Tin tức

 Lựa chọn con đường Cách mạng tháng mười Nga và sự chấm dứt cuộc khủng hoảng của phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Thứ ba - 07/11/2017 04:49

1- SỰ LỰA CHỌN MÔ HÌNH XÃ HỘI MỚI CHO NƯỚC VIỆT NAM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC

Từ giữa thế kỷ XIX, nước Việt Nam độc lập bị thực dân Pháp xâm chiếm, biến thành thuộc địa. Sự tồn tại đan xen cùng lúc của hai phương thức sản xuất tư bản và phong kiến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã làm cho xã hội Việt Nam  có hai mâu thuẩn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân và giữa nông dân với địa chủ phong kiến, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyêt các mâu thuẫn đó là yêu cầu bức xúc của xã hội Việt Nam, song bằng con đường nào và sau đó dựng nên thể chế chính trị  nào là vấn đề bức xúc chưa có tiền lệ, dẫn tới sự bế tắc của phong trào dân tộc. dân chủ ở Việt Nam với kết cục là mọi sự vùng dậy chống đế quốc, phong kiến của nhân dân Việt Nam đều lần lượt bị thất bại. 

Trong bối cảnh lịch sử đó, cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước đương thời, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rất trăn trở về vận nước, tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Nguyễn Tất Thành “đi tìm hình của Nước” như nhà thơ Chế Lan Viêt đã nói thực chất là đi tìm mô hình xã hội tương lai của nước Việt Nam. Mô hình xã hội ấy không phải là một đất nước độc lập với thể chế chính trị xã hội phong kiến cũ kỹ như các bậc tiền bối xác định, hay chế độ tư bản kiểu Nhật, kiểu Pháp, hay kiểu Trung Hoa Dân Quốc  mà các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học chủ trương. Người cho rằng “nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”([2])..  Ý nguyện của Nguyễn Tất Thành khi đi ra nước ngoài, tháng 6  năm 1911 là tìm kiếm một thể chế chính trị mới cho Việt Nam sau khi nước nhà được độc lập, là ở đó nhân dân làm chủ xã hội, họ không chỉ được thoát khỏi ách thống trị của các thế lực ngoại bang, mà còn thoát khỏi ách nô lệ của bọn vua quan phong kiến trong nước. Nghĩa mà cuộc hành trình đi tìm đường để về “cứu giúp đông bào” của Nguyễn Tất Thành là cuộc đi tìm một con đường tranh đấu không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu đơn lẻ như người xưa là “độc lập dân tộc”, mà có mục tiêu “kép” là “độc lập dân tộc và người cày có ruộng”, sâu xa hơn là cứu nước và cứu dân.

Theo mục đích đó, thực chất của việc cứu nước là cứu dân, giải phóng dân tộc là giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, bất công. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Tất Thành đã rất kính phục các bậc tiến bối như Phan Bộ Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, song không đi theo con đường của họ. Có thể hình dung tiến trình tìm chọn mô hình xã hội mới cho nước Việt Nam của Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc đã trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn chuẩn bị (trước năm 1911): Đây là thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành, thời kỳ mà bối cảnh lịch sử đất nước, quê hương và gia đình đã tạo nên và  nuôi dưỡng đạo đức, tình cảm lớn: yêu nước và thương dân, hun đúc nên chí lớn cứu nước và cứu dân cho Nguyễn Tất Thành.

Giai đoạn tìm kiếm (1911- 1919): Đây là thời gian Nguyễn Tất Thành lao động, nghiên cứu ở các nước thuộc địa, các nước tư bản lớn như Mỹ, Anh, Pháp.  Quá trình này giúp cho Người nâng cao nhận thức về văn hóa, xã hội, về thế giới quan và nhân sinh quan so với khi còn ở trong nước. Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Người đi tới kết luận chính trị là khi giành lại được độc lập, không thể thiết lập thể chế xã hội theo mô hình quân chủ, vì chế độ đó đã lỗi thời; đồng thời cũng rất hoài nghi mô hình dân chủ tư sản, dù nó tuy là mới nhưng không đạt được mục tiêu “kép” như bản thân mong muốn. Nếu như sự quyết định đi sang phương Tây “để xem họ làm như thế nào rồi về giúp đỡ đồng bào” năm 1911 là sự đoạn tuyệt của Nguyễn Tất Thành đối với mô hình chính trị nhà nước quân chủ, phong kiến phương Đông, mở đầu cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu xã hội phương Tây,  thì việc “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hội nghị Vécxay (1919) đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam bị bác bỏ, đã đưa Người tới quyết định dứt khoát xa lánh mô hình- thể chế tư bản chủ nghĩa.

Giai đoạn quyết định (1919- 1920): Đây là thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, song theo dõi sát sao và trực tiếp tham gia các tổ chức yêu nước của người Việt Nam, đã có chuyển biến tư tưởng chính trị từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước cách mạng, theo lập trường vô sản, với mốc quan trọng là đọc và tiếp thu được nộ dung của “Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin, tháng 7- 1930. Trong văn kiện này, VI.Lênin cho rằng khi chủ nghĩa tư bản phương Tây sang xâm chiếm phương Đông làm thuộc địa, sẽ xuất hiện phong trào giải phóng dân tộc chống tư bản thực dân. Đã là phong trào chống tư bản thì tự nó, về khách quan, thuộc phong trào vô sản, vì có đối tượng đấu tranh là chủ nghĩa tư bản. Đã là phong trào vô sản thì phong trào giải phóng dân tộc ấy phải theo con đường cách mạng vô sản mới có thể thành công triệt để được. Theo đó,  phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời đại mới về khách quan là có  khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, là sau khi giành được độc lập thì thể chế chính trị được thành lập là thể chế chính trị kiểu mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Ái Quốc đọc và hiểu được chân lý đó, nên Người vừa lý giải được nguyên nhân thất bại của các phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, vừa nhận thức được con đường đi tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phong dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”([3]), “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động”([4]).

Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người, giành độc lập dân tộc là mục đích bức xúc trước mắt, để mở đường, còn giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động mới là mục đích lâu dài và cuối cùng. Do đó, sau khi giành lại được độc lập, lực lượng cách mạng phải đi tới thiết lập một thể chế chính trị mà quyền lực thuộc về số đông, “chứ không ở trong tay một số ít người”, đó là thể chế chính trị của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.  Điều đó cũng có nghĩa là năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản cũng là lúc Người tìm được con đường cứu nước mới, con đường có thể đạt được mục tiêu “kép”: vừa cứu nước, vừa cứu dân. Chủ trương của Nguyễn Ái Quốc là: “Chúnh ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”([5]). 

Nói Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước (1911- 1920) với ý nghĩa đó, chính là đi tìm mô hình xã hội mới cho nước Việt Nam tương lai, mô hình xã hội đang hiện thực ở nước Nga, nơi có Đảng Cộng sản theo Chủ nghĩa Mác- Lênin lãnh đạo, đất nước độc lập, chính phủ công nông binh, nhà máy của công nhân, ruộng đất của nông dân,  phát triển công, nông nghiệp, nam nữ bình quyền, giáo dục phổ thông, hội nhập quóc tế,…

  II.  MÔ HÌNH XÃ HỘI MỚI VÀ SỰ CHẤM DỨT CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX. Trước năm 1920, người Việt Nam đã có nhiều phương cách giải quyết sự bế tắc về mô hình phát triển của Việt Nam, dẫn tới nhiều phong trào dân tộc, dân chủ sôi nổi, nhưng rốt cuộc đều thất bại. Nguyễn Ái Quốc là người đã tìm được lời giải đúng đắn nhất là đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga. Nhờ đó Việt Nam đã từng bước thoát khỏi sự bế tắc trong cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ, đưa phong trào đó phát triển theo khuynh hướng cách mạng vô sản vừa phù hợp với thời đại vừa đáp ứng được ý nguyền của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đi dần đến tháng lợi trên con đường “độc lập dân tộc”, “người cày có ruộng” hướng tới xã hội dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Hình ảnh nước Việt Nam trong tương lai được Nguyễn Ái Quốc hình dung khi Người lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, là chế độ do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của  Đảng Cộng sản, song mô hình cụ thể của thể chế chính trị đó, các đặc trưng cơ bản của Nhà nước kiểu mới đó vẫn còn được Người tiếp trục tìm tòi khảo cứu và hoàn thiện trong nhiều năm sau. Trong các bài viết của Nguyễn Ái Quốc thể hiện trên báo Le Paria, báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, trên các báo ở Liên Xô, trong vở kịch Con rồng tre, trong Nhật ký chìm tàu, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp và nhất là trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), mô hình thể chế chính trị- Nhà nước tương lai của Việt Nam dần dần được hình thành một cách cụ thể.

 Mô hình- các đặc trưng của thể chế chính trị-  Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc và cách thức đi tới Nhà nước nước ấy đại thể có các nội dung như:  Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là giải pháp duy nhất để đạt mục đích kép: cứu nước và cứu dân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, bằng nổ lực của toàn dân tộc; Sau khi giành được độc lập, sẽ lập ra Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực Nhà nước thuộc về đa số dân chúng, trong đó công nông là gốc, là chủ; Nhà nước ấy, chế độ ấy thực hiện dân tộc độc lập, con người tự do, nhân dân hạnh phúc, mục tiêu cuối cùng là đi tới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa; Thế chế ấy, Nhà nước ấy có thể được xác lập trước Nhà nước vô sản ở chính quốc; Thể chế ấy, Nhà nước ấy phải được thiết lập, xây dựng theo những cách thức, phương pháp khoa học, đúng đắn, phù hợp với đặc điểm Việt Nam; Thể chế ấy, Nhà nước ấy có quan hệ đoàn kết với các phong trào vô sản, phong trào giải phóng dân tộc, với các chính thể xã hội chủ nghĩa và dân chủ trên thế giới; Thế chế ấy, Nhà nước ấy do Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin…

Đó là những điểm khác và mới về chất của mô hình và con đường cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc so với các con đường, các tư tưởng khác đương thời, mà cốt lõi là giành độc lập dân tộc tuy là bức xúc, được ưu tiên hành đầu, song không phải là mục đích cuối cùng. Đó là đấu tranh giành độc lập dân tộc nhưng không tiến tới tái lập chế độ phong kiến như các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến trước đó trong lịch sử Việt Nam, cũng không lập ra chế độ, thể chế tư bản chủ nghĩa như cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, mà cơ bản là như ở nước Nga sau cách mạng tháng Mười năm 1917, một thể chế của số đông, vì độc lập của dân tộc, tự do của con người và hạnh phúc của nhân dân.

Với mô hình đó nên khi nói Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước thực chất là đi tìm một mô hình Nhà nước mới, Nhà nước do nhân dân làm chủ, có Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì cũng có nghĩa là quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin váo Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc là quá trình truyền bá mô hình Nhà nước, thể chế chính trị kiểu mới ấy vào Việt Nam. Khi nói phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin thì cũng có nghĩa là các phong trào đó tiếp thu thể chế chính trị mới do Nguyễn Ái Quốc tìm chọn, là tiếp thu mô hình Nhà nước do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là hướng tới chế độ chính trị xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo đó, khi nói phong trào dân tộc, dân chủ phát triển thành phong trào cách mạng vô sản thì cũng có nghĩa là các phong trào ấy chuyển sang mục tiêu thiết lập thể chế chính trị, mô hình Nhà nước do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Là “Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản” độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do có định hướng đúng đắn về mục đích đấu tranh, một cuộc đấu tranh không chỉ đưa lại độc lập, mà quan trọng hơn là để kiến lập chế độ dân chủ, của dân, do dân, vì dân mà phong trào chống đế quốc, chống phong kiến ở Việt Nam  bùng phát mạnh mẽ. Khi phong trào đã trở thành phong trào vô sản thì dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản và tiến tời thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam  đầu năm 1930.

Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình hành động tóm tắt của Đảng, trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng của Nguyễn Ái Quốc (tháng 2-1930) cũng như trong Luận cương chánh trị của Đảng (tháng 10-1930), những nội dung của thể chế chính trị, của mô hình Nhà nước kiểu mới được trình bày một cách cô đọng và rõ ràng: Đó là mô hình xã hội mô phỏng xã hội Xô viết công nông binh ở nước Nga.

Vào thời điểm năm 1930, trong bối cảnh lịch sử thế giới và Việt Nam, khi chưa có mô hình nhà nước, thể chế chính trị nào khả dĩ thích hợp hơn ngoài chế độ Xô viết ở Nga, thì lựa chọn mô hình đó là đúng đắn, tiến bộ, tạo nên động lực mới cho phong trào cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930- 1931.

Trong quá trình cách mạng tiếp theo, bằng khảo nghiệm, bằng nghiên cứu tổng kết lý luận về mô hình thể chế chính trị, mô hình nhà nước trên thế gới và thực tế Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc và Đảng đã đi tới mô hình cộng hòa dân chủ Đông Dương, tạo nên động lực làm xuất hiện cao trào vận động dân chủ sôi nổi trong những năm 1936- 1939.  Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939- 1945, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh và Đảng tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm và đi tới lựa chọn thể chế chính trị, mô hình nhà nước thích hợp hơn, đó là thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thể chế chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mô hình Nhà nước, là thể chế chính trị mới được Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5- 1941. Mặt trận Việt Minh là một kiểu nhà nước tiền chính phủ với chương trình hành động thể hiện rõ quyền lực thuộc về nhân dân, một thể chế chính trị xã hội quá độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mô hình đó, thể chế đó là động lực, là ngọn cờ vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuy hoàn cảnh rất hiểm nghèo, song cơ bản đã nhanh chóng xác lập được một thể chế chính trị xã hội mới theo sự tìm chọn của Nguyễn Ái Quốc, có mục đích vì độc lập chủ quyền của đất nước, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời kỳ 1945- 1975, Việt Nam đã giành được thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lập lại hòa, thống nhất cho đất nước. Từ năm 1975 đến nay, tuy còn có nhiều hạn chế, song Việt Nam đã có nhiều thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế. Những thắng lợi to lớn đó có nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất là do có chế độ xã hội mới với thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn từ đầu thế kỷ XX và không ngừng được bổ sung, phát triển, đổi mới  trong quá trình lịch sử.

                                                   *****

Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính chuyền nhà nước, là thể chế chính trị xã hội mới. Sự lựa chọn con đường cách mạng Tháng Mười Nga của Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ XX thực chất là lựa chọn một mô hình nhà nước và xã hội kiểu mới cho Việt Nam, một mô hình có mục tiêu kết hợp cứu nước với cứu dân, trong đó đặc trưng đất nước vững bền, con người tự do, nhân dân hạnh phúc là mục đích tối thượng.

Bối cảnh thế giới và Việt Nam, nhận thức riêng của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc những năm đầu thế kỷ XX đã quy định việc lựa chọn mô hình xã hội tương lai cho nước Việt Nam. Mô hình và cách thức đi tới mô hình xã hội đó mang đậm dấu ấn của bối cảnh lịch sử đương thời. Nó đã đúng và phát huy tác dụng tích cực đối với Việt Nam mà trực tiếp là chấm dứt cuộc khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc, đưa cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam tiến lên, đi tới thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc cách mạng tháng Mười Nga diễn ra cách đây 100 năm (1917- 2017) có ý nghĩa lịch sử và tính thời đại sâu sắc. Đối với Việt Nam hiện nay, việc kiên định mục đích tốt đẹp của con đường đã chọn và sự sáng tạo trong đổi mới mô hình cũng như điều chỉnh lộ trình và giải pháp đi tới mô hình đó là rất quan trọng và đều có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, khi bối cảnh thế giới và trong nước đã khác trước rất nhiểu.                                                                            

-----------

Địa chỉ tác giả:  ĐT: 0913593354;   Email: ngodangtri@yahoo.com.

[1] - Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN.

[2]- Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 4, Nxb ST,  trang 56.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb  CTQG, H.2011, T. 1, tr 9

[4] Đầu năm 1923, Trong truyền đơn cổ động mua báo Người cùng khổ (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “ Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T. 1, tr.35­).

[5] -Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 1, 1924-1930, NXB CTQG, HN, 1998, trang 27.

Tác giả: PGS.TS Ngô Đăng Tri

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây