15 năm nhìn lại

Thứ tư - 08/09/2010 13:33
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động truyền thống và thế mạnh của cán bộ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các công trình khoa học nổi tiếng, phong cách tư duy khoa học chiều sâu đã trở thành nét đặc trưng của thầy và trò. Vì thế, danh hiệu “sinh viên Tổng hợp” đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ sinh viên.
15 năm nhìn lại
15 năm nhìn lại
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động truyền thống và thế mạnh của cán bộ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các công trình khoa học nổi tiếng, phong cách tư duy khoa học chiều sâu đã trở thành nét đặc trưng của thầy và trò. Vì thế, danh hiệu “sinh viên Tổng hợp” đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ sinh viên. Cùng với chủ trương đẩy mạnh giáo dục đại học Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập hai Đại học Quốc gia ở hai đầu đất nước như những đầu tầu của nền giáo dục đại học Việt Nam. Đại học Tổng hợp Hà Nội là nòng cốt của một trong hai đại học ấy – Đại học Quốc gia Hà Nội. Với những cơ chế và điều kiện thuận lợi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – với tư cách là một thành viên nòng cốt của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu và đào tạo, phát huy tốt truyền thống của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một trong những thành tựu đó là công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhìn lại 15 năm qua, chúng ta có thể khẳng định rằng công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có những bước phát triển quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài sự đi lên theo đà chung của nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc từ “Tuần lễ nghiên cứu khoa học sinh viên” đến “Phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên”, nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã vượt khỏi tính phong trào và dần trở thành một hoạt động không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên.

1. Ấn tượng ban đầu (năm 1996)

Năm 1996, có 10/12 khoa tổ chức hội nghị khoa học của sinh viên(1) với 198 báo cáo. Bên cạnh sinh viên của những khoa truyền thống như Lịch sử, Ngữ văn, Triết học; sinh viên các khoa mới thành lập như khoa Du lịch học, Quốc tế học, Đông phương học cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên tham gia tích cực nghiên cứu khoa học thời đó nay đã trở thành những cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lí của Nhà trường như:
  • Bùi Việt Hà, sinh viên K37 Khoa Ngữ văn
  • Phạm Vân Dung, sinh viên K39 Khoa Ngữ văn
  • Phạm Thuý Hồng, sinh viên K39 Khoa Ngữ văn
  • Nguyễn Văn Sửu, sinh viên K38 Khoa Lịch sử
  • Lý Tường Vân, sinh viên K38 Khoa Lịch sử
  • Lê Thị Quỳnh Nga, sinh viên K38 Khoa Lịch sử
  • Lại Quốc Khánh, sinh viên K39 Khoa Triết học
  • v.v...(2)
Với những khuôn mặt trên, chúng ta có thể khẳng định rằng nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã, đang và sẽ tạo tiền đề quan trọng trong quá trình đào tạo đại học, nhất là với những ngành khoa học cơ bản.

2. Đánh giá chung hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên 1996 – 2010

Một trong những thuận lợi quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của Nhà trường là các em được học tập trong môi trường của một đại học truyền thống, có bề dày về nghiên cứu khoa học. Trong từng tiết giảng, sinh viên đều được đội ngũ các thầy cô giáo truyền cho tinh thần say mê trong tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ của khoa học. Môi trường học tập này đã góp phần quan trọng thúc đẩy đông đảo sinh viên Nhà trường hưởng ứng tích cực và có hiệu quả chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo cũng như của Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhà trường về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng đông (Biểu đồ 1), cá biệt có những năm, một sinh viên tham gia tới 2 báo cáo khoa học.

Điều đáng nói là, trong quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều sinh viên đã tự nguyện nhóm họp lại thành từng nhóm để cùng triển khai nghiên cứu. Điều này cho thấy nghiên cứu khoa học của sinh viên không những chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành và rèn luyện kĩ năng hợp tác, làm việc theo nhóm – những kĩ năng mềm mà nội dung các chương trình đào tạo của Việt Nam hiện nay vẫn còn đang thiếu vắng. Đội ngũ các thầy cô giáo của Nhà trường tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình hướng dẫn và giúp đỡ sinh viên nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, có những giáo sư, nhà giáo cao niên, rất bận rộn với hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học của Nhà trường nhưng vẫn nhiệt tình và dành thời gian hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như GS. Vũ Dương Ninh (Khoa Quốc tế học), PGS.TS. Nguyễn An Lịch (Khoa Xã hội học), PGS.TS. Phạm Xanh (Khoa Lịch sử), v.v. Đội ngũ cán bộ trẻ cũng là những người có vai trò quan trọng góp phần vào thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên Nhà trường như ThS. Phạm Ánh Sao (Khoa Văn học), ThS. Nguyễn Tuấn Cường (Khoa văn học), ThS. Nguyễn Thu Thuỷ (Khoa Du Lịch học), ThS. Đinh Việt Hải (Phòng Đào tạo), ThS. Đỗ Hương Thảo (Khoa Lịch sử), v.v.. Các cấp quản lí khoa, bộ môn cũng như đội ngũ cán bộ giảng dạy luôn xác định hỗ trợ và tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học như là một nhiệm vụ thường xuyên. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đã được Nhà trường xác định như là một trong những loại hình hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và có định mức tính giờ lao động cụ thể cho các giảng viên tham gia hoạt động này. Trong 15 năm qua, Ban Giám hiệu cũng như các phòng ban hữu quan đã có sự quan tâm thích đáng trong việc chỉ đạo, đầu tư kinh phí nhằm khuyến khích, động viên sinh viên tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài kinh phí hoạt động khoa học thường xuyên được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng năm, Nhà trường thường trích từ nguồn kinh phí thu bổ sung hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ nghiên cứu khoa học của sinh viên (Xem Biểu đồ 2). Các cấp quản lí khoa, bộ môn cũng như đội ngũ cán bộ giảng dạy luôn xác định hỗ trợ và tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học như là một nhiệm vụ thường xuyên. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đã được Nhà trường xác định như là một trong những loại hình hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và có định mức tính giờ lao động cụ thể cho các giảng viên tham gia hoạt động này.

Nghiên cứu khoa học sinh viên là một trong những hoạt động quan trọng, có chiều sâu của tổ chức Đoàn, Hội các cấp. Nhiều chi đoàn, chi hội đã tích cực phối kết hợp với ban cán sự lớp tổ chức hội nghị khoa học sinh viên theo lớp của mình. Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có sáng kiến trao giải thưởng cho những công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên có sáng kiến đóng góp cho việc xây dựng và phát triển phong trào của Đoàn, Hội. Vượt bỏ khỏi tính phong trào và trở thành hoạt động thường xuyên trong giảng dạy và học tập của Nhà trường là một trong những bước phát triển quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Việc giảng viên giới thiệu các hướng mới của môn học, giao bài tập về nhà; sinh viên hỏi, yêu cầu giảng viên gợi ý hướng tiếp cận và cung cấp tư liệu mới đã trở thành những nội dung thường xuyên của các giờ dạy và học trên giảng đường. Điều này đặc biệt rõ nét hơn khi Nhà trường chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ. Thời gian lên lớp của thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ đơn thuần là hoạt động dạy và học mà mang nhiều phong cách của một semina khoa học. Để nâng cao tinh thần nghiên cứu khoa học của sinh viên, với đặc thù là một trường đại học của các ngành khoa học cơ bản, trong chương trình đào tạo của Nhà trường, sinh viên thường được yêu cầu viết tiểu luận môn học và niên luận. Chính ý thức tăng cường nghiên cứu khoa học của sinh viên trong quá trình đào tạo nên nhiều sinh viên đã sớm có ý thức tìm kiếm và định hình một hướng nghiên cứu của mình từ việc xác định đề tài tiểu luận môn học, niên luận đến đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài khoá luận tốt nghiệp. Trong số đó, không ít sinh viên đã theo đuổi hướng nghiên cứu của mình đến các bậc học sau đại học. Nhiều sinh viên đã được mời tham gia các đề tài khoa học của giảng viên trong trường, đặc biệt, nhiều sinh viên được giảng viên trong trường mời tham gia viết các chuyên đề độc lập của các đề tài lớn. Do đã vượt khỏi tính phong trào và trở thành hoạt động thường xuyên, không thể thếu của quá trình đào tạo nên bên cạnh sự tham gia đông đảo về số lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về chất lượng. Trung bình hàng năm, sinh viên Nhà trường đều được nhận từ 6 – 8 giải thưởng cấp Bộ. Trong 10 năm (2000 – 2009), sinh viên Trường đạt 06 giải Nhất cấp Bộ; 06 lần Nhà trường đạt danh hiệu “Đơn vị xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên” và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Theo thống kê, sinh viên tích cực trong nghiên cứu khoa học có kết quả học tập rất tốt và được chuyển tiếp thạc sĩ và nghiên cứu sinh (Xem Bảng 1). Theo kinh nghiệm, những sinh viên này hoàn toàn có thể đạt được học vị tiến sĩ trong thời gian từ 4 – 8 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học. Thực tiễn hơn mười năm qua cho thấy nhiều sinh viên K38, 39 (tốt nghiệp đại học năm 1997, 1998) tích cực trong nghiên cứu khoa học thì nay đã có học vị tiến sĩ và nắm giữa cương vị quản lí cấp khoa và cấp trường.
Năm 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010
Sinh viên chuyển tiếp Chưa quy định Chưa quy định Chưa quy định Chưa quy định Chưa quy định 17 +1 (ThS + NCS) 11 + 0 (ThS + NCS) 37 + 2 (ThS + NCS) 42 + 0 (ThS + NCS) 94 + 10 (ThS + NCS) 0 + 0 (ThS + NCS) 1 + 0 (ThS + NCS) 3 + 1 (ThS + NCS) 0 + 0 (ThS + NCS) Chưa xét
Bảng 1. Số sinh viên NCKH được chuyển tiếp đào tạo SĐH (1996 – 2010) Một kết quả định tính rất quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là phát triển khả năng phát hiện vấn đề khoa học và thực tiễn cần nghiên cứu, khả năng tiếp cận và triển khai vấn đề, khả năng vận dụng phương pháp nghiên cứu, phát triển khả năng viết và trình bày kết quả nghiên cứu. Mặc dù là kết quả định tính nhưng chúng tôi cho rằng đây mới là kết quả mong đợi của công tác sinh viên nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Kết quả này cho phép chúng ta có thể phát hiện sớm nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng. Kết quả này cho phép rút ngắn khoảng cách giữa kiến thực được đào tạo trong nhà trường với yêu cầu của thực tiễn công việc. Và, kết quả này cũng chính là kết quả của một triết lí đào tạo là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đào tạo là quá trình đào tạo năng lực để người học trở thành người có khả năng học tập suốt đời. Từ thực tiễn 15 năm tổ chức và triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm điển hình – những kinh nghiệm đã tạo nên thành tích quan trọng trong công tác nghiên cứu khao học của sinh viên.

3. Một số kinh nghiệm điển hình trong tổ chức và quản lí

- Xác định nghiên cứu khoa học của sinh viên là một hoạt động thường xuyên của quá trình đào tạo nên vào đầu năm học (tháng 9), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội nghị lãnh đạo và trợ lí các khoa/bộ môn phụ trách công tác nghiên cứu khoa học cùng đại diện lãnh đạo Đoàn, Hội và các phòng ban hữu quan để thảo luận, trao đổi và lập kế hoạch cụ thể, chi tiết về kinh phí, thời gian, phương thức tổ chức, v.v. Nhờ đó, các cá nhân, bộ phận hữu quan chủ động triển khai sớm và có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên. - Các khoa, bộ môn và tổ chức Đoàn, Hội các cấp và đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy tích cực trong phát động, hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn sinh viên lựa chọn, đăng kí đề tài và người hướng dẫn; sinh viên tranh thủ xin ý kiến các thầy cô giáo ngay trong giờ lên lớp. Tổ chức Đoàn, Hội còn tổ chức các buổi sinh hoạt thảo luận và truyền đạt kinh nghiệm viết và trình bày một báo cáo khoa học cho sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu. - Hội nghị khoa học của sinh viên được tổ chức và tuyển chọn qua cấp lớp, bộ môn, khoa, nhóm ngành và trên cơ sở đó, Nhà trường tổ chức Hội nghị sinh viên cấp trường. Việc in kỉ yếu Hội nghị khoa học sinh viên hàng năm với cấu trúc 3 phần (Phần I. Những công trình đạt giải thưởng cấp Bộ, Phần II. Tóm tắt công trình đạt giải cấp trường và Phần III. Danh mục các báo cáo khoa học sinh viên theo khoá và theo khoa) là những ấn phẩm không những có giá trị như một tài liệu lưu trữ mà còn có giá trị trong khích lệ từng sinh viên, lớp sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học những năm tiếp theo. - Chế độ, chính sách về hỗ trợ kinh phí, tính giờ nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn bình xét danh hiệu lao động cuối năm đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy; chế độ về hỗ trợ kinh phí, cộng điểm thưởng, tiêu chuẩn chuyển tiếp sinh sau đại học đối với sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học được văn bản hoá, công khai, minh bạch và thực hiện nghiêm túc. - Nhà trường phân công một chuyên viên chuyên trách (cấp Trường) cùng với trợ lí khoa học, trợ lí công tác sinh viên cấp Khoa thường xuyên theo dõi, đôn đốc công việc. - Đầu tư kinh phí theo chiều sâu và có hiệu quả: Ngoài kinh phí ngân sách cấp thường xuyên, Nhà trường trích kinh phí từ nguồn thu bổ sung để hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Song điều quan trọng hơn là cách thức đầu tư: Chỉ những sinh viên nào có báo cáo khoa học mới được Nhà trường hỗ trợ kinh phí và đặc biệt, sau Hội nghị cấp trường, những công trình tiềm năng được nhà trường hỗ trợ kinh phí nhiều hơn thông qua hợp đồng nghiên cứu khoa học để sinh viên có điều kiện hoàn thiện hơn nữa công trình nghiên cứu của mình.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

- Tinh giản chương trình đào tạo để sinh viên có thời gian tự học, tự nghiên cứu, các đề cương bài giảng phải đề cập và nói rõ những hướng nghiên cứu mới của môn học và có bài tập bắt buộc để sinh viên dần tiếp cận với những hướng mới này. - Đổi mới nội dung và phương pháp hay phương thức giảng dạy: tăng cường không khí trao đổi, thảo luận trong các giờ lên lớp nhằm kích thích óc tò mò, tinh thần say mê, khám phá trong sinh viên. - Tăng cường kinh phí nghiên cứu khoa học cho các trường đại học theo hướng kinh phí nghiên cứu thường xuyên để khuyến khích và bắt buộc thầy phải nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, khuyến khích và có cơ chế để sinh viên tham gia các chương trình, đề tài nghiên cứu của giảng viên. - Khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí khoa học của trường đại học, thậm chí tạp chí chuyên ngành. - Đổi mới hoạt động của Hội và Đoàn theo hướng đi vào chiều sâu: Coi hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là một trong những nội dung chính yếu của hoạt động đoàn và hội. Điều này đặc biệt phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ khi mà vai trò của bộ môn, khoa với sinh viên ít chặt chẽ như đào tạo theo niên chế, nhất là trong những năm đầu sinh viên còn đang học những môn học chung được tổ chức theo lớp môn học.

5. Một số kiến nghị

- Bộ cần có cơ chế và chính sách đầu tư đào tạo những sinh viên đạt giải cao với mức tương tự hoặc cao hơn mức đầu tư đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Có thể coi nghiên cứu khoa học của sinh viên là một trong những biện pháp phát hiện nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Và nếu điều này đúng, thì những khâu tiếp theo chắc chắn phải là đào tạo, bồi dưỡngtrọng dụng. - Ngoài lễ trao giải được tiến hành một cách trang trọng, Bộ nên tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi trực tiếp và hơn nữa nên tạo diễn đàn riêng để sinh viên nghiên cứu khoa học trao đổi kinh nghiệm. Diễn đàn này cũng là công cụ để chúng ta theo dõi con đường học hành và sự nghiệp của những tiềm năng để có hỗ trợ khi cần thiết. - Có tiêu chí chấm điểm và lựa chọn giải riêng cho các khoa học cơ bản vì đây là hướng nghiên cứu khó nhưng lại rất cần thiết. - Có tiêu chí chấm điểm và lựa chọn giải riêng cho các lĩnh khoa học đặc thù như khoa học xã hội và nhân văn bởi những công trình trong lĩnh vực này khó đạt điểm cao, đặc biệt là điểm mười hơn so với khoa học tự nhiên và khoa học chính xác. Thực tiễn những năm qua, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường ít có giải thưởng hơn, đặc biệt là giải Nhất so với khoa học tự nhiên và khoa học chính xác. - Hướng dẫn chấm và lựa chọn giải thưởng nên hướng nhiều hơn về phương pháp và ý tưởng hơn là kết quả nghiên cứu bởi năng lực, thời gian và kinh phí nghiên cứu của sinh viên là rất có hạn./.

Ghi chú

(1) Khi đó, Khoa Luật và Khoa Kinh tế vẫn thuộc Trường ĐHKHXH&NV. Hai khoa không tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên là Khoa Giáo dục Quốc phòng và Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, đây là hai khoa không trực tiếp đào tạo sinh viên chính quy tập trung. (2) Xem Kỉ yếu Hội nghị khoa học sinh viên lần thứ Nhất. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tháng 5/1996.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây