Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Hoàn (in trong “100 chân dung một thế kỉ Đại học quốc gia” - 2006) giới thiệu chân dung GS. Đặng Thai Mai - người góp phần xây dựng nền tảng ban đầu của Đại học Văn khoa Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đôi nét về tiểu sử GS. Đặng Thai Mai
Từ năm 1945 – 1954, GS. Đặng Thai Mai là Giám đốc Đại học Văn Khoa Hà Nội.
Từ năm 1954 – 1956, ông giữ chức vụ Hiệu Trưởng Đại học Văn khoa Hà Nội.
Từ năm 1956 – 1959 là Chủ nhiệm Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư đã tham gia đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên ngành Văn học.
Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu của GS. Đặng Thai Mai là văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Các tác phẩm chính đó là: “Văn học Khái luận” (1944), “Văn thơ Phan Bội Châu” (1958), “Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX” (1961). Những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp giáo dục đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).
*
Giáo sư Đặng Thai Mai sinh ngày 24/12/1902 tại làng Lương Điền (nay thuộc xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và mất ngày 25/9/1984 tại Hà Nội.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, bị chính quyền thực dân liệt vào hạng “cừu gia tử đệ”, Đặng Thai Mai đã sớm trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt của số phận: mới lên 6 tuổi đã phải theo bà nội và mẹ xuống trại giam Hà Tĩnh thăm bố; cái trại giam tồi tàn này cũng không cách xa bao nhiêu Đốc học quen thuộc mà trước đó cậu đã từng sống với bố, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, quyền Đốc học Hà Tĩnh, rồi Đốc học Bình Thuận, bị bắt giả ra Hà Tĩnh, chờ lĩnh án tù chung thân vì tội “mưu phản bằng cách truyền bá tân học”. Nhân dịp này đàn áp phong trào chống thuế ở Trung Kì, chính quyền thực dân đày ông ra Côn Đảo 13 năm (1908 – 1921), về nhà được một năm thì mất. Cũng bị đày ra Côn Đảo lần đó có nhiều sĩ phu nổi tiếng khác như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân…
Năm Đặng Thai Mai 12 tuổi thì ông nội đã 75 tuổi, vì tội ủng hộ Việt Nam Quang Phục hội, phải đi tù 3 năm, trở về nhà được 10 ngày thì mất. Đó là cử nhân Đặng Thai Giai, khi là tri huyện Yên Định thì các quan tỉnh Thanh Hoá mở cửa thành quy hàng quân Pháp, ông liền bỏ quan về quê.
Chú là Đặng Thúc Hứa, xuất dương sang Xiêm hoạt động, tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và mất ở Xiêm năm 1931. Cô là Đặng Quỳnh Anh cũng thoát li sang Xiêm, đến năm 1953 mới trở về nước. Suốt cuộc đời thọ gần 100 tuổi, bà chỉ làm một việc là nuôi dạy các cháu nhỏ để các đồng chí của mình có điều kiện hoạt động phong trào cứu nước.
Trong tình cảnh chia li nhà tan nước mất đó may còn bà nội, một người phụ nữ kiên cường, ra sức chèo chống. Trong Hồi kí của mình, Đặng Thai Mai đã viết: “Nếu không còn bà tôi thời thơ ấu của tôi không biết sẽ cô đơn kinh hoàng đến đâu”. Đối với Đặng Thai Mai, bà nội vừa là mẹ, vừa là thầy. Bà đã tổ chức lớp học tại nhà, tìm thầy dạy cho cháu học theo chương trình giáo dục duy tân của Đông kinh Nghĩa thục, đặc biệt bà luôn giáo dục con cháu phải can đảm, cứng cỏi trong cuộc sống. Chính bản thân bà đã nêu gương cho con cháu trong việc điềm tĩnh “đấu lí” với “các vị khách không mời mà đến” như các hào lí, bang biện, Tây đồn… thường đến nhà tra vấn, hoạnh hoẹ, doạ dẫm.
