Tin tức

Đổi mới và hội nhập trong nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV

Thứ sáu - 15/09/2017 23:51
Khâu kiểm định chất lượng, đánh giá và xếp hạng ĐH như là một cú hích tạo động lực cho các trường ĐH ngày càng phát triển. Điều đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo ĐH không ngừng đổi mới và tăng cường hội nhập trong đào tạo cũng như nghiên cứu. Báo GD&TD có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN xung quanh vấn đề này

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Thưa GS.TS Phạm Quang Minh, vừa qua các nhà chuyên môn và dư luận rất quan tâm tới bảng Xếp hạng Đại học Việt Nam do một nhóm nghiên cứu độc lập công bố. Giáo sư có nhận xét gì về bảng xếp hạng này và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có quan điểm như thế nào về xếp hạng đại học nói chung ?

Tôi nghĩ rằng việc công bố một bảng xếp hạng đại học tại Việt Nam vừa qua là một cố gắng bước đầu rất là quan trọng, đáng được ghi nhận. Những tiêu chí được đưa ra cũng rất phù hợp, như là: nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất là quản trị đại học... Đó cũng là những tiêu chí phù hợp với xu thế chung của đại học và đặc biệt là phù hợp với chủ trương của Việt Nam và thế giới.. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa có sự phân loại rõ ràng giữa các nhóm trường đại học khác nhau, như đại học nghiên cứu, đại học đào tạo, đại học đa ngành đa lĩnh vực hay là đơn ngành ... nên có thể tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Rất cần có những đánh giá độc lập, khách quan về vị thế của các trường đại học để có thể tạo ra một môi trường minh bạch thông tin và là động thực thúc đẩy sự phát triển và hội nhập. Trong bối cảnh đó, Trường ĐHKHXH&NV là một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã rất tích cực, chủ động trong công tác kiểm định chất lượng, xếp hạng đại học. Trong những năm qua, kiểm định chất lượng đã trở thành công việc có tính chất thường xuyên của Nhà trường. Chúng tôi có 3 chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN), nhiều chương trình đào tạo được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn của  ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT. Bản chất của kiểm định chất lượng không phải là tìm kiếm hạn chế và sai sót, mà công việc đó như một tấm gương chỉ ra cho chúng ta thấy những điểm mạnh và điểm yếu để chúng ta cải thiện, tiếp tục đổi mới. Kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học như là một cú hích tạo động lực cho các trường đại học ngày càng phát triển.

Thưa GS, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển lớn. Là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực có truyền thống lâu đời và uy tín vể khoa học xã hội và nhân văn, giáo sư có thể chia sẻ những dấu ấn trong công cuộc đổi mới về công tác đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường năm học vừa qua?

Trong năm vừa qua, Nhà trường tiếp tục chiến lược xây dựng Trường trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến. Đây là một lộ trình rất dài, được kế thừa từ nhiều năm trước, nhưng đến giai đoạn này thì Nhà trường có sự tăng cường, thúc đẩy hơn nữa việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong công tác đào tạo, Trường đã rà soát lại quy trình để có thể rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 3,5 năm, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra. Điều này đã góp phần tiết kiệm cho người học và xã hội rất nhiều về tài chính và thời gian để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Nhà trường mở nhiều ngành đào tạo mới ở cả bậc cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường là cơ sở đầu tiên mở ngành Tôn giáo học. Chuyên ngành Quản lý khoa học và Công nghệ bậc tiến sĩ được triển khai đầu tiên trong phạm vi cả nước và 1 tiến sĩ đã được trao bằng. Chuyên  ngành Việt Nam học cũng đã có một học viên người người ngoài nhận bằng Thạc sỹ... Trong nghiên cứu khoa học, chủ trương đẩy mạnh công bố quốc tế vẫn được thực hiện tốt với gần 50 công trình chất lượng cao, 1/5 số đó được công bố trên các tạp chí có thứ hạng cao thuộc hệ thống ISI, Scopus. ..Bên cạnh đó là hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và ĐHQGHN và các địa phương trên cả nước. Nhà trường đang đầu tư 03 phòng thí nghiệm mới phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Những dấu ấn này thể hiện được tính tiên phong của Nhà trường trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cũng như vị thế của Nhà trường thông qua các nghiên cứu được công bố quốc tế, được ứng dụng vào thực tiễn xã hội.

Đúng là cho đến nay là đại học Việt Nam nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng đã có rất nhiều sự quan tâm cho vấn đề hội nhập quốc tế. So với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật hay kinh tế, vấn đề hội nhập của các ngành khoa học xã hội và nhân văn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, như là rào cản về ngôn ngữ, ý thức hệ, phương pháp luận... Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khoa học xã hội và nhân văn lại có những lợi thế riêng của mình mà các ngành khoa học khác không có. Các học giả quốc tế đặc biệt quan tâm tới lịch sử, văn hóa, tới truyền thống của Việt Nam. Hàng năm chúng ta đã đón hàng nghìn lượt các học giả, giảng viên và sinh viên quốc tế tới học tiếng Việt, nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là lợi thế đặc trưng so với các ngành khoa học khác. Thứ hai, Việt Nam thực sự là một mô hình thành phát triển xã hội tiêu biểu, mô hình chuyển đổi từ quan liêu tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Mô hình này có sức hấp dẫn lớn đối với quốc tế. Thứ ba, Việt Nam như một “bảo tàng sống”. Ở đây, các nhà khoa học xã hội và nhân văn gặp nhiều thuận lợi trong nghiên cứu các trường hợp về những vấn đề mà cả thế giới đang phải đối mặt, như là: đô thị hóa, di cư, phát triển bền vững, biến đổi khí học, ngôn ngữ văn hóa các tộc người... Việt Nam bây giờ không phải được biết đến với những cuộc chiến tranh trong quá khứ, mà là một đất nước hòa bình, năng động và đổi mới. Chính điều đó khiến Việt Nam trở thành một đối tượng nghiên cứu có sức hấp dẫn lớn. Khoa học xã hội và nhân văn thực chất đang có một nguồn tài liệu sống rất quý cho nghiên cứu. Chúng ta rất cần những nỗ lực từ phía trong nước cũng như sự hợp tác quốc tế để phát huy, khai thác những tiềm năng đó để có thể có những chiến lược phát triển đất nước một cách toàn diện và khoa học.Nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập với quốc tế, quan điểm của giáo sư về điều này như thế nào?

Nhà trường coi hội nhập quốc tế là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển của Trường, được thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng ủy và các chủ trương nói chung của Trường. Một mặt, Nhà trường tiếp đón hàng trăm lượt giảng viên, sinh viên nước ngoài, đồng thời cũng gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, thực tế, giao lưu. Cán bộ và sinh viên thường xuyên trao đổi, tham gia các chương trình, dự án, công trình nghiên cứu và chương trình đào tạo quốc tế. Nhà trường đã ký kết hơn 270 các văn bản hợp tác với các đối tác quan trọng trên thế giới, tạo ra cơ hội hợp tác với các trường đại học, các tổ chức trên thế giới. Đồng thời Trường đưa vào giảng dạy nhiều học phần bằng tiếng Anh, thành lập 2 câu lạc bộ tiếng Anh cho cán bộ và sinh viên. Nâng cấp website tiếng Anh. Tạp chí Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Trường xuất bản 2 số bằng tiếng Anh mỗi năm.... Tất cả việc đó đã tạo ra một nhận thức mới trong cán bộ và sinh viên Nhà trường là cần thiết nâng cao năng lực ngoại ngữ, coi đó là chìa khóa để mở các cánh cửa nhìn ra thế giới. Bối cảnh quốc tế hóa và hội nhập chính là điều kiện giúp các trường đại học có thể nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thể hiện được vị thế của mình trong xu thế phát triển chung.

Quay trở lại câu chuyện về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, giáo sư có những chia sẻ gì với sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói riêng và thế hệ trẻ nói chung?

Gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm và tin tưởng ở thế hệ trẻ . Các bạn sinh viên ngày nay cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình trong thời đại mới. Một đội ngũ sinh viên còn mang tâm lý của thời bao cấp, tính chủ động chưa cao, sức ỳ còn khá phổ biến. Thế giới đang phát triển với cuộc cách mạng 4.0 và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế. Nhưng dù trong cách mạng 4.0 hay là những cuộc cách mạng tiếp theo trong tương lai, nhân loại vẫn luôn trân trọng và vun đắp cho khoa học xã hội và nhân văn như là nền tảng của mọi sự phát triển. Để hòa nhịp với những xu thế mới của thời đại, chúng ta cần nỗ lực chuẩn bị hành trang, chủ động và nắm bắt thời cơ. Thành công chỉ đến với những ai biết nắm bắt thời cơ với tâm thế tự tin, sẵn sàng vượt qua thách thức.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

(theo Báo Giáo dục và Thời đại)

Tác giả: Lê Thu Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây