ThS. Phạm Mạnh Hà: “Hãy làm công việc mà mình đam mê”

Thứ năm - 17/07/2008 20:00

Sau những kì thi và những buổi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp, tìm việc có lẽ là công việc quan trọng và mất khá nhiều công sức đối với các sinh viên mới ra trường. Ngoại trừ những sinh viên nhờ nỗ lực và may mắn riêng, đã tìm kiếm được một chỗ làm khá ổn ngay từ khi còn đang học, còn lại thì nhiều sinh viên khác đang rất lúng túng, lo lắng cho việc mình sẽ “trụ lại” ở đâu, mức lương có đủ sống không, nên quan hệ với “sếp” và đồng nghiệp như thế nào?... Với mong muốn giúp các bạn sinh viên có được những lời khuyên bổ ích, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lí.

Sau những kì thi và những buổi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp, tìm việc có lẽ là công việc quan trọng và mất khá nhiều công sức đối với các sinh viên mới ra trường. Ngoại trừ những sinh viên nhờ nỗ lực và may mắn riêng, đã tìm kiếm được một chỗ làm khá ổn ngay từ khi còn đang học, còn lại thì nhiều sinh viên khác đang rất lúng túng, lo lắng cho việc mình sẽ “trụ lại” ở đâu, mức lương có đủ sống không, nên quan hệ với “sếp” và đồng nghiệp như thế nào?... Với mong muốn giúp các bạn sinh viên có được những lời khuyên bổ ích, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lí.

- Phóng viên (PV): Thưa ThS. Phạm Mạnh Hà, sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thường có tâm lí nôn nóng, lo lắng, thậm chí là cả tự ti nữa. Anh có lời khuyên gì để họ giảm được những áp lực ấy?

- ThS. Phạm Mạnh Hà (ThS. PMH): Tôi nghĩ là cần phải xác định xem tâm lí nôn nóng hay tự ti là do nguyên nhân nào thì mới có cách giải quyết.

Theo tôi, sinh viên khi mới ra trường chịu áp lực rất lớn. Áp lực từ những kì vọng của gia đình, bạn bè, áp lực từ chính bản thân họ khi họ phải tìm được việc để tự nuôi được bản thân, để không còn phải ăn bám gia đình ... Từ những áp lực ấy dẫn đến một tâm lí phổ biến là sẵn sàng làm bất kì việc gì, miễn là có việc. Nhưng để tìm việc, có người thì sốt sắng, nôn nóng quá mức, có người lại thấy tự ti không biết mình có làm nổi không. Do đó, các bạn đã quên đi một thực tế quan trọng nhất là mình có đáp ứng được công việc đó không, công việc đó có phù hợp với năng lực và sở thích của mình không?

Lời khuyên của tôi đối với các bạn là hãy bình tĩnh mà “trau chuốt” lại mình, hãy cho bản thân những khoảng lặng nhất định để đánh giá những ưu, nhược điểm của bản thân, để có những bước chuẩn bị cẩn thận về nhiều mặt cho chiến lược tìm việc của mình. Có chuẩn bị kĩ càng thì sẽ tránh được cảm giác bị thất bại, giảm được áp lực tìm việc.

- PV: Theo anh, khi đi tìm việc làm, sinh viên cần phải có những chuẩn bị gì?

- ThS. PMH: Tôi nghĩ quá trình chuẩn bị để tìm việc phải được tiến hành từ trước, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Quan trọng nhất là các bạn phải chuẩn bị cho mình một kiến thức chuyên môn vững, những kĩ năng khác như ngoại ngữ, vi tính... Bên cạnh đó, các bạn phải tìm hiểu những kĩ năng phỏng vấn xin việc, kĩ năng để chuẩn bị một hồ sơ xin việc tốt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử, thể hiện bản thân...

- PV: Anh có thể gợi ý các bạn một số kĩ năng để “ăn điểm” trước nhà tuyển dụng?

- ThS. PMH: Tôi muốn nhấn mạnh một điều là: đa số sinh viên mới ra trường khi đi tìm việc mới chỉ nghĩ đến xin việc chứ chưa chú ý nhiều đến việc liệu mình có phù hợp với công việc đó không, có đáp ứng được đòi hỏi của vị trí công tác đó không.

Đối với các nhà tuyển dụng, một hồ sơ đẹp, cách nói chuyện hay đôi khi không phải là quan trọng lắm. Người ta chỉ cần biết xem ứng viên hiểu gì về công ti, hiều gì về vị trí tuyển dụng. Các bạn cần phải trình bày cho nhà tuyển dụng biết mình là ai, mình có những ưu điểm gì và mình sẽ đáp ứng được công việc như thế nào, sẽ đóng góp gì cho công ti. Thể hiện được những điều đó là các bạn đã gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.

[img class="caption" src="images/stories/2008/5/img_5349.jpg" border="0" title="SV Khoa Báo chí và Truyền thông trình bày khoá luận tốt nghiệp" width="480"/>

- PV: Sinh viên lúng túng khi phải lựa chọn giữa công việc phù hợp chuyên môn nhưng lương thấp với những công việc không thuộc chuyên môn nhưng có mức lương hấp dẫn hơn. Anh có thể khuyên các bạn điều gì?

- ThS. PMH: Điều này liên quan đến chiến lược phát triển của từng cá nhân. Ở tầm dài hạn, nếu bạn đam mê công việc của mình thì ban đầu lương thấp không thành vấn đề. Theo thời gian, cộng với sự say mê công việc bạn có thể trở thành chuyên gia về lĩnh vực mình theo đuổi. Mà khi đã thành chuyên gia ở bất kì lĩnh vực nào thì bạn sẽ không nghèo khó, nếu không nói là sẽ sung túc, giàu có. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mà vì lí do kinh tế, các bạn cần chọn công việc mà dù là tay trái nhưng có thu nhập tốt hơn, sau đó sẽ có sự điều chỉnh lại. Nói chung là tuỳ hoàn cảnh, khả năng và mục đích của từng người mà đưa ra quyết định chọn việc. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn là hãy chọn và làm nghề mà mình đam mê, chắc chắn bạn sẽ khá giả đấy.

- PV: Một tình huống tương tự, nếu phải lựa chọn giữa một bên là công việc ở một cơ quan nhà nước với mức lương thấp và một bên là công việc ở các tổ chức phi chính phủ với lương cao nhưng được đánh giá là không ổn định, các bạn sinh viên nên quyết định như thế nào?

- ThS. PMH: Điều này thì cũng lại tuỳ thuộc vào tính cách của từng người xem đấy là người thích thử thách, thích biến động hay muốn ổn định. Tôi được biết là nhiều bạn trẻ làm ở các tổ chức phi chính phủ vì muốn được thử thách bản thân mình, muốn trải nghiệm để có những kinh nghiệm làm việc thực tế, để rèn cho mình một phong cách làm việc năng động. Có những người muốn công việc ổn định và có chiến lược phát triển lâu dài cho bản thân gắn bó với công việc đó. Nói chung là tuỳ sở thích và năng lực của mỗi người mà chọn việc. Nhưng thông thường, cái gì càng biến động thì cá nhân càng nhanh trưởng thành và mạnh mẽ. Cái gì ổn định thì ít thay đổi, ít tạo đột phá.

- PV: Khi làm việc tại một cơ quan mới sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ, sinh viên nên chủ động tìm hiểu những gì và chuẩn bị một tâm thế như thế nào để làm việc suôn sẻ?

- ThS. PMH: Quan trọng nhất là bạn phải biết mình ở vị trí nào, mình sẽ làm gì, từ đó chủ động tiếp nhận công việc. Khi bạn chủ động sẽ dễ hoà nhập hơn và công việc sẽ thuận lợi hơn. Nhiều bạn không biết mình sẽ làm gì nên thụ động ngồi chờ việc được giao, dẫn đến không được đánh giá cao trông công việc. Nếu cứ như vậy trong thời gian dài thì cá nhân sẽ bị đào thải.

- PV: Trên thực tế, có sinh viên than phiền là sếp quá độc đoán và khó tính để có thể tiếp cận và đưa ra ý kiến riêng, nên rất nhiều người chọn giải pháp là cứ lẳng lặng làm theo mọi ý kiến của sếp dù cũng chẳng “tâm phục khẩu phục”. Làm như vậy theo anh có đúng không?

- ThS. PMH: Trong công việc bạn phải biết lựa. Thường thì người sếp dù tính cách có thế nào thì họ cũng là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất cho bộ phận của mình. Các bạn cần phải tôn trọng họ. Hơn nữa, dù trong hoàn cảnh nào thì đã là một người làm việc, lại là lãnh đạo chịu trách nhiệm chính về công việc, họ vẫn muốn có những giải pháp tối ưu nhất cho công việc của mình. Khi họ nóng nẩy thì mình đừng tranh cãi lúc đó. Cũng không nên cứ lẳng lặng mà làm theo. Tốt nhất là nên lựa chọn lúc thích hợp để trình bày quan điểm của mình một cách hợp tình, hợp lí và hoá giải những bất đồng.

Ngoài khả năng chuyên môn, các bạn nên tìm hiểu văn hoá nơi làm việc để có cách thích ứng. Điều đó sẽ tạo thuận hợi nhiều hơn cho bạn trong công việc. Trong tâm lí học hiện đại, người ta ngày càng nhắc đến nhiều hơn thuật ngữ trí tuệ xúc cảm để nói đến khả năng hiểu biết về tâm lí, nhân cách, giá trị của con người, hiểu biết về văn hoá ứng xử, giao tiếp. Có trí tuệ xúc cảm và đưa nó vào trong việc ứng xử, giao tiếp, làm việc hàng ngày sẽ dễ đem đến cho bạn thành công hơn.

- PV: Một trường hợp mà sinh viên cũng rất hay gặp phải trong những ngày đầu đi làm, đó là “bị” các đồng nghiệp để ý, đưa ra những nhận xét khiến nhiều bạn thậm chí là bị “sốc”. Trong trường hợp ấy theo anh nên ứng xử thế nào?

- ThS. PMH: Đấy cũng là biểu hiện của văn hoá giao tiếp mà tôi vừa nhắc đến ở trên. Hiểu biết văn hoá giao tiếp hiện nay là cực kì quan trọng, bên cạnh việc bạn có chuyên môn tốt. Điều này còn liên quan đến kĩ năng làm việc nhóm - một kĩ năng quan trọng trong công việc hiện đại. Nếu bạn không hoà nhập được với đồng nghiệp thì bạn sẽ bị tẩy chay, bị cô lập và không hoàn thành được công việc. Mà việc bị trêu ghẹo, bị nhận xét không tốt là biểu hiện của việc bạn chưa hoà nhập được với văn hoá ứng xử nơi làm.

Cho nên, khi rơi vào trường hợp đó, tốt nhất là nên xem xét lại bản thân xem mình đã thực sự hoà nhập chưa. Nói chung khi nói đến văn hoá là hàm chứa cả yếu tố bảo thủ trong đó. Đôi khi chúng ta phải học cách thích nghi và thay đổi dần dần.

- PV: Cuối cùng, rất nhiều người đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau những vẫn chưa hài lòng với công việc hiện tại của mình, dù đã ở độ tuổi “cứng” - tức là không còn trẻ để tiếp tục thay đổi. Anh nghĩ là họ có nên tiếp tục tìm kiếm những công việc mới hay là bằng lòng với công việc đang làm nhưng sẽ mãi có tâm lí không thoả mãn?

- ThS. PMH: Như tôi đã nói ban đầu, chỉ khi làm công việc mà ta đam mê, yêu thích thì ta mới thấy thoả mãn và có những thành tựu nhất định trong công việc. Nếu bạn thấy mình đã sai lầm thì nên mạnh dạn thay đổi.

- PV: Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Thanh Hà (thực hiện)

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây