Thủ khoa khoá QH-2006-X của Trường ĐHKHXH&NV năm nay là Đặng Hoàng Ngân - một trong những sinh viên xuất sắc ngành Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ. Với điểm số 3,78/4, tương đương 9,45/10, Hoàng Ngân đã trở thành thủ khoa có điểm tốt nghiệp cao nhất từ trước tới nay của Trường.
Hoàng Ngân ngoài đời thân thiện, dễ gần với cách nói chuyện nhẹ nhàng và lôi cuốn. Người ta dễ có cảm giác là ngành Tâm lí học thật sự rất phù hợp với tính cách và những tố chất sẵn có trong con người bạn. Ngân kể: Em thích học tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ kỉ luật, chính xác nhưng lịch lãm, dịu dàng với mong muốn nhờ ngoại ngữ, mình sẽ mở rộng kiến thức và sự hiểu biết đến những nền văn hoá khác, làm phong phú thêm những trải nghiệm của bản thân. Sau 3 năm học với kết quả xuất sắc tại THPT chuyên Pháp, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN), tiếng Pháp lại là cầu nối để Ngân bước vào cánh cửa đại học và đến với một tình yêu khác là Tâm lí học.
Tự chế giễu mình là người chỉ thích sống yên phận, Ngân cho rằng mình không hợp với những công việc quá bon chen và khắc nghiệt. Thế giới mà Ngân say mê tìm hiểu và khám phá là tâm hồn con người với những rung động tinh tế và cả những đứt gãy, lệch lạc về tâm lí. Ngân nói: Xã hội ngày càng phát triển, thế giới tinh thần của con người ngày càng phức tạp. Của cải vật chất làm ra nhiều hơn song dường như con người ngày càng cảm thấy ít hạnh phúc. Thấu hiểu mọi người và cũng là để thấu hiểu mình, để tìm ra niềm vui, tìm thấy tình yêu và sự cân bằng trong cuộc sống - đó là mong muốn nghề nghiệp sau này của Ngân: Được trở thành một nhà tâm lí học.
Khi nói về việc học tập, Hoàng Ngân chia sẻ rằng mình đã rất may mắn khi được học trong một môi trường tốt, trong một tập thể lớp toàn những sinh viên cầu tiến, thầy cô nhiệt tình và có phương pháp học rất hấp dẫn. Lớp của Ngân có 11 người, học chuyên môn bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, với cả thầy cô giáo người Việt và giáo viên nước ngoài. Các tiết học bao giờ cũng sinh động vì thầy cô khuyến khích trao đổi, thảo luận rất nhiều về các vấn đề chuyên môn cụ thể. Chính vì thế, Ngân được làm quen với cách chủ động trong trình bày vấn đề, tư duy biết lắng nghe và phản biện, tinh thần hợp tác trong làm việc nhóm và nhiều kĩ năng quan trọng khác giúp bạn ngày càng tự tin và trưởng thành hơn. Trong học tập, Ngân coi trọng việc lắng nghe bài giảng trên lớp, bởi “có lắng nghe, có hiểu thì sẽ nhớ lâu”. Ngoại ngữ tốt là một lợi thế giúp bạn tra cứu tài liệu chuyên môn và cập nhật những thông tin khoa học mới nhất về ngành học của mình. Chương trình học nặng, lại chịu áp lực đào thải lớn song tinh thần học tập trong lớp rất cao. “Làm thế nào để học giỏi ư? Chỉ có một bí quyết duy nhất là bạn phải yêu thích ngành học và công việc trong tương lai của mình” - Ngân nói - “Có đam mê thì sẽ làm được tất cả. Nỗ lực hết mình thi không bao giờ phải hối tiếc”.
Học đi đôi với hành, điều này đặc biệt đúng với sinh viên các ngành khoa học xã hội: hoặc chủ động tỉm đến công việc, hoặc bạn sẽ rất đau đầu với những khung lí thuyết trừu tượng, khó hình dung. Bên cạnh đó, Tâm lí học lâm sàng là ngành đòi hỏi khả năng thực hành cao và thiên về nghiên cứu các trường hợp cá biệt. Trong quá trình học tập, Hoàng Ngân có cơ hội tiếp xúc với nhiều cá nhân, đặc biệt là các trẻ em có rối nhiễu tâm lí, bước đầu tìm hiểu, nghiên cứu và đề ra các biện pháp trị liệu giúp đưa người có rối nhiễu thích nghi với cuộc sống bình thường. Những bài học trên sách vở được áp dụng để trở thành những giải pháp hiệu quả trong thực tế. Điều ấy càng làm Hoàng Ngân ý thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nghiệm nghề nghiệp của nhà tâm lí học trong tương lai - những người đem kiến thức, sự tận tâm và cả tình cảm của mình để chữa lành những vết thương tâm hồn cho đồng loại. Đề tài tốt nghiệp của Ngân về “Cấu trúc tâm trí của trẻ em hung tính” trên cơ sở nghiên cứu trường hợp cụ thể được đánh giá xuất sắc và nhận điểm 10 tuyệt đối và duy nhất của Hội đồng chấm khoá luận. TS. Trần Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp của Ngân nhận xét: “Ngân thông minh, nhạy cảm, chịu khó, có nhiều tố chất để trở thành một nhà tâm lí học lâm sàng, trên cả phương diện nghiên cứu và thực hành. Hơn nữa, tiếng Pháp của Ngân cũng rất tốt. Ngân rất xứng đáng với những kết quả đã đạt được và sẽ còn tiến xa trong nghề nghiệp”.
Tháng 9 tới Ngân sẽ nhận học bổng của Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ AUF để trở thành học viên cao học ngành Tâm lí học lâm sàng tại Đại học Nice Sophia-Antipolis (Cộng hoà Pháp). Một lần nữa tiếng Pháp và tình yêu với ngành Tâm lí học đã giúp Ngân có cơ hội mở mang kiến thức ở một môi trường học tập mới và giúp bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình.