Bị liệt cả tay chân từ nhỏ nhưng Nguyễn Thuỳ Chi vẫn nỗ lực đến trường và tốt nghiệp THPT loại khá. Và không dừng lại ở đó, Chi tiếp tục đăng kí thi Trường Đại học KHXH&NV. Trước ngày thi môn thứ nhất, ussh.edu.vn đã có buổi gặp gỡ và ghi lại câu chuyện của Thuỳ Chi.
Em tên là Nguyễn Thuỳ Chi, năm nay em 20 tuổi. Em vừa tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm học 2009-2010. Em đến từ thành phố Lào Cai, người ta thường nói thành phố Lào Cai là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Hiện nay em đang sinh sống cùng ông bà nội và bố. Ông bà em đều đã cao tuổi, ông em 87 tuổi, bà em 85. Bố em thì cũng có nhiều bệnh hiểm nghèo. Bản thân em cũng là người không được may mắn, em sinh ra đã bị khuyết tật và khi lớn lên vẫn không thể tự chăm sóc bản thân. Hầu như các sinh hoạt hàng hằng ngày em đều phải nhờ ông bà giúp đỡ. Ngoài ra, em còn nhận được nhiều sự giúp đỡ của các bác trong cuộc sống hàng ngày và nhất là trong học tập. Các bác đều trong công tác ngành giáo dục, vì thế bản thân em cũng có nhận thức tầm quan trọng và quyết tâm hơn trong việc học hành.
Em bắt đầu đi học từ năm 8 tuổi, tức là muộn hơn 2 năm so với các bạn cùng trang lứa.
Những năm cấp I, ông em thường đưa em đi học. Từ khi em học cấp 2, trường học không ở gần nhà nữa, sức khoẻ của ông nội em lại suy giảm nhiều, nên các bạn giúp em đến lớp.
Đối với Văn học, Thuỳ Chi thể hiện sự say mê của mình không chỉ ở việc học mà còn là những bài thơ do chính em viết. Ngoài ra, trong nhiều năm liền Thuỳ Chi là thành viên của câu lạc bộ Phóng viên nhỏ của Đài Tiếng nói Việt Nam và đã có nhiều tác phẩm được đăng trên báo Lào Cai, báo Văn nghệ,...
Khi bước vào lớp 1, mọi thứ với em rất mới mẻ. Trong thời gian đầu, do không thể viết được như các bạn nên em rất dễ quên bài. Sau đó em cố gắng tập viết, dù tư thế rất khó khăn, nên cuối cùng em cũng biết đọc khi hết học kì 1. Lên các lớp cao hơn thì do em không thể viết kịp nên phải nhờ các bạn chép bài. Để nhanh và đỡ tốn công, các bạn thường dùng giấy than.
Trên lớp, dù thầy cô và các bạn giúp đỡ rất nhiều, nhưng với các môn thực hành thì em hầu như phải nghỉ vì các phòng thực hành đều bố trí trên tầng cao. Còn với các hoạt động ngoại khoá, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn, em vẫn có thể tham gia thường xuyên, ví dụ như chào cờ, các buổi lễ, các ngày kỉ niệm như ngày 20/11, ngày 26/3...
Mỗi môn học đều có những cái thú vị riêng, nhưng từ cấp 2 em đã rất yêu thích môn Ngữ văn. Cô giáo em thường nhắc đến câu nói của Goóc-ki "Văn học là nhân học", học văn cũng là học làm người. Còn với cá nhân em, văn học như một bức tranh về cuộc sống, muôn màu muôn vẻ, làm cho tâm hồn mình trong sáng hơn.
Em yêu thích cả hai dòng văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán. Trong chương trình giảng văn, em rất có hứng thú với hai tác phẩm của Nam Cao là "Chí Phèo" và "Đời thừa", và một tác phẩm của Nguyễn Khải mới được đưa vào chương trình là "Một người Hà Nội". Riêng với thơ, em rất thích các bài thơ Mới nhưng tác phẩm ấn tượng nhất với em lại là "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên.
Về chuyện thi cử, trong quá trình học phổ thông, các thầy cô luôn tạo điều kiện cho em có thể làm bài kiểm tra một cách thuận tiện nhất mà vẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan. Em được bài thi bằng các hình thức khác nhau như làm trắc nghiệm, hoặc thi vấn đáp, hoặc đôi khi là làm bài tập tại nhà bằng máy tính và gửi bài cho thầy cô qua thư điện tử. Trong kì thi thử đại học tại trường vừa rồi, các thầy cô cũng tạo điều kiện cho em được thử sức mình. Trong kì thi này, các thầy cô đã nhờ các em học sinh lớp dưới chép lời em nói vào bài thi.
Từ trước đến nay, em có luôn có mong ước được học đại học. Bởi em biết trên thực tế không có nhiều bạn có hoàn cảnh như em lại có thể học đại học. Khi em bày tỏ mong muốn này với gia đình thì ban đầu, ông bà và các bác rất lo, vì mọi người không biết em sẽ có thể đi thi được và làm bài được. Và nếu như em thi đỗ thì không biết là ai trong gia đình có thể giúp đỡ và theo em trong suốt quá trình học đại học. Hiện tại thì các bác, các anh chị họ của em đều sinh sống ở Lào Cai...
Em thích cả ngành Văn học và ngành Báo chí. Em đã có nhiều năm sinh hoạt trong câu lạc bộ Phóng viên nhỏ của Đài Tiếng nói Việt Nam, em đã có một số tác phẩm, nhất nhất là thơ, đăng trên báo Lào Cai, báo Văn nghệ, báo Tuổi hoa,... Nhưng khi xét lại hoàn cảnh bản thân thì em thấy báo chí cũng không thực sự phù hợp. Chính vì thế em đã quyết định chọn thi ngành Văn học - Trường ĐHKHXH&NV. Theo học ngành này em thấy mình có thể thực hiện ước mơ là trở thành một nhà nghiên cứu văn học hoặc cũng có thể trở thành một biên tập viên.
Đến thời điểm này, cũng như nhiều bạn thí sinh khác, em cũng thấy rất hồi hộp. Nhưng em cũng rất hi vọng là mình sẽ làm được bài vì đây cũng là dịp để em đánh giá bản thân mình sau 12 năm học tập. Nếu được học đại học, em biết đó sẽ là cơ hội để có thể chủ động hơn trong cuộc sống của mình cũng như làm được nhiều điều có ích cho cộng đồng.
Để tạo điều kiện cho thí sinh Nguyễn Thùy Chi (số báo danh 00413) có thể thực hiện bài thi của mình trong điều kiện tốt nhất, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHKHXH&NV đã chuyển em từ phòng thi 0012 ở điểm thi Trường THCS Trung Hoà về phòng thi mới (dành riêng cho thí sinh này) ở điểm thi Trường ĐHKHXH&NV.
Việc coi thi được thực hiện như sau:
- Điểm thi bốc thăm ngẫu nhiên cán bộ coi thi như quy trình đã ban hành.
- Các cán bộ coi thi được phân công coi thi ở phòng này được Trưởng điểm phân nhiệm vụ cụ thể: Cán bộ coi thi thứ hai: Chịu trách nhiệm chép nội dung bài làm giúp thí sinh; Cán bộ coi thi thứ nhất: Chịu trách nhiệm giám sát việc chép bài thi của thí sinh do cán bộ coi thi thứ hai thực hiện.
Ngoài ra Nhà trường còn bố trí một giám thị thứ 3 sử dụng camera ghi lại mọi hoạt động trong phòng. Các băng video sẽ được niêm phong riêng ngay sau mỗi buổi thi.