Bài viết của GS.NGND Phan Huy Lê (in trong “100 chân dung một thế kỉ Đại học quốc gia” – 2006) giới thiệu chân dung GS. Đào Duy Anh – một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam.
Đôi nét về tiểu sử GS. Đào Duy Anh
Giáo sư Đào Duy Anh sinh ngày 25/4/1904 tại Thanh Hoá và mất ngày 01/4/1988 tại Hà Nội. Quê gốc của ông là làng Khúc Thuỷ, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Ông đã có rất nhiều nghiên cứu đóng góp và cống hiến trên lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn, từ Ngôn ngữ, Từ điển, Văn hoá, Văn học cho đến Sử học, Dân tộc học, Xã hội học, Địa lí học lịch sử, Văn bản học… Ông đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên khác nhau của Trường Đại học Văn khoa.
Năm 1945 – 1946: Giảng dạy tại Đại học Văn Khoa Hà Nội.
Từ năm 1954 – 1956: Giáo sư Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội.
Từ năm 1956 – 1958: Giáo sư Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ Nhiệm bộ môn Lịch Sử Cổ-Trung đại Việt Nam.
Năm 1958, GS. Đào Duy Anh chuyển sang Bộ Giáo dục, rồi năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Năm 2000, GS.Đào Duy Anh đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
*
Lần đầu tiên tôi được biết GS. Đào Duy Anh là năm 1952, sau khi tôi tốt nghiệp trường phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) ra Thanh Hoá vào học trường Dự bị đại học. Trước đây tôi chỉ biết đến tên tuổi học giả họ Đào qua cuốn "Pháp - Việt từ điển" và "Hán - Việt từ điển".
Tôi không bao giờ quên được những buổi giảng bài của thầy Đào về lịch sử Việt Nam vào ban đêm tại sân đình hay sân nhà tư nhân ở vùng Cầu Kè, chợ Đu (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Để tránh máy bay địch, chúng tôi học ban đêm, mỗi người một bàn xếp nhỏ với chiếc đèn dầu hoả tự chế bằng lọ mực với tấm bìa che chỉ đủ ánh sáng để ghi chép. Thầy Đào ngồi trên ghế cao, không cần đèn, chậm rãi giảng bài bằng trí nhớ của mình. Học trò nhìn lên không thấy mặt thầy mà chỉ nghe giọng thầy qua lời giảng đều đều nhưng khúc chiết, sâu sắc. Năm 1954, tôi ra Hà Nội để học tiếp năm thứ hai ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1956 sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm trợ lí tại Bộ môn Cổ sử Việt Nam do GS. Đào Duy Anh làm Chủ nhiệm (lúc bấy giờ quen gọi là
Tổ Cổ sử) với chức Tổ trưởng. Tôi được vinh dự học với thầy và làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy cho đến khi ông chuyển công tác sang Bộ Giáo dục (1958) rồi Viện Sử học (1960). Đó là chặng đường chập chững khi tôi bước vào nghề dạy Sử và viết Sử mà vai trò của người thầy hết sức quan trọng trong định hướng khoa học và hình thành phong cách cho cả cuộc đời khoa học.
Đào Duy Anh sinh ngày 25/4/1904 tại Thanh Hoá và mất ngày 01/4/1988 tại Hà Nội. Họ Đào vốn gốc ở làng Khúc Thuỷ, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), từ đời ông nội chuyển cư vào Thanh Hoá (xã Trung Chính, huyện Nông Cống). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế (1923), ông không muốn làm công chức dưới chính quyền thực dân và đã chọn nghề dạy học thanh cao, ra dạy ở Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Giữa lúc đó, phong trào yêu nước đang dấy lên sôi động với tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) của Phạm Hồng Thái năm 1924, phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926, những hoạt động báo chí, xuất bản tiến bộ tại các thành phố lớn, đã cuốn hút tâm trí của người thanh niên trí thức Đào Duy Anh. Cuối năm 1925, ông có mặt trong buổi Hội Quảng Tri Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế. Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định vào Sài Gòn sống tại những trung tâm văn hoá, chính trị để "thoát chốn ao tù", "tìm nơi trời cao biển rộng" có điều kiện "mở mang tri thức" và tiếp xúc với những hoạt động yêu nước. Từ đó, ông dấn thân vào các hoạt động chính trị, văn hoá.
Trên đường vào Đà Nẵng, ông ghé qua Huế thăm cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang (sau này mới chuyển đến nhà trên dốc Bến Ngự), vào Quảng Nam gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng đang làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Ông giúp cụ Huỳnh sáng lập báo
Tiếng dân, giữ chức Thư kí toà soạn. Cuối mùa hè năm 1926, ông tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng, sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (7/1928) và ông trở thành Tổng Bí thư của đảng. Cũng trong năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức cấp tiến như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và tư tưởng duy vật lịch sử. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi cho đến 7/1927, Nhà xuất bản này đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó Đào Duy Anh đã biên soạn hay phỏng dịch những cuốn "
Lịch sử các học thuyết kinh tế", "
Phụ nữ vận động", "
Lịch sử nhân loại", "
Tôn giáo là gì?", "
Xã hội là gì?", "
Dân tộc là gì?". Đó là những trước tác đầu tay của học giả họ Đào trong mục tiêu truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng khoa học tiến bộ, góp phần vào phong trào đấu tranh chính trị và văn hoá thời bấy giờ. Ông lấy biệt hiệu là
Vệ Thạch ví mình như chim tinh vệ nguyện suốt đời ngậm đá lấp biển học mênh mông bát ngát.
Tháng 7/1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù. Từ đây, ông tự nhận thấy "
không có đủ tài năng và dũng cảm để gánh vác cái công việc khó khăn và gian khổ mà cách mạng giao cho" và "chọn con đường hoạt động văn hoá mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân". Về mặt tư tưởng, ông cũng định hướng rõ ràng: "
Tôi tự xác định cho mình là phải cố gắng làm sao đem cái ánh sáng của chủ nghĩa Mác để khai thác vốn văn hoá của dân tộc và chọn lấy những cái tốt đẹp mà góp phần vào cuộc cải tạo văn hoá nước nhà".
Lĩnh vực văn hoá khoa học đầu tiên mà Đào Duy Anh quan tâm là
Từ điển học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển: "
Hán - Việt từ điển" (1932), "
Pháp - Việt từ điển" (1936). Đây không những là những sách công cụ rất cần thiết cho sự tra cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hoá, khoa học lúc bấy giờ mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, tác giả có dụng ý đưa vào đó cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm mác xít và trào lưu tư tưởng hiện đại. Đào Duy Anh là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam.
Từ năm 1938, ông chuyển sang lĩnh vực văn hoá, văn học. Những công trình nghiên cứu đã xuất bản là "
Việt Nam văn hoá sử cương" (1938), "
Khổng giáo phê bình tiểu luật"
(1938), "
Trung Hoa sử cương" (1942), "
Khảo luận về Kim Vân Kiều" (1943). Tác phẩm "
Việt Nam văn hoá sử cương" của Đào Duy Anh cùng tác phẩm "
Văn minh An Nam"
(La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hoá học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.
Lĩnh vực khoa học mà Đào Duy Anh dốc nhiều tâm lực nhất là
Sử học. Chí hướng khoa học này đã được ông xác định ngay sau khi ra tù năm 1930 và chuẩn bị rất công phu. Ông suy nghĩ "
phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai" và "
sau khi ra tù, tôi đã quyết định chuyên tâm nghiên cứu sử học". Ông cũng tự nhận thấy hành trang cần thiết để đi vào lĩnh vực khoa học này là một cơ sở kiến thức rộng về lịch sử thế giới, về Lịch sử đông tây và nhiều ngành liên quan về khoa học xã hội như Triết học, Kinh tế học, Dân tộc học, Xã hội học.., đặc biệt là về phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử. Từ Thư viện Bảo Đại, Thư viện của Hội đô thành hiếu cổ (Société des Amis du Vieux Hue) ở Huế, Thư viện Long Cương của họ Cao ở Thịnh Mĩ (Diễn Châu, Nghệ An) và nhiều thư viện tư gia, ông đã thuê chép và tìm mua được nhiều sách quý, xây dựng cho mình một tủ sách Hán Nôm khá phong phú gồm nhiều thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc. Ông dành nhiều thời gian đi về các thế gia, các dòng họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để thu thập các loại tư liệu lịch sử. Năm 1938, ông đã ra Hà Nội gặp Nguyễn Văn Tố và nhóm Tri Tân để chuẩn bị xuất bản bộ "
Tùng thư sử học" và bộ "
Tùng thư văn học", nhưng công việc phải dừng lại vì Chiến tranh thế giới thứ II.
Về phương pháp luận sử học, ông tìm hiểu cuốn "
Sử học khái luận" (Introduction aux Études Historiques) của Charles Seignobos thuộc trường phái của chủ nghĩa thực chứng (positivisme) và tham khảo kinh nghiệm nghiên cứu biểu thị qua các công trình khoa học có giá trị của các học giả Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, nhất là những tác phẩm viết theo quan điểm mác xít của học giả Trung Quốc như Quách Mạt Nhược, Lã Chấn Vũ... Ông đặc biệt coi trọng việc giám định sử liệu và về phương diện này, ông cố gắng vận dụng những thành tựu của phép huấn hỗ của các nhà kinh học đời Hán, phép khảo cứ đời Minh, Thanh kết hợp với phương pháp văn bản học hiện đại của phương Tây. Trên cơ sở đó, ông đã bắt đầu sự nghiệp sử học của mình bằng công việc dịch và chú giải
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và nghiên cứu cổ sử Việt Nam từ thời tiền sử, nguồn gốc dân tộc đến văn hoá Đông Sơn, kháng chiến chống Tần, nước Âu Lạc…
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, GS. Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại Đại học Văn khoa Hà Nội, cùng với các trường đại học và cao đẳng khác khai giảng ngày 15/11/1945. Ông là Uỷ viên Ban vận động Đại hội văn hoá toàn quốc (1946). Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Sử - Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục. Năm 1952, về Thanh Hoá giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học. Năm 1954, sau khi hoà bình lập lại, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam, chăm lo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thời gian công tác ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến năm 1958, chỉ có hơn 2 năm. Nhưng đây là thời gian GS. Đào Duy Anh tập trung tất cả tâm sức vào lĩnh vực Sử học và đạt nhiều hiệu quả cao nhất.
Với những tư liệu đã tích luỹ từ nhiều năm cùng những suy ngẫm và một số bản thảo đã chuẩn bị trong những năm kháng chiến, nay có điều kiện để bổ sung, cập nhật thông tin và tham khảo những công trình khoa học liên quan của nước ngoài, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại như vấn đề phân kì lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, sự hình thành dân tộc Việt Nam... GS. Đào Duy Anh đã hoàn chỉnh bản soạn thảo cũ và cho xuất bản hai bộ giáo trình: "
Lịch sử Việt Nam"
(1956) và "
Cổ sử Việt Nam" (1956). Ngay sau đó, ông bổ sung và viết lại thành "
Lịch sử cổ đại Việt Nam" (1957) gồm 4 tập: "
Nguồn gốc dân tộc Việt Nam", "
Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc", "
Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt"
, "
Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến". Trong những năm 1957 - 1958, ông cho xuất bản tiếp "
Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam" (1957) và viết lại "
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX"
(2 tập, 1958). Thật hiếm thấy một chuyên gia trong thời gian hai năm đã hoàn thành và công bố dồn dập nhiều công trình khoa học đến như thế. Trong thời gian hai năm này, GS. Đào Duy Anh còn ra sức xây dựng một sơ sở tư liệu lâu dài cho Khoa Lịch sử và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tìm mua những thư tịch quý của Trung Quốc, thuê người sao chép những bộ sử và tư liệu Hán Nôm của Việt Nam, thu thập những nguồn tư liệu nước ngoài viết về Việt Nam, có kế hoạch dịch những tư liệu cần thiết cho sinh viên tham khảo. Bên cạnh Bộ môn Lịch sử cổ trung đại Việt Nam có một tổ phiên dịch gồm những nhà Hán học cao tuổi và một tổ Đồ bản. Cũng trong hai năm này, GS. Đào Duy Anh đã tham gia đào tạo được 3 khoá sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (1954 - 1958), những thế hệ sử gia đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập, trong đó nhiều người trở thành giáo sư, phó giáo sư và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền Sử học hiện đại của đất nước.
Năm 1958, GS. Đào Duy Anh chuyển sang Bộ Giáo dục, rồi năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Từ đây, ông thôi công tác giảng dạy đại học và chuyên tâm vào một lĩnh vực phù hợp với điều kiện công tác mới mà vẫn không ngừng cống hiến cho nền học thuật của đất nước. Theo sự phân công của Viện sử học, ông đã hiệu đính và chú giải nhiều bộ sách quý đã dịch ra tiếng Việt như "
Lịch triều hiến chương loại chí"
, "
Đại Nam thực lục"
, "
Phủ biên tạp lục", "
Đại Việt sử kí toàn thư", "
Đại Nam nhất thống chí"
, "
Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ", "
Gia Định thành thông chí", "
Nguyễn Trãi toàn tập"
. Cũng trong thời gian này và sau khi nghỉ hưu (1965), ông biên soạn một số công trình như "
Đất nước Việt Nam qua các đời" (1964), "
Từ điển truyện Kiều" (viết xong 1965, xuất bản 1974), "
Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến" (1975), dịch và chú giải "
Khoá hư lục" (1974), "
Sở từ" (1974), "
Truyện Hoa Tiên" (1978), "
Thơ chữ Hán Nguyễn Du" (1988), "
Kinh Thi"
(chưa xuất bản), "
Đạo Đức Kinh và học thuyết của Lão Tử" (chưa xuất bản). Cuối đời, ông viết tập hồi kí "
Nhớ nghĩ chiều hôm"
(viết xong 1974, xuất bản 1989).
Trên chặng đường dài từ 1928 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, GS. Đào Duy Anh đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực từ Từ điển, Ngôn ngữ, Văn hoá, Văn học đến Sử học, Khảo cổ học, Văn bản học, Dân tộc học, Địa lí học lịch sử. Ông là một học giả uyên bác với vốn tri thức mang tính bách khoa về khoa học xã hội - nhân văn, với tinh thần lao động khoa học không biết mệt mỏi biểu thị một niềm đam mê, một hoài bão lớn và một nghị lực phi thường. Bao trùm lên tất cả, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hoá lớn với những công trình nghiên cứu mang tính khai phá đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hoá học hiện đại Việt Nam. Năm 2000, GS. Đào Duy Anh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về 2 công trình "
Lịch sử cổ đại Việt Nam" và "
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX".
GS. Đào Duy Anh có mặt tại Trường Đại học Văn khoa từ khi thành lập (năm 1945), rồi sau đó, tại Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá (từ năm 1952) và Trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1954 đến 1958). Ông là một trong những giáo sư có công xây dựng nền văn khoa tức nền khoa học xã hội - nhân văn, hiện đại của Nhà trường, của đất nước.
Viết đến dòng kết thúc này, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh người thầy kính mến vào những năm cuối đời với mái đầu bạc phơ, chùm râu trắng, vầng trán cao và khuôn mặt thông tuệ, nhân hậu hằn in một cuộc đời lao động khoa học cần mẫn với biết bao gian truân. Dấu ấn và tấm gương GS. Đào Duy Anh mãi mãi để lại trong tâm trí các thế hệ học trò và giới sử học là tinh thần tự học, tự nghiên cứu, là lòng hăng say tích luỹ tri thức và không ngừng bổ sung, cập nhật, là ý thức tìm tòi, khám phá trong học thuật. Nói đến sự nghiệp của ông không thể không nhắc đến bà Trần Thị Như Mân, người bạn đời và cũng là người thư kí tận tuỵ đã cộng tác và giúp đỡ ông rất đắc lực trong việc hoàn chỉnh các công trình khoa học.