Âm nhạc giúp con người cân bằng lại cảm xúc của chính mình

Thứ hai - 18/08/2008 14:32

Tại hội thảo “Văn hoá và các liệu pháp cân bằng tâm lí” diễn ra trong hai ngày 24 và 25/7/2008 tại Trường ĐHKHXH&NV, TS. Trần Thu Hương, giảng viên Tâm lí học Trường ĐHKHXH&NV đã đem đến một tham luận bàn về phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đối với trẻ khuyết tật. Đây là một liệu pháp chữa trị tâm lí tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng được đánh giá là khá hữu hiệu đối với việc đưa trẻ khuyết tật hoà nhập được với cuộc sống bình thường. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn bên lề hội thảo với TS. Trần Thu Hương.

Tại hội thảo “Văn hoá và các liệu pháp cân bằng tâm lí” diễn ra trong hai ngày 24 và 25/7/2008 tại Trường ĐHKHXH&NV, TS. Trần Thu Hương, giảng viên Tâm lí học Trường ĐHKHXH&NV đã đem đến một tham luận bàn về phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đối với trẻ khuyết tật. Đây là một liệu pháp chữa trị tâm lí tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng được đánh giá là khá hữu hiệu đối với việc đưa trẻ khuyết tật hoà nhập được với cuộc sống bình thường. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn bên lề hội thảo với TS. Trần Thu Hương.

Phóng viên (PV): Thưa chị, phương pháp trị liệu nghệ thuật mà chị trình bày tại hội thảo hướng tới những đối tượng trẻ khuyết tật nào?

- TS. Trần Thu Hương (TS. TTH): Trong bài viết của mình, tôi chỉ nói đến khái niệm trẻ khuyết tật một cách chung nhất. Đó là những trẻ do khiếm khuyết nào đó của cơ thể dẫn đến sự giảm sút đáng kể trong việc thực hiện một số chức năng so với những trẻ bình thường. Chúng ta biết rằng khuyết tật thì do nhiều nguyên nhân gây ra: bẩm sinh, chấn thương sau sinh, ngộ độc khi thai nghén; tai nạn; do bị bệnh khác gây ra;… Và cũng có nhiều dạng khuyết tật khác nhau: khuyết tật về sự vận động, khuyết tật về các cơ quan giác quan (mù, câm, điếc,…), khuyết tật về trí tuệ (chậm phát triển), và các dạng tật khác.

Tại hội thảo này, tôi bàn tới việc sử dụng phương pháp nghệ thuật chủ yếu dành cho trẻ khuyết tật về trí tuệ và khuyết tật ở các cơ quan giác quan (khiếm thị, câm).

PV: Vậy mục tiêu của trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật là gì?

- TS. TTH: Là dạy trẻ cảm nhận và bộc lộ những cảm xúc bị dồn nén trong cơ thể chúng, giúp trẻ phát triển tốt hơn khả năng diễn đạt và giao tiếp, mở rộng sự tiếp xúc của chúng với người khác, với thế giới bên ngoài. Điều này cho phép trẻ khuyết tật phần nào có một cuộc sống gần với cuộc sống bình thường.

PV: Thưa chị, những cơ sở lí luận khoa học nào khẳng định tác dụng của việc dùng âm nhạc để đem lại những bình ổn về tinh thần cho trẻ khuyết tật?

- TS. TTH: Bạn biết đấy, kinh nghiệm về âm thanh được ghi nhận rất sớm trong cuộc sống tinh thần của chúng ta, từ khi còn trong bụng mẹ. Các nhà khoa học đã chứng minh được là: Âm thanh tham gia vào sự phát triển của trẻ nhờ vào mối quan hệ sớm được thiết lập giữa mẹ và trẻ. Chính vì vậy, nếu trong quá trình mang thai, người mẹ quan tâm đến việc thường xuyên nghe những bản nhạc du dương, bình ổn và tươi sáng, thì đứa trẻ bình thường sau khi ra đời sẽ có những tiền đề tốt cho sự phát triển của nó.

Ngay từ khi đứa trẻ ra đời, cách thức chúng ta hướng tới nó và được sử dụng nhiều nhất là âm nhạc. Đấy chính là giọng nói của những người xung quanh trẻ, là sự phong phú về độ lớn của giọng nói, thời lượng đặc hiệu tạo ra những đường sin về ngữ điệu, nhịp điệu cùng với sự vận động của toàn bộ cơ thể. Những thứ này thu hút sự chú ý của trẻ và khuyến khích nó thay đổi và hướng vào thế giới của giao tiếp bằng lời. Căn cứ này giúp chúng ta có thể giải thích một cách dễ dàng sự hình thành nên những cảm xúc ở trẻ, ý nghĩa của những cảm xúc ấy và cấu trúc của thế giới tình cảm của trẻ.

[img class="caption" src="images/stories/2008/8/11/p7252411-large.jpg" border="0" alt="TS. Trần Thu Hương (Ảnh: Thanh Hà)" title="TS. Trần Thu Hương (Ảnh: Thanh Hà)" width="320" align="right" ]

Những lời nói bao trùm xung quanh trẻ thể hiện nội dung nào đó của các thông điệp truyền tin. Trẻ có thể được nuôi dưỡng từ những kí hiệu âm nhạc ban đầu bên trong nó, phát triển rất nhanh những thông điệp ngôn ngữ mà nó được tiếp nhận, được lĩnh hội từ người lớn, và thiết lập nên những mối quan hệ giao tiếp dựa trên những kinh nghiệm mà nó học được. Theo tác giả Peretz (2003), âm thanh tạo nên các giai điệu thể hiện những tình cảm con người: tình yêu, sự giận dữ, sự trả thù, nỗi nhớ nhung, và tất cả những gì mà con người cảm nhận được trong quá trình sống và tồn tại.

Đối với trẻ khuyết tật, việc lắng nghe các âm thanh cũng như sự lặp lại các âm thanh, các nhịp điệu sẽ tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thích ứng tốt hơn với môi trường luôn thay đổi và thể hiện được bản thân. Nói một cách cụ thể hơn, thông qua âm nhạc, trẻ khuyết tật có thể được kiến tạo, được an ủi, được bộc lộ và có thể trở nên sáng tạo. Cũng như những đứa trẻ bình thường, trẻ khuyết tật hoàn toàn có quyền được sáng tạo và âm nhạc là một trong những sáng tạo của chúng, là một trong những hình thức của xung năng sáng tạo, đôi khi rất khó nhìn thấy nhưng luôn luôn sống động. Như thế, âm nhạc dần trở thành phương tiện, công cụ hữu ích nhất cho trẻ khuyết tật trong quá trình thiết lập các mối quan hệ xã hội.

PV: Chị có thể mô tả các cách thức hoạt động cụ thể trong trị liệu âm nhạc đối với trẻ khuyết tật?

- TS. TTH: Có một số cách thức trong trị liệu âm nhạc như sau: dạy trẻ cảm nhận và bộc lộ qua một đồ vật phát ra âm thanh: trẻ lắng nghe nó, nghe người khác, chơi với người khác; dạy trẻ học các đoạn nhịp điệu và diễn lại chúng; quan sát sự diễn đạt của người khác; yêu cầu trẻ thể hiện lại một đoạn nhạc; giúp trẻ hiểu âm nhạc và học lời hát; nhớ các âm thanh, các lời bài hát; dạy trẻ cách để toàn bộ cơ thể chìm vào việc nắm bắt các cảm giác của nó, tình cảm của nó, trí tưởng tượng và cảm xúc của nó.

PV: Thưa chị, vậy đâu là điểm nhấn quan trọng nhất trong phương pháp trị liệu bằng âm nhạc?

- TS. TTH: Điểm nhấn trong sự tác động của âm nhạc là tạo ra một phản ứng ở trẻ, và mở ra một kênh giao tiếp hữu hiệu. Chưa phải là âm nhạc, mà ngay ở những âm thanh được tạo ra và được lĩnh hội, chúng ta và trẻ đã có thể bắt đầu một cuộc đối thoại, một sự trao đổi, một sự dẫn dắt nhằm phá vỡ những rào cản trong giao tiếp. Nói một cách khác, trị liệu âm nhạc có thể là cần thiết đối với trẻ khuyết tật, bởi trẻ có thể sử dụng âm nhạc như một cách thức biểu đạt và giao tiếp với thế giới xung quanh.

Một khái niệm chủ chốt được nhắc đến trong quá trình trị liệu bằng âm nhạc, đó là khái niệm về sự hoà hợp. Theo những cách thức khác nhau của tất cả các nền âm nhạc thế giới, sự hoà âm của âm nhạc phải lí giải được sự hài hoà của vũ trụ, của tự nhiên và sự hài hoà của con người. Chính vì thế, một âm sắc phong phú, một giai điệu đẹp, một nhịp điệu phấn khích đều là phương tiện quý báu giúp trẻ hoà hợp với chính bản thân mình và với thế giới. Đây chính là vai trò thực sự, sâu sắc của trị liệu âm nhạc. Âm nhạc tồn tại theo cách thức này có ý nghĩa đặc biệt trong chữa trị những tổn thương, những rối loạn về tinh thần và thể xác ở trẻ khuyết tật.

PV: Vậy trị liệu bằng âm nhạc được sử dụng như một phương pháp chữa trị riêng biệt hay phải kết hợp với các phương pháp trị liệu khác để đạt được hiệu quả mong muốn?

- TS. TTH: Trị liệu âm nhạc không thể sử dụng độc lập mà phải được kết hợp với các phương pháp trị liệu khác (ví dụ như liệu pháp thư giãn,…) để hình thành nên một cách tiếp cận về cảm giác, nhằm mục tiêu là thông qua các âm thanh và giai điệu, giải toả những khó khăn tâm lí, đồng thời hỗ trợ làm giảm những tổn thương, những rối loạn cơ thể và tâm thể. Trị liệu âm nhạc là một kĩ thuật trong trị liệu nghệ thuật.

Theo Winnicott, trị liệu âm nhạc, cũng như các phương pháp trị liệu nghệ thuật khác, có thể dẫn dắt trẻ khuyết tật tham gia tích cực và sáng tạo vào các mối quan hệ xã hội. Cách thức này cần ít thời gian hơn so với các cách thức trị liệu bằng lời nói cổ điển.

PV: Cá nhân chị đã từng tham gia một ca trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ khuyết tật nào chưa và kết quả ra sao?

- TS. TTH: Với trẻ khuyết tật thì chưa. Tôi đang "liều" sử dụng liệu pháp này trong việc chữa trị và chăm sóc cho một trẻ tự kỉ nhẹ và một trẻ hung tính, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc để cho trẻ nghe âm thanh, nghe một bản nhạc không lời dành cho trẻ em. Mỗi khi làm việc với trẻ, tôi thường vừa bật nhạc để tạo cho trẻ có một cảm giác yên bình trong một không gian tràn ngập những giai điệu tươi sáng, nhẹ nhàng, vừa cho trẻ chơi các trò chơi như nặn đất, vẽ tranh,… Có thể nói rằng, âm nhạc giúp trẻ bình tâm và giúp tôi thiết lập được sợi dây liên hệ với chúng. Thông qua đó, trẻ đã học được một nguyên tắc cần thiết là tính kỉ luật, mở rộng thế giới tiếp xúc của chúng và trở nên hiền hoà hơn. Hiện nay, hai trường hợp này vẫn đang được tiếp tục.

PV: Hiện nay, ở Việt Nam, trị liệu bằng âm nhạc đã được áp dụng như thế nào?

- TS. TTH: Ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều cơ sở, cũng chưa có nhiều chuyên gia sử dụng âm nhạc trong chữa trị cho những nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lí nói chung và cho nhóm trẻ khuyết tật nói riêng như một liệu pháp chữa trị khoa học. Tuy nhiên, đứng ở góc độ văn hoá, liệu pháp này đã được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nó tự nhiên lắm. Đấy chính là những lời ru của bà, của mẹ khi chúng ta còn bé. Nó thấm đượm trong chúng ta và giúp cho chúng ta xây dựng những mối giao cảm sâu sắc với thế giới tự nhiên và với xã hội.

PV: Theo chị, trong tương lai, chữa trị bằng liệu pháp âm nhạc có nên được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy với tư cách là một kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành tâm lí học hay không?

- TS. TTH: Thực sự là nên. Thực tế, liệu pháp này được coi là một trong nhiều kĩ thuật của ngành tâm lí học trị liệu. Hướng sinh viên chuyên ngành tâm lí tới việc hiểu, nắm vững và sử dụng thành thạo các kĩ thuật, các phương pháp chữa trị cho các đối tượng bị tổn thương tâm lí trong xã hội là mục tiêu cơ bản trong đào tạo các nhà tâm lí học lâm sàng tương lai ở khoa Tâm lí học.

PV: Một câu hỏi cuối cùng, theo chị, phương pháp trị liệu âm nhạc có thể được áp dụng đối với các nhóm đối tượng khác ngoài trẻ khuyết tật hoặc trong một vài trường hợp cụ thể nào khác hay không?

- TS. TTH: Liệu pháp âm nhạc có thể được sử dụng với bất kì ai, không chỉ là với trẻ khuyết tật hoặc với những trẻ trong hoàn cảnh khó khăn. Bản thân chúng ta, mỗi khi có những căng thẳng nào đó khó giải toả, có những vấn đề khó giải quyết,… đều có thể sử dụng âm nhạc để khiến chúng ta bình tâm trở lại. Âm nhạc giúp chúng ta cân bằng lại cảm xúc của chính mình.

- PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây