Ngôn ngữ
Ra mắt tháng 9/2008 (Nxb ĐHQGHN), cuốn sách dày 395 trang, là tập hợp 30 bài tham luận của các tác giả tại hội thảo “100 năm Đông Kinh nghĩa thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay”, diễn ra ngày 22/5/2007 tại Trường ĐHKHXH&NV. Các bài viết được sắp xếp theo hai chủ đề chính: 1. Đông Kinh nghĩa thục và những cải cách giáo dục trong lịch sử; 2. Công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Ra mắt tháng 9/2008 (Nxb ĐHQGHN), cuốn sách dày 395 trang, là tập hợp 30 bài tham luận của các tác giả tại hội thảo “100 năm Đông Kinh nghĩa thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay”, diễn ra ngày 22/5/2007 tại Trường ĐHKHXH&NV. Các bài viết được sắp xếp theo hai chủ đề chính: 1. Đông Kinh nghĩa thục và những cải cách giáo dục trong lịch sử; 2. Công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội (1907-2007), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo khoa học “100 năm Đông Kinh nghĩa thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay”. Đông đảo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trong và ngoài trường đã nhiệt liệt hưởng ứng và gửi về ban tổ chức hội thảo các bài viết theo hai chủ đề:
- Đông Kinh nghĩa thục và những cải cách giáo dục trong lịch sử
- Công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Trong lịch sử văn hoá - giáo dục của nước ta, trường Đông Kinh nghĩa thục có một vị trí đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng với tư cách là một ngôi trường kiểu mới đầu thế kỉ XX, là điểm son sáng chói của nền giáo dục Việt Nam, hơn thế nữa là một cuộc vận động văn hoá - tư tưởng, chính trị quan trọng trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ta hồi đầu thế kỉ.
[img class="caption" src="images/stories/2008/10/21/img_2077.jpg" border="0" align="right" width="160"/>Một hiện tượng vô cùng độc đáo trong đời sống chính trị, văn hoá, giáo dục của nhân dân ta lúc này là cùng trong một thời kì, dưới tác động của công cuộc khai thác thuộc địa được thực dân Pháp đẩy mạnh từ sau khi phong trào đấu tranh vũ trang dưới ngọn cờ Cần Vương đã bị dập tắt trong máu lửa và sắt thép - đây là đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất - cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu xã hội Việt Nam đã có những biến chuyển tuy mới bắt đầu, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trào lưu tư tưởng mới - tư tưởng mới đây là tư tưởng tư sản, từ bên ngoài tràn vào. Cũng do đặc điểm xã hội Việt Nam lúc này phân hoá chưa thuần thục nên đứng ra đảm nhận việc tiếp nhận trào lưu tư tưởng mới lại là bộ phận sĩ phu yêu nước có xu hướng tiến bộ đã nhận thức được sự phá sản thảm hại của văn minh học thuật phong kiến Nho giáo nên hăng hái đứng ra tiếp nhận văn minh học thuật mới (tư sản) từ phương Tây sang qua hai con đường Trung Quốc và Nhật Bản. Mục đích của các sĩ phu yêu nước tiến bộ lúc này là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” tiến lên dân giàu, nước mạnh để đi tới tự cường, tự lập. Điều đó giải thích sự xuất hiện gần như cùng thời từ trong Nam ra ngoài Bắc một loạt các nghĩa thục, nơi sớm nơi muộn, nơi nhiều, nơi ít nhưng hầu như nơi nào cũng có, nơi ảnh hưởng rộng, nơi ảnh hưởng hẹp, nhưng tất cả đều chung mục tiêu giáo dục truyền bá tư tưởng mới, bồi dưỡng và đề cao tinh thần yêu nước, gây một phong trào sâu rộng trong nhân dân, nằm chung trong xu thế cải cách văn hoá, đổi mới tư tưởng thời đó. Tất nhiên Hà Nội với truyền thống lâu dài trong lịch sử, với tư cách thủ phủ liên bang Đông Dương thời thuộc Pháp, đã có vị trí quan trọng hàng đầu trong phong trào, vì vậy trường Đông Kinh nghĩa thục với những hoạt động sôi nổi phong phú nhiều mặt đã có vai trò to lớn, ảnh hưởng sâu rộng, là đỉnh cao của phong trào cả nước thời đó. Cho nên không phải chỉ có Việt Nam kỉ niệm kỉ niệm 100 năm thành lập Đông Kinh nghĩa thục mà nước ngoài cũng tổ chức hội thảo khoa học về ngôi trường lịch sử đó của Việt Nam. Hội thảo khoa học về Đông Kinh nghĩa thục tổ chức tại Aix-en - Provence (Pháp) vào đầu tháng 5-2007, với sự tham gia của các nhà khoa học, giáo dục Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là một dẫn chứng.
Một điều nữa cũng cần được nêu lên - đây cũng là một nét mới trong tư duy khoa học - đó là nghiên cứu lịch sử không chỉ với mục đích tôn vinh, tất nhiên tôn vinh cái anh hùng, cái cao đẹp trong lịch sử dân tộc để gây một lòng tự hào chính đáng đối với nhân dân, đối với dân tộc là cần thiết, nhưng còn có một yêu cầu nữa còn quan trọng hơn là học tập, rút ra những bài học lịch sử. Chủ đề 2 của Hội thảo kỉ niệm 100 năm thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là từ Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỉ XX liên hệ đến công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó rút ra những bài học về xây dựng mô hình xã hội học tập, về quản lí giáo dục, về xã hội hoá giáo dục, về cải cách giáo dục. Thiết tưởng đó là những công việc cấp thiết để đưa giáo dục Việt Nam phát triển lên một trình độ mới, khả dĩ đáp ứng những yêu cầu to lớn của Việt Nam trong thời kì hội nhập và phát triển.
Đó cũng là mong muốn to lớn và nguyện vọng thiết tha của ban biên tập “100 năm Đông Kinh nghĩa thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay” khi chuyển kỉ yếu hội thảo này tới bạn đọc thân mến trong và ngoài nước.
Hà Nội, tháng 6-2008
GS. Đinh Xuân Lâm
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn