Thật khó diễn tả cảm xúc của đoàn tham quan khi tới Làng Hữu nghị Vân Canh (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) trong khuôn khổ Hội Thảo “Hậu quả tâm lí ở những nạn nhân bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam”.
Cái Làng hữu nghị nhỏ bé, nằm cách xa trung tâm thành phố đến hơn chục cây số này yên ắng trong nắng sớm. “Đang trong giờ học, giờ làm của các em hết nên làng yên ắng thế thôi. Đến giờ giải lao lại sôi động lên ngay ấy mà”, ông Đặng Vũ Dũng, Giám đốc Làng giải thích.
Có trực tiếp thăm làng, trực tiếp chứng kiến cảnh sinh hoạt, học tập khó khăn, đau đớn của các em nhỏ nơi đây mới thấm thía hết sự khốc liệt của chiến tranh. Rõ ràng, không có sức mạnh vật chất nào có thể bù đắp cho những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của gia đình các em.
Cho nên, chúng tôi hiểu hơn tâm sự của giáo sư Mike Gorkin trong những lời chia sẻ đầu buổi tham quan. Ông hi vọng chính phủ Hoa Kì sẽ có những chính sách thoả đáng hơn trong việc xoa dịu nỗi đau chiến tranh tại Việt Nam. Có thể không làm liền được vết thương do thảm hoạ chiến tranh để lại, nhưng những động viên kịp thời cũng có thể phần nào xoa dịu bớt nỗi đau của sự tàn khốc này.
Mỗi em nhỏ tại Làng hữu nghị này là một hoàn cảnh éo le và nghị lực phi thường khiến cho đoàn tham quan không khỏi xúc động. Hậu quả của chiến tranh đã không cho các em được làm người bình thường. Chứng thiểu năng trí tuệ, thiểu năng vận động... đã khiến các em gặp vô vàn trở ngại trong cuộc sống.
Khi gặp gần 100 mảnh tâm hồn không lành lặn đến từ các tỉnh khác nhau của miền Bắc tại đây, đoàn tham quan đã thực sự bị ám ảnh. Ám ảnh, không chỉ bởi hậu quả chiến tranh, số phận đã buộc các em phải mang trên mình những vết thương đau đớn, mà còn bởi nghị lực của các em.
Tại lớp học đặc biệt nhất của làng – lớp dành cho các em trí tuệ kém phát triển nhất - các em đang được cô giáo hướng dẫn học cách rửa tay. Chị Oanh, giáo viên lớp này cho biết: Đây là lớp trí tuệ kém phát triển nhất ở Làng hữu nghị này. Trí nhớ của các em rất kém, đi vệ sinh, nếu cô giáo không kiểm tra là có khi các em... quên luôn đường ra.
Ở lớp này, các em được học những kĩ năng cơ bản nhất để phục vụ cuộc sống như rửa tay, rửa mặt... Thế nhưng, cũng chỉ có 3/8 em trong lớp này là có thể tiếp thu được. Các em còn lại gần như hoàn toàn không có khả năng tiếp nhận...
Em Trung run run cầm bánh xà phòng chà lên tay. Miếng xà phòng cứ trầy lên trật xuống không chịu theo ý điều khiển của cậu bé. Những bàn tay vốn đã yếu ớt, quặt quẹo, lại thêm chứng thiểu năng trí tuệ đã khiến cho việc tưởng chừng như dễ dàng với bất kì trẻ lên 4 nào cũng vô cùng khó khăn đối với một cậu bé lên 10 như Trung.
Thật xót xa, nhưng ai cũng cố cười. Cười như một sự động viên, an ủi khi bàn tay bé xíu, quặt quẹo của "thanh niên" Nguyễn Quang Hoà (gần 29 tuổi) lọt thỏm trong bàn tay của giáo sư Gorkin.
Nếu cứ như không ít thanh niên lành lặn bình thường thì năm nay, con của Hoà đã gần học lớp 1. Còn chàng thanh niên này vẫn hồn nhiên như trẻ con. Vui vẻ bắt tay và hỏi thăm sức khoẻ bất kì ai mà anh ấy gặp.
Hoà có một khả năng bắt chước rất tốt (kể cả nói theo tiếng nước ngoài). Nhưng nói xong là Hoà quên luôn, gần như không nhớ được gì ngoài cái tên Nguyễn Quang Hoà và quê Phú Thọ của mình.
Con đường đến với cái chữ của Nguyệt (Tuyên Quang) khó khăn gấp vạn lần các em nhỏ khác bởi chứng thiểu năng trí tuệ. Cô giáo bảo, các em trong lớp Nguyệt đều học trước quên sau nên rất khó khăn trong việc dạy chữ, làm toán... Chữ “gồ ghề” được cô giáo cho tập viết được Nguyệt viết liền nhau. Và do sai chính tả nên chúng thành ra hai chữ “ghề gồ”. Con đường đến với cái chữ, hoà nhập cuộc sống của Nguyệt và các em nhỏ nơi đây cũng gồ ghề như những dòng chữ em tập viết đã 3 năm trời nay mà vẫn sai chính tả.
Tại lớp học vi tính, không ít em tuy còn run run, phát âm chưa tròn chữ nhưng nhờ sự cố gắng của cả thầy trò, các em đã bắt đầu biết sử dụng bàn phím. Bàn tay co quắp của Yến (Thái Bình) học gõ bàn phím đã 4 năm nay. Tốc độ gõ vẫn còn chậm nhưng Yến và các bạn trong lớp vi tính này đã là những bạn khá hơn. Tôi phải hỏi đến 3 lần mới hiểu được em đánh vần chữ "Thái Bình" quê em. Bởi vì em và các bạn ở đây phát âm khó. Năm nay, Yến 23 tuổi!
Nụ cười thật tươi của Thơm, tại lớp học thêu đã thu hút ống kính của tôi. Đoàn khảo sát đứng xem đã khiến Thơm... mất tập trung. Phải cố đến lần thứ 5 thì cô gái mới xâu được đoạn chỉ mới. Dường như hiểu được cái run run ở bàn tay cô gái 22 tuổi này, cả đoàn phải hướng ra chỗ khác.
Thơm có một nụ cười thật tươi. Nếu không bị di chứng chiến tranh, năm nay, em đã có thể là cô sinh viên năm cuối xinh xắn, trẻ trung của một trường đại học nào đó.
6 năm học thêu, bây giờ bàn tay Bình đã có thể cho ra được những tấm thêu đẹp và phức tạp nhất ở Trung tâm. Hơn mười em trong lớp học thêu, em kém nhất cũng đã có thể có những đường thêu đúng nét vẽ. Những bàn tay thiếu may mắn, nhờ nghị lực phi thường, đã lên hương, lên hoa!
Khác với Bình, Thơm ở lớp học may kém may mắn hơn vì cả hai bàn tay chỉ còn 3 ngón nhưng không ngón nào nguyên vẹn nữa. Ấy thế mà, đôi bàn tay phi thường của cô gái 27 tuổi ấy đã có thể cho ra những sản phẩm may mặc thật khéo.
Mỗi hoàn cảnh ở Làng hữu nghị này là một trang chan chứa nước mắt. Nhưng, những bàn tay của họ đã viết lên những trang đời thật kì diệu và đẹp đẽ.
Bàn tay của Dung trong lớp làm hoa giấy yếu quá nên không thể cầm kéo, mặc dù em rất thích cắt giấy. Em được học dán, một công đoạn quan trọng trong quy trình làm hoa giấy. Cái bàn tay run run, xanh xao gầy yếu ấy cùng với nghị lực phi thường, sau 4 năm đã giúp cô kịp trở thành một thợ làm hoa giấy lành nghề.
Rời khu học nghề, chúng tôi tiếp tục đến khu chăm sóc đặc biệt, dành cho những em không thể nhận thức được cuộc sống. Bàn tay mẹ Biên gần 20 năm nay đã tận tuỵ nắm lấy bàn tay của từng em nhỏ mất khả năng nhận thức trong Làng hữu nghị này bón từng thìa cơm.
Em Thảo không nhìn thấy gì mặc dù đôi mắt thì vẫn mở thao láo. Đặc biệt, Thảo không biết nhai. Bón thìa nào vào miệng là Thảo chỉ biết nuốt ực. 54 tuổi, mẹ Biên không ngừng hi vọng một ngày nào đó, Thảo và các em tại nhà chăm sóc đặc biệt này có thể tự cầm thìa xúc cơm ăn.
Một chiếc dây vòng từ bên này thành xe lăn sang bên kia để giữ cho cổ của em Toàn, 12 tuổi, không bị ngả về phía trước. Chiếc dây neo qua cổ này là vật giúp Toàn gắn với chiếc xe lăn. 8 năm nay, từ khi biết ngồi xe lăn, Toàn đã phải gắn bó với nó. Có thể nói nó là cái dây nối Toàn với cuộc sống không mấy sôi động nhưng ấm áp tình thương ở Làng hữu nghị này.
Nhìn một nhóm bé gái đang nô đùa giữa sân, lòng mỗi thành viên trong đoàn tưởng như tìm được một chút hơi ấm. Ai cũng có thể nghĩ các em là những người khoẻ mạnh. Ấy thế nhưng, khi các em đang chơi đùa, ở sau lưng, mẹ Lan có gọi về ăn cơm đến khản cổ cũng không có tác dụng gì. Các em bị khiếm thính.
Mỗi hoàn cảnh nơi đây, nói như mẹ Biên, là một “nỗi xót xa của mỗi gia đình, cả đất nước”. Nhưng nhìn vào những dòng chữ tuy còn nguệch ngoạc nhưng đã rõ nghĩa, những ngón tay co quắp nhưng đã gõ lách tách được trên bàn phím máy tính, những bông hoa đủ màu hiện dần lên trên từng tấm vải thêu… chúng tôi, cũng như các thành viên trong Làng hữu nghị này, không ngừng hi vọng về một ngày mai, khi những điều tốt đẹp hơn có thể đến với các em qua nghị lực vươn lên, qua tình thương của những người mẹ hiền tại Làng hữu nghị này.