Có thể do hoàn cảnh đặc biệt đó của gia đình, cộng với truyền thống hiếu học của quê hương Nghệ - tĩnh, lại có tư chất thông minh và trí nhớ phi thường, Đặng Thai Mai ngay từ nuổi niên thiếu đã tỏ ra xuất sắc trong học tập. Sau khi đã “ngốn” hết sách quốc ngữ của cái thư viện gia đình khá phong phú mà ông nội đặt tên là “Tam thai sơn phòng tàng thư”, Đặng Thai Mai mon men đến tủ sách chữ Hán và ngạc nhiên tự nhận thấy sau 5 năm dùi mài Luận ngữ, Mạnh Tử… đã có thể đọc trót lọt các sách truyện Trung Quốc như Tam Quốc, Thuỷ hử, Thuyết Đường… rồi lân la đọc đến tân thư của các tên tuổi mới lạ rất nổi tiếng ở nước ta thời đó như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Nghiêm phục….
Từ năm 1915 đến năm 1928, Đặng Thai Mai giã từ lớp học tại gia ở quê nhà hẻo lánh để lần lượt vào học các trường công ở thành phố: Tiểu học Vinh, Cao đẳng Tiểu học Vinh, Cao Đẳng Sư phạm Đông Dương Hà Nội. Một chân trời rộng trước mắt Đặng Thai Mai; chân trời mới về kiến thức văn hoá và kinh nghiệm trường đời. May mắn là ông đã gặp được nhưng thầy giáo mô phạm như Lê Thước, Lê Ấm, Bùi Kỉ…, truyền thụ cho ông lòng yêu quý văn chương dân tộc, cũng như sự say mê văn học phương Tây, trước hết là văn học Pháp. Về sau khi đã trưởng thành, ông thường phê phán nhà trường Pháp – Việt chỉ nhằm đào tạo những kẻ thừa hành thụ động nhưng ông vẫn biểu lộ sự hàm ơn sâu sắc đối với một số giáo sư người Pháp ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội như giáo sư Milon. Giáo sư Houlié đã dạy cho ông phương pháp phân tích một tác phẩm văn học và khơi gợi ông cho phương pháp phân tích tác phẩm văn học và khơi gợi cho ông những hướng tìm tòi, nghiên cứu mới. Ông cũng gặp được nhiều bạn bè tốt như Nguyễn Sĩ Sách, Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Tô Quang Phiệt, Hồ Tùng Mẫu, Đào Duy Anh, Phạm Thiều, Cao Văn Thỉnh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…Ông cũng được tiếp xúc với một vài nhà cách mạng tiền bối thuộc hàng cha chú như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân.
Những năm ông theo học Cao đẳng Sư phạm (1925 – 1928) thì Hà Nội đang sôi nổi các phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh. Ông đã tham gia thành lập hội Phục Việt, sau đổi là Hưng Nam, cuối cùng lấy tên là Tân Việt cách mạng. Tân Việt tan vỡ, ông bị kết án một năm tù án treo. Sự tan vỡ này dẫn đến sự phân hoá chính trị trong nội bộ Tân Việt nhưng phần lớn hội viên đều chuyển sang lập trường tư tưởng chủ nghĩa xã hội.
Năm 1928, Đặng Thai Mai tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Chính quyền thực dân hình như muốn tỏ ra rộng lượng đối với con cháu hạng “cừu gia tử đệ”, thậm chí đã có “tiền án”, bổ dụng Đặng Thai Mai làm giáo sư một trường trung học có tiếng hồi đó: Trường Quốc học Huế.
Nhưng rồi ở quê hương, Xô Viết Nghệ - Tĩnh bùng nổ. Thực dân Pháp khủng bố trắng, ném bom cuống cả các đoàn biểu tình của nông dân. Ở Huế, Đặng Thai Mai phụ trách công tác Cứu tế đỏ, liền bị bắt.
Một học sinh, sau này là GS.Trần Đình Gián, kể lại: Thầy Mai mãi mãi để lại trong tôi một kỉ niệm sâu sắc. Một buổi sáng ở Trường Quốc học Huế, thầy giảng bài thì mật thám ập bắt đến bắt. Thầy chỉ gật đầu chào chúng tôi, rồi vẫn với phong thái nghiêm nghị thường ngày, thầy bước lên xe của mật thám.
Một học sinh khác, Vũ Thuần Nho, sau này trở thành Thứ trưởng Bộ giáo dục, nhớ lại:
“Năm học 1930 – 1931, tôi học môn việt văn với thầy Mai của trường Quốc học Huế. Suốt đời tôi không bao giờ quên bài luận của thầy. Đề tài như này:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Anh em chúng tôi trong lớp, những người đã vào Hội học sinh đỏ, đều thấu hiểu thầy muốn gợi lên cho mình suy nghĩ về đồng bào, lòng yêu nước. Nhưng bài luận ấy đã không được thầy chấm và trả lại. Vì chúng tôi bị bắt.
Bỗng một buổi sáng, đứng sau song sắt phòng giam nhà từ Phủ Doãn (Huế), nhìn ra sân, tôi thấy thầy đang đứng ở đó. Thầy cũng bắt sau chúng tôi một tuần lễ. Chúng tôi thương thầy bị đày, qua một số thường phạm, chúng tôi nhờ chuyển lời hỏi thăm sức khoẻ của thầy và bảy tỏ nguyện vọng sẽ được tiếp tục học với thầy. Chỉ khoảng 15 – 20 ngày sau, chúng tôi nhận được một gói tài liệu buộc thật chặt: một tập thơ Victor Hugo của Nhà xuất bản Hachette. Chúng tôi đọc thuộc và học thuộc lòng bài này đến bài khác. Nhớ và đọc mãi câu: “Ceux qui vivent ce sont ceux qui lutten”. (Tạm dịch: Những người sống là những người đấu tranh)”.
Đặng Thai Mai phải ngồi tù một năm và bị cách chức giáo sư. Năm 1932, ông ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Gia Long. Năm 1935, ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám thành lập trường Thăng Long. Trường tư thục nổi tiếng này đã là cái nôi nhen nhóm lòng yêu nước trong học sinh và chuẩn bị cán bộ tương lai cho đất nước Việt Nam độc lập.
Năm 1937, sau khi Mặt trận Bình Dân thắng lợi ở Pháp, ở Việt Nam Mặt trận Dân chủ Đông Dương thành lập. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng thoát khỏi nhà tù đế quốc ra hoạt động công khai. Đồng chí Trường Chinh đến Hà Nội trực tiếp chỉ đạo các hoạt động báo chí của Đảng.
Đặng Thai Mai vốn khổ công học tập từ nhỏ nên đã có một căn bản kiến thức vững chắc, nhưng trong thâm tâm sâu kín ông vẫn ấp ủ một tâm nguyện: Nếu chưa có sự tự do tư tưởng thì chưa viết lách gì cả! Thế rồi, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, gần 40 tuổi, ông bắt đầu cầm bút; những bài báo đầu tiên lại được viết bằng tiếng Pháp, in trên các báo của Đảng Cộng Sản Đông Dương, xuất bản ở Hà Nội, như Lao động (Le Travail), Tập hợp (Rassemnlement), Tiến lên (Eu avant), Tiếng nói của chúng ta (Notre voix). Ông đã dịch tập phóng sự Ngục Kontum của Lê Văn Hiến và viết một số truyện ngắn và tiểu phẩm đăng trong hai chuyên mục “Những mũi tên nhỏ” và Phan Thanh phụ trách. Một số bài này đã được dịch sang tiếng Việt và in trong “Tổng tập văn học Việt Nam”, tập 35 (1983).
Năm 1938, ông tham gia thành lâp Hội truyền bá Quốc ngữ, hoạt động bên cạnh những nhân sĩ nổi tiếng như Vương Kiêm Toàn, học giả Nguyễn Văn Tố, cộng tác viên khoa học của Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Phó bảng Bùi Kỉ, thầy học cũ của ông ở Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Năm 1939, một người bạn gần gũi của ông là Phan Thanh, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương ứng cử vào Viện dân biểu Trung kì, chẳng may đột ngột từ trần, Đảng liền giới thiệu Đặng Thai Mai thay thế, mặc dầu ông chưa phải là đảng viên; phải đến tháng 9.1949 ông mới kết nạp vào Đảng và người giới thiệu là người bạn cùng quê Hồ Tùng Mậu. Điều này chứng tỏ sự tín nhiệm của Đảng đối với ông. Nhân dịp này tuần báo Tiếng nói chúng ta của Đảng Cộng Sản Đông Dương số 24, ngày 28.7.1939 đã giới thiệu ông như sau: “Đặng Thai Mai thích nhắc lại một câu nói của Thomas Mann: Tôi sinh ra để cho sự thanh nhàn hơn là sự tử vì đạo. Không phải ông dám so sánh mình với tác giả cuốn “Cảnh báo Châu Âu” mà sự vĩ đại vượt quá mọi bộ óc lớn nhất của thời đại chúng ta, nhưng có thể, dù đã tính đến sự chênh lệch về tỉ lệ, ông vẫn thấy số phận của Thomas Mann và của mình ít nhiều giống nhau, ông sinh ra là để dành cho việc học tập, cho học trò và con cái nhưng tình thế đất nước đã đẩy ông vào đấu trường chính trị”… “Cái con người có vẻ hiền lành, mảnh khảnh đó lại không biết gì đến sự sợ hãi, ít nhất đối với ông. Với điều đó ông thật đúng là người con của xứ Nghệ, nhưng may mắn sao ông lại được điều hoà bởi chủ nghĩa nhân văn phương Tây”.
Những năm Mặt trận Bình dân và tiếp đến những năm chiến tranh thế giới thứ II là một thời kì hoạt động căng thẳng của Đặng Thai Mai: hội họp, viết báo, biên tập bài vở và sửa chữa bản in thử, tuy vậy ông vẫn đảm bảo mọi công việc hàng ngày của một nhà giáo với tinh thần trách nhiệm cao. Một học sinh - Đào Thiện Thi – sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Lao động nhớ lại: Thầy thường thức rất khuya, chấm bài, chuẩn bị bài rất kĩ. Hồ Trúc, một trong số học sinh sống trong nhà thầy, sau này là Thứ trưởng Bộ giáo dục, đã nhớ lại một câu nói của thầy: “Tôi chấm bài khuya đến mấy cũng không ngại, chỉ cần đêm khuya thanh vắng được đọc một vài câu văn hay cuả các anh, các chị là như người đi trên sa mạc gặp được một vũng nước mát ngon lành”.
Những năm 1944 – 1945, Đặng Thai Mai bị đau nặng, phải nghỉ dạy học và dưỡng bệnh ở Sầm Sơn (Thanh Hoá). Hội Văn hoá cứu quốc của Đảng đã bí mật chuyển cho ông bản Đề cương văn hoá do đồng chí Trường Chinh khởi thảo. Dựa vào tinh thần của văn kiện này ông đã viết cuốn “Văn học khái luận”, xuất bản năm 1944. Đây là cuốn sách lí luận văn học đầu tiên ở nước ta đề cập đến một số vấn đề cơ bản của văn học nghệ thuật dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin như quan hệ giữa chính trị và văn học, giữa nội dung và hình thức, điển hình và cá tính, giữa dân tộc và tính quốc tế của văn học… Cũng trong thời gian này ông đã dịch các tác phẩm của Lỗ Tấn, Tào Ngu và giới thiệu văn học Trung Quốc vào nước ta. Từ nhỏ, Đặng Thai Mai đã làm quen với văn học Trung Quốc nhưng đó là văn học Trung Quốc của Hán Phú, Đường Thi. Lần đầu tiên nghe đến những tên tuổi như Trần Độc Tú, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược, Lỗ Tấn… Đặng Thai Mai cảm thấy một khoảng trống rất lớn trong kiến thức của mình về văn học Trung Quốc. Đặng Thai Mai cũng đã học chữ Hán từ lúc đầu còn để chỏm nhưng đó là chữ Hán của Tứ thư, Ngũ kinh; để có thể hiểu và dịch được những câu văn châm biếm, thâm trầm của Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai đã phải học bạch thoại với một nghệ sĩ Trung Quốc “chạy loạn sang nước ta”.Việc Đặng Thai Mai giới thiệu văn học Trung Quốc hiện đại vào nước ta, đúng như GS.Trương Văn Chính đã nhận định là một việc có “tính chất mở đường” vào một mảnh đất chưa ai kịp khai phá.
Năm 1945, Cách mạng thánh Tám thành công. Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngay sau đó các thế lực đế quốc phản động, với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp phát xít Nhật, đã tràn vào nước ta: ở phía Bắc là quân đội Tưởng giới Thạch, đi theo sau là một lũ phản động người Việt đủ loại; ở miền Nam, quân Viễn Chinh Pháp, nấp sau quân đội Anh, đổ bộ vào Sài Gòn và không chậm trễ nổ súng gây chiến. Trước tình hình nguy cấp đó, Chính phủ lâm thời, một mặt chuẩn bị Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội thông qua Hiến pháp, thành lập một chính phủ hợp hiến, mặt khác, lo chống giặc đói, chống giặc dốt và kiện toàn bộ máy nhà nước non trẻ vừa mới thành lập. Với chủ trương kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, kiến quốc cần có nhân tài, ngày 10.10.1945, Hồ chủ tịch kí sắc lệnh 45 thành lập một ban mới, đó là Ban Đại học Văn Khoa bên cạnh các ban Y Khoa, Khoa học, Chính trị Xã hội và Mĩ thuật. Nhiệm vụ của ban này nhằm đào tạo giáo sư bậc trung học và chuyên viên khảo cứu về khoa học xã hội – nhân văn như Triết lí, Xã hội, Văn chương, Sử kí, Địa dư. Nghị định 7.11.1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử Đặng Thai Mai đang giữ chức Tổng Thanh tra học vụ bậc Trung học kiêm Giám đốc Ban Văn Khoa trường Đại học. Hội đồng giáo sư gồm có: Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh) Khoa Văn chương Việt Nam; Đặng Thai Mai, Khoa Văn chương Trung Hoa; Nguyễn Mạnh Tường; Khoa Văn chương Tây phương; Cao Xuân Huy, Khoa Triết lí Đông phương; Nguyễn Văn Huyên, Khoa Sử kí. Ngoài ra còn các vị sau đây được mời để giảng những vấn đề đặc biệt trong chương trình Văn khoa: Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu, Trần Văn Giáp, Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỉ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ.
Cũng trong thời gian này, Đặng Thai Mai được cử vào Uỷ Ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/01/1946 đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kì họp thứ nhất ngày 2.3.1946 Quốc hội khoá I (1946 – 1960), Hồ Chủ tịch đã tiến cử ông giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục của Chính phủ liên hiệp kháng chiến với lời giới thiệu như sau: Đặng Thai Mai là “một người đã lâu năm hoạt động trong công cuộc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ”.
Sau đó kháng chiến bùng nổ, Đặng Thai Mai được cử làm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá (1947 – 1948), giáo sư Đại học Văn Khoa Liên khu IV (1950), Giám đốc Sở Giáo dục và Giám đốc trường Dự bị Đại học Liên khu IV (1951 – 1953).
Năm 1954, sau khi nghỉ dưỡng bệnh ở Nam Ninh (Trung Quốc) về Đặng Thai Mai được cử làm Hiệu trưởng Đại học Văn khoa (1954 – 1956) đóng trụ sở tại phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Năm 1956, hai trường Đại học Văn Khoa và Đại học Khoa học được hợp nhất thành Đại học Tổng hợp, Đặng Thai Mai được cử làm Chủ nhiệm Khoa văn chung cho cả hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm cho đến năm 1959 thì chuyển sang làm Viện trưởng Viện Văn học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Chủ tịch liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trong cuộc đời mình, Đặng Thai Mai đã trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng công việc ông làm lâu hơn cả, chuyên hơn cả là nhà giáo. Ông đã dạy từ trường công qua trường tư dưới thời Pháp thuộc, sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chuyên dạy về văn học ở cấp đại học, nhưng ở cương vị nào và mặc dầu có thời gian sức khoẻ ông không được tốt, bao giờ ông cũng tận tâm tận lực làm tròn thiên chức một thầy giáo, ngay cả khi chỉ có một hoặc một vài học sinh đến xin ông chỉ dẫn về một vấn đề cụ thể nào đó. Đặng Thai Mai dạy học với kiến thức uyên bác và cả tấm gương sống và làm việc, trước hết đó là tấm gương hiếu học, khát khao cái mới, luôn nỗ lực thu thập thông tin để theo kịp cái mới. Trong Điếu văn vĩnh biệt ông, nhà thơ Huy Cận nói: Đặng Thai Mai dạy học với tấm lòng say mê của “một nhà truyền giáo”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì mệnh danh ông là “người chăm sóc những luống xanh”, chắc trong thâm ý của nhà văn là muốn nói đến sự đóng góp của ông trong việc đào tạo các nhà văn trẻ, từ lớp Văn hoá Kháng chiến ở Quần Tín (Thanh Hoá) cho đến Trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội.
Đặng Thai Mai rất say mê văn học nước ngoài, đặc biệt là về tư trào Văn hoá Phục hưng, về Sêchxpia, Đông Ki sốt, Lỗ Tấn… nhưng có thể nói tâm huyết của ông vẫn để ở Văn học Việt Nam. Ông nói với học sinh: Tôi học văn nước ngoài để trở về với Việt Nam, để hiểu đúng văn học dân tộc ta. Ông đã nghiên cứu văn học Lí - Trần, Nguyễn Trãi “Chinh phụ ngâm”, Nguyễn Đình Chiểu, “Ngục trung nhật kí”, thơ Tố Hữu và đặc biệt có thể nói ông đã gửi vào hai công trình nghiên cứu “Văn thơ Phan Bội Châu” và “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900 – 1925)” không chỉ là trí tuệ mà cả trái tim của mình, không chỉ là từ những kỉ niệm đau buồn mà cả niềm tin và hi vọng liên quan đến một giai đoạn bi tráng của quê hương, đất nước và cả gia đình ông. Cũng có thể nhắc đến cả cuốn “Hồi kí”của ông hoàn thành vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Những bạn đọc chăm chú của cuốn “Hồi kí” này có thể còn tiếc rẻ là ông đã không kịp hoàn thành tập II của “Hồi kí”, khi mà ông đã trở thành một chứng nhân đặc biệt của một giai đoạn thắng lợi ngày càng vang dội thế giới của dân tộc ta, nhưng dù sao thì tập I của “Hồi kí Đặng Thai Mai” đã có thể đến với đông đảo bạn đọc, vì tác giả của nó đã có ý định: nếu chưa vừa ý thì trước khi từ giã cõi đời ông sẽ đốt đi, chứ không “in sống” nó ra để làm phiền bạn đọc! Trong phạm vi nghiên cứu, viết lách, ông cũng rất “khó tính” với bản thân, cũng như luôn yêu cầu cao và nghiêm khắc với học trò. Ông thật xứng đáng với các phần thưởng cao quý mang tên người mà suốt đời ông ngưỡng mộ: Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội – nhân văn.