Ngôn ngữ
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, trước yêu cầu thực tiễn của xã hội trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá, hội nhập quốc tế, năm 2004, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam đổi thành Bộ môn Văn hoá học. Năm 2009, Bộ môn đổi tên thành Văn hóa học và Lịch sử Văn hoá Việt Nam, phát triển theo hướng đẩy mạnh những nghiên cứu về Văn hóa học cũng như nghiên cứu về văn hoá Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh tảng nền nghiên cứu về lịch sử.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam đã đảm nhận việc giảng dạy môn chung Cơ sở văn hóa Việt Nam cho hầu hết sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và đào tạo các khóa sinh viên chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với 18 khóa sinh viên chuyên ngành (khoảng hơn 400 sinh viên đã tốt nghiệp), Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam càng chứng tỏ rõ hơn ưu thế của mình trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã đảm bảo tốt tiến độ và chất lượng giảng dạy các chuyên đề của chuyên ngành, từ những vấn đề về Lý thuyết, Phương pháp nghiên cứu Văn hóa học cho đến những vấn đề cụ thể như Văn hóa làng xã, Đô thị và văn hóa Đô thị ở Việt Nam; Tiếp xúc và giao lưu văn hóa; Tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội ở Việt Nam; Âm nhạc, Mỹ thuật, Ẩm thực Việt Nam truyền thống… Những kiến thức được các Thầy Cô trao truyền không chỉ là nền tảng tốt cho sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập mà còn là hành trang quý giá cho các thế hệ sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.
Trên cơ sở những thành tựu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Bộ môn, cũng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội phục vụ công tác nghiên cứu, thực hành, quản lý, bảo tồn… các giá trị văn hóa, từ năm 2013, Đại học Quốc gia phê duyệt Đề án mở mã ngành đào tạo Thạc sĩ Lịch sử văn hóa Việt Nam do bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam thực hiện. Đến nay, bộ môn đã và đang đào tạo 3 khóa Sau Đại học (các năm 2014, 2015, 2016). Trên nền tảng những kiến thức đã được trang bị từ hệ Cử nhân, các học viên Cao học được tiếp cận với những vấn đề chuyên sâu hơn, nâng lên một tầm nhìn cao hơn, cập nhật hơn, như Văn hóa và phát triển bền vững, Quan hệ kinh tế-văn hóa-xã hội giữa nông thôn và đô thị trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Quá trình hội nhập và hiện đại hóa của văn hóa Việt Nam… Học viên cũng được lựa chọn các môn học tùy theo lĩnh vưc, hướng ngành nghiên cứu như Văn hóa Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, Lễ hội truyền thống trong xã hội Việt Nam hiện đại, Kiến trúc và trang trí kiến trúc cổ truyền người Việt, Văn hóa Chăm trong diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam, Tính thống nhất và đa dạng trong văn hóa Việt Nam, Một số vấn đề văn hóa hiện đại… Những chuyên đề này sẽ trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về những lĩnh vực, khía cạnh cụ thể của văn hóa, từ đó người học có thể chủ động nắm bắt, nhìn nhận, phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề của văn hóa trong thực tế cuộc sống cũng như công việc.
Họp Hội đồng xét duyệt tên đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Văn hoá Việt Nam khóa 2016
Một trong những thế mạnh trong hoạt động đào tạo của chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam là thực tập thực tế. Ngay từ hệ Cử nhân, Bộ môn đã luôn chú trọng đến chương trình thực tập thực tế cho sinh viên. Có thể, đó là những chuyến khảo sát, thăm thú hệ thống đình đền, chùa, miếu ở một khu vực trong khuôn khổ một chuyên đề về tôn giáo, tín ngưỡng… Có thể đó là những chuyến rong ruổi qua các chợ, bến, phố phường/ làng quê trong một chuyên đề về đô thị/ hoặc làng xã. Đó có thể là những chuyến đi điền dã, “ba cùng” với người dân ở khắp các miền tổ quốc, từ vùng núi Tây Bắc, qua các làng xã ở châu thổ sông Hồng đến khu vực miền Trung trong một chương trình thực tập thực tế dài ngày. Mỗi chuyến đi người học được sống, trải nghiệm, học hỏi về đời sống vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán, lễ tết, tôn giáo, tín ngưỡng… không chỉ của người Việt mà còn của các tộc người anh em, không chỉ ở hiện tại mà cả trong quá khứ và hướng tới tương lai… Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế hệ sinh viên, học viên Cao học, khi nhớ về những ngày tháng học chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam đều nhớ về những ngày đi thực tập, những buổi điền dã rong ruổi từ làng quê đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, để thốt lên rằng “nếu được chọn lại em vẫn chọn học Lịch sử văn hóa”…
Học viên khóa 2016 chuyên ngành Lịch sử Văn hoá Việt Nam học tại Bảo tàng Nhân học
Học viên khóa 2014, khóa 2015 chuyên ngành Lịch sử Văn hoá Việt Nam học tại Viện Nghiên cứu văn hóa (Ảnh: Nguyễn Thị Thủy)
Học viên khóa 2016 chuyên ngành Lịch sử Văn hoá Việt Nam học tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Ảnh: Lý Viết Trường)
Chính sức hút từ chuyên ngành đào tạo cũng như nhu cầu của xã hội, nhiều sinh viên từ các trường khác, từ các chuyên ngành khác đã trở thành học viên cao học Lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong số 16 học viên Cao học Lịch sử văn hóa Việt Nam, có 9 học viên là sinh viên của chuyên ngành từ bậc cử nhân, và 7 học viên là từ chuyên ngành khác của Khoa Lịch sử hoặc từ trường khác theo học. Một tín hiệu đáng mừng là học viên Cao học đầu tiên sau khi hoàn thành chương trình học tập đã được tuyển dụng vào một đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hóa có uy tín ở Hà Nội. Đó là nguồn động viên, cổ vũ cho các Thầy Cô nói chung và Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng, đồng thời cũng là trách nhiệm, thách thức trong hoạt động đào tạo, để có thể nâng cao chất lượng, thu hút được học viên đến với chuyên ngành rộng rãi hơn. Trong thời gian tới, bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo tốt hoạt động đào tạo các bậc Cử nhân và Thạc sĩ, tiến tới mở mã ngành đào tạo Lịch sử văn hóa Việt Nam ở bậc Tiến sĩ, đảm bảo yêu cầu về hoạt động đào tạo liên tục, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xã hội.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, Khoa Lịch sử tiếp tục xây dựng đề án mở chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý văn hóa, đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cũng như các cơ quan văn hóa từ địa phương đến trung ương, có thể tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 2018. Cũng theo hướng phát triển đó, Khoa Lịch sử phấn đấu xây dựng hướng ngành Văn hóa học là một hướng ngành độc lập, đào tạo liên tục từ hệ Cử nhân đến Tiến sĩ, đáp ứng tốt, kịp thời nhu cầu xã hội về một đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực văn hóa của đất nước trong thời đại mới.
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hoài Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn