vốn là những giảng viên và sinh viên ra đi từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường – những người bất tử với tuổi 20. Danh sách 28 liệt sỹ chắc chắn chưa phải là danh sách chính xác, cuối cùng; tên tuổi, lý lịch các liệt sỹ vẫn còn đang là món nợ lòng với mỗi chúng ta, đang cần được xác minh, khẳng định. Tuy vậy, danh sách Liệt sỹ và những bài thơ, trang văn viết vội của các anh hôm nay vẫn vang lên như những ký thác lịch sử và như những lời dặn dò nhân cách cho mỗi độc giả chúng ta.
Cuốn sách được tổ chức xuất bản nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Nhà trường. Hội Cựu chiến binh hy vọng rằng cuốn sách sẽ được lưu lại trong phòng truyền thống Nhà trường sau này như một dạng sách binh thư tạp lục, và trước hết là trong ký ức của những đồng đội và bạn bè đồng nghiệp trong mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thân yêu này.
Rất mong sự cảm thông, lượng thứ cho những sơ suất và nỗ lực bất thành của Ban biên tập, Hội Cựu chiến binh chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Nhà trường, của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội và xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này.
Tác giả: Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn